Thứ Tư, 12 tháng 10, 2011

TINH THẦN YÊU NƯỚC-ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM


Trong lịch sử dựng nước và giữ nước suốt mấy ngàn năm, dân tộc Việt Nam đã làm nên những kỳ tích vĩ đại. Hơn 10 thế kỷ Bắc thuộc dân tộc ta không bị đồng hóa; nhân dân ta đã chiến đấu đánh thắng những đế chế phong kiến phương Bắc và nhiều thế lực đế quốc lớn phương Tây; xây dựng đất nước ngày một thịnh vượng. Ngày nay, sự nghiệp đổi mới đất nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, tuy diễn ra trong bối cảnh quốc tế đầy biến động và phức tạp, nhưng đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Việt Nam vẫn tiếp tục phát triển trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, vị thế của đất nước, của dân tộc ngày càng được củng cố và nâng cao trên trường quốc tế.
Điều gì dẫn đến những kỳ tích lớn lao đó? Điều gì đã tạo ra động lực cho sự nghiệp đổi mới phát triển như vậy? và động lực nào cho sự phát triển của đất nước ở thế kỷ XXI? Nội dung của câu trả lời có tính chất xuyên suốt nhất, bao trùm nhất cho các vấn đề ấy nằm trong chính giá trị chủ đạo của dân tộc - tinh thần yêu nước Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, trong tình hình hiện nay đứng trước yêu cầu mới của sự phát triển đất nước ở thế kỷ XXI, trước những âm mưu, thủ đoạn mới của các thế lực chống phá Việt Nam, trước sự tác động ngày càng mạnh mẽ của tình hình thế giới, đặc biệt là xu thế toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng sâu rộng, chúng ta càng phải hiểu đúng giá trị tinh thần yêu nước Việt Nam và phát huy nó trong sự nghiệp cách mạng hiện nay của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
1. Việt Nam là đất nước nông nghiệp với nền sản xuất trồng lúa nước là chủ yếu. Nhu cầu cơ bản của nền sản xuất trồng lúa nước là vấn đề trị thủy. Với đặc điểm địa lý - tự nhiên của Việt Nam, quá trình trị thủy, đấu tranh chống thiên tai, bão lụt, chống hạn không chỉ bằng sức mạnh của một tộc người, một dòng họ, của một làng hay một xã, của một vùng riêng biệt và càng không thể bằng sự cố gắng riêng lẻ của từng gia đình. Quá trình ấy đòi hỏi phải có sự cố kết cộng đồng, sự đoàn kết của tất cả các tộc người. Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, các dân tộc có lịch sử sinh thành và tụ cư vào các thời điểm khác nhau nhưng đã sớm hòa đồng trong cuộc sống chung. Sự chung sức, chung lòng chống thiên tai, xây dựng và bảo vệ đất nước đã hình thành ý thức cộng đồng chung. Ý thức cộng đồng chung ấy dần dần phát triển và được nâng lên thành ý thức cộng đồng lớn hơn, đó là ý thức quốc gia dân tộc. Cho nên tinh thần yêu nước Việt Nam được nảy nở và nuôi dưỡng từ ý thức cộng đồng, từ tình yêu làng, xã. Vì vậy, yêu nước bắt nguồn từ lòng yêu quê hương, yêu làng xã, yêu nhà - gia đình. Do đó, mối quan hệ Nhà - Làng - Nước là mối quan hệ thống nhất, bền chặt, thể hiện xoắn xuýt trong nội dung của tinh thần yêu nước Việt Nam. Nhà - Làng - Nước là cái trục chính để từ đó nhân lên tinh thần yêu nước đáp ứng mọi đòi hỏi của lịch sử.
Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm liên tiếp và thường phải đối phó với kẻ thù có tiềm lực kinh tế, quân sự lớn mạnh. Đó là đặc điểm nổi bật của dân tộc ta. Để tồn tại, để chiến thắng các kẻ thù lớn mạnh hơn, người Việt Nam phải đoàn kết, phải “chung lưng, đấu cật” với nhau. Ý thức cộng đồng, tinh thần yêu nước được củng cố và phát huy nhằm đáp ứng yêu cầu đó; và qua các thử thách ác liệt của chiến tranh, giá trị của tinh thần yêu nước Việt Nam càng được tỏa sáng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam đã từng khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sống vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1]. Đây là cơ sở tinh thần của dân tộc ta tạo nên sức mạnh vô địch chiến thắng mọi kẻ thù. Điều đó cắt nghĩa vì sao một dân tộc đất không rộng người không đông như dân tộc Việt Nam mà lại chiến thắng kẻ thù lớn mạnh hơn gấp nhiều lần.
Có thể thấy rằng chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” không phải chỉ đến thời đại Hồ Chí Minh mới được khẳng định mà nó luôn luôn là lẽ sống của dân tộc suốt chiều dài mấy ngàn năm lịch sử.
Như vậy, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam được hình thành và phát triển bởi quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước, được nảy nở và nuôi dưỡng từ ý thức cộng đồng, từ tình yêu làng, xã. Đến lượt mình tinh thần yêu nước đó hướng vào phục vụ và là động lực xây dựng và bảo vệ đất nước, xây dựng và bảo vệ quê hương, làng, xã, gia đình, hướng vào việc phát triển ý thức cộng đồng, ý thức quốc gia - dân tộc.
2. Từ xa xưa, dưới thời phong kiến, yêu nước của dân tộc ta cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với chủ nghĩa trung quân. Trung quân là trung với Vua, với dòng họ đương quyền. Khi Vua ấy là minh quân, dòng họ ấy là tiến bộ, tiêu biểu cho dân tộc thì yêu nước là trung quân, trung quân gắn với ái quốc. Nhưng khi triều đại ấy lạc hậu, suy đồi phản bội lại lợi ích dân tộc thì nhân dân lại chọn Vua khác, bộ phận lãnh đạo khác tiến bộ hơn đại diện xứng đáng cho dân tộc. Như thế cho thấy, lợi ích quốc gia - dân tộc luôn luôn là lợi ích bao trùm, trên hết và chi phối; đồng thời là “hoạt chất” để sàng lọc những giá trị yêu nước đích thực và giả hiệu.
Yêu nước là giá trị cao nhất trong bảng thang giá trị của bản sắc dân tộc Việt Nam trong tất cả các giai đoạn lịch sử, là thước đo giá trị của từng con người, từng công dân trước cộng đồng.
Tinh thần yêu nước Việt Nam không phải là một tư tưởng chung chung, trừu tượng mà bao giờ cũng có nội dung cụ thể hàm chứa những tình cảm thương yêu “giống nòi”, yêu nước bao giờ cũng gắn với thương dân. Tìm đường cứu nước cũng chính là tìm đường cứu dân. Xây dựng đất nước phồn vinh cũng chính là chăm lo hạnh phúc cho dân. Giải phóng dân tộc, cũng chính là giải phóng cho dân thoát khỏi gông xiềng nô lệ để vươn lên làm chủ. Độc lập tự do thì dân phải ấm no, hạnh phúc; đất nước mạnh giàu thì dân phải được giàu có, xã hội phải công bằng văn minh. Tất cả sự nghiệp ấy đều vì dân, đồng thời cũng chính do dân làm nên.
Như vậy, tinh thần yêu nước của dân tộc ta chứa đựng giá trị nhân văn rất cao cả. Hành động vì nước, vì dân là thước đo cao nhất của giá trị yêu nước Việt Nam.
Tinh thần yêu nước truyền thống của nhân dân ta từ khi có Đảng được kết hợp chặt chẽ với tinh thần yêu chủ nghĩa xã hội, vì vậy tinh thần yêu nước mang chất lượng mới, sức mạnh mới.
3. Thế kỷ XXI chắc chắn sẽ có những biến động phức tạp, khó lường, các nấc thang giá trị sẽ có nhiều thay đổi. Nhưng lời giải cho động lực phát triển của dân tộc ta vẫn không nằm ngoài việc phát huy nội lực, sức mạnh bên trong của cả dân tộc, trong đó nhân tố con người với tinh thần yêu nước được trang bị nội dung mới đóng vai trò quan trọng đặc biệt. Để phát huy vai trò động lực của tinh thần yêu nước đáp ứng đòi hỏi của điều kiện lịch sử mới, vấn đề trước hết là phải không ngừng bồi đắp tinh thần yêu nước truyền thống những nội dung mới, nâng nó lên theo yêu cầu của lịch sử.
Làm thế nào để phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân ta trong điều kiện lịch sử mới.
Bài học “lấy dân làm gốc”, “khoan thư sức dân” có vị trí quan trọng hàng đầu, là điểm cần “khai thông” trước hết và chủ yếu. Về vấn đề này, Đảng ta đã đề ra phương châm đúng đắn và khoa học: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Phương châm này đã và đang là cơ chế vận động trong đời sống xã hội ta. Thực hiện “Quy chế dân chủ ở cơ sở” là một bước cụ thể hóa của cơ chế ấy. Sự vận động có hiệu quả của cơ chế “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sẽ tạo ra động lực to lớn cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà chúng ta đang tiến hành. Đó là con đường phá bỏ mọi ách tắc để cho tinh thần yêu nước được thể hiện ra bằng hành động cách mạng sinh động của mọi người dân Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế sự vận động của cơ chế này vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Tình trạng tham nhũng, quan liêu, vi phạm dân chủ vẫn diễn ra ngày càng trầm trọng, làm sói mòn lòng tin của dân đối với Đảng, làm “nguội lạnh” nhiệt tình yêu nước của người dân. Vì thế, điểm “mấu chốt” cần khai thông ở đây lại là vấn đề chống tham nhũng, quan liêu, mất dân chủ.
Thật là đúng lúc và có ý nghĩa, Đảng ta đã chọn đúng vấn đề, phát động cuộc vận động “xây dựng chỉnh đốn Đảng”. Có thể nói đó là cuộc vận động xuyên thế kỷ để tạo ra động lực cho dân tộc Việt Nam phát triển ở thế kỷ XXI. Như vậy, cuộc vận động này, xét về ý nghĩa còn là nhằm khai thông những ắch tắc, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu nước trong mỗi người dân. Vấn đề hiện nay là toàn Đảng, toàn dân với tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước dân tộc thực hiện một cách có hiệu quả cuộc vận động này. Và do vậy, vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên càng trở nên quan trọng.
Muốn khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước ở mỗi người dân, một vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hiện nay là phải tích cực đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền về tinh thần yêu nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhắc nhở: “Tinh thần yêu nước cũng như các thứ của quý. Có khi được trưng bày trong tủ kính, trong bình pha lê, rõ ràng dễ thấy. Nhưng cũng có cất dấu kín đáo trong rương, trong hòm. Bổn vận của chúng ta là làm cho những của quý kín đáo ấy đều được đưa ra trưng bày. Nghĩa là phải ra sức giải thích, tuyên truyền, tổ chức, lãnh đạo, làm cho tinh thần yêu nước của tất cả mọi người đều được thực hành vào công việc yêu nước, công việc kháng chiến”[2].
Như vậy, công tác giáo dục, tuyên truyền tinh thần yêu nước phải tiến hành thường xuyên, liên tục, không được lúc nào ngừng nghỉ. Giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là vấn đề không bao giờ cũ cả. Cần phải giáo dục mãi, giáo dục nhiều, không ngừng đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục với nhiều hình thức phong phú, đa dạng làm bật dậy từ trong sâu sa nhất của mỗi cọn tim, khối óc lòng tự hào dân tộc, ý thức quốc gia - dân tộc, làm cháy lên ngọn lửa nhiệt tình yêu nước trong mỗi con người, trong mọi tầng lớp xã hội, sự khát khao cống hiến vì sự phồn vinh của dân tộc, vì sự thắng lợi của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Mỗi thế hệ Việt Nam với truyền thống yêu nước của mình đều có thể đáp ứng được đòi hỏi của lịch sử. Chúng ta hoàn toàn tin tưởng ở thế hệ hôm nay vì trong họ luôn có thành tố yêu nước.
[1] Hồ Chí minh toàn tập, tập 6. Nxb CTQG. H. 1995, tr. 171
[2] Sđd, tr. 72

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét