Thứ Năm, 2 tháng 2, 2012

SỰ LÃNH ĐẠO ĐÚNG ĐẮN CỦA ĐẢNG LÀ NHÂN TỐ HÀNG ĐẦU QUYẾT ĐỊNH THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG VIỆT NAM TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY


Trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những bài học kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, nhất là những kinh nghiệm thực tiễn của cách mạng nước ta, Đảng ta đã đi đến một quan niệm về Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
Đảng ta không tư duy chủ nghĩa xã hội theo mô hình cứng nhắc, được thiết kế sẵn hoặc sao chép. Đảng ta chỉ xác định những giá trị tạo thành bản chất của chủ nghĩa xã hội, có tính ưu việt vượt xa xã hội tư bản chủ nghĩa và xác định những mục tiêu cần phấn đấu để xây dựng xã hội ở nước ta. Đồng thời, Đảng ta cũng nhận thấy đây là một quá trình cách mạng sâu sắc, triệt để, đấu tranh phức tạp giữa cái cũ và cái mới nhằm tạo ra sự biến đổi về chất trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất thiết phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều bước phát triển, nhiều hình thức tổ chức kinh tế, xã hội đan xen.
Dựa trên sự phân tích khoa học những thiếu sót trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của các Đảng anh em và nhất là của bản thân mình, Đảng ta đã xác định những phương hướng cơ bản của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ nhằm tới mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh theo các phương hướng cơ bản sau đây: Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường. Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ba là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất. Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.
Dưới ánh sáng của quan niệm và những phương hướng đó, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta giành được những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng đất nước: nền kinh tế tăng trưởng khá, đất nước thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; công nghiệp hoá, hiện đại hoá được đẩy mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; quan hệ đối ngoại được mở rộng, vị thế nước ta trên trường quốc tế được nâng cao; an ninh quốc phòng được giữ vững, chính trị của đất nước được ổn định.
Những thành tựu mà công cuộc đổi mới trong hơn hai mươi năm qua giành được đã chứng minh hùng hồn quan niệm về chủ nghĩa xã hội và những phương hướng xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ ở nước ta mà Đảng ta đã đề ra là đúng đắn và sáng tạo. Ở đây, chỉ xin nhấn mạnh một số vấn đề sau:
Một là, chúng ta đang thực hiện nền kinh tế nhiều thành phần nhằm phát triển lực lượng sản xuất, phát triển nền sản xuất xã hội phục vụ đời sống của nhân dân, phục vụ công cuộc xây dựng đất nước
Trong công cuộc đổi mới chúng ta đã khắc phục thiếu sót trong nhận thức và vận dụng quy luật quan hệ sản xuất phải phù hợp với trình độ của lực lượng sản xuất. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, vai trò của mỗi thành phần là khác nhau, thành phần kinh tế quốc doanh đóng vai trò chủ đạo và cùng với kinh tế tập thể tạo thành nền tảng của nền kinh tế quốc dân. Trong chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, doanh nghiệp nhà nước chưa cần nhiều nhưng phải là những doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực then chốt của nền kinh tế và trên những địa bàn quan trọng. Trong quá trình xây dựng, cùng với sự phát triển của lực lượng sản xuất phải từng bước hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Đó là đòi hỏi khách quan, vì chủ nghĩa xã hội khi được xây dựng xong thì quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phải chiếm ưu thế. Nhưng Đảng ta đã không nóng vội, chủ quan, duy ý chí, mà phải dựa trên sự phát triển của lực lượng sản xuất.
Trong việc sắp xếp lại các doanh nghiệp, Nhà nước phải có chính sách và biện pháp làm cho doanh nghiệp quốc doanh thực sự là đại diện cho lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất tiên tiến trong nền kinh tế quốc dân, đi đầu trong ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, nêu gương về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, về năng lực cạnh tranh, về khoa học quản lý, về thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động và chăm lo đời sống của công nhân. Đối với kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã, phải làm cho thành phần kinh tế này hoạt động ngày càng có hiệu quả, khắc phục những yếu kém về cơ sở vật chất kỹ thuật, về trình độ khoa học, về năng lực quản lý để làm cho chất lượng của thành phần kinh tế này ngày càng nâng lên.
Chúng ta đề ra các thành phần kinh tế đều bình đẳng và được khuyến khích phát triển để mang lại ích nước, lợi nhà, nhưng điều đó chỉ có ý nghĩa là các thành phần kinh tế đều bình đẳng trước pháp luật, thành phần nào, cơ sở nào hoạt động trái với pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật chứ không có nghĩa là từ bỏ sự quan tâm đối với các thành phần kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể để tạo ra nền tảng vững chắc cho nền kinh tế quốc dân trong thời kỳ quá độ, tạo ra lực lượng vật chất bảo đảm cho Nhà nước đấu tranh để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa của công cuộc xây dựng kinh tế trong thời kỳ quá độ.
Hai là, nền kinh tế nhiều thành phần gắn với cơ chế thị trường để phát triển được cần phải xây dựng một hệ thống thị trường đồng bộ, bao gồm: thị trường hàng hoá và dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường khoa học và công nghệ… Các yếu tố của hệ thống trên tuy có được Nhà nước xây dựng nhưng còn sơ khai. Nền kinh tế thị trường chứa đựng cả mặt tích cực và tiêu cực. Sự cạnh tranh đi đến phân hoá giàu nghèo đã thúc đẩy con người chạy theo lợi ích trước mắt, cục bộ, ít nghĩ đến lợi ích lâu dài, toàn cục; hoặc chạy theo lợi ích cá nhân, thờ ơ với lợi ích của cộng đồng, của xã hội như bảo vệ tài nguyên, môi trường nên dẫn đến những hậu quả nặng nề cho đất nước.
Nền kinh tế thị trường của ta là nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, trong đó sự phân bổ các nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân chủ yếu là do thị trường quyết định, nhưng Nhà nước đóng một vai trò cực kỳ quan trọng trong điều tiết vĩ mô bảo đảm giữ vững sự cân đối và sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước phải thông qua chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách và luật pháp mà quản lý và luôn luôn quán triệt tính giai cấp của quản lý để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và phục vụ cho lợi ích của quần chúng nhân dân. Thông qua các công cụ trên đây và thực lực kinh tế của mình (kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể) để Nhà nước điều tiết vĩ mô. Đồng thời, ngăn chặn và xử lý những lệch lạc nhằm tạo ra môi trường và điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm sự thống nhất giữa tăng trưởng kinh tế với công bằng xã hội, giữ gìn và sử dụng tài nguyên quốc gia nhằm bảo tồn và phát triển nó. Chỉ có như vậy mới có thể duy trì và phát huy được các ưu điểm và hạn chế, khắc phục những nhược điểm, khuyết điểm vốn có của nền kinh tế thị trường, bảo đảm cho nền kinh tế đó phát triển theo đúng định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, các yêu cầu đã chưa được đáp ứng và chất lượng quản lý còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, cần tập trung xây dựng hệ thống công cụ này để công tác quản lý phát huy được mặt tích cực, hạn chế được mặt tiêu cực của cơ chế thị trường và giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong công cuộc xây dựng đất nước.
Ba là, xu thế của thời đại là hoà bình, hợp tác và phát triển, không một nước nào đứng ngoài xu thế đó mà có thể phát triển nhanh và bền vững. Vì thế, ta đã chủ động hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế. Trước thời cơ và thách thức, chúng ta cần có bản lĩnh và sáng tạo để hội nhập nhưng không hoà nhập; hợp tác nhưng không từ bỏ đấu tranh, bởi có đấu tranh mới thực hiện được mục đích của hợp tác; đặc biệt là đi đôi với hội nhập, ta phải xây dựng một nền kinh tế độc lập và tự chủ.
Nền kinh tế độc lập tự chủ đòi hỏi chúng ta phải biết tận dụng những thuận lợi của thời đại để thu hút vốn, kỹ thuật hiện đại và công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm quản lý, mở rộng thị trường. Nhưng, chúng ta không chấp nhận điều kiện của bất kỳ ai, bất cứ một viện trợ nào kèm theo điều kiện có hại cho lợi ích quốc gia, dân tộc. Để chủ động hội nhập khu vực, quốc tế và xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ thì trước hết phải nghiên cứu nắm vững thực tiễn của nền kinh tế đất nước và xác định những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ quá độ. Cần xây dựng một chiến lược kinh tế xã hội, chiến lược đầu tư sản xuất, kinh doanh và lộ trình hội nhập khu vực, thế giới trên cơ sở khoa học và sát với thực tiễn Việt Nam.
Bốn là, sự phát triển của khoa học và công nghệ như vũ bão trong thời đại ngày nay đã đưa lại kinh tế tri thức, trong đó lao động trí óc thay dần cho lao động cơ bắp và khoa học công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.
Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang đòi hỏi một sự phát triển về khoa học công nghệ của nước ta. Xây dựng một chiến lược về khoa học và công nghệ, trong đó hết sức coi trọng nghiên cứu cơ bản và phát triển một số khoa học mũi nhọn như: công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo và tự động hoá đang là một đòi hỏi khách quan và cần tập trung đầu tư triển khai một cách tích cực. Việc hội nhập quốc tế để tranh thủ kỹ thuật hiện đại và công nghệ tiên tiến đòi hỏi chúng ta phải nhạy bén sáng suốt, có sự am hiểu chuyên môn nhằm khắc phục nhập khẩu kỹ thuật lạc hậu của các nước phát triển; giúp đất nước vừa tiến tuần tự vững chắc, vừa có những bước nhảy vọt về khoa học và công nghệ.
Để nâng cao vai trò khoa học và công nghệ trong phát triển lực lượng sản xuất, giáo dục và đào tạo của đất nước cần có những chuyển biến mạnh mẽ để phát huy tốt nhất nhân tố con người, làm cho con người trở thành yếu tố sống động nhất trong lực lượng sản xuất, tạo ra năng suất cao, chất lượng tốt cho nền kinh tế, làm nòng cốt cho sự phát triển khoa học và công nghệ, đồng thời bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thực tế đó làm cho công tác giáo dục, đào tạo trở thành lĩnh vực quan trọng nhất của công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ. Công tác khoa học và công nghệ cũng như công tác giáo dục và đào tạo phải gắn liền với xây dựng và phát triển nền kinh tế của đất nước.
Năm là, cần nhận thức đúng và khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, đẩy lùi chủ nghĩa cá nhân, sự "thương mại hoá" các lĩnh vực của đời sống xã hội và tình trạng con người lấy đồng tiền làm lẽ sống.
Trong quần chúng nhân dân, các hiện tượng làm ăn phi pháp, dối trá, lừa đảo, đầu cơ tích trữ, gian lận thương mại… đang diễn ra hàng ngày. Trong cán bộ, đảng viên có chức, có quyền thì tham nhũng đang là một tệ nạn lớn, đã được Đảng coi là quốc nạn, là một trong nguy cơ của đất nước. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chỉ thị, nghị quyết và việc làm để chống lại các tệ nạn trên, nhưng đến nay hiệu quả cũng còn hạn chế. Việc tìm ra nguyên nhân của sự hạn chế này đang là một đòi hỏi cấp bách. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng phải chăng có mấy vấn đề chủ yếu sau: Thứ nhất, chưa thấy hết nguồn gốc của những tệ nạn trên để có phương hướng công tác tư tưởng đúng và làm trong sạch bộ máy Đảng, chính quyền các cấp. Thứ hai, chưa thấy hết thực trạng của những tiêu cực để khắc phục, đặc biệt là kết hợp tốt công tác giáo dục chính trị, đạo đức với hoạt động của luật pháp.
Sáu là, chúng ta đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững để xây dựng đất nước, nhưng không thể mất cảnh giác với âm mưu của kẻ thù đối với nước ta.
Cuộc đấu tranh chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ là một cuộc đấu tranh toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội vô cùng phức tạp. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải chống lại mọi âm mưu thủ đoạn của kẻ thù một cách liên tục, kiên quyết, không khoan nhượng, nhưng lại phải khôn khéo trong môi trường hợp tác. Hơn nữa, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc không phải chỉ có chống "diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ, mà còn phải sẵn sàng đánh bại mọi cuộc chiến tranh xâm lược. Chiến lược "ra tay trước đánh đòn phủ đầu", chủ nghĩa đơn phương và thái độ lộng hành của chủ nghĩa đế quốc đòi hỏi chúng ta phải cảnh giác. Trước chiến lược mới của kẻ thù, không thể coi nhẹ sự nghiệp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm cả trên mặt đất, trên biển, trên không, nhất là trong tình huống địch tiến hành chiến tranh hiện đại sử dụng công nghệ cao. Với điều kiện của đất nước ta hiện nay, nếu chiến tranh xảy ra thì phải lấy chiến tranh nhân dân nhưng là chiến tranh nhân dân hiện đại để đánh thắng kẻ thù. Vì vậy, không thể dừng lại ở những kinh nghiệm chiến tranh đã có, mà phải tiếp tục nghiên cứu phát triển lên một tầm cao mới. Chiến lược quốc phòng cần được tiếp tục nghiên cứu, bổ sung và triển khai một cách tích cực để có thể đánh thắng mọi cuộc chiến tranh xâm lược hiện đại nếu xảy ra.
Trước thời cơ và thách thức lớn, chúng ta tin rằng: Đảng ta sẽ biết phát huy truyền thống đạo đức và trí tuệ trong lãnh đạo cách mạng trước đây vào hoàn cảnh lịch sử mới, ra sức tiến hành công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức, không ngừng học tập và rèn luyện, chuẩn bị tốt hơn nữa hành trang về đạo đức và trí tuệ cho sự nghiệp đầy khó khăn và phức tạp trong giai đoạn mới. Hiện nay, nếu toàn Đảng, toàn dân, toàn dân tộc đồng lòng nhất trí, toàn tâm, toàn ý khắc phục những tệ nạn tiêu cực trong xã hội, trong Đảng, Nhà nước,  ngăn chặn mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, khắc phục những bất cập về đạo đức, về trí tuệ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì sự nghiệp nhất định sẽ thành công. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét