Thứ Ba, 17 tháng 10, 2017

XÂY DỰNG NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC



Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, phụ nữ Việt Nam luôn thể hiện rõ những phẩm chất truyền thống tốt đẹp: lòng yêu nước, tinh thần quật cường chống giặc ngoại xâm; cần cù, thông minh, sáng tạo trong lao động sản xuất; có lòng nhân hậu, giàu tình yêu thương và đức hy sinh. Ngày nay, phụ nữ Việt Nam một mặt tiếp tục kế thừa và phát huy truyền thống đạo đức quý báu, những giá trị văn hóa, tinh thần vô giá mà các thế hệ trước đã để lại, mặt khác không ngừng hình thành, phát triển những phẩm chất tiên tiến phù hợp với các yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế, từng bước góp phần tạo dựng hình ảnh người phụ nữ Việt Nam hiện đại.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của phụ nữ trong mỗi bước đi lên của đất nước, những năm qua, Đảng ta đã có những nhận thức mới, và ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc chăm lo, xây dựng người phụ nữ Việt Nam, cụ thể, Đại hội lần thứ XI, Đảng ta xác định cần phải nhanh chóng “Xây dựng và triển khai chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ, tập trung ở những vùng và khu vực có sự bất bình đẳng và nguy cơ bất bình đẳng cao; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn bán phụ nữ và bạo lực trong gia đình. Tạo điều kiện để phụ nữ tham gia học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu công việc, nhiệm vụ”[1], đồng thời, “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện các luật pháp, chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của mình; tăng tỉ lệ phụ nữ tham gia vào cấp uỷ và bộ máy quản lý nhà nước. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”[2]. Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Hội; được phát động thành phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” triển khai rộng khắp trong các cấp Hội phụ nữ. 
Vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, người phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới cần phải có những phẩm chất, tiêu chí nào? Tại Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IX đề ra mục tiêu: “Người phụ nữ Việt Nam yêu nước, có tri thức, có sức khỏe, năng động, sáng tạo, có lối sống văn hóa, có lòng nhân hậu, quan tâm đến lợi ích xã hội và cộng đồng”. Sự hình thành chuẩn mực trên là sự kết hợp giữa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, của phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và hướng tới tương lai, cùng với việc phát huy những giá trị tư tưởng, tinh hoa tốt đẹp của thời đại mới. Trong Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ X nêu rõ: “phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc”. Thiên chức của người phụ nữ, vai trò, trách nhiệm của các chị đối với gia đình được đặt lên ngang tầm với nhiệm vụ xây dựng một xã hội bình đẳng, phát triển... căn cứ vào những mục tiêu trên, chúng ta có thể xác định phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là: có lòng yêu nước; có sức khoẻ; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hoá và lòng nhân hậu. Để góp phần hiểu một cách cụ thể và tìm giải pháp cho vấn đề này, theo chúng tôi, cần tập trung vào các vấn đề cơ bản như sau:
Một là, có lòng yêu nước
Yêu nước đã trở thành một truyền thống quý báu của mỗi người dân Việt Nam nói chung và đối với người phụ nữ Việt Nam nói riêng trong mọi thời đại, đặc biệt là trong thời đại mới, tinh thần yêu nước của người phụ nữ được đúc kết, hội tụ ở việc họ luôn có tình cảm sâu đậm, yêu và gắn bó thân thiết với gia đình, làng xóm, quê hương, đất nước, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa. Tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng; chấp hành nghiêm luật pháp, chính sách của nhà nước; thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước. Sống tốt cho bản thân, gia đình và xã hội; tích cực học tập và làm việc để xây dựng đất nước giàu đẹp. Để tiếp tục giữ gìn và phát huy lòng yêu nước trong điều kiện hiện nay, đòi hỏi người phụ nữ cần phải: Giữ gìn, phát huy truyền thống yêu nước và bản sắc văn hóa dân tộc; hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; tham gia các hoạt động công ích của cộng đồng do chính quyền, mặt trận, các đoàn thể tổ chức; tích cực sản xuất kinh doanh phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con tốt; thực hiện tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên của đất nước, trong chi tiêu gia đình; nâng cao cảnh giác, chống mọi âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; giữ gìn an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; không tham gia khiếu nại đông người, đơn thư vượt cấp, không vi phạm pháp luật.
Hai là, có sức khỏe
Một trong những mục tiêu mà chúng ta hướng đến là con người được tự do và phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần, trong đó, vấn đề sức khỏe luôn là một tiêu chí quan trọng, nó được biểu hiện ở việc, người phụ nữ phải có thể chất tốt, tinh thần sảng khoái, lạc quan yêu đời; có khả năng thích ứng được mọi điều kiện của môi trường sống và làm việc; có đủ khả năng lao động để tạo ra sản phẩm. Để thực hiện được điều đó, người phụ nữ cần phải thường xuyên tìm hiểu kiến thức cơ bản về bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật; có ý thức bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho bản thân, gia đình và cộng đồng; kết hợp lao động và nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý; động viên chồng, con và người thân cùng chia sẻ công việc gia đình; tích cực luyện tập thể dục thể thao; bảo vệ môi trường sống, phòng chống dịch bệnh; thực hiện tốt kế hoạch hóa gia đình, định kỳ kiểm tra sức khỏe.
Ba là, có tri thức, có trình độ học vấn, kiến thức cao và kỹ năng nghề nghiệp
Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế tri thức... thì vấn đề đặt ra đối với người phụ nữ Việt Nam là cần phải có kiến thức, hiểu biết về cuộc sống, về xã hội; có trình độ học vấn hoặc tay nghề đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công việc cũng như có khả năng tạo ra sản phẩm đạt năng suất cao và chất lượng cao, đồng thời có kiến thức liên ngành, đa ngành bởi vì hoạt động sản xuất ngày nay thường là sự tiếp cận liên ngành. Điều đó đòi hỏi, Nhà nước có chính sách đầu tư để gấp rút trí thức hoá lực lượng lao động nữ, nâng cao chất lượng và phát triển số lượng các nữ chuyên gia có trình độ khoa học và công nghệ cao. Tuy nhiên, điều cốt yếu là phụ nữ cần có quyết tâm cao trong việc nâng cao năng lực bản thân; cần tranh thủ điều kiện, thời cơ tự học, tham gia các lớp học, học đủ, học có kết quả, thường ngày chịu khó đọc sách báo, nghe thông tin, kiên quyết gạt bỏ những lý do chưa cần, chưa vội cản trở việc học tập đều đặn; sắp xếp công việc một cách khoa học, biết phối hợp giữa làm trách việc, học tập, chăm sóc gia đình và quyết tâm tuân theo lịch trình.
Bốn là, năng động, sáng tạo trong công việc
Cần cù chịu khó, tôn trọng kỷ luật, có nguyên tắc vốn là đức tính đáng quý của người phụ nữ Việt Nam, nhưng chưa đủ với thời đại mới. Khi trong nước và trên thế giới tình hình luôn biến động, những tình huống mới xuất hiện, do đó cần năng động, sáng tạo, có cách suy nghĩ và giải quyết công việc khác trước, không theo nếp sống cũ, kinh nghiệm cũ. Tính độc lập sáng tạo của cá nhân, sự đổi mới tư duy trong suy nghĩ và hành động là hết sức cần thiết. Điều này đối với nhiều phụ nữ có khó khăn, vì họ theo nếp quen thường chấp hành một cách thụ động. Chúng ta không nhầm lẫn giữa việc giữ vững kỷ luật công tác với tính độc lập, sáng tạo trong giải quyết công việc. Việc xử lý tốt những khó khăn, công việc đem lại kết quả mong muốn, chính là chúng ta đã làm việc với tinh thần trách nhiệm nghiêm túc. Nói cách khác, người phụ nữ phải luôn suy nghĩ, tìm tòi, phát hiện ra cái mới và những sáng kiến hữu ích để áp dụng vào công việc và cuộc sống hàng ngày; có tính độc lập, mạnh dạn tiếp thu, áp dụng tiến bộ công nghệ vào công việc và cuộc sống; có sáng kiến cải tiến, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc.
Để làm được điều đó, người phụ nữ cần phải tập trung vào việc tích cực học tập, nghiên cứu, nâng cao kiến thức, rèn luyện tay nghề; mạnh dạn áp dụng những kiến thứ thu nhậ được vào thực tiễn công việc và cuộc sống hàng ngày; khắc phục tính tự ti, bảo thủ; luôn có ý thức nghiên cứu, tìm tòi, cải tiến cách thức, phương pháp làm việc để nâng năng suất, chất lượng, hiệu quả; trao đổi và chia sẻ những tri thức, hiểu biết và kinh nghiệm trong công việc và cuộc sống cho chị em, bạn bè, đồng nghiệp cùng tiến bộ; rút kinh nghiệm từ thực tiễn cuộc sống, từ chính công việc của bản thân, đặc biệt là từ những việc chưa thành công.
Năm là, có lối sống văn hóa, lòng nhân hậu
Là thành viên gia đình và thường làm trách nhiệm người trụ cột, đồng thời là một công dân sống giữa cộng đồng dân cư, người phụ nữ có nhiều quan hệ đa dạng, phức tạp. Họ cần có lối sống văn hóa, sống đẹp, sống tốt, có lòng nhân hậu, điều đó thể hiện ở việc: Có phong cách giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch sự, hài hòa lợi ích tập thể - cá nhân, vừa thích ứng được yêu cầu hội nhập, vừa phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc; có thái độ tôn trọng, tuân thủ luật pháp của Nhà nước và những quy định của địa phương, cơ quan, cộng đồng. Sống trung thực, đoàn kết, chân thành trong quan hệ gia đình, bạn bé, đồng nghiệp; có lòng nhân ái, giàu tình yêu thương và đức hy sinh; có lòng vị tha, biết chia sẻ, cảm thông với mọi người, nhất là những người gặp hoàn cảnh không may mắn; sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”.
Trước những tiêu chí đó, người phụ nữ cần phải có ý thức học hỏi, tìm hiểu kiến thức về văn hóa dân tộc và những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; tạo dựng hình ảnh, vẻ đẹp con người Việt Nam, phụ nữ Việt Nam; luôn có ý thức trau dồi phẩm chất, đạo đức; điều chỉnh hành vi và cách ứng xử theo chuẩn mực văn hóa cộng đồng; không xúc phạm danh dự và làm tổn hại đến mọi người bằng các hành vi bạo lực dưới mọi hình thức; vận động thực hiện thúc đẩy bình đẳng giới để tiến tới xóa bỏ định kiến giới trong xã hội; có ý thức và động viên mọi người cùng có ý thức thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, khối xóm văn hóa; luôn coi trọng tình làng nghĩa xóm, tình cảm bạn bè, đồng nghiệp; sống hóa mình vào cộng đồng để cảm nhận và chia sẻ vui buồn cùng mọi người; không kỳ thị, xa lánh những người mắc lầm lỗi, tạo cơ hội cho họ tái hòa nhập cộng đồng trở về với cuộc sống đời thường. Đồng thời, tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, tương thân tương ái.
Ngoài ra, người phụ nữ cần thực hiện tốt ba chức năng: Lao động sản xuất; sinh con, nuôi con và chăm sóc gia đình. Để hoàn thành tốt 3 chức năng đó, ngoài việc đủ sức khỏe, người phụ nữ cần phải có tri thức, có trình độ học vấn và kiến thức cao; có tinh thần chủ động, năng động, sáng tạo. Biết phát huy thế mạnh của người phụ nữ là đức tính dịu dàng, chu đáo giúp cho chị em có thể đạt được mục đích nhưng nếu có được sự khôn khéo, quyết đoán sẽ đạt được thành công lớn. Điều đó được minh chứng bằng thành công của các chị trên nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, kinh doanh, sản xuất.
Lòng yêu nước, yêu quê hương, đồng bào, lý tưởng cuộc sống cao đẹp cũng như tình cảm gắn bó với gai đình, dòng họ là động lực, là sức mạnh tự thân giúp người phụ nữ vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, trở ngại để có thể làm giàu kiến thức của mình, có sức khỏe dẻo dai, có lối sống văn hóa, hoàn thành được nhiệm vụ đặt ra, cả sự nghiệp và gia đình. Mỗi người phụ nữ tạo ra bản lĩnh riêng, từ trí tuệ được nâng cao, nhạy bén và năng động, cùng với vẻ đẹp nhẹ nhàng, sâu sắc tỏa ra từ tấm lòng nhân hậu của họ. Họ là những công dân ưu tú, giúp ích cho xã hội, đồng thời họ là người vợ hiền, người mẹ tận tâm, ngọn lửa quy tụ cả gia đình. 


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.231.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.243.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét