Thứ Sáu, 11 tháng 11, 2011

THỰC HIỆN ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO Ở VIỆT NAM THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


Đoàn kết tôn giáo là một trong những cơ sở nền tảng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là bộ phận hữu cơ bảo đảm cho cách mạng giành được thắng lợi dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Bàn về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn vô cùng quý báu, là cơ sở, kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng, Nhà nước ta trong nhận thức và giải quyết vấn đề tôn giáo, cụ thể trên các nội dung cơ bản sau:  
 Một là, đoàn kết tôn giáo trên cơ sở lợi ích chung của dân tộc, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ công dân
Để bảo đảm sự đoàn kết giữa các lực lượng được bền chặt, thống nhất phải dựa trên cơ sở lợi ích, đó là sự kết hợp, giải quyết hài hòa giữa lợi ích dân tộc với lợi ích của các tầng lớp nhân dân lao động, trong đó có bộ phận quan trọng là đồng bào giáo dân. Lợi ích đó là: Đất nước phải có độc lập, nhân dân phải được sống trong tự do, có đời sống ấm no, hạnh phúc, ai cũng được học hành, được thực hiện các quyền và nghĩa vụ công dân. Trong cuộc tổng Tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Hồ Chí Minh khẳng định: “tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống”[1], và khi đất nước bị xâm lăng thì “bất kỳ đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc... Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước”[2]. Trong xã hội dân chủ, nhân dân có quyền lợi và nghĩa vụ trong thực hành dân chủ, Hiến pháp năm 1946 và năm 1959 do Người trực tiếp chỉ đạo xây dựng đã chỉ rõ: “Nhà nước bảo đảm quyền tự do dân chủ cho công dân, nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân”[3]... Những quyền đó phải đi đôi với nghĩa vụ, trách nhiệm của công dân theo hiến pháp, pháp luật.
Hai là, thực hiện đoàn kết rộng mở
Hồ Chí Minh luôn chú trọng đoàn kết với đồng bào Công giáo là Việt kiều ở nước ngoài. Trong buổi nói chuyện với bà con Việt kiều, trong đó có đồng bào Công giáo nhân chuyến đi thăm Pháp năm 1946, Hồ Chí Minh đã nói rằng: phái đoàn sang đây mang đến cho đồng bào một món quà, không phải bánh trái, không phải tiền bạc mà là tinh thần dân tộc “Đoàn kết trên hết, Tổ quốc trên hết”. Đoàn kết những người cộng sản với những người theo tôn giáo. Khi trả lời cho câu hỏi người Công giáo có thể vào Đảng Lao động được không? Hồ Chí Minh đã trả lời: “Có. Người Công giáo nào cũng được, miễn là trung thành, hăng hái làm nhiệm vụ, giữ đúng kỷ luật của Đảng. Nước ta kinh tế lạc hậu, kỹ thuật kém, tôn giáo là duy tâm, cộng sản là duy vật, nhưng trong điều kiện hiện tại, người theo đạo vẫn vào Đảng được”[4]. 
Ba là, tôn trọng niềm tin, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân-đó là quyền thiêng liêng, căn bản của mỗi người không ai được xâm phạm hoặc làm tổn hại. Quyền tự do ấy đã được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945: Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc. Tức là, “mọi người có quyền tự do tin đạo hay không tin, không ái được cưỡng bách và khinh rẻ họ… Ngày nay chính sách của Đảng Cộng sản là bảo hộ tôn giáo và ngày sau cũng vậy”[5]. Mọi sự áp đặt, o ép và cưỡng ép đều là trái với quyền tự do tín ngưỡng và có nghĩa là vi phạm hiến pháp và pháp luật hiện hành của nước ta. Tại chương II, mục B, Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (năm 1946), đã ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Nếu ai làm sai Hiến pháp, khiêu khích công giáo sẽ bị phạt. Ngày 14/6/1955, Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh 234/SL về vấn đề tôn giáo, trong đó khẳng định: “Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và tự do thờ cúng, quyền theo hoặc không theo bất cứ tôn giáo nào”, “tự do giảng đạo tại các cơ quan tôn giáo” và “khi truyền bá tôn giáo”, các tổ chức tôn giáo được sử dụng sách báo tôn giáo, được phép mở trường tư thục theo chương trình giáo dục của Chính phủ. 
 Bốn là, Đảng, Nhà nước có trách nhiệm chăm lo đời sống của giáo dân
Để tập hợp và đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến lợi ích thiết thực của giáo dân, cả phần đời và phần đạo, cả phần xác và phần hồn, bởi “phần xác có no ấm thì phần hồn mới thong dong”, cho nên nước độc lập mà dân không được ấm no, hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lý gì. Do đó, đồng bào và chiến sĩ cả nước phải quan tâm, chăm lo đến đời sống của đồng bào tôn giáo; Chính phủ cần có chính sách cụ thể để cải thiện cuộc sống cho đồng bào, động viên, khuyến khích mọi người tích cực tăng gia sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần; đồng bào lương, giáo phải đoàn kết cùng nhau lao động, sản xuất chăm lo xây dựng cuộc sống mới, hăng hái tham gia mọi công việc xây dựng Tổ quốc; tôn trọng niềm tin của đồng bào có đạo, bảo tồn và phát huy các giá trị của văn hóa tôn giáo, các sinh hoạt tôn giáo.
Năm là, phát huy những yếu tố tương đồng
Để thực hiện chiến lược đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết tôn giáo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chủ trương phát huy những yếu tố tương đồng, khắc phục những dị biệt, kiên quyết tránh xúc phạm đến đức tin của đồng bào có tôn giáo. Điểm tương đồng ở đây, trước hết, giữa các tôn giáo chân chính xét đến cùng đều có hy vọng giải thoát con người, mong muốn con người được sung sướng tự do, hạnh phúc. Người khẳng định: “Phật sinh ra để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha”, “Đức Giê su hy sinh là vì muốn loài người được tự do, hạnh phúc”...; trong chế độ cũ, phần lớn các tín đồ tôn giáo đều là những người lao động bị áp bức bóc lột; ở họ đều có tinh thần yêu nước thực sự,... chính vì thế, họ là lực lượng của cách mạng, là bộ phận quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân.
Không chỉ nhấn mạnh sự tương đồng giữa các tôn giáo mà Người còn tìm ra sự tương đồng giữa các tôn giáo với chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội, chính là tinh thần “không có gì quý hơn độc lập tự do”; là xây dựng đất nước Việt Nam độc lập, hoà bình, thống nhất, dân chủ và giầu mạnh, mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho nhân dân, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới, bởi vì, “Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do, nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”[6]. Quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo không tách rời với vận mệnh dân tộc, vận mệnh đất nước, cho nên, mọi người dân Việt Nam dù có tín ngưỡng hay không đều phải góp phần mình để giành và giữ nền độc lập nước nhà.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn tôn trọng những người đã sáng lập ra một số tôn giáo lớn và tranh thủ, cảm hóa các chức sắc cũng như quan tâm đến đồng bào có đạo, động viên họ tham gia vào sự nghiệp cách mạng chung của dân tộc; tôn trọng, gạn đục, khơi trong, giữ gìn và tiếp biến những giá trị đạo đức, văn hóa của các tôn giáo lớn để làm phong phú, đa dạng nền văn hóa của dân tộc. Cùng với đó, Người luôn chủ trương giúp đỡ các tôn giáo lập ra các tổ chức yêu nước để phát huy nội lực đoàn kết yêu nước của họ. Ngày 15/3/1946, Người ký quyết định thành lập Việt Nam Phật giáo Hội; ngày 06/3/1946, Liên đoàn Công giáo Việt Nam ra đời.
Những việc làm trên của Người đã như một luồng sinh khí mới thổi vào tâm hồn của những tín đồ yêu nước kính Chúa, tôn thờ Đức Phật, khơi dậy lòng nhiệt tình cách mạng, xoá bỏ những rào cản giữa các tôn giáo để cùng cộng sinh, cộng hưởng, cộng đồng trách nhiệm trước vận mệnh của Tổ quốc.
Sáu là, mọi hoạt động của các tổ chức tôn giáo cũng như giáo dân phải trên cơ sở pháp luật
Thừa nhận, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, nhưng không vì thế mà tôn giáo đứng ngoài pháp luật, các tổ chức tôn giáo phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, theo quy định tại Điều 11, Sắc lệnh số 234/SL về vấn đề tôn giáo đã ghi rõ: Khi phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất, những giám mục, linh mục, nhà sư, mục sư, chức sắc có ruộng đất riêng phát canh thu tô như địa chủ, sẽ không quy định thành phần là địa chủ, nhưng phải thi hành đúng chính sách ruộng đất của Chính phủ... Hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước. Pháp luật sẽ trừng trị những kẻ nào mượn danh nghĩa tôn giáo để phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, tuyên truyền chiến tranh, phá hoại đoàn kết, ngăn trở tín đồ là nghĩa vụ công dân, xâm phạm tự do tín ngưỡng và tự do tư tưởng của người khác, hoặc làm những việc khác trái pháp luật.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn phân định rạch ròi thái độ, cách thức ứng xử theo các mức độ khác nhau, như đối với chủ nghĩa thực dân và các thế lực tôn giáo phản động cấu kết với nhau, đó là cuộc đấu tranh chống kẻ địch; đối với đồng bào tôn giáo làm sai chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là đấu tranh trong nội bộ nhân dân; đối với kẻ lừa bịp, lợi dụng tôn giáo để gây chia rẽ, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào chống lại Tổ quốc, cưỡng bức đồng bào phải lìa bỏ quê hương, sa vào một đời sống tối tăm cực khổ về phần xác cũng như phần hồn, Chính phủ sẽ nghiêm trị; đối với những giáo hữu đã nhầm di cư vào Nam, Chính phủ đã ra lệnh cho địa phương giữ gìn cẩn thận ruộng vườn, tài sản của những đồng bào ấy và sẽ giao trả lại cho những người trở về; đối với chính quyền các cấp phạm sai lầm trong công tác dân vận, nhất là công tác tôn giáo, thì phải xử lý nghiêm minh.
Khi giải quyết vấn đề tôn giáo phải trên tinh thần: kiên trì, nhẫn nại, chân tình. Nếu đã hết sức kiên trì mà không đạt kết quả thì phải kiên quyết, nghiêm khắc xử lý kẻ nào vi phạm Hiến pháp và khiêu khích bà con Công giáo, đồng thời, phải tỉnh táo phân biệt rõ bạn, thù để có cách ứng xử phù hợp, phải nắm vững nguyên tắc xử lý vấn đề công tác tôn giáo theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối của Đảng ta; chủ động vạch trần mọi luận điệu xuyên tạc của bọn đế quốc, tay sai phản động... có như vậy mới giải tỏa hiểu lầm, tăng cường đoàn kết nhân dân.
Kế thừa và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo, trong những năm đổi mới vừa qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác tôn giáo như Nghị quyết số 24/NQ-TW ngày 16/10/1990; Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành TW Đảng; Quốc hội khoá 11 đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (số 21/2004/ PL-UBTVQH 11) quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ ban hành nghị định số 22/2005/ NĐ-CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 1940/ CT-TTg ngày 31/12/2008 “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” và nhiều văn bản hướng dẫn của Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan, tiếp tục khẳng định rõ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào”. Các chính sách, pháp luật đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt, sâu sắc của Đảng, Nhà nước Việt Nam đến nhu cầu tín ngưỡng của tín đồ, chức sắc các tôn giáo, làm cho quần chúng nhân dân, tín đồ và các chức sắc tôn giáo yên tâm phấn khởi tích cực thực hiện tốt cả “việc đạo, việc đời” tin tưởng vào chính sách tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, lao động sản xuất phát triển kinh tế - xã hội, đấu tranh ngăn chặn những hoạt động lợi dụng tôn giáo góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đánh giá cao những đóng góp của cộng đồng các tôn giáo trong lịch sử và vai trò, vị trí của tôn giáo, tín ngưỡng trong thời kỳ mới, Đảng ta khẳng định:Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta”[7]. 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì trong quá trình tổ chức thực hiện nơi này, nơi kia, còn có hiện tượng nhận thức nóng vội, chủ quan làm cho vấn đề trở nên phức tạp. Cùng với đó, thời gian qua vẫn còn xảy ra một số vụ lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để gây rối trật tự công cộng, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng; muốn tách khỏi sự quản lý của nhà nước trong các lĩnh vực: Xây dựng, sửa nơi thờ tự, hoạt động lễ hội, quan hệ với các tổ chức, cá nhân, tôn giáo nước ngoài; tranh chấp, khiếu kiện đòi lại nhà, đất và cơ sở thờ tự... Một số hoạt động và hiện tượng tôn giáo mới xuất hiện trái pháp luật ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thành lập hội đoàn, dòng tu... không xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đòi phục hồi các giáo hội đã bị Nhà nước giải thể... Một số địa phương, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số, một số đối tượng lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để tiến hành các hoạt động chống đối, kích động tín đồ, nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất ổn định chính trị.
Việt Nam là quốc gia đa tôn giáo, phân bố ở nhiều vùng miền trên phạm vi cả nước với số lượng tín đồ trên 20 triệu người, đây là một lực lượng quan trọng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, sẽ góp phần quan trọng trong việc “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[8]. Đặc biệt, trong những năm tới, Đảng ta dự báo, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi mới, thì “nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp,... các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta...”[9]. Chính vì thế, việc xây dựng và phát huy sức mạnh của đồng bào giáo dân, theo chúng tôi, cần tập trung vào các vấn đề cơ bản sau:
Một là, tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, giáo dục lòng yêu nước, truyền thống dân tộc và các giá trị văn hoá tốt đẹp của đất nước; phát huy vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị để thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong giai đoạn hiện nay.
Hai là, quan tâm phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng, xoá đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ở các địa bàn có đông người theo đạo, vùng có đông người dân tộc thiểu số, vùng núi, biên giới và các xã, thôn, bản, ấp, phum, sóc đặc biệt khó khăn; tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật.
Ba là, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo phù hợp với quan điểm của Đảng; phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo; động viên các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống tốt đời, đẹp đạo, tham gia đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bốn là, quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, trong công tác tuyên truyền cần chỉ rõ âm mưu, hoạt động lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch nhằm phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo để có tinh thần chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để mê hoặc, chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, làm tổn hại đến lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các chức sắc tôn giáo, đồng bào theo đạo và các tầng lớp nhân dân nắm và hiểu đúng, đầy đủ quan điểm, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về tôn giáo; cán bộ làm công tác vận động quần chúng tín đồ, chức sắc tôn giáo các cấp cần nắm chắc chính sách, pháp luật về tôn giáo; thực sự gần gũi, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của quần chúng tín đồ; tôn trọng và tạo điều kiện thuận lợi để tín đồ, chức sắc các tôn giáo hoạt động đúng pháp luật, vận động đồng bào giáo dân tích cực tham gia các phong trào cách mạng ở địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền đối ngoại để nhân dân thế giới và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiểu rõ, hiểu đúng về chính sách tôn giáo của Nhà nước Việt Nam, tình hình tôn giáo ở trong nước.
Việc nghiên cứu, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo nhằm đưa ra cách ứng xử phù hợp, để quy tụ sức mạnh toàn dân tộc góp phần tạo ra sự ổn định chính trị-xã hội, thúc đẩy sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, thực hiện vững chắc việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, là điều cần thiết hơn bao giờ hết.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.8.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.480.
[3] Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.593.
[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.115.
[5] Đặng Nghiêm Vạn (Chủ biên). Những vấn đề lý luận và thực tiễn tôn giáo ở Việt Nam, Nxb KHXH, Hà Nội, 1998, tr.294.
[6] Báo Cứu quốc, ngày 14-01-1946
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương khoá IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003, tr.48.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.149.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI., sđd, tr.184-185.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét