Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

TIN YÊU THẾ THỆ TRẺ - GIÁ TRỊ NHÂN VĂN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH



Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến thê hệ trẻ của dân tộc, thấy rõ vai trò to lớn của thanh niên trong tiến trình lịch sử và có niềm tin sâu sắc vào khả năng cách mạng của họ trong cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Vì vậy, Người đã dành nhiều thời gian, dồn tâm lực để gieo mầm cách mạng vào các thế hệ thanh niên Việt Nam. Với niềm tin rằng sự thịnh suy, mạnh yếu của đất nước phần lớn tùy thuộc vào thanh niên, và muốn “hồi sinh” dân tộc, trước hết phải “hồi sinh” thanh niên. Người viết: “ở Đông Dương, chúng ta có đủ tất cả những cái mà một dân tộc có thể mong muốn... Nhưng chúng ta thiếu tổ chức và thiếu người tổ chức!... Hỡi Đông Dương đáng thương hại! Người sẽ chết mất, nếu đám Thanh niên già cỗi của Người không sớm hồi sinh”[1]. Khi tổ quốc lâm nguy, Người tin rằng thanh niên sẵn sàng “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Trong công cuộc kiến thiết, nước nhà trông mong, chờ đợi ở các cháu rất nhiều”. Trên thực tế, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã làm “hồi sinh” thanh niên Việt Nam bằng việc trực tiếp tổ chức, huấn luyện họ trên cơ sở lòng tin vững chắc và những lớp thanh niên đầu tiên đã được huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lênin, về cách mạng Việt Nam và sau này nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng, của Nhà nước.
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân Việt Nam đã giành được chính quyền cách mạng; song giặc ngoại xâm cộng với “giặc đói” và “giặc dốt” đã đặt ra nhiều vấn đề trọng đại mang tính chất sống còn đối với dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt hy vọng và niềm tin vào thế hệ trẻ trong việc đưa đất nước tiến lên. Trong thư gửi học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Người viết: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quan để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”[2]. Lòng tin thế hệ trẻ của Người được đúc kết sâu sắc thành chân lý: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”[3].
Đó là lòng tin có cơ sở khoa học vững chắc từ sự khẳng định vai trò to lớn của thanh niên Việt Nam. Điều đó đòi hỏi Đảng ta phải tin yêu và sử dụng thế hệ trẻ với tư cách là người đại diện cho tương lai, từ đó coi trọng việc động viên, khuyến khích, cổ vũ họ tích cực tham gia các phong trào cách mạng. Người nói: “Thanh niên là một bộ phận quan trọng của dân tộc. Dân tộc bị nô lệ thì thanh niên cũng bị nô lệ. Dân tộc được giải phóng, thanh niên mới được tự do. Vì vậy thanh niên phải hăng hái tham gia cuộc đấu tranh của dân tộc”[4]. Trong công cuộc xây dựng đất nước, Người trực tiếp động viên thanh niên học tập, rèn luyện để đủ sức làm chủ đất nước Việt Nam giàu mạnh, bởi “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên. Thanh niên muốn làm người chủ tương lai cho xứng đáng thì ngay hiện tại phải rèn luyện tinh thần và lực lượng của mình, phải ra làm việc để chuẩn bị cái tương lai đó”[5].
Để hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, thanh niên cần phải rèn luyện đức tính kiên trì, không sợ khó, không sợ khổ, quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó. Những cố gắng của tuổi trẻ từ tiền tuyến đến hậu phương, từ nông thôn đến thành thị hay miền núi xa xôi, trong mọi tầng lớp, mọi ngành nghề: bộ đội, công an, công nhân, nông dân, trí thức... luôn được Người kịp thời động viên, khen thưởng. Chính vì vậy, thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh đã làm nên bao kỳ tích, góp phần tiến hành Cách mạng Tháng Tám thành công, kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ thắng lợi. Những kỳ tích đó đã chứng minh một chân lý: thanh niên là lực lượng không thể thiếu trong cách mạng dân tộc, dân chủ trước đây, cũng như trong cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa và trong sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay.
Không chỉ nhận rõ vai trò quyết định của thanh niên trong tiến trình lịch sử; cũng như khả năng cách mạng to lớn của thanh niên, hết lòng tin yêu thanh niên, Người còn luôn đặt thanh niên trong tư cách là một chủ thể đang phát triển, đang được tiếp tục hoàn thiện. Điều đó có nghĩa rằng thanh niên nói chung và trong mỗi cá thể nói riêng đều có cả mặt mạnh và mặt yếu, đều đang tiềm ẩn những khả năng to lớn cũng như những nhược điểm, thiếu sót của họ, giúp họ sửa chữa. Bởi, tâm lý tuổi trẻ tuy năng động, nhưng làm việc gì cũng muốn cố vượt quá sức của mình, giàu mơ ước nhưng dễ xa rời thực tế. Vì thế, thanh niên nên lượng sức mình trong khi làm việc và chú ý tới hiệu quả thực tế của việc mình làm. Người căn dặn: “Việc gì cũng cần phải thiết thực, nói được, làm được. Việc gì cũng phải từ nhỏ dần dần đến to, từ dễ dần dần đến khó, từ thấp dần dần đến cao. Một chương trình nhỏ mà thực hành được hẳn hoi, hơn là một trăm chương trình to tát mà làm không được”[6]. Không những chỉ ra cho thanh niên nhận thấy những khuyết điểm, thiếu sót mà Người còn chỉ ra cho họ con đường khắc phục, sửa chữa: “Các cháu ít hay nhiều cũng có mang cái dấu vết của xã hội cũ, cái tư tưởng tiểu tư sản... cá nhân chủ nghĩa nó đẻ ra cái tư tưởng danh lợi, chỉ muốn làm ông này ông khác, bà này bà khác... là khinh lao động chân tay và khinh người lao động chân tay... sợ khó nhọc và sợ khổ. Muốn sửa chữa cá nhân chủ nghĩa thì khi làm bất kỳ việc gì cũng đừng nghĩ đến mình trước, mà phải nghĩ đến đồng bào, đến toàn dân đã”[7].
Chính sự ân cần, khuyến khích, động viên của Người đã khơi dậy ở thanh niên Việt Nam lòng yêu nước, tự hào dân tộc và trách nhiệm đối với Tổ quốc, với nhân dân, hợp thành lực lượng đông đảo đi theo tiếng gọi của Đảng, xung kích trong phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, không ngại khó khăn, gian khổ, mất mát, hy sinh. Nhiều người đã ngã xuống một cách oanh liệt, để lại những giá trị tinh thần bất diệt như Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám, Bế Văn Đàn, Cù Chính Lan, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Viết Xuân..., làm cho cả thế giới khâm phục và sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam.
Học tập và thực hiện tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh trong việc đánh giá thanh niên, chúng ta cần phải thấy được những cống hiến, trưởng thành của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm gần đây, khẳng định những tiềm năng to lớn của họ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời cũng phải thấy rõ những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm cần được khắc phục. Chỉ trên cơ sở đó, chúng ta mới có niềm tin lớn lao vào thanh niên và đề cao trách nhiệm đối với việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ trẻ trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ sức gánh vác trọng trách mà cha anh để lại, tạo ra nhiều cơ hội để họ học tập, rèn luyện, lao động và phát triển.
Là lực lượng xung kích trực tiếp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thanh niên phải được lãnh đạo chặt chẽ, được quan tâm, giúp đỡ hàng ngày của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội. Muốn làm được điều này, điều quan trọng hàng đầu là phải tin yêu thanh niên, dìu dắt, giáo dục họ thấm nhuần tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh. Để chuẩn bị hành trang cho thế hệ trẻ vững bước đi lên trong thế kỷ XXI, chúng ta cần thấm nhuần lòng tin yêu thế hệ trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên cơ sở đó đánh giá một cách đúng đắn về thanh niên, luôn đổi mới thường xuyên cả nội dung, hình thức, phương thức và phong cách ứng xử với thanh niên để phát huy hết những ưu thế và sức mạnh tiềm tàng của họ. Chính vì thế, Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh phải: “Khuyến khích, cổ vũ thanh niên nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão lớn, xung kích, sáng tạo, làm chủ khoa học, công nghệ hiện đại. Hình thành lớp thanh niên ưu tú trên mọi lĩnh vực, kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN”[8]. Tin yêu và tạo điều kiện cho thanh niên phát triển toàn diện là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhằm bồi dưỡng và phát huy lực lượng thanh niên trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng XHCN.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.132-133.
[2] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 4, tr.33.
[3] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 9, tr.222.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 7, tr.398.
[5] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 5, tr.185.
[6] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 5, tr.186.
[7] Hồ Chí Minh, Sđd., tập 9, tr.172.
[8] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.243.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét