Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC ẢNH HƯỞNG TIÊU CỰC CỦA HỆ TƯ TƯỞNG PHONG KIẾN Ở ĐỘI NGŨ TRÍ THỨC NƯỚC TA HIỆN NAY



Xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp góp phần nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững. Để hoàn thành nhiệm vụ to lớn ấy, đội ngũ trí thức phải được khuyến khích giúp đỡ, phát triển tài năng. Trong hàng loạt các biện pháp xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức hiện nay thì việc đấu tranh nhằm khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của hệ tư tưởng phong kiến, kinh tế tiểu nông có vai trò quan trọng góp phần nâng cao phẩm chất cách mạng, năng lực chuyên môn, bản lĩnh khoa học... cho đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu xây dựng và BVTQ trong tình hình mới.
Cơ cấu đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay rất đa dạng, trong đó không thể không kể tới những trí thức được đào tạo dưới chế độ thực dân, phong kiến. Điều đó khó tránh khỏi “một bộ phận trí thức, ở mức độ khác nhau còn chịu ảnh hưởng các các mặt hạn chế của hệ tư tưởng phong kiến, kinh tế tiểu nông...”[1] trong quá trình phát triển của đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay. Để cuộc đấu tranh khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của hệ tư tưởng phong kiến, kinh tế tiểu nông ở đội ngũ trí thức có kết quả, trước hết phải nhận rõ những ảnh hưởng tiêu cực của hệ tư tưởng phong kiến, kinh tế tiểu nông ở đội ngũ trí thức Việt Nam hiện nay.
Khi phân tích, Đảng lao động Việt Nam với lao động trí óc, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng, “chúng ta phải thật thà nhận rằng: về chuyên môn và trong mức nào đó, thì anh chị em trí thức khá. Song, vì ngày trước, anh chị em bị giáo dục trong đường lối và khuôn khổ thực dân và phong kiến, cho nên tư tưởng và lề lối làm việc của anh chị em không khỏi ảnh hưởng của thực dân và phong kiến”[2]. Thực tiễn cách mạng đã cho thấy, mặc dù chính quyền của thực dân, phong kiến đã bị cách mạng đánh đổ mấy mươi năm nay, song, ý thức hệ và những tâm lý, tập quán phong kiến vẫn còn tồn tại dai dẳng trong đời sống, đeo bám vào các tầng lớp trong xã hội, trong đó có đội ngũ trí thức. Quá trình phát triển nhiều trí thức đã tự mình “gột rửa” những “tàn tích” phong kiến và vươn lên trở thành những trí thức chân chính, góp phần tích cực vào công cuộc giải phóng dân tộc, xây dựng và BVTQ. Vì vậy, họ được xã hội trân trọng, “đồng bào kính trọng, Chính phủ và đoàn thể nêu cao”[3]. Song, bên cạnh đó còn những trí thức bị ảnh hưởng những tư tưởng và lề lối làm việc phong kiến, tự trói buộc mình trong những giáo điều đã lỗi thời nên tự họ đã hạn chế tài năng của mình trên lĩnh vực khoa học và do đó không góp được nhiều công sức, trí tuệ cho sự nghiệp khoa học, thậm chí có những trí thức còn trở thành vật cản của công cuộc đổi mới.
Như vậy, có thể thấy những ảnh hưởng tiêu cực của hệ tư tưởng phong kiến và kinh tế tiểu nông đối với tư tưởng và lề lối làm việc của trí thức hiện nay vẫn còn, trong đó tập trung chủ yếu vào mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, hệ tư tưởng phong kiến và kinh tế tiểu nông đã hạn chế sự phát triển ý thức hệ vô sản, mà trước hết là cản trở sự truyền bá, tiếp thu, vận dụng, phát triển lý luận Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của đội ngũ trí thức trong thực tiễn.
Những quan niệm, quan điểm dựa trên thế giới quan, phương pháp luận duy tâm, siêu hình trong hệ tư tưởng phong kiến đối lập với thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin. Sự đối lập này sẽ làm cho những nguyên lý, lý luận Mác-xít sẽ gặp phải các rào cản cả về thế giới quan, phương pháp luận và lợi ích giai cấp của hệ tư tưởng phong kiến trong quá trình truyền bá, tiếp thu, vận dụng, phát triển trong thời kỳ mới.
Thứ hai, hệ tư tưởng phong kiến và kinh tế tiểu nông đã hạn chế sự phát triển của tư duy lý luận của đội ngũ trí thức.
Những tư tưởng, quan điểm - sản phẩm của tư duy kinh nghiệm, đặc biệt là bệnh kinh nghiệm của hệ tư tưởng phong kiến là lực cản trực tiếp đối với quá trình phát triển từ tư duy kinh nghiệm vươn lên tư duy lý luận khoa học của đội ngũ trí thức. Đặc biệt, khi bệnh giáo điều, kinh nghiệm được ngụy biện bởi lý luận khoa học thì sự cản phá của nó đối với tư duy lý luận không chỉ là cản trở quá trình biện chứng nhận thức chân lý mà nó còn xuyên tạc, bóp méo sự thật gây ra những hoài nghi về tính chân thực, cách mạng của thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng. Theo đó, hệ quả tất yếu mà nó gây ra chính là cản trở sự năng động, sáng tạo của đội ngũ trí thức trong việc vận dụng, phát triển lý luận khoa học vào đời sống thực tiễn. 
Thứ ba, hệ tư tưởng phong kiến, tiểu nông đã hạn chế phong cách làm việc khoa học của đội ngũ trí thức.
Dưới chế độ thực dân và phong kiến “những người lao động trí óc, những người trí thức chân chính bị bọn thống trị biến thành những người làm thuê cho chúng, “sớm vác ô đi, tối vác về”[4]; hoặc thấy mình là “lớp tiên tri, tiên giác” mà trở nên “kiêu ngạo, lên mặt”[5]... Điều này sẽ ảnh hưởng đến phong cách làm việc dân chủ, cởi mở, tận tâm, tận lực trong nghiên cứu, tìm tòi chân lý và sáng tạo ra cái mới chứa đựng các giá trị khoa học phục vụ cho phát triển của chính người trí thức và cho sự phát triển xã hội. Sự hạn chế trong phong cách làm việc sẽ dẫn đến sự khiếm khuyết trong nhân sinh quan, nhân cách của người trí thức chân chính, cách mạng, tiến bộ.
Thứ tư, hệ tư tưởng phong kiến, tiểu nông tạo kẽ hở để kẻ thù kích động, lợi dụng chống lại chính mục đích nhân đạo, nhân văn, tiến bộ, văn minh, phát triển của khoa học.
 Lối sống “sinh hoạt phong lưu, nhưng tinh thần thì bị mờ mịt”6,  ”cầu an, hưởng lạc” của trí thức dưới thời thực dân và phong kiến còn rơi rớt lại ngày nay sẽ là môi trường thuận lợi để các cám dỗ của lối sống tư sản phương Tây, mặt trái của cơ chế thị trường sẽ xâm nhập, mua chuộc, dụ dỗ, lôi kéo... đội ngũ trí thức cuốn vào vòng xoáy của những ham muốn hưởng lạc trái với thuần phong mỹ tục và văn hoá dân tộc. Nếu không nhận thức và giải quyết được một cách khoa học về quan hệ lợi ích, thì chắc chắn những trí thức này sẽ bị ham muốn tiền bạc, quyền lực... sai khiến mà bất chấp chân lý khoa học và đạo lý làm người lương thiện, từ đó có những suy nghĩ và hành động đi ngược lại với những mục đích, bản chất tốt đẹp của khoa học, đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của giai cấp công nhân, nhân dân lao động, lợi ích của dân tộc ta trong công cuộc xây dựng xã hội mới, xã hội xã hội chủ nghĩa.
Để khắc phục những tác động tiêu cực của hệ tư tưởng tưởng phong kiến, tiểu nông ở đội ngũ trí thức hiện nay cần tập trung vào “cải tạo tư tưởng, sửa đổi lề lối làm việc; đào tạo trí thức mới, cải tạo tri thức cũ; công nông trí thức hóa; trí thức công nông hóa”7. Theo đó cần phải tập trung vào mấy vấn đề sau:
Một là, tiếp tục xây dựng và phát triển môi trường sống và làm việc thật sự mang tính văn hoá cao và khoa học trong đội ngũ trí thức.
Có rất nhiêu tiêu chí đánh giá môi trường sống và làm việc thật sự có văn hoá cao và khoa học, trong đó, tính dân chủ là yếu tố quan trọng hàng đầu, phản ánh đậm nét tính văn hoá và khoa học của môi trường sống, làm việc của đội ngũ trí thức cách mạng. Môi trường sống và làm việc nếu phát huy được dân chủ sẽ “làm cho mọi người có gì nói hết, cái đúng thì nghe, cái không đúng thì giải thích, sửa chữa”[6]. Sự công khai, thẳng thắn, trung thực trong các quan hệ ứng xử sẽ góp phần hạn chế, đẩy lùi tệ chuyên quyền, độc đoán, kiêu ngạo, chủ quan, ích kỷ, hẹp hòi, coi thường người khác... trong  bản thân mỗi trí thức.
Trong môi trường văn hoá sẽ thúc đẩy quá trình tự “hoá văn” trong mỗi người trí thức. Chân giá trị chân - thiện - mỹ được hình thành, phát triển trong quá trình “hoá văn”  sẽ làm cho thói  ích kỷ, vụ lợi, kiêu ngạo, độc đoán... sẽ ngày càng thấy mình xa lạ, kệch cỡm trước xu thế phát triển tiến lên của thực tiễn đời sống.  
Dân chủ và kỷ cương dưới CNXH về bản chất là có sự thống nhất với nhau, gắn bó chặt chẽ không thể tách rời. Vì vậy, để có và bảo đảm quyền dân chủ thì bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện các thiết chế bảo đảm dân chủ như:  “ban hành qui chế dân chủ trong hoạt động khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo, văn hóa và văn nghệ...”[7], hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm quyền dân chủ trong các hoạt động cho đội ngũ trí thức.... thì việc xử lý nghiêm khắc và dân chủ các biểu hiện mất dân chủ trong hoạt động của trí thức có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo đảm môi trường dân chủ thực sự cho hoạt động của đội ngũ trí thức.
Hai là, phát triển tư duy lý luận cho đội ngũ trí thức.
Phát triển tư duy lý luận cho đội ngũ trí thức hiện nay, bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều thách thức. Những biến đổi nhanh chóng của thực tiễn hàng ngày, hàng giờ đang đặt ra cả về phương diện lý luận và thực tiễn mà chưa có lời giải thật sự khoa học đủ sức thuyết phục mọi người. Theo đó, nếu không có tư duy lý luận khoa học vững chắc sẽ rất dễ dao động, thiếu niềm tin vào những nguyên lý lý luận đã được đúc kết và sự đơm hoa kết trái tất yếu trong công cuộc tìm kiếm chân lý khoa học. Sự dao động này dễ xuất hiện những biểu hiện muốn tìm “thần”, “Chúa”, “Trời”, “cái hích của Thượng đế”... trong nhận thức và hành động của trí thức, đặc biệt là trong những luận giải về mối quan hệ giữa đời sống tâm linh và thực tiễn cuộc sống thường nhật.
Để phát triển tư duy lý luận khoa học của đội ngũ trí thức hiện nay, bên cạnh việc trang bị hệ thống, toàn diện, sâu sắc kiến thức khoa học chuyên ngành thì việc tiếp tục trang bị thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng làmcơ sở lý luận, kim chỉ nam cho mọi hoạt động của đội ngũ trí thức hiện nay có vai trò hết sức quan trọng. Sự vững vàng trên lập trường của thế giới quan, phương pháp luận duy vật biện chứng và lý luận khoa học chuyên ngành không chỉ là sơ sở quan trọng để xua tan những hoài nghi, dao động thiếu luận cứ khoa học, những ý tưởng muốn “ tìm thần”, “ tạo thần”, những lập luận máy móc, giáo điều trong khoa học, mà còn là cơ sở để củng cố lòng tin vào các lý luận khoa học đã được đúc rút, giải đáp những hoài nghi khoa học trên cơ sở thực tiễn đời sống...
Ba là, nâng cao chất lượng phản biện khoa học trong các kết quả nghiên cứu và hoạt động của đội ngũ trí thức.
Phản biện khoa học không phải là vấn đề mới mẻ trong khoa học và trong hoạt động của đội ngũ trí thức. Những năm qua đã có rất nhiều những phản biện khoa học trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội đã đạt được cả về “ tâm”, “ tầm”. Những kết quả đó đã góp phần “lật tẩy” được nhiều những kết quả nghiên cứu mang tính áp đặt, giáo điều, máy móc, hời hợt, cẩu thả, xa lạ với đời sống thực tiễn. Song, vẫn còn không ít những phản biện khoa học không chỉ thiếu cái “tâm”, thấp  về “tầm” mà còn bị lệch “trục” chủ đạo. Điều này không chỉ làm cho các kết quả nghiên cứu khoa học và hoạt động của đội ngũ trí thức không những không xác định được giá trị thực của nó mà còn là mảnh đất tốt cho tệ quan liêu, kiêu ngạo, lười biếng, tùy tiện, vô trách nhiệm... tồn tại trong đội ngũ trí thức.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân của những điểm mạnh, điểm yếu trong các phản biện khoa học có rất nhiều, song, nguyên nhân cốt lõi nhất vẫn là ở cái “tâm” của người trí thức. Vì vậy, để nâng cao chất lượng phản biện khoa học hiện nay, một trong những vấn đề quan trọng nhất là phải tạo và giữ được cái “tâm” của đội ngũ trí thức luôn trong sáng. Để có được cái “tâm” sáng thì đội ngũ trí thức phải không ngừng được giáo dục, được tiếp cận và chọn lựa các giá trị của cuộc sống, đặc biệt là các giá trị của lao động trí óc. Khi trí thức tự giác nhận thức được và hành động theo chân giá trị của lao động trí óc thì đó cũng là lúc cái “tâm” được tỏa sáng trong mọi nhận thức và hành động.
Có được cái “tâm” sáng đã khó, việc  gìn giữ được cái “tâm” luôn sáng lại khó hơn gấp nhiều lần. Trong thực tế người ta có thể viện ra hàng trăm ngàn lý do để biện minh cho sự vẩn đục của lương tâm. Nhưng điều không thể phủ nhận được là việc nhận thức và lý giải các quan hệ lợi ích là cái sâu xa nhất, trực tiếp nhất quyết định tới sự giữ gìn cái “tâm” sáng.
Để kết luận quan điểm của mình, Ph.Ăng-ghen đã dẫn nhận xét của Moóc-gan: “...lợi ích của xã hội phải tuyệt đối cao hơn lợi ích cá nhân và cần phải tạo ra những mối quan hệ công bằng và hài hoà giữa hai lợi ích đó”[8].  Khi quan hệ lợi ích bị nhận thức và giải quyết sai lệch thì tự khắc những lập luận phản biện trở nên vô hồn, gượng gạo, dần tự đánh mất vai trò phản biện của mình. Nhận thức và giải quyết đúng đắn quan hệ lợi ích thì những lập luận phản biện khoa học sẽ thấm đượm cả lý và tình, toát lên cái “hồn” sáng trong, không vụ lợi, không định kiến, không mặc cảm, sẽ làm cho thói ích kỷ, kiêu ngạo, vụ lợi, bon chen... thấy nhỏ bé trước cái “ tâm” sáng trong của những lập luận phản biện...  Với cái liêm, sỉ của kẻ sĩ sẽ làm cho thói ích kỷ, kiêu ngạo, vụ lợi, bon chen... phải tự tìm lời răn và tự bốc thuốc chữa bệnh cho chính sự tồn tại của mình.
Bốn là, xây dựng tác phong làm việc khoa học cho đội ngũ trí thức.
Tác phong làm việc khoa học phản ánh thế giới quan, nhân sinh quan tiến bộ, khoa học của đội ngũ trí thức. Có rất nhiều tiêu chí đánh giá tác phong làm việc khoa học của đội ngũ trí thức, trong đó chất lượng, hiệu quả công việc là một trong những tiêu chuẩn cao nhất đánh giá tác phong làm việc khoa học của đội ngũ trí thức. Tác phong làm việc “sớm vác ô đi, tối vác về”, quan liêu, gia trưởng, đặc biệt là sự vô cảm đang tồn tại trong rất nhiều trí thức, nhất là ở những trí thức có chức quyền trong khu vực hành chính sự nghiệp của Nhà nước. Nguyên nhân của tình trạng trên có rất nhiều, trong đó không thể không kể đến nguyên nhân nhu cầu công việc và sự mô phạm ngay trong đội ngũ trí thức.
Để khắc phục tác phong, lề lối làm việc trên đây, trước hết phải quan tâm, giải quyết nhu cầu được làm việc, được lao động, được cống hiến một cách phù hợp của trí thức đối với đất nước. Có việc làm và việc làm phù hợp với bản thân trí thức sẽ là động thúc đẩy sự say mê nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo không kể thời gian và năm tháng, không kể khó khăn, trở ngại... Sự mô phạm về tác phong, lề lối làm việc của cấp trên với cấp dưới là một tấm gương trực tiếp và hiệu quả nhất đối với tác phong, lề lối làm việc của cấp dưới. Sự chấp hành tự giác kỷ cương, quy định của cơ quan, tổ chức của cấp dưới như là một hiệu ứng ngược tác động mạnh mẽ đến sự mô phạm của cấp trên. Sự mô phạm hài hòa trên - dưới tạo nên môi trường văn hóa mà ở đó những tệ vô cảm, hách dịch, cầu an, hưởng lạc, tự ti, mặc cảm, được chăng hay chớ... sẽ trở nên lạc lõng và cùng với thời gian nhất định nó sẽ bị lịch sử bỏ qua.
Năm là, tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nhằm xây dựng đội ngũ trí thức thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có tư duy sáng tạo và năng lực làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại.
Đội ngũ trí thức là vốn quý của Đảng, của dân tộc ta. Vì vậy, cần phải chăm lo bồi dưỡng, nuôi dưỡng hoài bão khoa học, có ý chí, tình cảm, năng lực sáng tạo, tính tự chủ, tự tin, tự trọng, độc lập, thực sự là lực lượng nòng cốt đi đầu trong xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ cuả đất nước. Do đó, các cơ quan lãnh đạo, quản lý cần quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức. Làm cho mọi tổ chức, mọi lực lượng và mỗi cá nhân từng trí thức nhận thức đúng vai trò trách nhiệm của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.  Cần phải có chiến lược phát hiện, nuôi dưỡng, đào tạo và trọng dụng nhân tài. Theo đó, trong thời gian tới cần phải có quy hoạch và kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học và công nghệ trẻ có tài năng, cán bộ khoa học công nghệ và các chuyên gia đầu ngành của đất nước.
Sáu là, bổ sung hoàn thiện chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần đối với lao động trí thức.
Chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần hợp lý, xứng đáng với lao động trí óc của trí thức sẽ tạo động lực để trí thức hăng hái cống hiến hết mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc. Nếu các chính sách đãi ngộ về vật chất và tinh thần không thoả đáng, lao động của trí thức không được coi trọng thì không những không tạo ra động lực làm việc mà còn dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám”. Đảng ta xác định: “... Rà soát các chính sách hiện có và ban hành các cơ chế, chính sách mới bảo đảm để trí thức được hưởng đầy đủ lợi ích vật chất, tinh thần tương xứng với giá trị từ kết quả lao động sáng tạo của mình”[9]. Đương nhiên việc đãi ngộ xứng đáng về vật chất và tinh thần không đồng nghĩa với việc ưu tiên, ưu đãi, đòi hỏi thái quá mà ở sự đánh giá đúng giá trị của sản phẩm lao động trí óc do trí thức tạo ra cho xã hội. Vấn đề đặt ra hiện nay là bổ sung đổi mới chính sách khen thưởng đối với trí thức, tôn vinh những người có tâm huyết, tài năng, có các chế độ quy định bảo vệ quyền tác giả và quyền sở hữu trí tuệ của trí thức, đồng thời tạo ra những điều kiện thuận lợi để trí thức hướng hoạt động sáng tạo của mình vào mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của hệ tư tưởng phong kiến ở đội ngũ trí thức nước ta hiện nay vừa là khoa học, vừa là nghệ thuật để góp phần xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh. Phải coi đây là một hướng ưu tiên, một yếu tố đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phát triển nền kinh tế tri thức, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 





[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H. 2008, tr.32.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H. 2002, tr.203.
[3] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 6, tr.542.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 6, tr. 542.
[5] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 5, tr.235.
[6] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 5, tr. 224.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.35.
[8] C. Mác và Ph.Ăng-ghen, Toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, H.1995, tr.265.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Sđd, tr.94.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét