Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

RÈN LUYỆN PHONG CÁCH HỌC TẬP HỒ CHÍ MINH CHO SINH VIÊN


Tóm tắt: Trong toàn bộ di sản vô giá mà Hồ Chí Minh để lại cho dân tộc và nhân loại, phong cách của Người nói chung và phong cách học tập nói riêng là một bộ phận hết sức quan trọng. Nghiên cứu ngày càng sâu về phong cách học tập Hồ Chí Minh, chúng ta càng thấy rõ hơn tầm vĩ đại của Người với tư cách là nhà tư tưởng lớn, nhà chiến lược thiên tài, nhà hoạt động thực tiễn lỗi lạc và là tấm gương sáng ngời đã để lại những bài học quý giá trở thành chuẩn mực cho việc xây dựng và rèn luyện phong cách học tập của người cán bộ cách mạng, bồi dưỡng nhân cách cho các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Không chỉ là người nêu lên lý luận, tư tưởng về phong cách học tập mà bản thân Người còn là một tấm gương tiêu biểu về thực hành phong cách học tập đúng đắn. Nghiên cứu hệ thống di sản lý luận và cuộc đời hoạt động cách mạng, chúng ta có thể khẳng định: Phong cách học tập Hồ Chí Minh là một bộ phận cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh, là sự thống nhất hữu cơ giữa những quan điểm, tư tưởng toàn diện, sâu sắc với tấm gương tiêu biểu, mẫu mực của Người về học tập, được thể hiện ở động cơ học tập trong sáng, thái độ học tập đúng đắn, phương pháp học tập khoa học, sáng tạo theo phương châm “lấy tự học làm cốt”.
Phong cách học tập Hồ Chí Minh là một cống hiến quan trọng, là đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận dạy - học của nước ta; trở thành một triết lý học tập; một giá trị nhân sinh cao đẹp, tiêu biểu cho trí tuệ, tâm hồn và phong cách Việt Nam - phong cách đó rất gần gũi, dung dị mà sâu sắc; uyên bác mà dễ hiểu, dễ tiếp thu và chuyển hóa, có thể học tập và làm theo. Phong cách học tập Hồ Chí Minh thấm nhuần triết lý hành động của phương Đông, đồng thời được soi sáng bởi thế giới quan và phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin nên rất đa dạng, phong phú, sinh động nhưng sâu sắc. Phong cách học tập đó không những tạo cơ sở khoa học mà còn là tấm gương mẫu mực và thiết thực cho mọi người học tập và tự học tập suốt đời để vươn lên không ngừng. Phong cách đó không chỉ là lý luận mà còn là cách thức và phương pháp soi đường và chỉ dẫn cho chúng ta học tập và noi theo.
Nét đặc trưng trong phong cách học tập Hồ Chí Minh mang tính độc đáo, đó là phong cách học tập hàm chứa những yếu tố rất giản dị, đại chúng với động cơ, mục đích cao cả, trong sáng mà thiết thực; với thái độ cầu thị, khiêm tốn nhưng lại đòi hỏi rất cao và hết sức nghiêm túc; với phương pháp học tập khoa học mà dễ nhớ, dễ hiểu, phù hợp với mọi đối tượng, lứa tuổi... Cụ thể là:
Một là, động cơ học tập trong sáng vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì sự tiến bộ của nhân loại.
Quan tâm, chăm lo tới sự nghiệp giáo dục của nước nhà, Hồ Chí Minh luôn kêu gọi mọi người thi đua học tập, coi học tập là nhiệm vụ thường xuyên, suốt đời, “còn sống thì còn phải học”[1]. Và trong việc học tập Người đặc biệt chú trọng đến động cơ, thái độ học tập: “Muốn học tập có kết quả thì phải có thái độ đúng và phương pháp đúng”[2]. Tức là, trước hết phải có động cơ học tập đúng để xác định rõ và đúng xu hướng nghề nghiệp chân chính của mình là vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của cách mạng, vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì con người và vì sự tiến bộ của chính bản thân mình. Theo Hồ Chí Minh, mục đích của việc học tập là: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ, học để phụng sự đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại ”[3].
Trong bất kỳ hoàn cảnh nào người học cũng phải nỗ lực, cố gắng và phải xây dựng cho mình một động cơ học tập đúng đắn; đồng thời không cho phép tồn tại những tư tưởng cơ hội, vụ lợi, thực dụng, ích kỷ cá nhân, hay những biểu hiện lười học tập, ngại rèn luyện, hoặc là dùng mọi thủ đoạn nhằm đạt kết quả cao trong học tập. Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Học để sửa chữa tư tưởng, học để tu dưỡng đạo đức cách mạng, học để tin vào đoàn thể, vào nhân dân, vào tương lai của dân tộc và tương lai của cách mạng, học để hành”[4]; “học để làm việc”; chứ không phải học để “làm ông nọ bà kia”, hay là để “làm quan cách mạng”… cho nên, “tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch”[5]. 
            Động cơ chính là động lực bên trong của mỗi con người, sự thể hiện nó được biểu hiện qua hành vi, thái độ và việc làm của con người đó. Do vậy, chỉ khi nào xác định được động cơ học tập đúng đắn thì mỗi chúng ta mới có thái độ và phương pháp học tập đúng đắn và khoa học.
Với tầm nhìn xa trông rộng, Hồ Chí Minh đã thấy rõ vai trò của việc học tập đối với người cán bộ cách mạng. Trong nhiều lần nói chuyện với giới trí thức, Bác thường nhấn mạnh tầm quan trọng của công việc học tập: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời”[6]. Trên cơ sở nắm bắt được xu thế của thời đại và khả năng dự báo được tương lai, Người đã chỉ rõ: “Tình hình thế giới và trong nước luôn luôn biến đổi, công việc của chúng ta nhiều và mới, kỹ thuật của thế giới ngày càng tiến bộ, nhưng sự hiểu biết của chúng ta có hạn. Muốn tiến bộ kịp sự biến đổi vô cùng tận, thì chúng ta phải nghiên cứu, học tập”[7] và “nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được ... không chịu học thì lạc hậu, mà lạc hậu là bị đào thải, tự mình đào thải mình”[8]. Người thường dẫn câu nói của Lênin “Học, học nữa, học mãi” để nhắc nhở bản thân, để giáo dục cán bộ, đảng viên và mọi người.
Bản thân Hồ Chí Minh đã nêu gương mẫu mực về động cơ học tập trong sáng. Người học tập với một động cơ hết mực trong sáng và với một ý nguyện thật cao cả; việc học tập đó không chỉ dừng lại ở sự mở rộng vốn hiểu biết, nâng cao trình độ tri thức và tiến bộ của bản thân, đó cũng hoàn toàn không phải vì bằng cấp nọ, học vấn kia… mà quan trọng hơn là để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, làm cho đất nước độc lập, nhân dân được tự do, ấm no, hạnh phúc. Người nói: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”[9]. Động cơ và mục đích này luôn luôn trở thành động lực thường xuyên và trực tiếp thôi thúc Bác một cách mạnh mẽ trong việc học tập, tiếp thu tri thức nhân loại.
Hai là, thái độ học tập đúng đắn, khiêm tốn, say mê, cầu thị, chân thành, không kiêu ngạo, không dấu dốt. 
            Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong các bài nói bài viết của mình luôn nhắc nhở chúng ta rằng: “Không ai có thể tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi”[10] và “người nào tự cho là đã biết đủ rồi, thì người đó dốt nhất”[11], mỗi người phải biết khiêm tốn, chớ “kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”[12]. Đức tính khiêm tốn yêu cầu, đòi hỏi con người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức của mình và cũng không được phép bằng lòng với những thành tích đã đạt được. Chúng ta còn nhớ, khi đánh giá về vai trò của tầng lớp trí thức nước nhà, với thái độ khách quan, đúng mực. Người đã nói: “Những người trí thức tham gia cách mạng, tham gia kháng chiến rất quý báu cho Đảng. Không có những người đó thì cách mạng khó khăn thêm nhiều. Nhưng có nhiều người trí thức vì thế mà kiêu ngạo, lên mặt. Chứng kiêu ngạo và lên mặt rất có hại cho họ. Nó ngăn trở họ tiến bộ... Vì vậy, những người tri thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn, chớ kiêu ngạo”[13]. Chính bản thân Hồ Chí Minh cũng đã nêu gương mẫu mực về thái độ khiêm tốn, say mê và cầu thị, không dấu dốt trong học tập.
Những mẩu chuyện về thời trẻ của Người cho biết, trong học tập những gì chưa hiểu, chưa rõ Người đều hỏi thầy giáo một cách rất cặn kẽ. Nếu thầy trả lời chưa rõ, Người tiếp tục hỏi nữa, hỏi cho đến lúc nào thấu đáo mới thôi. Người bảo: hỏi thầy giáo về cái mình chưa hiểu hoặc không hiểu như thế là cần thiết. Thế mới gọi là “học hỏi”. Không chỉ hỏi để hiểu đối với những điều sách vở nói sai với thực tế, không hợp lôgic, mà Người cũng luôn mạnh dạn đặt ra những vấn đề với thầy giáo, chứ không tiếp nhận tri thức một cách máy móc, xuôi chiều. Mặt khác, ở Hồ Chí Minh, mặc dù biết rộng hiểu sâu nhưng khi tiếp xúc, trao đổi với bạn bè, đồng chí về vấn đề gì, bao giờ Người cũng nói: “Theo tôi nhớ thì thế này...”, hoặc “Có lẽ ý của chỗ này là thế này...”, đối với mỗi người thì “cái gì biết, thì nói biết, không biết thì nói không biết”. Và tuyệt nhiên không được lấy việc xem nhiều sách để mà “lòe” người khác, “để làm ra ta đây, thế không phải là biết lý luận”[14].    
Chính Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực về tinh thần học tập suốt đời. Cho đến những năm cuối đời mình, Người vẫn chú trọng, không sao nhãng việc học tập. Tháng 5-1966, trong một buổi nói chuyện với các đồng chí đảng viên mới ở Hà Nội, Người đã nói: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”[15].
Ba là, phương pháp học tập khoa học, sáng tạo và hiệu quả theo phương châm “lấy tự học làm cốt”.
Việc xác định đúng động cơ và thái độ trong học tập là nội dung hết sức quan trọng và cần thiết, nhưng để hiện thực hóa động cơ, thái độ đó; đòi hỏi tất yếu khách quan là phải xây dựng được phương pháp học tập khoa học. Vì vậy, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng và thông qua quá trình đó, Người đã hình thành cho mình một phương pháp học tập khoa học, đó là con đường tự học, với phương châm “lấy tự học làm cốt[16] và phải biết “tự động học tập”. Theo Hồ Chí Minh, tự học được xem như một quy luật của sự tồn tại, sự tự khẳng định và phát triển cá nhân; là điều kiện tiên quyết để hình thành và phát triển phẩm chất và năng lực toàn diện của mỗi người. Người chỉ rõ: tự học, tự rèn, tự tu dưỡng cũng giống như “mài ngọc luyện vàng”, “ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”. Bởi vì, theo Người: “Năng lực của con người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có, mà một phần lớn do công tác, do luyện tập mà có”[17].
Trong tự học phải xác định đúng nội dung tự học, “học cái gì”? Theo Hồ Chí Minh, nội dung tự học rất rộng lớn, bao gồm: học tập lý luận, chuyên môn nghiệp vụ, văn hoá, đạo đức… trong đó, Người luôn coi trọng việc học tập lý luận; bởi lẽ “không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Người luôn đặt ra yêu cầu: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải học lý luận, phải đem lý luận áp dụng vào công việc thực tế. Phải chữa cái bệnh kém lý luận, khinh lý luận và lý luận suông”[18]. Mỗi người phải thường xuyên tự tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất nhân cách và đạo đức cách mạng.
         Muốn tự học thành công phải có kế hoạch cụ thể, khoa học. Kế hoạch học tập đó không phải là một sự tự do, tùy ý mà được xây dựng một cách chủ động, trên cơ sở căn cứ vào tình hình công việc, khả năng, thời gian và điều kiện phù hợp. Trong điều kiện thời gian không cho phép thì phải nắm cho được những vấn đề cơ bản, “phải thiết thực, chu đáo hơn tham nhiều”, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Đặc biệt, theo Người, phải tự nguyện, tự giác; tích cực, chủ động và kiên trì, bền bỉ, quyết tâm thực hiện kế hoạch đến cùng, phải xem công việc học tập cũng là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành cho được, do đó mà tích cực, tự động hoàn thành kế hoạch học tập; nêu cao tinh thần chịu khó, cố gắng không lùi bước trước bất kỳ khó khăn nào trong việc học tập.
Phải triệt để tận dụng mọi hoàn cảnh, mọi phương tiện, mọi hình thức để học. Người vạch ra: “Học ở trường, học ở sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân. Không học nhân dân là một thiếu sót rất lớn”[19]; “Học tập trong việc làm hằng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ”[20]. Học tập trong kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại. Học đến đâu phải ra sức luyện tập thực hành đến đó, “học mà không hành thì vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”[21]. Học đi đôi với hành cùng một lúc sẽ hình thành ở người học cả tri thức lẫn kỹ năng; do đó, “hành” trở thành một hình thức chính của “học”, quá trình “học” xảy ra trong chính quá trình “hành”. Trong buổi nói chuyện với cán bộ giảng dạy và sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (Ngày 20/10/1964), Người đã khuyên: Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau.
Mặt khác, chính Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nêu gương mẫu mực về phương pháp học tập - tự học.
Người sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà nho nghèo yêu nước ở xứ Nghệ. Lúc còn nhỏ, tuy không được đào tạo, học hành qua một trường lớp chính quy nào, nhưng được sự giáo dục của gia đình và bằng con đường tự học mà Người đã thông kinh sử nước nhà, hiểu biết rất cặn kẽ lịch sử thế giới, nắm chắc Đông, Tây, kim cổ, am hiểu sâu sắc các học thuyết Nho giáo, Phật giáo cũng như các trường phái triết học phương Tây; thông thạo nhiều ngoại ngữ; đặc biệt là thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin… trên cơ sở đó Người xác định và lựa chọn con đường cứu nước duy nhất đúng đắn, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của lịch sử dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản.
Tại Đại hội VII của Quốc tế cộng sản (1935), mọi người đã hết sức kinh ngạc và khâm phục khi đọc bản khai lý lịch của Người với bí danh là Lin, đó là: khi trả lời câu hỏi về trình độ học vấn - Người ghi: “Tự học”; tiếp theo mục: Đồng chí biết ngoại ngữ gì? Trả lời: Anh, Pháp, Ý, Nga, Trung Quốc, Đức… Để có được thành quả đó không thể nào khác ngoài con đường tự học tập, với một tinh thần cầu thị và ý chí kiên trì, bền bỉ và sáng tạo. Trong suốt cuộc hành trình bôn ba, gian khổ từ Châu Á sang Châu Âu, Châu Phi và Mỹ La Tinh là tất cả quỹ thời gian Người dành cho việc tự học tập, tự rèn luyện bản thân, với ý thức “việc nên không cần ai nhắc, việc không nên không cần ai ngăn”. Có lẽ, tự học, tự rèn đã trở thành triết lý sống và hành động của Hồ Chí Minh từ đó.        
Cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ lúc thanh niên cho đến khi trở thành lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, thành người chiến sĩ xuất sắc của phong trào cộng sản quốc tế là một tấm gương sáng ngời về tinh thần tự học, lấy tự học làm phương thức chủ yếu để nâng cao trình độ về mọi mặt của bản thân. Sự thành công của Người trong việc tiếp thu chân lý vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin và trong việc sáng tạo sách lược đấu tranh cách mạng ở một nước thuộc địa nửa phong kiến cũng chính là kết quả của một quá trình tự học kiên trì, gian khổ trong cuộc đấu tranh cách mạng liên tục, kiên cường. Người đã tổng kết những kinh nghiệm quý báu về quá trình học tập - tự học suốt cả đời mình và đã để lại cho chúng ta những bài học vô giá. Tuy nhiên, tự học ở Hồ Chí Minh không phải là một sự ngẫu hứng, tuỳ ý, vô nguyên tắc… trái lại, việc tự học của Người đã trở thành một khoa học, một nghệ thuật, với một kế hoạch cụ thể, chặt chẽ, khoa học; với một ý chí và quyết tâm bền bỉ, dẻo dai; tinh thần sáng tạo; tranh thủ mọi lúc mọi nơi, mọi phương tiện và hình thức để học; học đến đâu ra sức luyện tập, trau dồi đến đó.
Để học tập và rèn luyện phong cách học tập của sinh viên theo tấm gương Hồ Chí Minh là một việc làm rất cần thiết ttrong điều kiện hiện nay, tuy nhiên đó là việc khó khăn, đòi hỏi chúng ta cần phải thực hiện có hiệu quả các biện pháp cơ bản sau: 
Trước hết, thực hiện tốt việc giáo dục, rèn luyện động cơ học tập đúng đắn cho sinh viên theo tấm gương Hồ Chí Minh.
Việc giáo dục, rèn luyện động cơ học tập cho sinh viên theo tấm gương Hồ Chí Minh có thể được tiến hành theo những nội dung và cách thức khác nhau, trong đó cần tập trung vào một số nội dung sau: phát huy vai trò và đề cao trách nhiệm của các tổ chức, các lực lượng sư phạm của nhà trường trong giáo dục, rèn luyện động cơ học tập đúng đắn cho sinh viên; đề cao ý thức tự giác rèn luyện động cơ, mục đích học tập đúng đắn của mỗi sinh viên; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục với động viên tư tưởng, quan tâm động lực tinh thần.
Hai là, bồi dưỡng thái độ học tập tích cực, say mê, nghiêm túc, khiêm tốn, cầu thị; rèn luyện nghị lực học tập bền bỉ, nỗ lực khắc phục khó khăn, gian khổ cho sinh viên theo tấm gương Hồ Chí Minh
Để làm được điều này, cần phải hướng đến tổ chức và thực hiện tốt việc bồi dưỡng cho sinh viên sự say mê, nghiêm túc, cầu thị trong học tập, nghiên cứu; rèn luyện cho tinh thần học tập tự tin, chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu;  rèn luyện nghị lực học tập cao và ý thức vượt mọi khó khăn, trở ngại trong học tập, nghiên cứu cho sinh viên.
Ba là, rèn luyện kỹ năng, phương pháp học tập khoa học, sáng tạo và hiệu quả cho sinh viên theo tấm gương Hồ Chí Minh
Tập trung rèn luyện kỹ năng nghe giảng và ghi chép, rèn luyện kỹ năng tự học. Cần đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng “lấy tự học của người học làm cốt...” nhằm tạo ra sự chuyển biến cơ bản, toàn diện cả về phương pháp dạy của giảng viên, phương pháp học của sinh viên, phát huy tối đa tính tích cực, tự giác, chủ động, tư duy sáng tạo của từng người và tập thể lớp học; qua đó bồi dưỡng năng lực tự học, tự đào tạo, năng lực thực hành nghề nghiệp. Phải chuyển từ lối “truyền thụ một chiều” sang “dạy cách học”; chuyển từ cách học thụ động sang cách học chủ động; rèn luyện kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề.
Bốn là, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của sinh viên trong tự bồi dưỡng, rèn luyện phong cách học tập theo tấm gương Hồ Chí Minh
Đây là biện pháp giữ vai trò quyết định trực tiếp chất lượng, hiệu quả của hoạt động rèn luyện này. Trong đó, trước hết, sinh viên phải có ý thức tự bồi dưỡng phong cách học tập đúng đắn cho bản thân và cần xây dựng kế hoạch, nội dung tự rèn luyện thật sự thiết thực và khoa học. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo và kết hợp chặt chẽ các hình thức, phương pháp cụ thể để nâng cao chất lượng tự bồi dưỡng, rèn luyện phong cách học tập của sinh viên theo tấm gương Hồ Chí Minh. Xây dựng môi trường văn hóa sư phạm mẫu mực nhằm tích cực hóa hoạt động tự bồi dưỡng, rèn luyện phong cách học tập của sinh viên.
KẾT LUẬN
Học tập và rèn luyện phong cách học tập của sinh viên theo tấm gương Hồ Chí Minh là việc làm có ý nghĩa thiết thực và bổ ích; là động lực trực tiếp và là cơ sở khoa học để góp phần xây dựng, phát triển và hoàn thiện động cơ, mục đích và thái độ học tập đúng đắn; phương pháp học tập khoa học, sáng tạo và hiệu quả. Thông qua đó góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo của nhà trường; xây dựng và hoàn thiện mô hình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; đồng thời, góp phần thực hiện có chất lượng, hiệu quả cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” hiện nay.




[1] Hồ Chí Minh, Về vấn đề học tập, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội, 1977, tr. 84 – 85.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 2, Nhà xuất bản Chính Trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.94.
[3] Hồ Chí Minh, Sđd., t.5, tr.684.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd., t.6, tr.50.
[5] Hồ Chí Minh, Sđd., t.8, tr.497.
[6] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.33.
[7] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.34.
[8] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.68.
[9] Hồ Chí Minh, Sđd., t.4, tr.161-162.
[10] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.38.
[11] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.22.
[12] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.58.
[13] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.11-12.
[14] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.11.
[15] Hồ Chí Minh (1977), Sđd., tr.84-85.
[16] Hồ Chí Minh (1990), Về vấn đề giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, tr.67.
[17] Hồ Chí Minh, Sđd., t.5, tr.235.
[18] Hồ Chí Minh, Sđd., t.5, tr.235.
[19] Hồ Chí Minh, Sđd., t.6, tr.52.
[20] Những lời Bác dạy, Nhà xuất bản Thanh niên, Hà Nội, 1975, tr.43.
[21] Hồ Chí Minh, Sđd., t.6, tr.50.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét