Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

PHƯƠNG PHÁP THỰC TIỄN TRONG LUẬN GIẢI CÁC VẤN ĐỀ XÃ HỘI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH




Mở đầu: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá đúng, tư duy đúng và sử dụng đúng vai trò của thực tiễn đời sống xã hội để luận giải mọi vấn đề xã hội. Ở Người, mỗi lời nói, mỗi câu mỗi chữ đều được rút ra từ thực tiễn, là sự tổng hợp từ thực tiễn sinh động phong phú. Việc đánh giá đúng đắn vai trò thực tiễn, cách thức tư duy khoa học về thực tiễn và phương pháp sử dụng thực tiễn như một phương tiện để giải thích mọi vấn đề của chính thực tiễn đời sống xã hội của Hồ Chí Minh là một phương pháp khoa học đích thực, có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam và được thể hiện ở các nội dung cơ bản sau:
1. Xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng sự thực, tìm lời giải cho các vấn đề xã hội từ chính thực tiễn đời sống xã hội.
Thực tiễn theo Hồ Chí Minh trước hết là hệ thống sinh hoạt, hoạt động của xã hội: “Ngoài hoạt động sản xuất, sự thực hành của người ta còn có: giai cấp đấu tranh, sinh hoạt chính trị, hoạt động khoa học và nghệ thuật, v.v.. Tóm lại, tất cả mọi ngành hoạt động trong xã hội đều do người của xã hội tham gia. Vì vậy, ngoài sinh hoạt vật chất, người ta còn do sinh hoạt chính trị, vǎn hoá (dính dáng khǎng khít với sinh hoạt vật chất) mà hiểu biết các thứ quan hệ giữa người với người”[1]. Thực tế xã hội đối với người cán bộ cách mạng là những vấn đề cần phải giải quyết, tháo gỡ vì sự phát triển tiến bộ của xã hội: “Thực tế là các vấn đề mình phải giải quyết, là mâu thuẫn của sự vật. Chúng ta là những người cán bộ cách mạng, thực tế của chúng ta là những vấn đề mà cách mạng đề ra cho ta phải giải quyết. Thực tế bao gồm rất rộng. Nó bao gồm kinh nghiệm công tác và tư tưởng của cá nhân, chính sách và đường lối của Đảng, kinh nghiệm lịch sử của Đảng cho đến các vấn đề trong nước và trên thế giới”[2].
Từ những phân tích của Hồ Chí Minh cho chúng ta những ý tưởng quan trọng. Thực tiễn đời sống xã hội chính là sự tổng hợp những hoạt động xã hội, những quan hệ xã hội của những con người sống trong xã hội. Thực tiễn đời sống xã hội có vô vàn hiện tượng xã hội, vấn đề xã hội, hiện tượng xã hội đa dạng phong phú, vai trò của từng hiện tượng xã hội hoàn toàn khác nhau. Có những hiện tượng xã hội mang tính tích cực, đóng vai trò độc lực xã hội, ngược lại có hiện tượng xã hội mang tính tiêu cực, cản trở sự phát triển xã hội. Song chỉ những vấn đề xã hội, hiện tượng xã hội nào đang hiện diện hàng ngày mà biểu hiện của nó là “những vấn đề cần tháo gỡ” là “những mâu thuẫn của sự vật hiện tượng” mới là đối tượng trực tiếp cần nghiên cứu. Vấn đề xã hội chỉ thực sự là vấn đề cần nghiên cứu, tháo gỡ khi nó được nhận diện trên thực tế chứ không phải là vấn đề xã hội phát sinh từ sự tưởng tượng của nhà nghiên cứu. Tức là, nghiên cứu xã hội phải nghiên cứu những vấn đề có thực trong đời sống xã hội, nhưng không phải là sự thật chung chung hoặc “trần trụi”, mà lại là sự thật, mà ở đó lựa chọn đối tượng nghiên cứu có lợi cho sự ổn định, phát triển xã hội. “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân - tức là phục tùng chân lý”[3].
Nghiên cứu các vấn đề xã hội, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là phải tôn trọng sự khách quan, tôn trọng sự thật, khi phản ánh bất kỳ một vấn đề xã hội, hiện tượng xã hội nào, Người yêu cầu: “Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt, thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy”[4]. Hay khi lập kế hoạch giải quyết một vấn đề xã hội thì phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Tuyệt đối không đem chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế. Nghiên cứu phản ánh những vấn đề có thật, phản ánh đúng sự thật, tôn trọng sự thật “có thế nào nói thế ấy”, không tô hồng bôi đen mới có thể hiểu được bản chất của mọi vấn đề thực tiễn - đó là những quy tắc quan trọng đầu tiên trong quá trình phân tích các vấn đề xã hội.
Tôn trọng sự thật đòi hỏi quá trình nghiên cứu phải hết sức tỷ mỷ, kỹ càng. Việc báo cáo phải thật thà, gọn gàng, rõ ràng, thiết thực. Những tài liệu và con số phải phân tích và chứng thực. Nếu “không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn”. Tôn trọng sự thật phải dày công tìm hiểu sự thật, phải lăn lộn với đời sống xã hội, Người khẳng định: “Muốn hiểu biết một việc gì, một vật gì, thì phải tham gia vào cuộc đấu tranh và biến đổi của việc ấy, vật ấy. Có như thế mới thấy được hiện tượng của nó, và tiến tới hiểu biết bản chất của nó. Đó là con đường thực tế, ai muốn hiểu biết cũng phải trải qua”[5]. Khi phân tích mọi vấn đề xã hội, Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò định hướng, soi đường của lý luận, đồng thời Người luôn coi trọng thực tiễn và sử dụng đúng thực tiễn như một “phương tiện” để cắt nghĩa luận giải vấn đề xã hội. Theo Người, mọi lời giải đáp cho các vấn đề xã họi của thực tế Việt Nam phải tìm từ chính thực tiễn Việt Nam.
Tôn trọng thực tiễn, tìm lời giản cho các vấn đề xã hội phải từ chính thực tiễn đời sống xã hội, đây là một quy tắc quan trọng mà Người đã trải nghiệm bằng chính cuộc đời hoạt động cách mạng. Đặc biệt trong những năm đầu thế kỷ XX, sau gần mười năm bôn ba khắp các châu lục, làm nhiều nghề khác nhau, tìm hiểu nhiều nền văn hóa, tiếp xúc với nhiều hạng người, Hồ Chí Minh đã rút ra được những kết luận quan trọng về xã hội loài người, về chủ nghĩa đế quốc, về con đường cứu nước. Không phải qua sách vở, mà qua thực tiễn cuộc sống, Người cho rằng: dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản. Từ đất nước mình và qua nhiều nước thuộc địa, Người thấy rõ, chủ nghĩa đế quốc đâu đâu cũng tàn ác dã man, còn nhân dân lao động ở đâu cũng cực khổ vô cùng. Và “muốn cứu nước giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Đánh giá đúng vai trò của thực tiễn, của hoạt động thực tiễn cho nên trong quá trình chỉ đạo cách mạng, Hồ Chí Minh luôn yêu cầu đội ngũ cán bộ phải kết hợp đúng đắn mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Người thường xuyên nhắc nhở phải đề phòng cách làm rập khuôn giáo điều, cần xuất phát từ thực tế để tìm con đường đi riêng phù hợp với tình hình và đặc điểm của Việt Nam. Đặc biệt khi “đứng về mặt xây dựng chủ nghĩa xã hội, tuy chúng ta có những kinh nghiệm dồi dào của các nước anh em, nhưng chúng ta cũng không thể áp dụng những kinh nghiệm đó một cách máy móc, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng của ta”[6]. Chính vì thế, nếu không chú trọng đến đặc điểm của dân tộc mình trong khi học tập kinh nghiệm của các nước anh em là sai lầm nghiêm trọng, là phạm chủ nghĩa giáo điều. Cho nên, mỗi công tác phải hợp với từng nơi, từng lúc, từng hoàn cảnh. Mọi lời giải đáp cho các vấn đề xã hội chỉ có thể đúng đắn và phù hợp khi tìm tòi từ chính thực tế đời sống xã hội. Xã hội tồn tại và phát triển theo những quy luật riêng của nó, nghiên cứu xã hội là quá trình tìm hiểu, phát hiện những quy luật vận hành của xã hội, muốn tìm những giải pháp đáp án đúng đắn để giải quyết những vấn đề xã hội nảy sinh, không thể không nghiên cứu, tìm lời giải từ chính thực tế đời sống xã hội.
Như vậy, nghiên cứu xã hội, phải hướng vào nghiên cứu những vấn đề xã hội cấp bách, có thật trong đời sống xã hội. Nghiên cứu phải tôn trọng sự thật, để phản ánh đúng bản chất của hiện tượng xã hội, vấn đề xã hội. Mọi vấn đề xã hội không thể luận giải đơn thuần bằng những biện lý cao sang mà cái thuyết phục nhất, hợp lý nhất là những lời giải đáp tìm tòi từ chính thực tiễn đời sống xã hội.
2. Giải thích, chứng minh một hiện tượng xã hội bằng nhiều hiện tượng xã hội thực tế và phân tích mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng xã hội để vạch rõ bản chất xã hội của vấn đề nghiên cứu.
 Một nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa duy vật biện chứng là mọi sự vật, hiện tượng có liên hệ mật thiết với nhau, ràng buộc nhau; do vậy phải xem xét các sự vật, hiện tượng trong sự ràng buộc lẫn nhau đó. Trong các bài nói, bài viết của Người thể hiện rất rõ nguyên lý cơ bản trên.
Trước hết khi phân tích hiện thực xã hội, Người thường sử dụng nhiều hiện tượng xã hội có thật để làm rõ bản chất của một hiện tượng xã hội cần luận giải. Khi nói về vấn đề cán bộ. Người nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “là dây chuyền của bộ máy”. Cắt nghĩa thế nào là một người cán bộ tốt? Người khẳng định: cán bộ tốt phải “vừa hồng vừa chuyên”, “vừa có đức vừa có tài”, cán bộ tốt phải có đầy đủ: “nhân, nghĩa, trí, dũng, liêm”. Biểu hiện trong thực tế, cán bộ tốt là: “Đi đến nơi nào có cán bộ tốt thì cảnh tượng tốt bày ngay ra trước mắt: Đồng bào tản cư đi qua đó, đều được giúp đỡ. Bộ đội đóng quân ở đó, hoặc đi qua đó, được úy lạo. Ngày nào cũng thấy dân quân và tự vệ tập tành... Nói tóm lại: nơi nào cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ”[7].
Mọi vấn đề xã hội, hiện tượng xã hội đều phát sinh và gắn bó với đời sống xã hội, đều có “dấu ấn” của nó trong thực tiễn xã hội. Cách phân tích vấn đề của Người gợi mở một phương pháp xem xét thực tiễn: muốn hiểu sâu sắc một vấn đề xã hội, cần phải tìm hiểu những vấn đề xã hội khác có liên quan tới nó. Nghiên cứu các hiện tượng xã hội - theo cách của Hồ Chí Minh - không thể dừng lại ở việc mô tả hiện tượng xã hội đang nghiên cứu đơn thuần về mặt lý thuyết mà nó phải được mô tả bằng những chất liệu thực tiễn, tức là bằng những dấu hiệu xã hội thực tiễn (biểu hiện là hệ thống hoạt động xã hội, quan hệ xã hội, tương tác xã hội, các nhóm xã hội). Có như vậy, người ta mới có thể thấy được quy mô, hình thức biểu hiện, vận hành của hiện tượng xã hội đó trong thực tế.
Quá trình luận giải các vấn đề xã hội, rất nhiều lần Hồ Chí Minh vận dụng linh hoạt phương pháp phân tích nhân quả giữa các hiện tượng xã hội, để rút ra kết luận. Việc Hồ Chí Minh phân tích vấn đề giảm tô cho nông dân, là một biểu hiện mẫu mực về phân tích mối quan hệ nhân quả và phân tích chính sách xã hôi: “... Triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức. Đó là một việc rất công bằng và hợp lý... Nông dân ta có công với Tổ quốc thì triệt để giảm tô, là bù đắp lại phần nào cho công lao của nông dân... Có lợi cho những nhà công nghệ, tiểu công nghệ và thương nghiệp, vì nông dân sinh hoạt khá, thì sẽ mua nhiều hàng, công nghệ và thương nghiệp sẽ càng phát triển. Có lợi cho những người trí thức, nhà văn hóa. Vì nông dân “bụng no thì lo học” và văn hóa nhân dân ngày càng thêm phong phú. Có lợi cho quân đội. Vì sẽ đoàn kết được chặt chẽ đại đa số nông dân và củng cố thêm công nông liên minh là nền tảng của mặt trận”[8]. 
Các hiện tượng xã hội tồn tại trong đời sống xã hội đa dạng và phong phú, đối với người bình thường, tưởng như chúng tồn tại sự ngổn ngang, rối loạn vô phương hướng. Nhưng với một tác phong sâu sát thực tiễn, sự hiểu biết thấu đáo mọi vấn đề, Người đã vạch rõ cơ chế liên hệ giữa các vấn đề xã hội, không phải là những liên hệ trìu tượng mà là những liên hệ có thể quan sát được. Không có cách thuyết phục nào hơn là dùng chính những quan hệ nhân quả thực tiễn ấy để khẳng định hay kết luận về một vấn đề xã hội.
Xã hội tồn tại chằng chịt các mối quan hệ xã hội của chính những con người xã hội và các nhóm xã hội trong xã hội. Mọi hiện tượng xã hội bao giờ cũng gắn với một nhóm xã hội, một cộng đồng xã hội nhất định, không bao giờ nó là của riêng của một cá nhân nào. Mọi hiện tượng xã hội xẩy ra trong đời sống thực tiễn đều có nguyên nhân từ chính xã hội, cắt nghĩa các vấn đề thực tiễn, nếu chỉ dựa vào lý thuyết thì giỏi lắm cũng chỉ dừng lại ở mức độ phỏng đoán, còn nếu dựa vào bằng cứ thực tế thì hoàn toàn có thể chứng minh được. Do vậy luận giải vấn đề xã hội không thể thoát ly đời sống xã hội, phải phát hiện được các mối quan hệ nhân quả giữa chúng, phải tìm được các “bằng cứ” xã hội (càng nhiều càng tốt) để suy luận, để đưa ra kết luận đúng đắn.
3. Phân tích các vấn đề xã hội của một nhóm xã hội phải gắn chặt với thực tế đời sống dân sinh, đặc trưng xã hội của nhóm xã hội đó, để có những luận giải đúng, trúng, sát thực tiễn.
Từ những vấn đề lớn lao của cách mạng đến những vấn đề thường nhật hàng ngày, với cách lý giải của Người thì dù là trí thức hay là nông dân, người dân ở những bản vùng cao hay ở một làng chài ven biển đề có thể hiểu được và làm theo được. Có hiểu được dân thì mới giúp đỡ được dân, có hiểu được dân thì mới có thể viết cho dân dễ hiểu, phân tích cho dân dễ tin, dễ thấy làm cho dân có thể làm theo. Bởi, “trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Có lớp tiên tiến, có lớn chừng chừng, có lớp lạc hậu”[9]. Dân cư đa dạng về cơ cấu, do vậy cách lý giải phân tích vấn đề xã hội không thể đánh đồng. Khi viết hay nói chuyện với một nhóm dân cư cụ thể, Hồ Chí Minh thường sử dụng những đặc điểm về cấu trúc, quan hệ xã hội, hoạt động xã hội, mô hình văn hóa của nhóm dân cư đó làm phương tiện để phân tích luận giải vấn đề của chính nhóm đó.
Thực tiễn đời sống xã hội luôn cụ thể nhưng sinh động, dễ thấy song khó kiểm tra, dễ hiểu nhưng khó khái quát, dễ thấy cái chung nhưng rất khó cắt nghĩa cho đúng, cho trúng cái riêng. Theo cách phân tích vấn đề của Hồ Chí Minh, chúng ta thấy rằng: Muốn luận giải một vấn đề xã hội của một nhóm xã hội cho đúng cho sát thì phải bám vào thực tế đời sống của nhóm xã hội đó. Để từ chỗ phân tích các đặc trưng về cấu trúc, đặc thù trong các hoạt động xã hôi, quan hệ xã hội, đặc điểm văn hóa tìm ra những khác biệt xã hội. Phân tích chính xác những khác biệt xã hội để tìm ra những điểm tương đồng, tạo cơ sở cho sự đoàn kết, sự thống nhất hành động nhằm giải quyết các vấn đề xã hội. Nghiên cứu các vấn đề xã hội của một nhóm xã hội cụ thể, không nên có một sự áp đặt hay sự đánh đồng, mà phải chính từ nội tình của từng nhóm xã hội tìm lời giải cho các vấn đề thực tiễn của chính nhóm đó. Cách làm riêng rất phong phú, nhưng đều phải thực hiện một mục đích chung là ổn định, tiến bộ xã hội.
Khi nói chuyện với các tầng lớp dân cư hay khi viết về các hiện tượng xã hội của các tầng lớp nhân dân, nhiều khi là của một tỉnh, một huyện hay có lúc là một làng, một bản, một nông trường một xí nghiệp, Hồ Chí Minh không bao giờ đề cập tới những chuyện xa xôi, những vấn đề chung chung ít nghĩa, mà Người đề cập ngay tới những vấn đề bức xúc hàng ngày của đời sống dân cư. Phân tích một vấn đề xã hội của một nhóm dân cư, Người luôn gắn với những vấn đề trọng yếu của đời sống dân sinh như việc ăn, ở, sản xuất, học tập, phòng chữa bệnh... Theo cách phân tích của Hồ Chí Minh, các vấn đề xã hội của từng nhóm dân cư rất cụ thể không bắt đầu từ việc phân tích các vấn đề xã hội của từng nhóm dân không thể không bắt đầu từ việc phân tích các vấn đề “cốt tử” ấy, cũng chính các vấn đề ăn, mặc ở, sản xuất, học hành... là cơ sở quy định mọi hoạt động, quan hệ xã hội của con người. Một vấn đề xã hội chỉ được nhận thức và giải quyết trên thực tế, khi nó tìm được “động lực” từ trong hệ thống các quan hệ xã hội, hoạt động xã hội hàng ngày của mọi tầng lớp dân cư. Mọi cách lý giải, phân tích không tính đến việc phân tích đời sống sinh hoạt, sản xuất, văn hóa của đời sống dân sinh đều là những phân tích phi thực tế.
4. Diễn giải thuật ngữ khoa học bằng ngôn ngữ của đời sống xã hội, làm cho nó dễ hiểu, dễ nhớ.
Các vấn đề xã hội có tính trừu tượng rất cao, song qua cách phân tích của Hồ Chí Minh, nó luôn được cụ thể hóa, hiện thực hóa sinh động. Các khái niệm khoa học, thuật ngữ có tính khoa học trong các bài viết của Người luôn được diễn đạt bằng những ngôn từ của cuộc sống bằng những chất liệu của chính thực tế đời sống, cho nên mọi người dân rất dễ hiểu dễ nhớ. Một nhà báo Pháp đã nhận xét: “Không bao giờ ông tỏ vẻ thông thái, vốn rất rộng của ông. Ông thông thạo bảy thứ tiếng khác nhau và nói được rất nhiều tiếng thổ âm, trái lại ông chỉ dùng những câu nôm na, khiến cho một người dù quê mùa, chất phác nghe cũng hiểu ngay được”[10].
Nhiều khi chỉ bằng một vài từ hoặc một vài hình ảnh, Người có thể trình bày những vấn đề rất phức tạp: Nói về chủ nghĩa đế quốc, Người không luận giải dài dòng, mà dùng hình ảnh để vạch rõ bản chất: “Chủ nghĩa tư bản là một con đỉa có một cái vòi bám vào giai cấp vô sản ở chính quốc chính quốc và một cái vòi khác bám vào giai cấp vô sản ở các thuộc địa. Nếu người ta muốn giết con vật ấy, người ta phải đồng thời cắt cả hai vòi”[11]. Nói về mối liên hệ giữa hai mặt chính trị và quân sự trong xây dựng lực lưỡng vũ trang, Người khẳng định: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Viết về vai trò quần chúng nhân dân, Người nhấn mạnh: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Lý giải về chủ nghĩa xã hội, Người diễn tả mộc mạc: “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý, làm nhiều hưởng nhiều làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng, những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”... Đấy chính là điều để lý giải quan điểm của Người khi chủ trương: “Phải đưa chính trị vào giữa dân gian”. Cho nên một mặt Người phân tích các vấn đề xã hội bằng những ngôn từ giản dị, hình ảnh mộc mạc giúp mọi người dễ hiểu dễ nhớ. Mặt khác những hiện tượng có tính lý luận trìu tượng Người luôn cụ thể hóa hiện tượng đó bằng những hình anhr của thực tế.
Luôn luôn quy các khái niệm khoa học, các thuật ngữ về các hiện tượng có thật trong đời sống xã hội là một phương pháp phân tích được Hồ Chí Minh sử dụng trong rất nhiều bài viết, bài nói. Với mọi tầng lớp dân cư vào mọi thời đoạn của cách mạng, cách phân tích vấn đề của Người vừa có ý nghĩa to lớn trong cải tạo thực tiễn vừa có ý nghĩa về mặt phương pháp trong nghiên cứu xã hội. Đây là một sự gắn kết tuyệt vời giữa lý luận và thực tiễn, giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất, giữa nhận thức và hành động. Không có cái cốt vật chất, đời sống tinh thần không biểu hiện ra được, không gắn với thực tiễn đời sống xã hội, không có các hình ảnh thực tế, số liệu thực tế minh họa, mọi khái niệm khoa học chỉ dừng lại ở mặt câu chữ mà thôi, hoàn toàn bất lực, xa lạ trước thực tiễn xã hội.
Cách diễn giải các vấn đề xã hội, các khái niệm, thuật ngữ của Hồ Chí Minh là quá trình cụ thể hóa, thực tế hóa giúp cho mọi người định hình được công việc, định lượng được vấn đề, định danh được khái niệm, quan sát kiểm chứng được vấn đề lý luận trong đời sông xã hội.
KẾT LUẬN
Phương pháp thực tiễn Hồ Chí Minh là: Nghiên cứu các vấn đề xã hội phải là những vấn đề có thật trong thực tế, phải tôn trọng sự thật dùng thực tế chứng minh cho thực tế. Coi trọng vai trò định hướng của lý luận nhưng mọi lời giải đáp cho các vấn đề của cuộc sống phải tìm tòi từ chính thực tiễn đời sống xã hội. Luận giải các vấn đề xã hội phải có hệ thống chặt chẽ, tiếp cận nhiều chiều, sử dụng nhiều hiện tượng xã hội có thật để khẳng định một hiện tượng cần lý giải. Phân tích mối quan hệ nhân quả giữa các hiện tượng xã hội để rút ra kết luận có cơ sở vững chắc. Phân tích nghiên cứu hiện tượng xã hội của một nhóm xã hội nào thì dùng ngay đặc trưng cấu trúc, vị trí xã hội, quan hệ xã hội và mô hình văn hóa của nhóm đó để làm rõ vấn đề xã hội của chính nhóm xã hội đó. Diễn giải thuật ngữ khoa học bằng ngôn ngữ của đời sống xã hội, làm cho nó dễ hiểu dễ nhớ và có thể đo lường lượng hóa chính xác.
Tính khoa học, hiệu quả thực tế của phương pháp thực tiễn Hồ Chí Minh được minh chứng bằng chính những thành quả vĩ đại của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Người. Tổng kết thực tiễn cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua, Đảng ta rút ra bài học: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Đảng phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và góp phần phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng làm giàu trí tuệ, bản lĩnh chính trị và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết cảc vấn đề do thực tiễn cách mạng đặt ra. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng quy luật khách quan.


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Chinh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nghiệp vĩ đại, gương sáng đời đời”  Nxb ST, H, 1980.
2. Lê Duẩn: “Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta” Nxb ST, H, 1986.
3. Phạm Văn Đồng: “Hồ Chí Minh một con người một dân tộc một thời đại một sự nghiệp” Nxb ST, H. 1990.
4. Võ Nguyên Giáp: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam “ Nxb CTQG, H. 1997.
5. Trần Văn Giàu: “Sự hình thành về cơ bản tư tưởng Hồ Chí Minh” Nxb CTQG, H. 1997.
6. Nguyễn Việt Hồng: “Bác Hồ con người và phong cách” Nxb LĐ H, 1997. Nxb CTQG, H. 1998.
7. Đinh Xuân Lâm (chủ biên): “Hồ Chí Minh văn hóa và đổi mới” Nxb LĐ, H. 1998.
8. Phan Ngọc Liên: “Hồ Chí Minh từ nhận thức lịch sử đến hành động cách mạng” Nxb CTQG, H. 1999.


[1] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 6, tr.248.
[2] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 8, tr.497-498.
[3] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 8, tr.216.
[4] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 7, tr.118.
[5] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 6, tr.251.
[6] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 1, tr.XII.
[7] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 5, tr.139.
[8] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 7, tr.44-45.
[9] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 5, tr.296.
[10] Tuần báo Đây Paris ra ngày 18-6-1946.
[11] Hồ Chí Minh (2000), Sđd., tập 1. tr.298.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét