Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

SỰ TÁC ĐỘNG CỦA VĂN HOÁ ĐẾN QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CON NGƯỜI MỚI VIỆT NAM HIỆN NAY



Trong tiến trình lịch sử xã hội, mỗi nền văn hoá nhất định luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc hình thành nên một kiểu mẫu con người nhất định. Văn hoá không những là thước đo trình độ người đối với cộng đồng mà còn đối với từng con người cụ thể. Người có văn hoá là người biết, hiểu và hành động đúng, là người mà giữa tư tưởng, lời nói và việc làm luôn thống nhất với nhau. Sự tồn tại trọn vẹn của mỗi cá nhân trong quá trình phát triển toàn diện năng lực sáng tạo, trí tưởng tượng, đời sống tình cảm và cả thể lực đều là các hiện tượng cơ bản của văn hoá. Do đó, vấn đề trung tâm của quá trình phát triển văn hoá bao giờ cũng là vấn đề xây dựng con người. Đảng ta khẳng định: "Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển". Chính vì thế, chúng ta cần phải "Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hoá gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển"[1].
Quá trình nhập thân văn hoá
Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người trước hết là định hướng giá trị đối với quá trình nhập thân văn hoá của từng cá nhân nhằm hình thành, phát triển nhân cách. Khái niệm nhập thân văn hoá bao hàm tổng thể và tổng hoà của sự truyền thụ và tiếp nhận giá trị, sự giáo dục và chấp nhận giá trị, sự rèn giũa theo giá trị và tôn vinh giá trị, sự phản biện và làm toả sáng giá trị, sự phát triển và tái sáng tạo giá trị. Thực chất nhập thân văn hoá là quá trình gồm hai mặt: tự biến mình thành một nhân cách văn hoá của cộng đồng; sáng tạo văn hoá và góp nhân cách văn hoá của mình vào văn hoá cộng đồng
Con người chuyển từ đời sống bầy đàn sang đời sống xã hội thì môi trường sống của họ đồng thời chuyển dần sang môi trường văn hoá và ngày càng được văn hoá hoá, nghĩa là làm cho mọi thành viên của xã hội trở nên có văn hoá, trở nên có chất người. Chính môi trường văn hoá đã cải biến con người - tự nhiên thành con người - xã hội và làm cho nhân cách mỗi người ngày càng hoàn thiện. Cái đánh dấu sự phát triển bản chất người trong lịch sử là sự lấn át, vượt trội, tiết chế của tính nhân văn trước tính bản năng, hay nhân tính trước thú tính. Hơn nữa, tính nhân văn còn làm cho tính bản năng của con người cũng được văn hoá hoá. Con người nặng về bản năng thì "đói ăn vụng, túng làm càn", còn con người trọng nhân văn thì "đói cho sạch, rách cho thơm".
Quá trình phát triển và phát huy những giá trị người trong lịch sử xã hội cũng đồng thời là quá trình con người từng bước chế ngự và làm chủ cái bản năng động vật để ngày càng tách khỏi động vật và thoát khỏi động vật. Điều đó làm cho mỗi người không những có thể đối diện với tự nhiên như một chủ thể đầy bản lĩnh, mà còn hình thành, phát triển được chất người của mình trong làm chủ xã hội, đồng thời làm chủ chính bản thân mình. Chỉ có trong môi trường văn hoá, con người mới thực sự thành Người. Quá trình hình thành và phát triển nhân cách theo phương thức nhập thân văn hoá của con người bao giờ cũng chỉ có thể diễn ra trong một môi trường văn hoá nhất định mà nếu thoát ly khỏi đó, con người chỉ còn lại bản năng. Bởi vì, thực chất của sự hình thành và phát triển nhân cách là việc tích luỹ, không ngừng làm tăng vốn văn hoá của con người trong môi trường văn hoá. Tác động từ đời sống văn hoá hoá của cộng đồng chỉ đạt hiệu quả cao khi được từng con người tiếp nhận một cách tự giác. Trong cùng một môi trường văn hoá, kích thước văn hoá của mỗi người chủ yếu tuỳ thuộc vào trình độ nhập thân văn hoá cao hay thấp, toàn diện hay kém toàn diện, sâu sắc hay ít sâu sắc.
Quá trình nhập thân văn hoá diễn ra trong suốt cả cuộc đời mỗi con người. Phương thức, trình độ, tốc độ, chiều sâu… nhập thân văn hoá luôn tuỳ thuộc vào trình độ văn hoá đã tích luỹ trước đó. Khổng Tử đã chiêm nghiệm: tam thập nhi lập (tuổi ba mươi là tuổi lập thân), tứ thập nhi bất hoặc (bốn mươi tuổi không còn nghi ngờ những việc mình theo đuổi), ngũ thập nhi tri thiên mệnh (năm mươi tuổi có thể dự đoán mọi sự), lục thập nhi nhĩ thuận (đến tuổi sáu mươi, người ta thường chọn những điều dễ nghe để bảo ban con cháu). Tập tục truyền thống của một số dân tộc còn quy định những thể lễ để công nhận trình độ nhập thân văn hoá của các thành viên. Tục cắt bao quy đầu cho trẻ em ở người Hồi; tục cà răng, căng tai ở đồng bào Bana, tục gửi tu trên chùa trước khi thành niên ở người Khơme, Mianma... đều chỉ được tiến hành khi đến độ tuổi nhất định. Các quốc gia hiện đại thường lấy độ tuổi mười tám để đánh dấu sự trưởng thành về nhân cách công dân, và đó cũng chính là sự trưởng thành có thể chấp nhận của quá trình nhập thân văn hoá từ trẻ em thành người lớn.
Quá trình nhập thân văn hoá của con người còn làm cho từng nhân cách hấp thụ được những nét bản sắc dân tộc độc đáo của văn hoá. Mặc dù không có sự khác biệt cơ bản về kết cấu sinh học, nhưng do tiếp nhận nền văn hoá với bản sắc dân tộc khác nhau mà nhân cách văn hoá mỗi dân tộc, mỗi vùng miền lại không hoàn toàn giống nhau. Chẳng hạn, người dân miền biển quen "ăn sóng, nói gió" nên khoáng đạt trong các mối quan hệ, trong khi người dân thị thành tinh tế, khôn khéo và pha chút màu mè, kiểu cách, còn người dân miền núi lại chất phác, thật thà và người dân nông thôn thì thuần hậu theo kiểu "quê mùa". Khi thay đổi môi trường sống, những dấu ấn văn hoá đó về cơ bản vẫn còn in đậm, nhưng quá trình tái nhập thân văn hoá sẽ diễn ra trong sự tác động của môi trường văn hoá mới để hình thành những nét tính cách mới.
Điều cốt yếu trong quá trình nhập thân văn hoá nhằm hình thành và phát triển nhân cách là mỗi người phải xác định đúng toạ độ văn hoá của mình trong một môi trường văn hoá nhất định. Chỉ có trên cơ sở ấy, mỗi cá nhân mới có thể thiết lập được mối quan hệ văn hoá với tự nhiên, với xã hội, với người khác và với chính bản thân mình, từ đó nhìn nhận đúng đắn về nghĩa vụ và quyền lợi, vinh dự và trách nhiệm, cống hiến và hưởng thụ nhằm làm giàu vốn văn hoá toàn diện của bản thân và biết cách cư xử có văn hoá. Một giám đốc giỏi phải đồng thời là một người chồng tốt, người cha mẫu mực, người con có hiếu... thì mới trở thành một nhân cách có văn hoá. Song, nếu xác định không đúng toạ độ văn hoá, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lệch chuẩn nhân cách, "râu ông nọ cắm cằm bà kia", đưa lối xử sự gia đình chủ nghĩa vào công việc và đem bệnh nghề nghiệp về áp đặt ở gia đình.
Có hai phương thức nhập thân văn hoá là tiếp nhận theo trường lớp và tự tiếp nhận văn hoá. Tiếp nhận theo trường lớp là quá trình nhập thân văn hoá nhờ được giáo dục, đào tạo một cách hệ thống, cơ bản, theo bài bản nhất định. Phương thức này thường bị giới hạn về không gian - thời gian và không phải tất cả mọi người đều có đủ điều kiện để theo đuổi nghiệp học; hơn nữa, số vốn văn hoá được tiếp nhận theo phương thức này không lớn và không đa dạng. Nhưng đó là những giá trị văn hoá mang tính luận lý, có hàm lượng trí tuệ cao và có khả năng định hướng phương pháp luận, nên giúp con người tránh được vấp váp, mò mẫm, phát minh lại những phát minh... Còn phương thức tự tiếp nhận văn hoá thì gắn liền với quá trình trưởng thành của cả đời người, được tiến hành mọi lúc, mọi nơi. Nó đến với tất cả mọi người dù được tiếp nhận tự phát hay tự giác, có hình thức hết sức phong phú, gắn liền với thực tiễn và chiếm hầu hết trong tổng số vốn văn hoá cá nhân. Đồng thời, nó còn là nền tảng quyết định tính hiệu quả của phương thức tiếp nhận có tổ chức.
Do vậy, quá trình phát huy vai trò của văn hoá trong xây dựng con người luôn đòi hỏi phải kết hợp chặt chẽ cả hai phương thức nói trên. Và dù nghiêng theo phương thức nào thì quá trình nhập thân văn hoá cũng chỉ có thể diễn ra trong một môi trường văn hoá nhất định. Con người sáng tạo văn hoá, vun đắp nên những nền văn hoá và đến lượt nó, văn hoá của từng thời đại bồi bổ, chắt chiu chất người ở con người. Sự sáng tạo lẫn nhau đó được thực hiện thông qua tất cả các hoạt động sống của con người trong tiến trình lịch sử và tạo nên môi trường văn hoá để nuôi dưỡng con người về phương diện văn hoá.
Giáo dục con người về văn hoá và bằng văn hoá
Văn hoá thực hiện chức năng giáo dục mà nhờ đó tác động trực tiếp tới sự hình thành và phát triển nhân cách toàn diện, tới mọi mặt đời sống tinh thần và phát huy tối đa tiềm năng của con người. Giáo dục con người là chức năng xã hội bao trùm của văn hoá, thể hiện ở việc định hướng lý tưởng, đạo đức, hành vi... của con người và cộng đồng theo hệ chuẩn chân, thiện, mỹ. Với chức năng này, văn hoá trở thành động lực hết sức cơ bản tạo nên sự phát triển liên tục của lịch sử nhân loại và từng dân tộc, như sợi dây nối liền quá khứ với hiện tại và tương lai, duy trì và phát triển truyền thống bản sắc độc đáo của từng dân tộc. Tuy nhiên, điều đó chỉ đạt hiệu quả cao khi quá trình giáo dục được biến thành tự giáo dục, tức là thành quá trình nhập thân văn hoá, để biến những yêu cầu của nếp sống có văn hoá, kỷ cương, pháp luật… của xã hội thành hệ thống động cơ, thái độ bên trong của mỗi người dân, làm cho quá trình xây dựng con người trở thành quá trình tự xây dựng, tự phát triển, hoàn thiện.
Nâng cao dân trí là chức năng xã hội hàng đầu của văn hoá. Một tác phẩm nghệ thuật cùng với việc làm rung cảm trái tim người thưởng thức thì cũng được thấu hiểu và mang tới cho họ những hiểu biết mới về tự nhiên, xã hội, cuộc sống, con người... Nhờ có chức năng này và thông qua thực hiện chức năng này, văn hoá góp phần trang bị hệ thống tri thức trong suốt lịch sử phát triển của con người và cộng đồng, làm cho thế hệ sau đứng trên vai thế hệ trước với tầm nhìn ngày càng rộng mở. Văn hoá còn tạo điều kiện để từng cộng đồng nâng cao dân trí về mọi mặt, qua đó bồi bổ vốn văn hoá của con người. Chức năng nâng cao dân trí của văn hoá không chỉ được phản ánh trong lý luận văn hoá chuyên ngành, mà còn thể hiện một cách đa dạng, phong phú và sinh động ở chiều rộng, chiều sâu của các ngành khoa học khác. Trên thực tế, việc trang bị các tri thức khoa học tự nhiên, khoa học - kỹ thuật, khoa học xã hội và nhân văn… đều là quá trình là truyền thụ những giá trị văn hoá.
Văn hoá góp phần xây dựng, phát triển nhân cách toàn diện của con người thông qua chức năng điều chỉnh xã hội của nó. Xã hội là một hệ thống tổ chức hoàn chỉnh, trong đó mỗi cá nhân sống và hoạt động theo những quy tắc, chuẩn mực nhất định mà cộng đồng đã xác lập nhờ cách thức văn hoá hoá. Một mặt, văn hoá góp phần điều chỉnh mọi quan hệ xã hội và hành vi con người theo một định hướng, lý tưởng, mục tiêu nhất định, do đó làm cho xã hội vận hành bình thường. Mặt khác, văn hoá thường xuyên bổ sung hệ thống chuẩn mực ứng xử, quan hệ xã hội và loại bỏ dần những chuẩn mực đã lỗi thời, lạc hậu. Cùng với việc thực hiện chức năng ấy, văn hoá còn tự điều chỉnh để bảo đảm sự phát triển lành mạnh, đúng hướng của chính nó, đấu tranh chống lại những yếu tố có xu hướng phản chân, phản thiện, phản mỹ. Những yêu cầu của nếp sống văn minh, đạo lý, kỷ cương, phép nước... nếu được áp đặt thông qua con đường hành chính đơn thuần hoặc chỉ bằng biện pháp giáo dục chung chung, xa rời thực tế sẽ trở nên cứng nhắc, gượng ép, hiệu quả không cao. Nhưng khi được chuyển hoá thành yếu tố của văn hoá, những yếu cầu đó sẽ thấm vào đời sống và hoạt động của con người và cộng đồng một cách hoàn toàn tự nhiên, trở thành những thuộc tính bên trong của từng thành viên với độ bền vững cao.
Văn hoá thông qua chức năng thẩm mỹ tạo ra những tiền đề cần thiết để con người tiếp tục sáng tạo những giá trị văn hoá tiên tiến, mở rộng giao lưu văn hoá qua những hình thức hoạt động và thiết lập những quan hệ văn hoá lành mạnh, từ đó hình thành những yếu tố mới trong phẩm chất, năng lực toàn diện của con người. của văn hoá. Nhu cầu và khả năng hướng tới cái đẹp là dấu hiệu cơ bản nói lên trình độ phát triển những giá trị người ở mỗi cá nhân và cộng đồng, đồng thời là một trong những động lực quan trọng tạo nên sự tiến bộ xã hội. Thực tiễn lịch sử nhân loại đã chứng minh rằng, mỗi bước tiến của xã hội cũng là một bước con người vươn tới cái đẹp. Nếu không biết rung động trước cái đẹp, không biết trân trọng cái đẹp và tìm mọi cách thức để sáng tạo nên cái đẹp, thì con người dù giàu có, giỏi giang, hiểu rộng biết sâu… cũng không thể được coi là con người có văn hoá một cách hoàn chỉnh.
Chính quá trình sáng tạo, truyền toả, phát huy giá trị của các hình tượng nghệ thuật là quá trình văn hoá góp phần định hướng cảm xúc, thị hiếu, lý tưởng thẩm mỹ và khơi gợi, bồi dưỡng khả năng, nhu cầu thẩm mỹ của con người. Văn hoá còn đóng vai trò quan trọng đối với việc hình thành những yếu tố mới trong phẩm chất, năng lực toàn diện của từng người, góp phần hoàn thiện con người và cộng đồng theo tiêu chí cái đẹp. Vai trò này không tách rời vai trò nâng cao dân trí và hướng tới làm cho văn hoá thực hiện tốt chức năng giáo dục cũng như các chức năng khác như giao tiếp, giải trí, dự báo, phê phán, tích luỹ, bảo quản và truyền bá thông tin.
Khẳng định vai trò to lớn của văn hóa, nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, F.Mayor cũng nhấn mạnh: “Kinh nghiệm của hai thập kỷ qua cho thấy rằng trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào hoặc theo xu hướng chính trị nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau (...). Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động lực và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa (...). Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội...”[2]. Điều đó cho thấy, khái niệm phát triển phải bao gồm các nhân tố kinh tế và xã hội, cũng như các giá trị đạo đức và văn hoá, quy định sự nảy nở và phẩm giá con người trong xã hội. Nếu như con người là nguồn lực của phát triển, nếu như con người vừa là tác nhân lại vừa là người được hưởng, thì con người phải được coi chủ yếu như là sự biện minh và là mục đích của sự phát triển.
Xác định văn hoá là mục tiêu của sự phát triển xuất phát từ nhận thức đúng bản chất của văn hoá và quan niệm đúng về sự phát triển, bởi mục tiêu cuối cùng của một xã hội có một nền văn hoá tiên tiến chính là phát triển con người, đó cũng chính là quy luật phát triển của lịch sử. Con người đó phải là con người thật sự có hạnh phúc, đó là con người toàn diện theo chuẩn mực giá trị văn hoá. Con người là yếu tố quyết định nhất của sự phát triển kinh tế xã hội, mà nguồn lực này lại nằm trong văn hoá bởi văn hoá là sản phẩm sáng tạo của con người. Cho nên xây dựng nền văn hoá Việt Nam cũng chính là xây dựng và phát huy nguồn lực con người, đó là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển. Tiềm năng sáng tạo của con người chính là tiềm lực văn hoá xã hội, nên khi xây dựng đường lối chiến lược phát triển kinh tế xã hội, phải lấy việc phục vụ con người là mục đích, lấy văn hoá làm mục tiêu và động lực. Con người đã sáng tạo văn hoá thông qua hoạt động thực tiễn có ý thức của chính mình, khi đó con người là chủ thể của văn hoá. Nhưng đồng thời những giá trị văn hoá lại phục vụ cho mục đích nâng cao giá trị cuộc sống của con người, khi đó con người là khách thể của văn hoá.
Tóm lại, sự tác động của văn hoá đến quá trình xây dựng con người là sự tác động toàn diện, sâu sắc với rất nhiều phương thức, cách thức và góc độ khác nhau. Định hướng đúng đắn sự tác động đó trong một chỉnh thể thống nhất hữu cơ chính là tạo ra một trường văn hoá lành mạnh, năng động; đồng thời, xây dựng môi trường văn hoá tốt đẹp là nhằm lành mạnh hoá, năng động hoá các phương diện đó. Điều này có ý nghĩa quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người theo hướng ngày một văn hoá hơn. Bởi vì, nói đến vai trò của văn hoá đối với xây dựng con người là nói đến tổng thể những điều kiện nuôi dưỡng, vun đắp, phát triển nhân cách con người cả về mặt văn hoá văn hoá vật chất và mặt văn hoá tinh thần.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI¸ Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.76.
[2] Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa, Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Bộ văn hóa Thông tin và thể thao, H, 1992, tr.23.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét