Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945 MỞ RA KỶ NGUYÊN ĐỘC LẬP DÂN TỘC GẮN LIỀN VỚI CHỦ NGHĨA XÃ HỘI Ở NƯỚC TA


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là trang sử hào hùng, một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của nhân dân ta. Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám không chỉ là kết quả trực tiếp của cao trào chống Nhật, Pháp đã được rèn luyện và chuẩn bị theo tinh thần cách mạng là sự nghiệp của quần chúng với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”, mà nó còn là kết quả của tinh thần yêu nước truyền thống đã tích tụ lâu đời trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hun đúc thành ý chí quật khởi vì nền độc lập tự do của tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc Việt Nam: Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đánh dấu sự kết thúc thời kỳ lịch sử đau thương để cả dân tộc ta bước vào cuộc trường chinh mới nhằm bảo vệ độc lập, thống nhất và phục hưng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân điển hình ở một nước thuộc địa nửa phong kiến do giai cấp công nhân lãnh đạo. Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”[1]. Độc lập dân tộc là nhu cầu sống còn, khát vọng lớn lao của toàn dân Việt Nam, là mục đích của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Khi trả lời câu hỏi “Mục đích Cách mạng Tháng Tám là gì?”, Người chỉ rõ, đó là “giành lại hoà bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”[2].
Giành và giữ gìn nền độc lập của Tổ quốc là mối quan tâm hàng đầu của biết bao thế hệ người Việt Nam yêu nước. Ngọn cờ đấu tranh vì nền độc lập dân tộc đã trải qua nhiều phong trào yêu nước như phong trào Cần Vương, nghĩa quân Yên Thế, các phong trào Duy Tân, Đông Du và nhiều phong trào yêu nước khác, nhưng tất cả các phong trào đó đều thất bại và bị dìm trong bể máu, một trong những nguyên nhân đưa đến sự thất bại đó chính là con đường, phương pháp cứu nước của các bậc tiền bối không phù hợp, chưa có một đường lối chính trị đúng đắn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Chính vì thế, việc Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đến được với chân lý của thời đại, tìm ra được con đường cứu nước, cứu dân-con đường cách mạng vô sản, là một trong những sự kiện trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong việc lựa chọn đường đi cho cách mạng nước ta, và đây cũng chính là cơ sở để đưa đến cuộc vận động cách mạng thành lập Đảng Cộng sản. Đảng ra đời với đường lối cứu nước đúng đắn là nhân tố quan trọng nhất đưa đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
          Nhìn lại lịch sử phong trào công nhân thế giới những năm đầu thế kỷ XX, đặc biệt là sự kiện lịch sử vĩ đại của nhân loại tiến bộ-thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một thời đại mới, đánh dấu tương quan lực lượng trên phạm vị toàn cầu. Đây là thời đại cho phép nhân loại có cơ hội thực hiện bước quá độ lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, bao hàm cả khả năng quá độ lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa đối với các nước kinh tế kém phát triển, nhờ những thuận lợi khách quan mà thời đại mới đã mở ra. Chính vì thế, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở nước ta giành được thắng lợi trong thời đại cách mạng vô sản. Nó phản ánh tính chất của thời đại và mở đường mang lại những nhận thức mới mẻ và triệt để trong quan niệm cũng như giải pháp để giải quyết vấn đề độc lập dân tộc. Cách mạng Tháng Tám đánh dấu tầm nhận thức của chúng ta đã vượt qua những mâu thuẫn và các hạn chế trong việc giải quyết vấn đề độc lập dân tộc theo lập trường phong kiến và tư sản. Nó cũng là kết quả thực tiễn của một đường lối đúng đắn mà Đảng ta ngay từ khi thành lập đã nêu: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”, “Làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập”... thực chất là vấn đề độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
          Khi bàn về cách mạng Tháng Tám, đồng chí Trường Chinh đã phân tích rất sâu sắc vấn đề độc lập dân tộc: “Đối với chế độ ta, thế nào là độc lập hoàn toàn? – Là lãnh thổ Việt Nam từ Nam Quan đến mũi Cà Mau phải được toàn vẹn đặt dưới chính quyền nhân dân, do nhân dân bầu ra; trên đất nước Việt Nam không có quân đội nước ngoài chiếm đóng; kinh tế Việt Nam phải được độc lập, không phụ thuộc vào kinh tế nước Pháp, hoặc bất cứ một nước nào khác. Nhân dân Việt Nam có quyền phát triển văn hóa dân tộc của mình”[3]. Cách mạng Tháng Tám chứng minh một chân lý của thời đại mới là đấu tranh cho độc lập của mỗi dân tộc thống nhất hữu cơ với mục tiêu đấu tranh chung của thời đại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Độc lập dân tộc còn là nhân tố bảo đảm cho sự tồn tại, phát triển của mỗi người cũng như cả dân tộc trong sự thống nhất toàn vẹn về lãnh thổ và chủ quyền quốc gia, là điều kiện tiên quyết của quyền được sống, quyền bình đẳng và quyền tự do của mỗi cá nhân con người. Chính vì vậy, trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về chủ quyền độc lập của đất nước: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc[4], “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát-xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[5]. Trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, ngày 19-12-1946, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ... Giờ cứu nước đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước”[6]. Độc lập dân tộc là cái đích trực tiếp của công cuộc giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức đô hộ và xâm lược để khẳng định quyền tồn tại và phát triển của độc lập, sự thống nhất lãnh thổ và chủ quyền quốc gia.

Chủ nghĩa xã hội là nhu cầu bức thiết và ước mơ cao đẹp của nhân loại tiến bộ, là mục tiêu của cuộc cách mạng XHCN. Nó là nhân tố bảo đảm chắc chắn nhất cho nền độc lập chân chính và bền vững. Bởi lẽ, chỉ có chủ nghĩa xã hội mới có “khả năng bảo đảm bằng một nền sản xuất xã hội, cho mọi thành viên thành viên trong xã hội không những một cuộc sống hoàn toàn đầy đủ về vật chất và ngày càng phong phú hơn mà còn bảo đảm cho họ phát triển và vận dụng một cách hoàn toàn tự do và đầy đủ những năng khiếu thể lực và trí tuệ của họ nữa – khả năng ấy hiện nay mới xuất hiện lần đầu tiên nhưng nó đã xuất hiện thực sự”[7]. Trong lịch sử phát triển nhân loại tiến bộ, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là hai nhân tố tích cực của tiến bộ xã hội luôn gắn kết với nhau.
Với cách mạng Tháng Tám, lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp gắn liền làm một, công cuộc giải phóng con người, giải phóng dân tộc thống nhất với nhau. Bởi lẽ, như Hồ Chí Minh khẳng định: Trong lúc này nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn bộ quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được. Trong bối cảnh đó, chỉ có giải phóng cho dân tộc, thực hiện nền độc lập dân tộc, thì giai cấp vô sảûn mới có thể thực hiện được triệt để sự nghiệp giải phóng giai cấp mình và giải phóng toàn bộ xã hội. Vì vậy, độc lập dân tộc là mục tiêu cơ bản và trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám, là tiền đề và điều kiện để đi tới chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu, lý tưởng, là điều kiện đảm bảo cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, là nhân tố đảm bảo vững chắc của nền độc lập dân tộc. Vì vậy, không có chủ nghĩa xã hội, không thể có độc lập dân tộc bền vững, Người nhấn mạnh: “nếu nước được độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”[8] và “Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”[9].
Thực tiễn phát triển của cách mạng nước ta từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo đã xác nhận nguyên lý: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ năm 1930 tới năm 1945 là quá trình Đảng lãnh đạo giai cấp và công cuộc đấu tranh cho các mục tiêu độc lập dân tộc, dân sinh, dân chủ và tiến bộ xã hội để thực hiện một nước Việt Nam độc lập, thoát khỏi ách đô hộ của chủ nghĩa đế quốc, thực dân, xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của địa chủ, phong kiến và tư sản. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã xác lập chế độ Dân chủ Cộng hòa và thực hiện mục tiêu đó, đưa cả dân tộc Việt Nam là chủ vận mệnh của mình. Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp từ 1946 đến 1954 là sự tiếp tục những mục tiêu độc lập dân tộc, dân chủ làm tiền đề để từng bước tiến tới chủ nghĩa xã hội. Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đã hoàn thành trên nửa đất nước. Có hòa bình, độc lập, tự do, nhân dân miền Bắc đã bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và làm hậu phương lớn cho tiền tuyến miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh 21 năm để giành độc lập dân tộc, đánh bại chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai. Sau khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân của nước ta đã hoàn thành, cả nước bước vào thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội trong điều kiện đất nước đã thống nhất.
Phát huy tinh thần của Cách mạng Tháng Tám, hơn 20 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Một trong những bài học kinh nghiệm thành công được Đảng ta khẳng định đó là: “trong bất kỳ điều kiện và tình huống nào, phải kiên trì thực hiện đường lối và mục tiêu đổi mới, kiên định và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội[10]. Trong giai đoạn hiện nay, đất nước ta đang đứng trước cả thời cơ và thách thức mới trên con đường phát triển. Những thời cơ, thách thức đó đang tác động mạnh mẽ đến con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Những yếu tố bên trong và bên ngoài đan xen nhau, tác động lẫn nhau, thậm chí chuyển hoá cho nhau và có những thách thức làm cho nước ta có nguy cơ chệch hướng XHCN... Để bảo đảm cho độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội và thực hiện thắng lợimục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mà trước mắt là “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”[11].
Để thực hiện thành công các mục tiêu trên, toàn Đảng, toàn dân ta cần nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, ý chí tự lực tự cường, phát huy mọi tiềm năng và trí tuệ, tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, quán triệt và thực hiện tốt các phương hướng cơ bản sau đây: Một là, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế tri thức, bảo vệ tài nguyên, môi trường; Hai là, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Ba là, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; Bốn là, bảo đảm vững chắc quốc phòng và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; Năm là, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; Sáu là, xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất; Bảy là, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; Tám là, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong quá trình thực hiện các phương hướng cơ bản đó, phải đặc biệt chú trọng nắm vững và giải quyết tốt các mối quan hệ lớn: quan hệ giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hoá, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ;... Không phiến diện, cực đoan, duy ý chí.
Đất nước ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức to lớn và đang vững bước đi lên. Tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, tạo cho nước ta nhiều thời cơ nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức. Kế thừa và phát huy tinh thần của cách mạng Tháng Tám, Đại hội XI của Đảng khẳng định quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta tận dụng tốt thời cơ, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước nhanh, bền vững, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Làm tốt những vấn đề nêu trên sẽ góp phần giữ vững độc lập dân tộc, bảo đảm điều kiện xây dựng đất nước hùng cường, phát triển theo đúng con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn./.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 6, Nxb. CTQG. H. 2000, tr.629.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd, t.7, tr.337.  
[3] Trường Chinh. Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Sự thật, Hà Nội 1976, tr.396-397.
[4] Hồ Chí Minh. Sđd, t.4, tr.1.
[5] Hồ Chí Minh. Sđd, t.4, tr.3-4.
[6] Hồ Chí Minh. Sđd, t.4, tr.480.
[7] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, tập 19, Nxb.CTQG, H.1995, tr.329.
[8] Hồ Chí Minh. Sđd, t.4, tr.56.
[9] Hồ Chí Minh. Sđd, t.4, tr.152.
[10] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.180.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam. Sđd., H.2011, tr.149.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét