Thứ Bảy, 10 tháng 9, 2011

TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP NĂM 1945, GIÁ TRỊ LỊCH SỬ VÀ THỜI ĐẠI

Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt toàn thể nhân dân Việt Nam đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử 65 năm qua, Tuyên ngôn Độc lập vẫn như ngày nào, vang vọng khắp non sông, là ngọn cờ chiến đấu đầy khí phách của dân tộc ta trong thời đại mới. Bản Tuyên ngôn bất hủ này mãi đi cùng lịch sử dân tộc Việt Nam ta không chỉ với tư cách một áng văn lập quốc vĩ đại, một kiệt tác về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn với tư cách là bản tổng kết những giá trị tinh thần của cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc ta, nhân dân ta; đồng thời cũng là lời Tuyên ngôn mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Việt Nam.
Khẳng định các quyền cơ bản của con người: Tuyên ngôn độc lập là lời tuyên bố về quyền lựa chọn con đường độc lập, tự do của mỗi dân tộc, Hồ Chí Minh khẳng định: “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”[1], và quyền được sống, được tồn tại, được mưu cầu hạnh phúc của mỗi dân tộc, con người: “người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”, “đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”[2]. Điều này khác với độc lập dân tộc giành được theo con đường cách mạng dân chủ tư sản, ở đây, độc lập dân tộc gắn liền với lợi ích của nhân dân lao động.
Là sự khẳng định quyền bất khả xâm phạm của dân tộc: Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới chính là sự kế thừa có sáng tạo để nâng lên tầm cao mới quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc – “Toàn vẹn lãnh thổ cho Tổ quốc và độc lập cho đất nước”[3]. Vì những quyền thiêng liêng nhất ấy mà cả dân tộc ta, hết thảy mọi người dân nước Việt “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”[4] và cho “dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn”, dân tộc Việt Nam cũng “kiên quyết giành cho được độc lập”, cũng quyết tâm bảo vệ độc lập dân tộc, quyết tâm thực hiện bằng được độc lập, thống nhất trọn vẹn cho dân tộc, cho đất nước, thực hiện quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam với các dân tộc khác trên thế giới, khẳng định quyền thực sự làm chủ đất nước của mọi người dân nước Việt và nêu cao tinh thần bất khuất, quật cường, không bao giờ cam tâm làm nô lệ của dân tộc ta, nhân dân ta.
Khẳng định ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của con người, dân tộc Việt Nam: Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới còn thể hiện sâu sắc truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng, ý chí độc lập tự chủ, tự lực tự cường mà dân tộc ta đã hun đúc nên qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong suốt chiều dài lịch sử đó, dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam đã không phải một lần đối đầu với những thách thức khốc liệt và phải tự mình lựa chọn hoặc là “thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, chấp nhận hy sinh, mất mát cho dù có to lớn đến đâu chăng nữa, kể cả tính mạng, xương máu, kể cả phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” để giữ vững quyền tự do, độc lập cho dân tộc, hoặc là chịu sự đồng hóa, nô dịch để rồi đi đến chỗ diệt vong.
Lịch sử đã chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đoàn kết, anh dũng nhất tề đứng dậy giành chính quyền, “đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm… để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập”, “đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”[5]. Bởi vậy, nước Việt Nam mới (VNDCCH) hoàn toàn có quyền “tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Và, thế giới “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”, bởi “một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm…, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít…, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”[6].
Chính vì thế, “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”. Rằng, “toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”[7]. Bản tuyên ngôn này khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc là điều kiện đầu tiên, bao trùm và tiên quyết cho việc tạo dựng các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và mưu sinh, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân ta.
Mở ra một kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội: Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới đã mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử nhân loại đương đại – thời kỳ các nước thuộc địa và nửa thuộc địa vùng lên giành độc lập, làm tan rã chế độ thực dân cũ, đi vào quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội theo con đường quá độ. Đồng thời, khẳng định quyền dân tộc, đó là sự độc lập về chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn về lãnh thổ. Độc lập cho dân tộc mà Người khẳng định ở đây là nền độc lập thực sự, độc lập hoàn toàn của một dân tộc. Dân tộc đó có đầy đủ chủ quyền quốc gia về chính trị, kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh… và toàn vẹn lãnh thổ.
Nền độc lập đó phải được thực hiện một cách triệt để mà theo đó, nước Việt Nam là của người Việt Nam, mọi vấn đề thuộc chủ quyền quốc gia Việt Nam phải do người Việt Nam tự giải quyết. Nền độc lập đó chỉ có ý nghĩa và giá trị thực sự, khi nó được thể hiện bằng quyền tự do, dân chủ và hạnh phúc của nhân dân. Dân tộc được độc lập, nhân dân được tự do, dân chủ và hạnh phúc, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành không chỉ là điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định khi trịnh trọng tuyên bố với thế giới Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới, mà còn là hoài bão, là lý tưởng, là ham muốn tột bậc, suốt đời của Người.
Khẳng định tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam: Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới còn phản ánh tinh thần đoàn kết, đồng tâm, nhất trí, cố kết dân tộc để tạo nên sức mạnh cộng đồng và khát vọng vươn tới tự khẳng định mình với tư cách một dân tộc, một quốc gia có chủ quyền với lòng tự tôn, tự hào chính đáng... đã trở thành một giá trị tinh thần mang sức mạnh vật chất, có sức lôi cuốn, cổ vũ và nuôi dưỡng các thế hệ người Việt Nam kế tiếp nhau, dù trong máu lửa, đạn bom, dù có phải hy sinh cả tính mạng vẫn không chịu đánh mất mình với tư cách một dân tộc độc lập, không chấp nhận “trở thành cái bóng mờ của người khác, của dân tộc khác”. Tinh thần, khí phách không những không hề bị mai một, mà càng được tôi luyện, hun đúc và nhân lên sức mạnh vốn có của nó một cách mạnh mẽ, nhờ đó, chúng ta đã “dựng nên nước Việt Nam độc lập”, “lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”.
Vạch trần bản chất của chủ nghĩa thực dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bóc trần bộ mặt giả nhân, giả nghĩa, hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa” của những kẻ nhân danh “lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái” để áp bức, bóc lột các dân tộc khác, can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của nước khác. Đây là vấn đề mang tính thời sự nóng hổi, khi mà giờ đây, các thế lực phản động quốc tế vẫn tiếp tục chiêu bài cũ và nhân danh quyền con người, ủng hộ dân chủ để thực hiện âm mưu, chiến lược “diễn biến hòa bình”, can thiệp thô bạo và tinh vi vào công việc nội bộ của các quốc gia dân tộc đang trên con đường phát triển trong độc lập, tự chủ. Chính vì vậy mà giờ đây, đối với chúng ta, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, dân chủ và bình đẳng, tiến bộ và công bằng xã hội mà Tuyên ngôn độc lập đã trịnh trọng tuyên bố lại càng trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết.
Là nền tảng chính trị - pháp lý của nước Việt Nam mới. Trên bình diện quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế. Các quyền dân tộc cơ bản, quyền con người thiêng liêng, bất khả xâm phạm được tuyên bố trong Tuyên ngôn độc lập không chỉ là những giá trị bất hủ dành riêng cho dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, mà còn là những giá trị bất hủ dành cho mọi dân tộc, cho cả nhân loại. Hướng đến các quyền đó là xu thế tất yếu của mọi dân tộc, của tất cả mọi người trong cộng đồng nhân loại ở thời đại ngày nay.
Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam mới còn là một kiệt tác về tư tưởng, lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh – người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn, nhà hiền triết của thời đại chúng ta. Không chỉ thế, Tuyên ngôn này còn thể hiện tình cảm yêu nước nồng nàn, lòng tự hào với truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc Việt Nam vốn đã in đậm dấu ấn ở Hồ Chí Minh. Ý chí sắt đá trong bản hùng văn này, độ nhạy cảm, tinh tế về chính trị, sự am hiểu sâu sắc về nền văn hóa dân tộc và văn hóa thế giới, tính nhân đạo và nhân văn trong lối sống, trong phong cách ứng xử, cộng với trí tuệ sắc sảo trong tư duy và tài hành văn, sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt đến độ tinh tế, trong sáng và uyển chuyển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem lại cho Tuyên ngôn độc lập quyền mãi trường tồn cùng thời gian không chỉ với tư cách một văn bản chính trị, một bản Tuyên ngôn lập quốc, mà còn với tư cách nỗi niềm sâu lắng của một dân tộc mới hồi sinh và thực sự đã hồi sinh, là tiếng nói từ đáy lòng của một anh hùng dân tộc suốt đời phấn đấu, hy sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t. 4. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 1.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t. 4, tr. 1.
[3] Hồ Chí Minh. Sđd., t. 4, tr. 469.
[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t. 4, tr. 480.
[5] Hồ Chí Minh. Sđd., t. 4, tr. 3.
[6] Hồ Chí Minh. Sđd., t. 4, tr. 3.
[7] Hồ Chí Minh. Sđd., t. 4, tr. 4.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét