Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

TÔN TRUNG SƠN VÀ HỒ CHÍ MINH VỚI MỤC TIÊU “ĐỘC LẬP-TỰ DO-HẠNH PHÚC”

“Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” là khái niệm mà Hồ Chí Minh kế thừa của Tôn Trung Sơn để áp dụng vào cách mạng Việt Nam, nhưng thực chất khái niệm ấy của hai lãnh tụ này có nhiều điểm tương đồng và khác biệt. Bài viết này, tác giả đã tập trung phân tích, so sánh, đánh giá quan điểm của Hồ Chí Minh và Chủ nghĩa tam dân của Tôn Trung Sơn, để thấy được những mặt tiến bộ, tích cực và hạn chế trong quan điểm của Tôn Trung Sơn và giá trị đích thực của mục tiêu “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã, đang và sẽ tiếp tục phấn đấu thực hiện.
Tôn Trung Sơn - Tôn Dật Tiên (1866-1925) - nhà dân chủ cách mạng, người sáng lập Chủ nghĩa tam dân (Chủ nghĩa dân tộc, Chủ nghĩa dân quyền, Chủ nghĩa dân sinh), người cha của cách mạng Trung Quốc. Tư tưởng của ông có ảnh hưởng lớn đến các nhà yêu nước của Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trong đó tiêu biểu là Hồ Chí Minh với nội dung được hết sức quan tâm là ba nguyên tắc: “Dân tộc độc lập; Dân quyền tự do; Dân sinh hạnh phúc”[1](1) và chính sách “thân Nga, liên Cộng, phù trợ công nông”. Đây là những tư tưởng tiến bộ, tích cực và có thể vận dụng vào cách mạng Việt Nam.
Sự gặp gỡ giữa tư tưởng của Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh, trước hết là ở việc lấy lợi ích dân tộc làm mục tiêu của cách mạng. Tôn Trung Sơn coi Chủ nghĩa  dân tộc là Chủ nghĩa quốc tộc (quốc gia), đây là cái làm cho mọi người hiểu được nguy cơ của dân tộc mình và cùng nhau đoàn kết lại để thực hiện mục tiêu chung của dân tộc-mục tiêu cứu nước. Chủ nghĩa dân tộc được củng cố thì chủ nghĩa thế giới mới có thể phát triển được nhưng ông lại cho rằng: “Chủ nghĩa Marx không phải là chủ nghĩa cộng sản đích thực, cái mà Proudon, Bacunin chủ trương mới là chủ nghĩa cộng sản đích thực”[2]. Thực chất tư tưởng của Proudon (1809-1865) và Bacunin (1814-1876) là đứng trên quan điểm của giai cấp tiểu tư sản, hy vọng vào việc cải tạo xã hội tư bản theo mô hình lý tưởng phù hợp với đạo đức và tình cảm của người tiểu tư sản ngay trên cơ sở tồn tại của xã hội tư bản. Họ kiên quyết phủ nhận chủ nghĩa Mác, bác bỏ chuyên chính vô sản và vai trò của giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh để thủ tiêu các giai cấp bóc lột. Đây là chủ nghĩa cải lương, vô chính phủ.
Như vậy, Tôn Trung Sơn đã không hiểu Chủ nghĩa Mác, không thấy được quy luật, động lực của sự vận động và phát triển của lịch sử, ông phê phán chủ nghĩa cộng sản khoa học, ca ngợi xã hội được xây dựng trên tinh thần tư tưởng của giai cấp tiểu tư sản, ông lấy cái mà lịch sử đã chứng minh tính hạn chế và đào thải để coi đó là cái đích thực. Ngoài ra, ông coi sự tăng giảm dân số là cơ sở của sự vận động, phát triển lịch sử chứ không phải là do phương thức sản xuất, và khi phác thảo về mục tiêu đấu tranh để giải phóng dân tộc thì ông có tư tưởng bá chủ, khi cho rằng: “An Nam và Miến Điện vốn là lãnh thổ của Trung Quốc”. Đồng thời, Tôn Trung Sơn không lựa chọn con đường cách mạng vô sản để cứu nước mà chỉ dừng lại ở cuộc cách mạng dân chủ tư sản-tức là khi cách mạng thành công thì chủ trương xây dựng nhà nước dân chủ tư sản do giai cấp tư sản lãnh đạo-phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Thực chất lợi ích dân tộc mà ông theo đuổi chẳng qua chỉ là lợi ích của giai cấp tư sản.
Đối với Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa dân tộc là một động lực lớn của đất nước”[3]. Đó là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính gắn liền với chủ nghĩa quốc tế và khi chủ nghĩa dân tộc thắng lợi thì nhất định nó sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế. Chủ nghĩa dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng ở đây là chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc chân chính gắn liền với chủ nghĩa quốc tế. Người viết: “Khi chủ nghĩa dân tộc... thắng lợi,..., nhất định chủ nghĩa dân tộc ấy sẽ biến thành chủ nghĩa quốc tế”[4], là độc lập dân tộc gắn liền với CNXH, với cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của nhân dân. Hồ Chí Minh đã tìm ra cho dân tộc con đường cứu nước giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và cuối cùng là giải phóng nhân loại bị áp bức, giải phóng các dân tộc thuộc địa. Điều này thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp và toàn nhân loại. Như vậy, “chủ nghĩa dân tộc theo Hồ Chí Minh, hoàn toàn khng phải là thứ chủ nghĩa dân tộc phong kiến, tư sản hay của Quốc tế II, (càng không phải là chủ nghĩa dân tộc cải lương), mà là chủ nghĩa dân tộc chân chính, theo lập trường chủ nghĩa Mác - Lênin, gắn dân tộc với quốc tế, dân tộc với giai cấp, hướng tới triệt để giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người”[5].
Trong khi nêu cao vấn đề dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh không bao giờ hạ thấp hoặc coi thường vấn đề giai cấp, đấu tranh giai cấp mà đã giải quyết đúng đắn, sáng tạo mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội trong quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, “là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” tức là hai giai đoạn cách mạng: dân tộc (tư sản dân quyền) dân chủ (thổ địa) và chủ nghĩa cộng sản (giai đoạn thấp là xã hội chủ nghĩa”[6]. Tức là, cách mạng Việt Nam phải chia làm hai bước, bước thứ nhất là đánh đổ đế quốc, đánh đổ phong kiến, thực hiện “người cày có ruộng”, xây dựng chính trị và kinh tế dân chủ mới. Bước thứ hai là tiến lên chủ nghĩa xã hội, tức là giai đoạn đầu của chủ nghĩa cộng sản. Điều này cho thấy, độc lập, thống nhất là nhiệm vụ trước mắt, hàng đầu; từng bước thực hành dân chủ. Hoàn thành tất cả các nhiệm vụ đó cũng có nghĩa là xây dựng điều kiện để tiến tới chủ nghĩa xã hội. Điều này thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa lợi ích dân tộc, lợi ích giai cấp và lợi ích toàn nhân loại.
Tôn Trung Sơn, căn cứ vào sự thông minh tài sức của nhân dân để phân biệt 3 loại người: Biết trước, giác ngộ trước trước; biết sau, giác ngộ sau và không biết, không giác ngộ. Biết trước, giác ngộ trước trước là những người tư sản, tiểu tư sản và tầng lớp trí thức. Biết sau, giác ngộ sau là những nhà tuyên truyền. Không biết, không giác ngộ đây là quảng đại quần chúng công nông. Điều này cho thấy, ông không thấy được vai trò to lớn của quần chúng nhân dân, mà lại quá đề cao vai trò của những nhà lý luận, nhà khoa học, nhà cách mạng.
Khác với Tôn Trung Sơn, Hồ Chí Minh coi “Dân” là tất cả những người lao động trong xã hội, không phân biệt già-trẻ, trai-gái, dân tộc, tôn giáo, giàu-nghèo... Trong đó công nông là đông nhất, bị áp bức nặng nề nhất và là người gan góc nhất, do đó, “công nông là gốc cách mệnh; còn học trò, nhà buôn nhỏ, điền chủ nhỏ... là bầu bạn cách mệnh của công nông”[7]. Tức là, công nhân và nông dân là lực lượng nòng cốt, là đội quân chủ lực của cách mạng. “Dân” không bao hàm bọn phản quốc, bọn tay sai “bán nước hại dân”, những kẻ đi ngược lại với lợi ích, nguyện vọng của quần chúng nhân dân. Do đó, Người luôn có niềm tin tưởng sắt đá vào sức mạnh của nhân dân, “trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”. Tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân với ý nghĩa “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào”[8]. Lợi ích dân tộc là tiêu chí để phân biệt lực lượng cách mạng và lực lượng phản cách mạng.
Chủ nghĩa Dân quyền chủ trương dân quyền bình đẳng, phổ biến, mọi cá nhân và đoàn thể chống đế quốc đều được hưởng quyền tự do, dân chủ. Theo Tôn Trung Sơn, dân quyền là sức mạnh chính trị của nhân dân, nhân dân quản lý chính trị, tức là có quyền: tuyển cử, bãi miễn, sáng chế, phúc quyết. Chính phủ có quyền: lập pháp, tư pháp, hành pháp, giám sát và khảo thí. Muốn thực hiện được vấn đề “dân quyền” thì cần phải có một chính phủ có đủ năng lực, có quyền định đoạt, không hạn chế hành động của họ, mọi việc do họ tự do xử lý, có thế quốc gia mới tiến bộ, tiến bộ mới nhanh. Tức là, những người tham gia chính phủ phải là những người hữu năng-trị quyền.
Đồng thời, Tôn Trung Sơn bàn đến vấn đề bình đẳng trong xã hội và cho rằng: “Nói đến địa vị bình đẳng trong xã hội là nói địa vị khởi điểm ban đầu bình đẳng, sau đó mỗi người nhờ vào thông minh tài lực bẩm sinh rồi tự mình rèn luyện, vì thông minh tài lực bẩm sinh khác nhau nên kết quả đương nhiên khác nhau, thành tựu tài cán khác nhau, do đó đương nhiên không thể bình đẳng. Như thế mới là đạo lý của bình đẳng thật”[9]. Do đó, nếu thực hiện bình đẳng một cách đồng loạt thì xã hội sẽ suy thoái và đi vào khủng hoảng. Vì thế nói dân quyền bình đẳng, thế giới phải tiến bộ với ý nghĩa là nhân dân phải có địa vị bình đẳng về chính trị. Chỗ đứng của bình đẳng tự do là dân quyền, phụ thuộc vào dân quyền. Dân quyền phát triển rồi thì bình đẳng tự do mới có thể tồn tại lâu dài, nếu không có dân quyền thì không giữ được bất luận bình đẳng tự do gì.
Cùng với quá trình tìm đường giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh đã tìm kiếm một thể chế chính trị không theo hướng của các cuộc cách mạng ở Pháp, Mỹ, cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc vì đó là những nhà nước dựa trên nền tảng của chế độ dân chủ tư sản. Mà đối với cách mạng Việt Nam, chúng ta đã hy sinh làm cách mạng, thì phải làm cho đến nơi, nghĩa là khi cách mạng thành công thì giao quyền cho dân chúng số nhiều, không để trong tay một bọn ít người. Thế mới khỏi hy sinh nhiều lần, thế dân chúng mới được hạnh phúc.
Pháp luật phải dựa trên nền đạo đức, đạo đức là gốc của pháp luật. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, pháp luật có vai trò là công cụ quản lý của nhà nước và công cụ của từng cá nhân để bảo vệ, bảo đảm tự do, công bằng, dân chủ, bình đẳng nam nữ và bình đẳng xã hội. Điều này thể hiện tính nhân văn, tư tưởng tiến bộ, khoa học, khắc phục sự nhận thức tuyệt đối hoá vai trò giai cấp của pháp luật, thể hiện sự nhận thức đúng đắn về giá trị xã hội to lớn của pháp luật. Tư tưởng pháp luật của Người được trình bày trong một chỉnh thể thống nhất với các vấn đề dân chủ, tự do, kinh tế, văn hóa. Đây cũng chính là đời sống thực của pháp luật, pháp luật đi lên từ đời sống xã hội và quay trở về phục vụ đời sống xã hội. Đồng thời, còn chứa đựng những vấn đề triết lý về bản chất, vai trò, mối quan hệ giữa pháp luật và các quy tắc xã hội khác mà trực tiếp nhất là đạo đức. Tức là, pháp luật XHCN phải dựa trên nền đạo đức - đạo đức cách mạng thì mới thuyết phục được đa số nhân dân tự giác thực hiện và ủng hộ.
Để xây dựng Nhà nước pháp quyền và quản lý xã hội, Người đã chỉ ra rằng: “Trăm điều phải có thần linh pháp quyền”[10]. “Trăm điều” là một đại lượng có tính tuyệt đối, nhưng rất cụ thể, được sử dụng theo cách ẩn dụ để đề cập đến một cái chung, bao quát. Còn “thần linh pháp quyền” là chỉ một điều rất thiêng liêng và mọi hành vi, mọi hoạt động ở mọi nơi, mọi lúc của các cơ quan, nhân viên nhà nước, của mọi công dân và các tổ chức xã hội phải thể hiện được “thần linh pháp quyền”. ý thức, tinh thần pháp luật phải chi phối, chỉ đạo mọi hành vi, hoạt động của bộ máy nhà nước, mọi cơ quan nhà nước, môi trường pháp chế bao trùm đời sống xã hội. Vì thế, tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 03/9/1945, Hồ Chí Minh đã đề nghị Chính phủ nhanh chóng thực hiện việc tổ chức tổng tuyển cử và ban hành “một hiến pháp dân chủ”[11] với mục đích là bảo đảm được quyền tự do dân chủ cho các tầng lớp nhân dân, trên cơ sở công nông liên minh và do giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó phải thật sự bảo đảm nam nữ bình quyền và dân tộc bình đẳng. Hiến pháp dân chủ đó không những là cơ sở pháp lý để xây dựng một nhà nước hợp hiến, hợp pháp, mà còn là nền tảng để ban hành các đạo luật cụ thể nhằm thực hiện và bảo đảm bằng pháp luật các quyền dân chủ của nhân dân.
Sự thống trị của pháp luật trong đời sống chính trị - xã hội của một đất nước là đặc điểm cơ bản và quan trọng nhất của nhà nước pháp quyền. Đó là nhà nước tự đặt mình dưới luật, hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp, pháp luật, tuân thủ các đạo luật do mình thông qua. Như vậy, Hồ Chí Minh đã nhận thấy tầm quan trọng tối thượng của một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật nhưng phải là pháp luật dân chủ, thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân lao động, là cơ sở pháp lý để xây dựng nhà nước phục vụ nhân dân, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thể hiện vai trò xác định mối quan hệ bình đẳng giữa nhà nước với công dân... có như vậy nó mới trở thành một phương tiện để xây dựng và củng cố nhà nước pháp quyền.
Tôn Trung Sơn coi Chủ nghĩa dân sinh là “chủ nghĩa xã hội, còn gọi là chủ nghĩa cộng sản, tức là chủ nghĩa đại đồng”[12]. Bởi vì, xét đến cùng, mục đích của chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là giải quyết vấn đề dân sinh. Đây là điểm tương đồng giữa Tôn Trung Sơn và Hồ Chí Minh trong việc hướng tới một xã hội mà các nhu cầu ăn, ở, mặc, đi lại... của nhân dân được đáp ứng. Song trong cách thức giải quyết vấn đề này lại có nhiều điểm khác nhau, nhất là trong cương lĩnh ruộng đất.
Vấn đề ruộng đất được Tôn Trung Sơn coi là cái gốc của tất cả các vấn đề xã hội. Nếu ruộng đất được phân chia đồng đều thì sự phân biệt giàu nghèo sẽ không quá găy gắt. Ngược lại, nếu có sự bất bình đẳng, nó sẽ tạo nên những vấn đề xã hội nghiêm trọng. Do đó, ông chủ trương thực hiện bình quân địa quyền, tức là tiến hành công hữu quyền ruộng đất, nhằm xoá bỏ sự lũng đoạn điền thổ của giai cấp thống trị phong kiến, khiến cho quyền ruộng đất trong cả nước đều được sử dụng một cách công bằng, hợp lý đem lại lợi ích chung cho mọi người và nó được thực hiện thông qua việc trao quyền định giá đất đai cho chủ đất, quy định về giá đất... tiến tới người cày có ruộng. Đối với vấn đề tiết chế tư bản, Tôn Trung Sơn đề ra hai chính sách: tiết chế tư bản tư nhân và phát triển tư bản nhà nước để chế độ tư bản tư nhân không thể thao túng được quốc kế dân sinh, ngăn chặn sự phân biệt giàu nghèo, bất bình đẳng trong xã hội do sự chênh lệch giàu nghèo giữa tư bản tư nhân và người lao động. Giải quyết vấn đề này phải dùng phương pháp hoà bình với 4 biện pháp: Cải cách xã hội và công nghiệp; công hữu hoá ngành giao thông; đánh thuế trực thu tức là thuế thu nhập; xã hội hoá phân phối, tức là hợp tác xã.
Cùng với đó là đẩy mạnh phát triển tư bản nhà nước với hy vọng sẽ tạo ra được sức mạnh đối kháng chống lại sự áp chế về kinh tế của thế lực đế quốc để chấn hưng công nghiệp, phát triển thực nghiệp quốc gia, khai thác nguồn tài nguyên giàu có, tạo nên tư bản nhà nước trên cơ sở phát triển giao thông, đường sắt, đường sông với quy mô lớn; thực hiện khai khoáng; sản xuất công nghiệp. Đồng thời, lấy những doanh nghiệp nhà nước để hạn chế phạm vi phát triển và lũng đoạn của tư bản tư nhân nhằm tạo nên sự công bằng về quyền lợi vật chất cho mọi người trong xã hội, cũng như tạo nên sức mạnh nội tại của quốc gia để chống lại những áp lực về kinh tế từ bên ngoài, mang lại một cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân Trung Quốc.
Việc “mơ tưởng” rằng ở Trung Quốc có thể “ngăn ngừa” được chủ nghĩa tư bản, rằng ở đó “cuộc cách mạng xã hội” sẽ dễ dàng hơn vì đó là nước lạc hậu,... thực chất là một “mơ tưởng” hoàn toàn phản động vì “cuộc cách mạng kinh tế” đó đưa đến sự chuyển giao địa tô cho nhà nước, thực hiện quốc hữu hóa ruộng đất thông qua một thứ thuế thống nhất. Sự chênh lệch giữa giá trị ruộng đất ở vùng nông thôn hẻo lánh và ở đô thị lớn là sự chênh lệch về số lượng địa tô. Giá trị ruộng đất là địa tô được tư bản hóa. Biến “sự tăng thêm giá trị” của ruộng đất thành “tài sản nhân dân” thì có nghĩa là chuyển giao địa tô, tức là sở hữu ruộng đất, vào tay nhà nước, hay nói một cách khác là quốc hữu hóa ruộng đất. Một cuộc cải cách như thế trong khuôn khổ chủ nghĩa tư bản là sự tiêu biểu cho chủ nghĩa tư bản thuần túy nhất, triệt để nhất, hoàn chỉnh, lý tưởng nhất và nếu thực hiện đầy đủ cương lĩnh ruộng đất ấy thì sẽ làm cho chủ nghĩa tư bản trong nông nghiệp phát triển hết sức nhanh chóng.
Vấn đề “Cương lĩnh ruộng đất” ở Hồ Chí Minh được xác định một cách cụ thể, rõ ràng và triệt để hơn nhằm giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân. Với chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản, tiến hành tịch thu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo; bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo; mở mang công nghiệp và nông nghiệp. Thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng” là một phần rất quan trọng trong nhiệm vụ cách mạng dân chủ, để xoá bỏ quan hệ sản xuất phong kiến, giải phóng sức sản xuất, xác lập vai trò làm chủ của người nông dân ở nông thôn, cho nên việc thực hiện người cày có ruộng là góp phần thực hiện tích cực nhiệm vụ chống đế quốc. 
Sự khác nhau nữa giữa hai lãnh tụ này còn là ở phương pháp: Tôn Trung Sơn không coi đấu tranh giai cấp là một động lực của sự phát triển xã hội mà coi vấn đề dân sinh mới chính là động lực gốc của lịch sử, bởi nó góp phần giải quyết những vấn đề về đời sống của nhân dân, sinh tồn của xã hội, sinh kế của quốc dân, sinh mệnh của quần chúng, cho nên “phải đưa trung tâm của chính trị, xã hội, kinh tế trong lịch sử quy về vấn đề dân sinh, lấy dân sinh làm trung tâm của lịch sử xã hội”[13], thực chất đây là việc cố tình che dấu mâu thuẫn giai cấp. Do đó, ông không đồng ý với việc dùng chuyên chính công nông, tức là dùng phương pháp cách mạng để giải quyết vấn đề kinh tế, nếu dùng phương pháp cách mạng chỉ có thể giải quyết được vấn đề chính trị, chứ không thể giải quyết được vấn đề kinh tế và nếu dùng biện pháp cách mạng để giải quyết vấn đề kinh tế chắc chắn sẽ không thể có được những thành công, nếu không muốn nói là thất bại.
Đối với Hồ Chí Minh, việc cứu nước và giải phóng dân tộc phải bằng con đường cách mạng vô sản. Chủ nghĩa dân tộc, đấu tranh giai cấp, đoàn kết toàn dân là động lực của sự phát triển xã hội. Việc giành chính quyền về tay nhân dân mới chỉ là bước đầu mà nhiệm vụ chính là xây dựng đất nước, là ra sức thi đua sản xuất để: Toàn dân đủ ăn đủ mặc; toàn dân biết đọc, biết viết; toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm; toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc. Muốn vậy, phải phát triển kinh tế, văn hoá, các đạo luật về tự do dân chủ,... đó là những vấn đề rất quan trọng về quốc kế dân sinh, để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Độc lập, tự do, hoà bình, là điều kiện để xây dựng, tổ chức tốt đời sống cho nhân dân. Không thể đem lại cho con người hạnh phúc thực sự nếu như không thủ tiêu được chế độ người bóc lột người. Do đó, độc lập dân tộc phải thực sự, hoàn toàn, gắn với thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; gắn liền với tự do, dân chủ, ấm no, hạnh phúc của nhân dân; xoá bỏ vĩnh viễn ách áp bức, bóc lột. Tức là, độc lập dân tộc phải gắn liền và kết hợp hữu cơ với chủ nghĩa xã hội.
Như vậy, Hồ Chí Minh đã tìm thấy và kế thừa ở Tôn Trung Sơn nhiều tư tưởng tiến bộ phù hợp với điều kiện cách mạng nước ta, nhưng đây là một sự tiếp biến đặc biệt, sự tiếp biến vượt gộp để tạo ra một giá trị tư tưởng độc đáo, mới mẻ, cách mạng. Nghĩa là, không dừng lại ở những chủ trương của Quốc dân Đảng mà Hồ Chí Minh đã phát triển khái niệm “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” lên một trình độ mới, mang tính giai cấp, tính nhân dân, tính dân tộc và tính cách mạng sâu sắc, triệt để của một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin làm nền tảng tư tưởng./.


[1] Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb CTQG, Hà Nội, 1969, tr.62.
[2] Tôn Trung Sơn, Chủ nghĩa tam dân, Nxb Viện Thông tin khoa học xã hội, Hà Nội, 1995, tr.122.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.466. 
[4] Hồ Chí Minh, Sđd., t.1, tr.467.
[5] Võ Nguyên Giáp (chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2003, tr.91.
[6] PGS. TS Bùi Đình Phong, Hồ Chí Minh học và minh triết Hồ Chí Minh, Nxb CTQG, Hà Nội, 2008, tr.193.
[7] Hồ Chí Minh, Sđd., t.2, tr.266.
[8] Hồ Chí Minh, Sđd., t.10, tr.197.
[9] Tôn Trung Sơn, Sđd., tr.212.
[10] Hồ Chí Minh, Sđd., t.1, tr.438.
[11] Hồ Chí Minh, Sđd., t.4, tr.8.
[12] Tôn Trung Sơn, Sđd., tr.313.
[13] Tôn Trung Sơn, Sđd., tr.344.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét