Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2012

QUAN ĐIỂM CỦA ĐẢNG VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NỀN VĂN HOÁ VIỆT NAM QUA CÁC VĂN KIỆN TỪ ĐỔI MỚI ĐẾN NAY


1. Quá trình nhận thức của Đảng về văn hóa
Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những bước phát triển mới trong tư duy lý luận về văn hóa, về xây dựng và phát triển nền văn hoá; quan niệm về phát triển, về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển cũng như vai trò của văn hóa đối sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng.
Đại hội VI của Đảng (năm 1986) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong đổi mới tư duy với việc khẳng định: Các tổ chức đảng phải quan tâm chỉ đạo công tác văn hóa, văn nghệ. Không hình thái tư tưởng nào có thể thay thế được văn học và nghệ thuật trong việc xây dựng tình cảm lành mạnh, tác động sâu sắc vào việc đổi mới nếp nghĩ, nếp sống của con người. Văn học, nghệ thuật phải không ngừng nâng cao tính đảng và tính nhân dân, gắn bó với hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng, nắm bắt nhạy bén hiện thực đang diễn biến phức tạp, sớm phát hiện và biểu dương cái mới, tạo nên những điển hình sống động, khẳng định những mầm non đang nảy sinh trong cuộc sống, mạnh dạn phê phán những mặt tiêu cực cản trở sự đổi mới của xã hội... Tiếp đến, Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khoá VI (1987) về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa đã phát triển lên một bước mới với việc xác định: "Văn hóa là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa, là một động lực mạnh mẽ, đồng thời là mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội". Điều này thể hiện những quan điểm đổi mới có nguyên tắc của Đảng trên lĩnh vực văn hoá, văn nghệ, có tác dụng thúc đẩy hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Nhưng nghị quyết chưa đánh giá thật đúng tính phức tạp của cuộc đấu tranh trên mặt trận này, chưa lường trước và đề ra được những biện pháp nhằm hạn chế mặt tiêu cực của cơ chế thị trường đối với văn hoá, văn nghệ. Việc truyền đạt và tổ chức thực hiện nghị quyết lại có nhiều sai sót. Trước những lệch lạc xuất hiện trong văn hoá, văn nghệ, một số cấp uỷ và cơ quan nhà nước không kịp thời phân rõ đúng sai, thường né tránh, rụt rè trong việc xử lý; cũng có nơi sử dụng những biện pháp hành chính không thích hợp. Một số văn nghệ sĩ đảng viên dao động, giảm sút lòng tin, không giữ vững lập trường của Đảng.
Đại hội VII (năm 1991) thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội trong đó chỉ rõ: xã hội chúng ta xây dựng có một đặc trưng là có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1993) Về một số nhiệm vụ văn hóa, văn nghệ những năm trước mắt đã xác định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội. Đại hội VIII (năm 1996) khẳng định: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Mốc đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy về văn hoá của Đảng thể hiện ở Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII (1998) về Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đây là văn kiện mang tính cương lĩnh của Đảng và văn hoá trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nghị quyết chỉ rõ năm quan điểm chỉ đạo cơ bản trong quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp phát triển văn hoá nước ta là: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội; vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Nền văn hoá mà chúng ta đang xây dựng là nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nền văn hoá Việt Nam là nền văn hoá thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam; Xây dựng và phát triển văn hoá là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, trong đó đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng; Văn hoá là một mặt trận, xây dựng và phát triển văn hoá là một sự nghiệp cách mạng lâu dài, đòi hỏi phải có ý chí cách mạng và sự kiên trì thận trọng. Các quan điểm trên đều mang tính chất chiến lược lâu dài cần quán triệt nhất quán và xuyên suốt quá trình xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá ở nước ta. Nói cách khác, đó còn là một tầm nhìn rộng và xa của Đảng về sự phát triển bền vững của đất nước, ít nhất là trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước.
Đến Đại hội IX (2001), những tư tưởng chủ yếu của Đảng về phát triển văn hoá tiếp tục được thể hiện trên cơ sở thực tiễn thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) đã nhấn mạnh vị trí, vai trò của văn hoá trong lịch sử phát triển của dân tộc ta; khẳng định sức sống lâu bền của những quan điểm, tư tưởng nêu trong nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) trong đời sống xã hội, trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Về ý nghĩa “văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội”, Nghị quyết nhấn mạnh đó là tầm cao, chiều sâu của sự phát triển của dân tộc, khẳng định và làm rõ vị trí của văn hoá trong đời sống dân tộc, trong cách mạng xã hội chủ nghĩa. Tại Hội nghị lần thứ 10 khóa IX (2004), Ban Chấp hành Trung ương đã tổ chức kiểm điểm 5 năm (1998-2003) thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII) và khẳng định: Việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết là một nhân tố quyết định để nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân ta, làm cho nền tảng tinh thần của chế độ ta, của xã hội nước ta ngày càng vững chắc, tiến bộ, phong phú, góp phần giữ vững độc lập, thống nhất, định hướng xã hội chủ nghĩa và thúc đẩy nhanh quá trình phát triển đất nước.
Đại hội X (2006) của Đảng đã xác định phát triển văn hoá, nền tảng tinh thần của xã hội là một trong những nhiệm vụ lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân những năm tới. Trong đời sống của mỗi người cũng như toàn xã hội luôn luôn tồn tại hai nhóm nhu cầu: nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Phát triển kinh tế là tạo ra nhiều của cải, thỏa mãn nhu cầu vật chất của con người, còn phát triển văn hóa nhằm thỏa mãn nhu cầu tinh thần. Kinh tế và văn hoá luôn giữ vị trí quan trọng và quyết định đối với sự vận động và phát triển của xã hội. Văn hoá có chức năng định hình các giá trị, chuẩn mực trong đời sống xã hội. Các giá trị, chuẩn mực đó được truyền bá, lưu giữ, chắt lọc và phát triển trong tiến trình lịch sử của dân tộc, trở thành hệ thống các giá trị đặc trưng cho một dân tộc, bao gồm chính trị, đạo đức, luật pháp, khoa học, văn học nghệ thuật, các thể chế, thiết chế văn hoá, tập quán, lối sống... tạo nên nền tảng tinh thần của mỗi dân tộc.
Đồng thời, Đảng ta tiếp tục xác định việc phát triển cả chiều sâu, chiều rộng, cũng như không ngừng nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Gắn kết chặt chẽ hơn với phát triển kinh tế xã hội. Làm cho văn hoá thấm sâu và mọi lĩnh vực đời sống xã hội. Xây dựng và hoàn thiện giá trị, nhân cách con người Việt Nam. Bảo vệ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế. Bồi dưỡng các giá trị văn hoá trong thanh niên, sinh viên, học sinh, đặc biệt là lý tưởng sống, lối sống, năng lực trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh văn hoá Việt Nam. Đầu tư cho việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến, di sản văn hoá vật thể, phi vật thể. Kết hợp hài hoà giữa bảo tồn, phát huy với kế thừa và phát triển, giữ gìn di tích với phát triển kinh tế du lịch, tinh thần tự nguyện, tính tự quản của nhân dân trong xây dựng văn hoá.
Cùng với đó, là phải đa dạng hoá các hoạt động của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Xây dựng và phát triển chương trình giáo dục văn hoá, thẩm mỹ, nếp sống văn hoá hiện đại trong nhân dân. Phát huy tiềm năng, khuyến khích sáng tạo văn học, nghệ thuật, tạo ra những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Tăng cường quản lý nhà nước về văn hoá. Xây dựng cơ chế chính sách, chế tài ổn định. Tăng cường mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá. Chống sự xâm nhập văn hoá độc hại, lai căng, phản động. Xây dựng, nâng cấp đồng bộ hệ thống thiết chế văn hoá. Tạo điều kiện cho các lĩnh vực xuất bản, thông tin đại chúng phát triển. Nâng cao chất lượng tư tưởng văn hoá, hiện đại về mô hình, cơ cấu, cơ sở vật chất kỹ thuật. Xây dựng cơ chế quản lý khoa học, phù hợp. Đảm bảo tự do, dân chủ cho những hoạt động sáng tạo văn hoá, văn học, nghệ thuật. Đi đôi với phát huy trách nhiệm công dân của văn nghệ sỹ. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, cơ cấu tổ chức của các hội văn học- nghệ thuật từ trung ương đến địa phương.
Kế thừa và phát huy quan điểm trước đó về văn hóa, đến Đại hội XI (2011), nhiệm vụ chăm lo phát triển văn hóa được Đảng ta đúc kết cô đọng hơn, cụ thể hơn, tập trung vào 4 nội dung quan trọng: Một là: Củng cố và tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng; tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội…; triển khai cuộc vận động xây dựng gia đình Việt Nam góp phần giữ gìn và phát triển những giá trị truyền thống của văn hóa, còn người Việt Nam, nuôi dưỡng giáo dục thế hệ trẻ. Hai là: Phát triển sự nghiệp văn học, nghệ thuật; bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống, cách mạng. Theo đó, tiếp tục phát triển nền văn học, nghệ thuật Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu chất nhân văn, dân chủ, vươn lên hiện đại, phản ánh chân thật, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước; cổ vũ, khẳng định cái đúng, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác. Hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, về bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc. Xây dựng và thực hiện các chính sách, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để đội ngũ những người hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Ba là: Chú trọng phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ hoạt động báo chí, xuất bản vững vàng về chính trị, tư tưởng, nghiệp vụ và có năng lực đáp ứng tốt yêu cầu của thời kỳ mới. Bốn là: Đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Xây dựng một số trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài và trung tâm dịch thuật, quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài. Tiếp thu những kinh nghiệm tốt về phát triển văn hóa của các nước, giới thiệu các tác phẩm văn học, nghệ thuật đặc sắc của nước ngoài với công chúng Việt Nam. Ngăn chặn, đẩy lùi, vô hiệu hóa sự xâm nhập và tác hại của các sản phẩm đồi trụy, phản động từ nước ngoài vào nước ta; bồi dưỡng và nâng cao sức đề kháng của công chúng nhất là thế hệ trẻ.
Như vậy, đến Đại hội XI, các quan điểm của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam theo mục tiêu tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tiếp tục được khẳng định. Nhưng từ thực tiễn đời sống văn hóa của đất nước những năm qua, đặc biệt là trong xu thế hội nhập, có sự tác động nhiều chiều của quá trình toàn cầu hóa, của nền kinh tế thị trường…, Đảng ta đã xác định bốn đầu việc cần được cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và nhất là ngành văn hóa coi trọng, tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhằm tiếp tục xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Trong đó, việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng có ý nghĩa rất quan trọng, chi phối và gắn bó hữu cơ với ba công việc sau. Cần nhận thức đầy đủ rằng, xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh cũng chính là góp phần tạo ra môi trường chính trị- xã hội ổn định, an toàn và bền vững trên cơ sở đời sống kinh tế được đảm bảo.
Quá trình xây dựng môi trường văn hóa phải chú trọng xây dựng đời sống văn hoá, vì đó là bước đi ban đầu của sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hoá. Xây dựng đời sống văn hóa cần phải được tổ chức một cách bài bản, có chủ trương, chiến lược và từ trong từng gia đình Việt Nam, trong thôn, bản, khu phố, trong các tổ chức đoàn thể…, không chỉ là vài cuộc liên hoan văn nghệ quần chúng theo định kỳ hay chào mừng, cổ vũ một vài ngày kỷ niệm, sự kiện nào đó. Đối với văn học, nghệ thuật hay bảo tồn phát huy các di sản văn hóa cũng phải có mục tiêu cụ thể, nhằm đạt tới kết quả cuối cùng là có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, thực sự phát huy chức năng giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho công chúng, nâng cao ý thức dân tộc, trách nhiệm của mỗi người với những giá trị đó. Các cơ quan thông tin, truyền thông đặc biệt là báo chí, xuất bản là những công cụ trực tiếp, đắc lực, có trách nhiệm tuyên truyền cho quá trình chăm lo phát triển văn hóa của đất nước trên cơ sở vì mục đích, lợi ích của nhân dân và đất nước. Đương nhiên, đội ngũ đó phải được quan tâm, chăm lo đào tạo, rèn luyện chính trị, tư tưởng, có năng lực chuyên môn đồng thời phải có đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm công dân, nếu không sẽ không thể đáp ứng được yêu cầu thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội phù hợp với môi trường văn hóa lành mạnh theo quan điểm của Đảng.
Công việc đổi mới, tăng cường việc giới thiệu, truyền bá văn hóa, văn học, nghệ thuật, đất nước, con người Việt Nam với thế giới…thực chất cũng là nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đa dạng, phong phú. Vì văn hóa Việt nam muốn phát triển không thể không có lộ trình, kế hoạch cụ thể để quảng bá ra nước ngoài; muốn quảng bá phải có thiết chế, phải có đầu tư về con người và cơ sở vật chất cho nhiệm vụ này (một vài trung tâm văn hóa của Việt Nam ở nước ngoài như hiện nay là không thể hoàn thành được). Đồng thời chọn lọc, giới thiệu những giá trị văn hóa của bè bạn thế giới vào nước ta cũng là công việc cần được quan tâm để làm đẹp thêm bức tranh văn hóa nước nhà. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú, đa dạng theo quan điểm của Đảng nêu trên, là sự kiên định (kế thừa, bổ sung, phát triển) quan điểm xây dựng và phát triển văn hóa của Đảng trong hơn nửa thể kỷ qua, đưa quan điểm đó trở thành hiện thực trong đời sống văn hóa của dân tộc sẽ tạo ra sức đề kháng khỏe mạnh trong cơ thể văn hóa Việt Nam.
2. Những kết quả đạt được
Những giá trị và đặc sắc văn hóa của 54 dân tộc anh em được kế thừa và phát triển, góp phần làm phong phú thêm nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng. Giao lưu, hợp tác văn hóa với nước ngoài được mở rộng. Một số nét mới trong chuẩn mực văn hóa của con người Việt Nam từng bước hình thành. Các tài năng văn hóa - nghệ thuật được khuyến khích. Nhiều di sản văn hóa - cả vật thể và phi vật thể - được giữ gìn, tôn tạo. Việc phân phối các sản phẩm văn hoá đã nhanh và đều khắp hơn. Hệ thống các sản phẩm văn hoá góp phần trực tiếp vào sự phát triển, tăng trưởng của ngành du lịch, của nền kinh tế quốc dân. Hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế về văn hoá thực sự khởi sắc, góp phần làm cho vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao; văn hoá, con người và cuộc sống Việt Nam được bạn bè hiểu biết rõ hơn. Dân trí được nâng lên, cùng với văn hoá phát triển đã góp phần khơi dậy tính chủ động sáng tạo của nhân dân và nâng cao tính đồng thuận xã hội, tạo ra bầu không khí dân chủ, niềm tin của nhân dân được nâng lên không ngừng.
Các tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của giới trí thức, văn nghệ sĩ, báo chí đang mở rộng sức tập hợp và nâng cao chất lượng hoạt động. Tinh thần tự do sáng tạo và sự giúp đỡ vật chất của Nhà nước và xã hội cho hoạt động văn học, nghệ thuật, báo chí, xuất bản ngày càng thiết thực, có hiệu quả. Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng và các hình thức, sáng kiến xây dựng văn hóa trong nhân dân phong phú, sinh động hơn trước. Trong thành tựu chung, những chuyển biến trong xây dựng văn hóa các dân tộc thiểu số là rất đáng kể. Ý thức về bình đẳng dân tộc, mối quan tâm về những giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số và quyết tâm nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của nhân dân các dân tộc anh em là những chuyển biến có ý nghĩa. Nhà nước đã có nhiều chính sách để đưa sản phẩm văn hóa, thông tin đến vùng sâu, vùng xa, vùng các dân tộc thiểu số. Công tác sưu tập, bảo tồn văn hóa dân tộc được đẩy mạnh. Các chương trình phát thanh, truyền hình quốc gia và địa phương đã phát sóng hàng chục ngôn ngữ dân tộc. Các lễ hội văn hóa dân tộc được tổ chức. Con em các dân tộc thiểu số được tạo điều kiện đến trường. Nếp sống văn minh được hình thành trong nhiều thôn bản...
Những tiến bộ đạt được không tách rời quá trình đổi mới tư duy quản lý văn hóa của nước ta. Cùng với nhiều ngành quản lý khác, quản lý văn hóa đặt trọng tâm vào ban hành, hướng dẫn và thực thi luật pháp. Các cơ quan quản lý nhà nước đã ban hành hàng trăm văn bản luật pháp liên quan đến sự nghiệp văn hóa, trong đó đáng chú ý là các văn bản luật pháp trực tiếp quy định công tác báo chí, xuất bản, bản quyền, di sản văn hóa, thư viện, điện ảnh, quảng cáo, biểu diễn nghệ thuật... Những quy định luật pháp đã mở đường cho sự tham gia của xã hội vào các hoạt động văn hóa, giữ vững định hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời đẩy lùi những tiêu cực, sai trái trong hoạt động văn hóa. Bên cạnh luật pháp, nhiều chính sách phát triển văn hóa được ban hành, hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở được tăng cường. Nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa trong Ðảng gắn liền với Cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, nâng cao phẩm chất đảng viên được đặt ra, góp phần thúc đẩy công cuộc đổi mới nói chung và đổi mới văn hóa nói riêng.
Phương hướng xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đã được thừa nhận trong chính cuộc sống, được sự nhất trí của nhân dân và đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, những người hoạt động văn hóa. Chất lượng gia đình Việt Nam có bước chuyển biến rõ rệt, hướng tới mục tiêu ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Nếu như năm 2000, cả nước mới có gần 8,7 triệu gia đình văn hóa thì đến năm 2010, con số này là hơn 16 triệu hộ. Số người tốt, việc tốt trong các gia đình khu dân cư trong 10 năm qua tăng 2,4 lần. Tỷ lệ gia đình thoát khỏi đói nghèo năm sau luôn cao hơn năm trước, trẻ em được chăm sóc, được học hành tốt hơn... Đến cuối năm 2008, cả nước đã có 38.443 làng được công nhận là làng văn hoá trên tổng số 88.603 làng, đạt tỷ lệ 46%, trong đó có 4.533 làng văn hoá tiêu biểu được khen thưởng ở ba cấp (huyện, tỉnh và Trung ương) tại 19 tỉnh, thành phố đã không công nhận lại 619.694 gia đình văn hoá sau 1 năm và 2.545 làng văn hoá sau 3 năm; 96,1% số hộ đã được sử dụng điện lưới; 86,9% số hộ sử dụng máy thu hình; trên 97% số xã đã có đường ô tô đi tới trung tâm xã; khoảng 90% số xã có trạm bưu điện văn hoá... Phong trào xây dựng làng văn hoá đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Từ năm 2000-2008, nhân dân các làng văn hoá đã đóng dóp trên 250 tỷ đồng xây dựng đường làng, ngõ xóm đổ bê tông, lát gạch... 15% số làng văn hoá đã phát triển được ngành, nghề phụ và tổ chức được cơ sở kinh doanh dịch vụ nông nghiệp, 5.000 làng văn hoá đạt tỷ lệ 5% số hộ giàu từ sản xuất nông nghiệp. Cũng trong giai đoạn 2000-2008, các làng văn hoá đã đóng góp trên 32 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá. Trên 85% làng văn hoá đã có nhà văn hoá. Xây dựng làng văn hoá tạo cơ hội để thực hiện và phát huy dân chủ cơ sở. Đã có trên 89% số làng văn hoá thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, không khiếu kiện tập thể, vượt cấp kéo dài tạo sự đồng thuận trong xã hội ở nông thôn. Hiện nay, mô hình bưu điện - văn hóa đã phát triển tới 9.000 điểm tại các tỉnh trên cả nước và có khoảng trên 40.000 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có hơn 3.000 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, hơn 5000 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Bên cạnh đó là phong phú về lễ hội, đặc sắc về văn hoá nghệ thuật, tinh tế về nghệ thuật ẩm thực, tinh sảo về các nghề thủ công truyền thống cùng với sự đa dạng văn hoá của 54 dân tộc anh em. Những lễ hội dân gian mang màu sắc nông nghiệp, các công trình kiến trúc, ẩm thực, văn hoá ngệ thuật cũng mang đặc trưng riêng. Đến nay, cả nước có trên 8.000 lễ hội lớn nhỏ và hàng ngàn làng nghề thủ công truyền thống.
Việc cung cấp thông tin, đáp ứng nhu cầu đời sống tinh thần cho nhân dân không ngừng được nâng lên cả về chiều rộng và chiều sâu. Tính đến tháng 3-2011, trong lĩnh vực báo in, cả nước có 745 cơ quan báo chí với 1.003 ấn phẩm. Phát thanh, truyền hình có 3 đài Trung ương (VTV, VTC, VOV) và các đài phát thanh - truyền hình địa phương với 200 kênh chương trình trong nước và 67 kênh nước ngoài (đang được phát trên hệ thống truyền hình trả tiền). Cả nước có 46 báo điện tử và tạp chí điện tử, 287 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang tin điện tử của các cơ quan của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các đoàn thể, hội, hiệp hội và doanh nghiệp. Trong hoạt động của mình, báo chí nước ta đã chủ động tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, sự điều hành của Chính phủ về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, tăng cường an ninh quốc phòng, củng cố và nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đổi mới và hội nhập quốc tế...
Tóm lại, hơn 20 năm đổi mới không phải là khoảng thời gian dài đối với đời sống văn hóa dân tộc và sự phát triển tinh thần của con người. Nhưng sự chuyển mình của văn hóa Việt Nam và thành tựu bước đầu của văn hóa dân tộc đã cho thấy đường lối đổi mới văn hóa của Ðảng là đúng đắn, quy tụ được năng lực sáng tạo và tâm hồn nhân dân, xây dựng lòng tin, mở ra hướng phát triển tích cực và lành mạnh trong những thập kỷ đầu của thiên niên kỷ mới. Trong hành trình mới của dân tộc, chúng ta cần phải tiếp tục nâng cao hơn nữa ngọn đuốc sáng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, mở ra bước phát triển ngày càng cao hơn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét