Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NIỀM TỰ HÀO, TẤM GƯƠNG SÁNG CỦA THẾ TRẺ CHÚNG T

Chủ tịch Hồ Chí Minh vị lãnh tụ thiên tài, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam - Người tổ chức, giáo dục, rèn luyện Đoàn thanh niên và thế hệ trẻ nước ta. Hình ảnh, lý tưởng vĩ đại, sự nghiệp cao cả, đạo đức sáng ngời của Người mãi mãi là tấm gương và là nguồn cổ vũ lớn lao cho thế hệ trẻ chúng ta ngày hôm nay.
   
Nói về cuộc đời hoạt động cách mạng của người, trong Điếu văn của Ban chấp hành Trung ương Đảng đã viết: "Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ Tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ."1
 Đó là cuộc đời chiến đấu bền bỉ, để thực hiện cho được sự ham muốn tột bậc của mình là đất nước được hoàn toàn độc lập, nhân dân được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đó là cuộc đời sáng chói ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần độc lập tự chủ, lòng nhân đạo và yêu mến nhân dân tha thiết, chí công vô tư, lạc quan, khiêm tốn, giản dị.  Bảy mươi chín mùa xuân của Người đã để lại cho chúng ta một biểu tượng sáng ngời về văn hoá, nhân cách và trí tuệ Việt Nam. Điều đó được biểu hiện ở một số khía cạnh sau:
Một là: Chủ nghĩa yêu nước, nghị lực và trí tuệ.
Sinh ra trong một gia nhà Nho ở miền quê có truyền thống cần cù, yêu nước, tuổi trẻ của Người đã được chứng kiến những cảnh cơ cực của người dân, được nghe kể chuyện cổ tích, nghe hát phường vải, nghe những vần thơ yêu nước, nghe những người yêu nước đương thời nhắc đến các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám lãnh đạo chiến tranh du kích chống thực dân Pháp, v.v. nhưng các phong trào đó đều lần lượt thất bại. Ngoài ra, Người còn là người đọc nhiều, hiểu rộng, thấu hiểu được lỗi khổ của người dân mất nước, thấy được âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù. Cùng với đó, là cảnh sang, hèn, giàu - nghèo trái ngược nhau càng làm cho Người thêm xót xa, thương nước, thương nòi.
Tình yêu nhân dân chính là ngọn lửa đầu tiên nhen nhóm, thôi thúc Người phải tìm cách cứu nước, cứu dân, cứu lấy đồng bào bị đọa đầy của mình. Không đi vào con đường mà các bậc cha anh đã đi và thất bại. Người đã lựa chọn một hướng đi hoàn toàn mới - đó là hướng về Phương tây, điều này thể hiện khả năng độc lập tư duy, trình độ nhận thức thời cuộc. Và như thế khi mà ngọn lửa của các phong trào yêu nước khác đã tắt thì ngọn lửa yêu nước trong trái tim người thanh niên 21 tuổi lại bùng lên, biến thành một sức mạnh giục giã người thanh niên ấy lên đường để cứu nước, cứu dân. Ngọn lửa yêu nước ấy đã giúp Người xây dựng một hoài bão lớn, một lý tưởng đẹp và trở thành cội nguồn của quyết tâm to lớn, giúp người vượt qua mọi gian nan, vất vả của những tháng ngày trên con đường đến với chân lý của thời đại và hoạt động cách mạng trong quá trình lãnh đạo nhân dân ta tiến hành giải phóng dân tộc. 
Chia tay quê hương, rời xa Tổ quốc thân yêu để đi ra nước ngoài, có người thì đi học hành, có người thì đi để kiếm kế sinh nhai, v.v. nhưng Bác Hồ ra đi với một hoài bão lớn lao là để tìm lời giải đáp cho câu hỏi lớn: các nước làm thế nào để tiến tới văn minh, để mọi người được "tự do, bình đẳng, bác ái". Biết rằng, cuộc sống sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng với một ý chí mãnh liệt của tuổi trẻ, sẵn sàng chịu đựng mọi gian khổ, sẵn sàng làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Trong thời gian 10 năm bôn ba đi qua nhiều nước, nhiều Châu lục khác nhau nhưng Người đã chiến thắng mọi trở lực, mọi sự cám dỗ về vật chất và sự tác động về tinh thần. Cùng với việc đó, thì Người không để phí thời gian, luôn tranh thủ học tập từ những ngày lênh đênh trên biển, tranh thủ học với bất cứu người nào nếu có thể và sẵn lòng giúp đỡ mình.
Không xa rời mục đích của mình, Người luôn quan sát và suy nghĩ. Nhờ trí tuệ nhạy bén và sáng suốt, Người đã từng bước tìm ra những chân lý mà người đương thời chưa đến được.
Qua chuyến đi Châu phi và thời gian làm việc ở Mỹ đã giúp cho Người thấy được rằng "dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà chúng ta chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi “tình hữu ái vô sản". Từ đó, cho thấy rằng cách mạng Pháp và cách mạng Mỹ là cách mạng "chưa đến nơi".
Với trí tuệ sáng suốt, Người đã nhận ra được nguồn gốc của sự nghèo đói và của ách nô dịch dân tộc chính là sự áp bức của giai cấp thống trị; sự phồn vinh của xã hội tư bản với khẩu hiệu "tự do, bình đẳng, bác ái" chỉ là sự lừa phỉnh những người dân lao động, v.v. Do đó, không thể đi theo con đường cách mạng của Pháp và Mỹ.
Năm 1917, Cách mạng tháng Mười Nga thành công như một tiếng sấm lớn làm rung chuyển toàn cầu, mở ra một thời đại mới cho loài người, mở ra một con đường mới cho các dân tộc. Cũng chính trong thời gian này Nguyễn Ái Quốc luôn hoà mình trong các phong trào của cách mạng, những buổi tranh luận trong Đảng xã hội Pháp đã giúp Người ngày nhận rõ tầm quan trọng của cuộc cách mạng thần kỳ ở Nga.
Năm 1920, Người được đọc bản Luận cương về vấn đề dân tộc và thuộc địa của Lênin bàn về vấn đề giải phóng các dân tộc thuộc địa, điều hnày đã làm cho Nguyễn Ái Quốc rất vui mừng và reo lên: "Hỡi đồng bào bị đoạ đầy đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!". Một con đường mới, con đường cách mạng vô sản đã được lựa chọn làm lời giải cho con đường giải phóng dân tộc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ lầm than, cơ cực.
Hai là: nhà tuyên truyền và tổ chức xuất sắc
Đường lối đúng đắn có trở thành hiện thực hay không tùy thuộc vào công tác tuyên truyền giác ngộ quần chúng và tổ chức quần chúng, bởi "cách mạng là việc chung của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người". Để thực hiên được điều này, Người đã tranh thủ mọi cơ hội để tố cáo lên án tội ác của thực dân Pháp và bọn tay sai, tuyên truyền Chủ nghĩa Mác - Lênin, tuyên truyền đường lối cách mạng cho nhân dân ta.
Nguyễn Ái Quốc đã chọn địa bàn hoạt động có lợi nhất và rất sáng suốt trong việc lựa chọn lớp thanh niên yêu nước để giao phó nhiệm vụ lịch sử trọng đại của dân tộc. Sáng tạo trong phong cách huấn luyện, Người đã thành công trong việc đào tạo thế hệ cán bộ nòng cốt đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, vừa giác ngộ lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vừa có những phẩm chất cách mạng không sợ hy sinh tính mạng của mình, trung với nước, hiếu với dân, cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Để thức tỉnh quần chúng, Người cho ra tuần báo Thanh niên nhằm giúp thanh niên và nhân dân ta hiểu được đường lối cách mạng và Người cũng sớm nhận ra tầm quan trọng của tổ chức, cho nên cần phải bắt tay ngay vào việc tổ chức Đảng, nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi và trong công tác tổ chức ấy Người đã có cách làm sáng tạo, độc đáo tỏ rõ tài năng tổ chức của mình. Sau khi Đảng ra đời, Nguyễn Ái Quốc đã luôn luôn theo dõi sát sao hoạt động của Đảng, kịp thời chỉ đạo về chủ trương, đường lối, về phương thức hoạt động, về phong cách làm việc. Bên cạnh đó, Người luôn luôn quan tâm đặc biệt tới việc rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và bản thân Người là một tấm gương sáng về đạo đức.
Người còn quan tâm đến việc xây dựng các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là Đoàn thanh niên, coi việc xây dựng tổ chức Đoàn Thanh niên cộng sản là một việc làm cần kíp quan trọng như việc Đảng vậy. Để thực hiện chủ trương đoàn kết toàn dân, tập trung lực lượng giải quyết vấn đề giải phóng dân tộc Người đã sáng lập và chỉ đạo Mặt trận Việt Minh: đưa già trẻ, gái trai và mọi tầng lớp yêu nước vào các tổ chức, tập hợp trong một mặt trận dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mặt trận Việt Minh là hình ảnh chiến lược tổ chức lực lượng khởi nghĩa giành chính quyền ở Việt Nam. Ngoài ra, Người còn sáng lập các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam và đưa tổ chức đó tiến lên từng bước cho phù hợp và đáp ứng yêu cầu của cách mạng.
Có thể thấy công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đã giác ngộ được nhân dân ta, đoàn kết họ lại, tổ chức họ đấu tranh để giành được độc lập, tự do. Sức mạnh của lý luận thâm nhập vào quần chúng cộng thêm thời cơ thuận lợi mà Người đón lấy rất kịp thời đã đem lại thắng lợi rực rỡ của các mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á.
Ba là: Nhà chiến lược thiên tài, hình ảnh mẫu mực về đạo lý làm người
Nhân dân ta đã đánh đuổi được thực dân Pháp, giành được độc lập tự do. Nhà nước công nông vừa mới ra đời đã gặp những khó khăn chồng chất, phía Bắc vĩ tuyến 16 gần 20 vạn quân Tưởng Giới Thạch tràn vào với danh nghĩa là quân đồng minh tước khí giới của Quân đội Nhật, nhưng mưu đồ nham hiểm của chúng là “diệt cộng, cầm Hồ”. Sau lưng quân Tưởng là bọn Việt quốc, Việt cách hỗ trợ nhằm quay trở lại đòi nhân dân ta phải chia thành quả cách mạng cho chúng. Từ vĩ tuyến 16 trở vào Nam, quân Anh tiến vào tiếp quản và nấp sau lưng chúng là quân Pháp với mưu đồ cướp lại nước ta một lần nữa.
Đất nước bị tàn phá nặng nề, lại vừa phải trải qua lụt lớn, nhân dân ta đang gặp nạn đói nghiêm trọng, đứng trước tình thế cách mạng “nghìn cân treo sợi tóc”. Chủ tịch Hồ Chí Minh lại nhận trách nhiệm trước lịch sử: “Vì yêu nước tôi và tin cậy tôi mà đồng bào đã giao vận mệnh nước nhà cho tôi gánh vác. Phận sự tôi như một người cầm lái phải chèo chống thế nào để đưa chiếc thuyền Tổ quốc vượt qua khỏi những cơn sóng gió, mà an toàn đi đến bờ bến hạnh phúc của nhân dân”
Bình tĩnh và mưu trí, bằng sách lược vừa cứng rắn và nguyên tắc, vừa mền dẻo trong ứng xử, Người đã đề ra chủ trương đúng đắn để bảo vệ chính quyền non trẻ và từng bước giải quyết những khó khăn về nhiều mặt. Người đã nêu ra những vấn đề cấp bách như: phát động chiến dịch tăng gia sản xuất, mở chiến dịch chống mù chữ, tổ chức cuộc tổng tuyển cử, tuyến bố tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết, v.v.
Để tránh cho nhân dân ta cùng một lúc phải chiến đấu chống nhiều kẻ thù, Người đã khéo vận dụng sách lược phân hoá và nhân nhượng một cách có nguyên tắc. Trong khi nhân dân ta chiến đấu chống thực dân Pháp ở Nam Bộ, Người đã chủ trương phải tạm hoà hoãn với quân Tưởng, nhưng khi biết Tưởng thoả thuận để Pháp thế thân mình ở miền Bắc thì kịp thời chuyển ngay sang chủ trương hoà với Pháp để tranh thủ thời gian xây dựng lực lượng và đuổi quân Tưởng ra khỏi miền Bắc nước ta. Bằng các hoạt động cụ thể của mình, Người đã kéo dài thời gian để nhân dân ta củng cố chính quyền, tuyên truyền giác ngộ quần chúng, chuẩn bị lực lượng để bước vào một cuộc chiến đấu quyết liệt.
Không chỉ là một thiên tài chiến lược, với sự nghiệp cách mạng vĩ đại mà đạo lý làm người của Bác cũng thật cao quý.
Đạo lý ấy xuất phát từ lý tưởng đẹp đẽ của Bác: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành."2
Đạo lý ấy xuất phát từ sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, đạo đức cộng sản chủ nghĩa, mọi người đều bình đẳng, tinh thần chí công vô tư “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Là Chủ tịch nước, nhưng Bác rất gần gũi mọi người, bình đẳng với mọi người. Không những thế, Bác coi mình là người đầy tớ của nhân dân. Bởi theo Người thì trong bộ máy cách mạng từ người quét nhà, nấu ăn cho đến Chủ tịch một nước đều là phân công làm đầy tớ cho dân, đó là vinh dự cao nhất.
Giá trị của mỗi người được đánh giá ở hiệu quả của công việc, việc làm, ở sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà nhân dân giao cho.
Trung với Đảng, hiếu với dân, tự nguyện làm người đầy tớ của nhân dân, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đó là lẽ sống, là niềm sung sướng nhất và cũng chính là đạo lý làm người của Bác.
Đạo lý làm người của Bác còn là sống có tình, có nghĩa với mọi người, Bác cho rằng: Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì làm sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được. Bởi, làm cách mạng là để được ấm no và sống với nhau có tình có nghĩa, thương yêu nhau, quan tâm lẫn nhau, chia ngọt sẻ bùi, luôn luôn giúp đỡ nhau vươn lên và tiến bộ, làm việc vì cuộc sống của mọi người, khi cần thì dám hy sinh quyền lợi của cá nhân cho lợi ích của tập thể.
Bốn là: Đoàn kết quốc tế
Bác Hồ  là người bạn thân thiết của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới. Người đã từng hoàn mình vào trong cuộc sống và phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động nhiều nước trên thế giới. Thông cảm với nỗi khổ cực đắng cay của những người lao động bị bóc lột, Bác coi họ là những người anh em và tìm thấy ở họ "tình hữu ái vô sản".
Bác Hồ đã sớm giáo dục cho nhân dân ta thấy rõ: "Cách mệnh An Nam cũng là một bộ phận trong cách mệnh thế giới. Ai làm cách mệnh thế giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả"3. Do đó, theo người cần phải “làm cho các dân tộc thuộc địa, từ trước đến nay vẫn cách biệt nhau, hiểu biết nhau hơn và đoàn kết lại để đặt cơ sở cho một Liên minh phương Đông tương lai, khối liên minh này sẽ là một trong những cái cánh của cách mạng vô sản” 4. Người giáo dục nhân dân ta biết phân biệt bọn thực dân thống trị với giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở các nước đế quốc, hiểu được sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế, chính Bác Hồ là người đặt nền móng và xây đắp tình đoàn kết giữa nhân dân ta với nhân dân Liên Xô, nhân dân Lào, Campuchia, v.v. Người còn làm cho nhân dân ta ý thức đúng đắn về nghĩa vụ quốc tế với tinh thần "giúp bạn tức là tự giúp mình".
Bác Hồ của chúng ta đã đi xa nhưng tên tuổi của người sẽ còn sống mãi. Bác là người có công to lớn trong sự nghiệp giải phóng nhân dân ta thoát khỏi vòng nô lệ, Bác đã "làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta"5 lên vị trí xứng đáng trên trường quốc tế.
Những lời dạy, tư tưởng của Người là di sản vô cùng quý báu đối với chúng ta, những tư tưởng ấy vẫn giữ nguyên giá trị và có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động thực tiễn của chúng ta về mọi mặt. Ngày nay, đối với thế hệ trẻ những người sẽ tiếp bước chèo lái con thuyền cách mạng nước ta để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH làm tiền đề quan trọng thực hiện xây dựng thành công CNXH, thì việc "sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!" sẽ là hành trang vô cùng quan trọng để thế hệ trẻ tiếp tục thực hiện sứ mệnh lịch sử cao cả mà dân tộc trao cho - những người chủ tương lai của nước nhà.
Chính vì vậy, việc nghiên cứu vận dụng đúng đắn Tư tưởng Hồ Chí Minh để làm tốt công tác thanh niên, đào tạo thế hệ trẻ trong thời đại cách mạng mới là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cơ quan để tạo ra một sự tác động đồng bộ nhằm biến quá trình kế tục tự nhiên của các thế hệ trẻ thành quá trình kế tục cách mạng “vừa hồng, vừa chuyên”. Nhìn nhận, đánh giá khách quan, khoa học về vai trò, khả năng cách mạng của thế hệ trẻ là tiền đề quan trọng đối với quá trình hoạch định, đường hướng về mục tiêu, nội dung, biện pháp tổ chức, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ.

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t. 12, tr. 515
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t. 5, tr. 644
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t. 8, tr. 567
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, t. 2, tr. 124
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, Hà Nội, 2002, t. 12, tr. 516


































Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét