Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

Phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ


"Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới chỉ một nửa" - Lời Hồ Chủ tịch.  Qua đó ta thấy, để giải phóng và phát huy được vai trò của người phụ nữ trong việc xây dựng xã hội mới - xã hội chủ nghĩa, thì một trong những vấn đề thời sự hiện nay đòi hỏi chúng ta cần phải kiên quyết làm đó là loại trừ nạn bạo hành ra khỏi gia đình, mà trực tiếp là phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ. Bởi, "Bạo lực chống lại phụ nữ là biểu hiện của các quan hệ không bình đẳng về mặt lịch sử giữa các nam giới và nữ giới, điều đó dẫn đến sự thống trị và phân biệt đối xử của nam giới đối với phụ nữ và ngăn cản sự tiến bộ về mọi mặt của phụ nữ" (Tuyên bố của Hội nghị phụ nữ thế giới tại Bắc Kinh - 1995). Bạo lực đối với phụ nữ diễn ra dưới nhiều hình thức: bạo lực về thể xác, tình dục, tâm lý và kinh tế. Các hình thức bạo lực này có mối liên hệ với nhau và tác động đến phụ nữ từ khi họ chưa được sinh ra đến khi về già. Khi xã hội thay đổi, các hình thức bạo lực cũng thay đổi và nhiều hình thức bạo lực mới nảy sinh.
Trên thực tế, phụ nữ Việt Nam hiện nay đã và đang phát huy được vai trò to lớn của mình trong chiến tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiều phụ nữ đã trưởng thành, nhanh chóng vươn lên trong cuộc sống. Không chỉ giỏi việc nước, phụ nữ Việt Nam còn đảm việc nhà, chăm lo cho tổ ấm riêng của mình hoà thuận, hạnh phúc.
Với hơn 50% dân số và gần 50% lực lượng lao động xã hội, ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội và giữ những chức vụ quan trọng trong bộ máy Nhà nước: Hiện có tới 27,31% đại biểu nữ trong Quốc hội (cao nhất ở châu Á và là một trong những nước có tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội cao nhất thế giới); tỷ lệ nữ tốt nghiệp đại học là 36,24%; thạc sĩ 33,95%; tiến sĩ 25,69%...Đây là những con số sinh động, là bằng chứng chứng minh hiệu quả của những chính sách lớn của Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển.
Có thể nói, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến, hy sinh to lớn, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của cả dân tộc; trong công cuộc xây dựng đất nước trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa hiện nay, chị em tiếp tục đóng vai trò quan trọng, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Ở nước ta, tỷ lệ nữ tham gia lao động cao nhất trong khu vực châu Á, tới 83%, gần ngang bằng với nam giới (85%). Phụ nữ chiếm đến 48% lực lượng lao động toàn xã hội và là nguồn nhân lực dồi dào.
Phần đông phụ nữ hiện nay được tôn trọng và tạo điều kiện phát triển về mọi mặt, nhưng trên thực tế cho thấy vẫn còn nhiều phụ nữ ở nhiều địa phương vẫn còn là nạn nhân của bạo hành giới. Theo điều tra của Sở y tế Hà Nội trong 5 năm qua, có khoảng từ 55% - 95% phụ nữ bị hành hạ thể xác nhưng chưa bao giờ cầu viện tới một cơ quan chính thức hay người có thẩm quyền; 91,6% số phụ nữ đó bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" - những phụ nữ ở độ tuổi 20 - 29 chiếm gần 50%.
Theo báo cáo vào tháng 4-2006 của Ủy ban Dân số - Gia đình và Trẻ em  thì trong số nạn nhân của bạo hành gia đình có tới 90% là phụ nữ, còn lại là trẻ em, người già. 30% số phụ nữ bị đánh đập, lạm dụng cưỡng bức bằng nhiều hình thức do người chồng gây ra; trong số này có 15% số người bị đánh, khoảng 80% bị mắng chửi, hơn 70% bị bỏ mặc, gần 10% bị chồng cấm tham gia hoạt động xã hội và gần 20% bị chồng cưỡng bức quan hệ tình dục đang là những con số gây nhức nhối với cộng đồng.
Viện Khoa học xét xử thuộc Tòa án Nhân dân tối cao cũng cho biết: Tại 42 tỉnh, thành phố, trong năm năm (2000 - 2005), có 10.608 vụ án hôn nhân và gia đình được xét xử thì trong số đó 42% số vụ có nguyên nhân từ bạo lực gia đình.
Theo báo cáo của Toà án Nhân dân tối cao, từ ngày 1/1/2000 đến 31/12/2005 các tòa án địa phương trong cả nước đã thụ lý và giải quyết sơ thẩm 352.047 vụ việc về lĩnh vực hôn nhân gia đình. Trong đó có tới 39.730 vụ ly hôn do bạo lực gia đình chiếm tới 53,1% tổng số vụ ly hôn. Riêng năm 2005, có tới 39.730 vụ ly hôn trong tổng số 65.929 vụ án về hôn nhân gia đình chiếm tỷ lệ 60,3%. Theo số liệu điều tra mới đây, tình trạng bạo lực gia đình ở Việt Nam khá phổ biến. Có 7,4% số người được hỏi cho biết từng chứng kiến bạo lực thể chất tại cộng đồng, 25% số gia đình từng xảy ra tình trạng bạo lực tinh thần; gần 30% số gia đình được hỏi cho biết có tình trạng bạo lực tình dục.
Hành vi bạo lực đối với phụ nữ gây ra những hậu quả hết sức tai hại, lâu dài cho xã hội, gia đình, bản thân người phụ nữ và cho cả những thế hệ con cháu: Phá vỡ sự bình yên, hoà thuận và hạnh phúc của cuộc sống gia đình, đặt người phụ nữ luôn luôn sợ hãi, bị giảm sút sức khoẻ, ốm đau, bệnh tật, suy nhược thần kinh; Bạo lực gia đình và hiếp dâm chiếm 5% trong số các gánh nặng về bệnh tật đối với phụ nữ ở độ tuổi 15 – 44. Bạo lực gây cho phụ nữ nguy cơ cao phải gánh chịu hậu quả về sự giảm sút thể lực và sức khỏe sinh sản. Phụ nữ bị lạm dụng cũng cho thấy sức khỏe tâm thần và chức năng xã hội kém hơn. Bạo lực trước và sau khi mang thai gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe của cả người mẹ và đứa con. Bạo lực gây nguy cơ cao đối với thai sản và những vấn đề liên quan đến thai sản như sảy thai, sinh thiếu tháng và trẻ sinh ra nhẹ cân. Những phụ nữ bị bạo lực có nguy cơ bị nhiễm HIV cao. Nỗi lo sợ về bạo lực cũng cản trở phụ nữ tiếp cận các thông tin về HIV/AIDS cũng như được điều trị và tư vấn.
Tình trạng suy sụp là một trong những hậu quả thường gặp đối với những phụ nữ bị bạo lực về tình dục và thân thể. Phụ nữ là đối tượng bị bạo lực thường lạm dụng rượu, ma túy và có hành vi tình dục không bình thường, muốn tự tử, bị căng thẳng (stress) sau chấn thương và rối loạn hệ thống thần kinh trung ương. Chứng kiến hành vi bạo lực gia đình thường xuyên có thể dẫn đến bạo lực suốt đời trọng mối quan hệ cá nhân; Bạo lực đối với phụ nữ có thể cản trở phụ nữ tham gia một cách đầy đủ vào phát triển kinh tế và hạn chế các cơ hội việc làm của phụ nữ. Gia đình tan vỡ, nhiều trẻ em bị cướp đi hoàn cảnh sinh sống và giáo dục bình thường, không có cha hoặc mẹ chăm sóc, bị gạt ra ngoài xã hội, đói rét và tội lỗi; Chi phí giải quyết bạo lực chống lại phụ nữ - cả trực tiếp và gián tiếp là rất lớn. Các chi phí này bao gồm chi phí trực tiếp cho các dịch vụ điều trị và hỗ trợ những phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng và đưa kẻ phạm tội ra công lý. Các chi phí gián tiếp bao gồm chi phí mất việc làm, giảm năng suất lao động và chi phí đối với sự chịu đựng và nỗ đau của con người.
Việc nhìn nhận chính xác nguyên nhân của bạo hành giới, bạo lực đối với phụ nữ có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động can thiệp. Vậy những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên:
Nguyên nhân sâu xa của bạo lực gia đình là do tư tưởng bất bình đẳng giới "trọng nam, khinh nữ", những thành kiến về giới và những tập tục của xã hội cũ truyền lại. Người đàn ông thường mang nặng đầu óc gia trưởng, không hiểu biết pháp luật, tự cho rằng mình có quyền xúc phạm, ngược đãi, hành hạ vợ, mình bao giờ cũng đúng, mọi lỗi lầm đều do vợ gây ra...Tình trạng phụ nữ có trình độ học vấn chưa cao cho dù tỷ lệ tham gia vào các công tác lao động xã hội ở Việt Nam khá lớn. Ngoài ra, do chủ trương chung của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, do phát triển kinh tế xã hội, phụ nữ Việt Nam ngày càng được học hành lên, có công ăn việc làm và vị trí của họ ngoài xã hội đã thay đổi. Nhưng sự thay đổi này thường khó được người đàn ông trong gia đình chấp thuận. Sự “mặc cảm trụ cột” của đàn ông Việt Nam với quan niệm “nhà chỉ có một cột trụ là người đàn ông, họ phải “hơn vợ một cái đầu” về mọi mặt". Vì thế, đa phần phụ nữ trong gia đình phải tế nhị và nhiều nữ trí thức phải sống trong tình trạng “giả ngu để gia đình êm ấm”. Chính vì vậy, mà tư tưởng không mong muốn phụ nữ học tập tiến bộ hơn hay tự thân nhiều phụ nữ không mong muốn học tập tiến bộ hơn vẫn tồn tại trong xã hội Việt Nam. Và điều này đã dẫn đến sự chênh lệch giữa chính trị và đời thường trong bình đẳng giới. Theo họ, trong chính trị chỉ cần thi hành chính sách. Còn trong đời thường, tư tưởng phong kiến gia trưởng đã ăn sâu từ thế kỷ này sang thế kỷ khác. Công tác tư tưởng rất khó mà ta lại chỉ tuyên truyền, kêu gọi chung chung. Phương pháp được gọi là “phân tích giới” trong các dự án phát triển kinh tế được thực hiện nhưng chưa nhạy bén đủ trong lĩnh vực văn hóa tư tưởng. Do đó, những hố sâu trong ngăn cách giữa nâng cao trình độ học vấn của nam giới và nữ giới có lẽ cần phải được san lấp nhiều hơn nữa, từ cố gắng vượt qua các mặc cảm xã hội của người phụ nữ và từ sự chia sẻ và giúp đỡ thực sự của những người đàn ông ở Việt Nam.
Ở nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa xử lý triệt để những vụ việc về bạo hành gia đình. Họ nghĩ rằng đó là chuyện riêng của mỗi nhà, không thuộc chức năng, nhiệm vụ giải quyết của chính quyền. Ngay chính bản thân người phụ nữ là nạn nhân cũng không lên tiếng đấu tranh và sẵn sàng bỏ qua cho "tội phạm". Cùng với đó là tệ nạn cờ bạc, rượu chè, nghiện hút, mại dâm ở nam giới thường là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới việc ngược đãi, bạo hành đối với phụ nữ. Ở những gia đình có khó khăn về kinh tế cũng hay xảy ra việc ngược đãi, bạo hành đối với phụ nữ. Những cặp vợ chồng luôn phải bươn chải để kiếm sống, đầu óc luôn căng thẳng thì nguy cơ xung đột trong gia đình đến nạn bạo hành càng cao.
Tình trạng dân trí thấp, học vấn thấp cũng là nguyên nhân phổ biến gây ra nạn bạo hành đối với phụ nữ. Tuy nhiên, vẫn có những gia đình vợ chồng là trí thức vẫn xảy ra tình trạng bất hoà thường xuyên, dẫn tới bạo hành, tan vỡ hôn nhân. Những xung đột gia đình do cưỡng ép tình dục, ghen tuông, ngoại tình, gia đình không có con trai, quan hệ mẹ chồng - nàng dâu, bố dượng, mẹ kế, con chung, con riêng... Ngoài ra, luật pháp mặc dù đã có nhiều văn bản quy định về chống bạo hành giới trong gia đình nhưng còn tản mạn ở nhiều luật, chưa có tính thống nhất và thiếu quy định cụ thể, chi tiết các chế tài xử lý.
Để giải quyết được tình trạng trên, đòi hỏi chúng ta cần phải hướng vào việc thực hiện một số điều cơ bản như sau:
 Một là, điều quan trọng nhất để thoát khỏi bạo hành gia đình là người phụ nữ phải biết tự bảo vệ mình. Họ phải tự tin về giá trị bản thân, không cho phép người khác làm tổn thương và hành hạ mình. Họ cũng phải ý thức được mình đang sống trong nạn bạo hành thì mới có thể lên tiếng, tìm sự trợ giúp và đấu tranh chống lại nó. Trước khi đợi một ai đó cứu giúp, phải biết tự giải thoát cho mình. Cùng với đó, người phụ nữ muốn có sự bình đẳng thật sự, bình đẳng, hạnh phúc thực sự thì phải có ý chí, quyết tâm tích cực học tập, rèn luyện để có đủ đức, tài tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội và xây dựng ấm no, hạnh phúc, hoà thuận, không nên chỉ trông chờ vào người khác mà “bản thân chị em phụ nữ phải có chí khí tự cường tự lập, phải đấu tranh để bảo vệ quyền lợi của mình”.
Hai là, tổ chức học tập cho cả nữ giới và nam giới để nâng cao hiểu biết về giới và pháp luật. Giúp người nữ giới hiểu thấu đáo quyền của mình và biết cách đấu tranh bảo vệ khi bị vi phạm; khắc phụ tâm lý cam chịu chấp nhận sự ngược đãi của chồng, chống thói tự ti, sĩ diện, xấu hổ...Ngoài ra, nam giới cần được nâng cao nhận thức về pháp luật, về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với gia đình, cách ứng xử có văn hoá, đạo lý và lối sống lành mạnh. Đấu tranh khắc phụ thói gia trưởng.
Ba là, tăng cường hoạt động của các tổ chức đoàn thể, xây dựng quy ước về nề nếp sống ở cộng đồng, trong đó cần chú trọng vào việc bảo vệ quyền bình đẳng và lợi ích của phụ nữ. Đẩy mạnh phong trào "Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hoá". Tạo ra một dư luận xã hội lành mạnh, bênh vực cho những phụ nữ bất hạnh, đồng thời với việc tăng cương kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật về phụ nữ, kịp thời xử lý nghiêm khắc những kẻ có hành vi bạo lực đối với phụ nữ.
Bốn là, đào tạo và nâng cao chất lượng công việc của phụ nữ Việt Nam. Các thống kê vào tháng 5/2006 cho thấy tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề chỉ đạt 20,45%, bằng 30% so với nam giới. Trong sản xuất nông nghiệp, phụ nữ cũng ít được tham gia tập huấn kỹ thuật, vẫn còn tình trạng “nữ làm, nam học”. Do ít được đào tạo, trình độ tay nghề thấp, cơ hội việc làm hạn chế nên phụ nữ chiếm số đông trong các công việc lao động giản đơn, thiếu ổn định, thu nhập thấp, bấp bênh, đời sống khó khăn. Nhu cầu được hỗ trợ việc làm tăng thu nhập với lao động nữ ở nông thôn, nhất là nhóm phụ nữ nghèo là rất lớn nhưng việc đáp ứng, tiếc thay lại còn rất hạn chế. Điều này là bất hợp lý vì Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích phụ nữ nâng cao trình độ học vấn trong mọi chính sách và chủ trương.
Gia đình là tế bào của xã hội, nơi trú ngụ của hạnh phúc, cái nôi để nuôi dưỡng trẻ thơ, nơi trú ẩn cuối cùng khi vấp ngã trên đường đời. Giá trị căn bản của gia đình là sự quan tâm chia sẻ lẫn nhau. Nếu như không còn yếu tố này, sự tồn tại của gia đình là rất mong manh. Ðể gia đình là chỗ dựa cho các thành viên sống và làm việc hữu ích và là thành trì ngăn chặn sự xâm nhập của tệ nạn xã hội, trước hết chúng ta cần kiên quyết loại trừ nạn bạo hành ra khỏi gia đình, mà trực tiếp là phòng ngừa và ngăn chặn bạo lực đối với phụ nữ. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét