Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

SỰ PHÁT TRIỂN TỪ CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC TRUYỀN THỐNG ĐẾN CHỦ NGHĨA YÊU NƯỚC VÔ SẢN TRONG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH


Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam - một giá trị văn hóa cao quí, chi phối đời sống tinh thần đạo đức, tư tưởng, tình cảm của mỗi người Việt Nam. Cùng với sự phát triển dân tộc, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không những được lưu giữ, truyền lại qua nhiều thế hệ mà còn thường xuyên được củng cố, bổ sung, bồi đắp thêm nội dung mới cho phù hợp với mỗi thời đại lịch sử. Trong xu thế toàn cầu hóa, mở rộng giao lưu hợp tác quốc tế hiện nay, việc nghiên cứu sự phát triển từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước vô sản trong tư tưởng Hồ Chí Minh càng có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, nhằm phát huy mạnh mẽ truyền thống yêu nước, đoàn kết cộng đồng, ý thức dân tộc, thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh được sinh ra trong một gia đình trí thức nho học, trên một vùng quê nghèo khó về kinh tế nhưng rất giàu truyền thống chống giặc ngoại xâm. Thời thơ ấu, Người đã nhận được sự giáo dục sâu sắc về lòng nhân ái, tình yêu quê hương đất nước, tình cảm yêu thương con người và sự tác động mạnh mẽ từ truyền thống yêu nước thương dân, truyền thống đoàn kết toàn dân. Người đã ý thức sâu sắc về mối quan hệ giữa độc lập dân tộc với sự bình yên của xóm làng và đời sống hạnh phúc mỗi gia đình được vun trồng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc. Có thể nói, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam hiện hữu trong con người Hồ Chí Minh. Bởi vậy, những từ “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” trên lá cờ cách mạng dân chủ tư sản Pháp (1789) mà Người được nghe trong Trường tiểu học Pháp - Bản xứ ở Thành phố Vinh (1905) như ánh sáng hải đăng có sức hấp dẫn vô cùng mạnh mẽ.
Đầu thế kỷ XX, trong bối cảnh Việt Nam khủng hoảng sâu sắc về đường lối cứu nước, về giai cấp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy mặt hạn chế không thể khắc phục được của các xu hướng cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và dân chủ tư sản mà các vị tiền bối như Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu sử dụng. Người nhận xét cụ Phan Chu Trinh dựa vào Pháp để canh tân đất nước, điều đó là sai lầm, “chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”. Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp, chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”. Cụ Hoàng Hoa Thám trực tiếp đấu tranh chống Pháp, nhưng “còn nặng cốt cách phong kiến”[1]. Thực tế lịch sử cho thấy, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam đã được hình thành, củng cố và phát triển qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc. Nhưng trong thời đại mới, tư tưởng, tình cảm yêu nước và hành động cứu nước dù có cao đến đâu nếu dựa trên lập trường giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản thì vẫn bị bế tắc. Chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam cần được chiếu sáng của lý luận Mác-Lênin trong sự kết hợp với phong trào cách mạng của giai cấp công nhân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vượt xa tầm nhìn về thời cuộc của các nhà yêu nước đương thời. Người quyết định ra đi tìm đường cứu nước theo một phương hướng mới, đến nước Pháp tìm hiểu chính kẻ thù đang áp bức dân tộc mình. Chứ không phải như một số quan điểm cho rằng trước khi sang Pháp Hồ Chí Minh muốn đi theo con đường cứu nước của cụ Phan Chu Trinh. Với nhãn quan chính trị sáng suốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức sâu sắc về độc lập, tự chủ, tự lực tự cường, biết phê phán tư tưởng và xu hướng cứu nước sai lầm trước đó, biết kế thừa chọn lọc tình cảm yêu nước nồng thắm của người Việt Nam làm hành trang ra đi tìm đường cứu nước gắn với cứu dân khỏi đêm đen nô lệ. Vì vậy, Người đã tiếp cận được chân lý của thời đại là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và con đường cách mạng vô sản để giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi mọi áp bức, bóc lột và bất công.
Ngày 5-6-1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh lấy tên là Văn Ba xuống tàu Amiran Catusơ Tơrêvin làm phụ bếp, mở đầu cuộc hành trình đi tìm đường cứu nước. Đây là mốc lịch sử quan trọng trong quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống đến chủ nghĩa yêu nước vô sản ở Hồ Chí Minh. Thông qua hoạt động thực tiễn ở nhiều nước thuộc châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh tận mắt thấy cuộc sống khổ cực của nhân dân các dân tộc thuộc địa và cũng đã thấy sự bất công ngay trên các nước tư bản phát triển. Người khẳng định: ở Pháp cũng những người Pháp tốt, ở Pháp cũng có người ngèo như ở bên ta, những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt, song những người Pháp thực dân rất hung ác, vô nhân đạo. Qua đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm hình thành tình cảm quốc tế trong sáng của giai cấp công nhân, chủ nghĩa yêu nước vốn có trong Hồ Chí Minh bắt đầu mang một tình cảm mới, làm cơ sở cho chủ nghĩa quốc tế vô sản của dân tộc Việt Nam sau này. Đó là sự đồng cảm, đau xót cảnh tượng các dân tộc thuộc địa và người lao động bị áp bức bóc lột dã man. Chính do sự thông cảm, yêu thương những người cùng khổ mà tình cảm và ý thức giai cấp ở Hồ Chí Minh dần dần được hình thành - một tình cảm cách mạng, mang tính nhân văn sâu sắc. Sau đó Người khẳng định: “Vậy là, dù màu da có khác nhau, trên đời này có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái thật mà thôi: Tình hữu ái vô sản”[2].
Năm 1919, Chủ tịch Hồ Chí Minh (lấy tên là Nguyễn ái Quốc) thay mặt Hội những người yêu nước Việt Nam tại Pháp gửi đến Hội nghị Vécxây Bản yêu sách của nhân dân Việt Nam đòi chính phủ các nước thắng trận trong Chiến tranh thế giới lần thứ nhất và Chính phủ Pháp phải thừa nhận quyền tự do dân chủ, quyền bình đẳng của dân tộc Việt Nam. Nội dung Bản yêu sách đó nêu lên là đòi quyền tự do dân chủ cho mọi người dân gắn với quyền tự quyết dân tộc thiêng liêng của họ. Yêu cầu thích đáng của nhân dân Việt Nam trong Bản yêu sách không được Hội nghị chấp nhận, nhưng đã gây một tiếng vang lớn trong nhân dân Pháp và các nước thuộc địa. Bản yêu sách được in thành những truyền đơn phân phát trong các cuộc mít tinh của nhân dân Pháp, phát cho tất cả các việt kiều và bí mật gửi về Việt Nam. Nhờ đó, nhiều người Pháp đã hiểu thêm về Việt Nam. ý thức dân tộc, dân chủ của nhân dân Việt Nam cũng được thức tỉnh tạo tiền đề cho việc tập hợp lực lượng cách mạng trong nước và mặt trận quốc tế ủng hộ Việt Nam chống chủ nghĩa đế quốc.
Từ những nhận thức rút ra trong thực tiễn gần mười năm tìm đường cứu nước, tháng Bảy năm 1920 khi đọc Sơ thảo lần nhất Luận cương về các vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin đăng trên báo Nhân đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy lời giải đáp của Lênin và Quốc tế Cộng sản về con đường giải phóng dân tộc. Người nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”[3]. Sự kiện lịch sử Hồ Chí Minh đọc Luận cương của Lê-nin về những vấn đề dân tộc và thuộc địa là mốc đánh dấu Người tìm được con đường cách mạng đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Trước hết, sự kiện này tạo nên một bước nhảy vọt lớn trong cuộc đời cách mạng của Hồ Chí Minh, đánh dấu bước chuyển biến quyết định trong lập trường chính trị và tư tưởng cứu nước của Người, hình thành ở Người chủ nghĩa yêu nước kiểu mới dựa trên hệ tư tưởng của giai cấp công nhân. Trên cơ sở kế thừa chủ nghĩa yêu nước Việt Nam truyền thống, chủ nghĩa yêu nước vô sản của Hồ Chí Minh kết hợp hài hòa các mối quan hệ giữa dân tộc với giai cấp và quốc tế, thể hiện tập trung ở mục tiêu đấu tranh giành độc lập dân tộc gắn liền với mục tiêu và con đường cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Sự ra đời, hình thành và phát triển chủ nghĩa yêu nước ở Hồ Chí Minh trong những năm 1911 đến 1920 là quá trình chuyển biến từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống, với mục tiêu chung phấn đấu cho độc lập tự do của dân tộc, ấm no hạnh phúc của nhân dân đến mang tình cảm quốc tế trong sáng, sau đó hòa quyện trong chủ nghĩa cộng sản là cuộc cách mạng trong lĩnh vực tư tưởng, tình cảm yêu nước của Hồ Chí Minh. Khi bắt gặp chủ nghĩa Mác-Lênin thì chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh được nâng lên, tỏa sáng trên lập trường giai cấp công nhân. Từ đây chủ nghĩa Mác-Lênin có điều kiện thâm nhập mạnh mẽ vào Việt Nam, trước hết là phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn tới sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa Xuân năm 1930.
Suốt hơn 80 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, chủ nghĩa yêu nước Việt Nam không ngừng bồi đắp những giá trị mới cao đẹp hơn. Tư tưởng và tình cảm yêu nước của dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là sức mạnh lớn lao trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc Việt Nam theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.


[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976, tr. 13.
[2] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 192.
[3] Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1993, tr. 83.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét