Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC CHÍNH TRỊ CHO THANH NIÊN TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY


Hiện nay, cùng với những tiến bộ vượt bậc trong cách mạng khoa học và công nghệ, xu hướng toàn cầu hoá kinh tế đã tạo ra nhiều thời cơ, vận hội mới cho nước ta vươn lên; đồng thời những diễn biến phức tạp của bối cảnh chính trị thế giới, sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch dưới nhiều chiêu bài, hình thức khác nhau, tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên… đây là những nhân tố có ảnh hưởng lớn tới công tác giáo dục chính trị nói riêng cũng như sự nghiệp bồi dưỡng thế hệ trẻ Việt Nam nói chung. Vì vậy, trong điều kiện hiện nay, việc tăng cường giáo dục chính trị cho thanh niên là điều vô cùng cần thiết, cấp bách và lâu dài, kết quả của công tác này trực tiếp ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng nước ta.
Trước những vấn đề đang đặt ra, một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu là đổi mới nội dung giáo dục chính trị. Đó không phải là sự thay đổi hệ thống quan điểm, tư tưởng, lý luận, kinh nghiệm thực tiễn… về chính trị, mà là sự khẳng định hệ tư tưởng chính trị mà Đảng ta đã xác định, xuyên suốt từ khi Đảng ra đời đến nay bằng những cách kiến giải mới, phù hợp với xu thế thời đại, thuyết phục hơn, sâu sắc và rõ ràng hơn. Chính trị mà chúng ta tiến hành giáo dục cho thế hệ trẻ hiện nay không thể là gì khác ngoài nền chính trị của giai cấp công nhân – một nền chính trị hoàn toàn mang giá trị nhân văn từ con người, do con người và cho con người, nền chính trị dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đúc kết cả chiều sâu lịch sử văn hiến Việt Nam.
Trong tình hình hiện nay, những nội dung cơ bản ấy chỉ thực sự thuyết phục được thanh niên khi không những mang lại hiệu quả thực tiễn trong công cuộc đổi mới, mà còn được tái luận giải một cách khoa học: khẳng định những nguyên lý lý luận, phương pháp luận mang tính giá trị bền vững; chỉ rõ những vấn đề lý luận cần được tiếp tục bổ sung, phát triển cho phù hợp với thực tiễn, đồng thời không dấu giếm những luận điểm đã bị vượt qua bởi sự phát triển mới của thời đại. Đặc biệt, trong đổi mới nội dung giáo dục chính trị cho thanh niên, điểm cốt lõi để thuyết phục họ không phải là họ cần ghi nhớ những kiến thức chính trị nào, mà là họ có phát triển được tư duy chính trị đúng đắn và toàn diện hay không.
Đổi mới nội dung giáo dục chính trị cho thanh niên còn là cố gắng lý giải các nguyên lý lý luận chính trị cơ bản trong hệ tư tưởng chính trị của chúng ta được thể hiện đa dạng, phong phú như thế nào trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Giáo dục chính trị cho thanh niên là giáo dục đường lối phát triển của đất nước; giáo dục mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Cũng như các giá trị văn hoá khác, văn hoá chính trị luôn được toả thấu vào tất cả các lĩnh vực của đời sống và các mối quan hệ xã hội trong xã hội có giai cấp.
Chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị cho thanh niên không những được thể hiện ở bản lĩnh chính trị vững vàng, tính nhạy cảm, sáng suốt trước mọi biến động chính trị - xã hội, nhận thức và xử lý đúng đắn các quan hệ chính trị của họ, mà còn được thể hiện ở khả năng nhận rõ những giá trị chính trị chân chính bộc lộ trên nhiều lĩnh vực xã hội, kể cả trong cuộc sống thường nhật. Vì vậy, giáo dục chủ nghĩa yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần cảnh giác cách mạng, ý chí phấn đấu vượt mọi khó khăn, thử thách để vươn lên trong cuộc sống, sự trong sạch về đạo đức và lối sống, lòng trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, ý thức tuân theo Hiến pháp, pháp luật… thực chất cũng chính là định hướng những giá trị chân chính của nền chính trị cách mạng cho thanh niên. Hơn nữa, thực hiện được điều đó sẽ cho phép khắc phục được mặc cảm của giới trẻ rằng học tập chính trị là phải tiếp thu cái gì đó trừu tượng, cứng nhắc, khô khan, hoặc là cái gì đó kỳ vĩ, to tát, xa lạ với đời thường.
Cùng với đổi mới nội dung giáo dục, nhất thiết phải đổi mới phương thức giáo dục chính trị cho thanh niên hiện nay. Công tác giáo dục không thể đơn thuần trang bị cho thanh niên những hiểu biết cơ bản về chính trị, mà còn phải đạt hiệu quả thực sự trong rèn luyện bản lĩnh chính trị cho họ, cho nên nó cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, trong mọi đối tượng thanh niên. Tại những cơ sở giáo dục - đào tạo, dĩ nhiên công tác giáo dục chính trị được tiến hành thuận lợi nhờ việc đưa vào chương trình đào tạo, song cũng cần kết hợp với các hình thức giáo dục khác thì mới đạt hiệu quả cao. Các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình, báo chí, mạng in-tơ-nét… cần được định hướng chặt chẽ để góp phần giáo dục chính trị cho thanh niên.
Trong các tổ chức xã hội của thanh niên, nhất thiết cần đặt vấn đề giáo dục chính trị cho các thành viên vào hệ thống tiêu chí cứng trong tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức mình. Đặc biệt, tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cần phát huy vai trò xung kích trong giáo dục chính trị cho đoàn viên, thanh niên, bởi đây là chức năng trực tiếp của Đoàn. Với tư cách là tổ chức chính trị chính thống của thanh niên Việt Nam, việc tìm ra những phương thức sáng tạo trong vận động, giáo dục thanh niên của Đoàn không những góp phần củng cố tổ chức đoàn trong sạch, vững mạnh về chính trị, mà còn tạo nên những điểm sáng, những mẫu hình tiên tiến về công tác giáo dục chính trị cho thanh niên hiện nay.
Việc đổi mới phương thức giáo dục chính trị cho thanh niên không thể không gắn với phát huy tính tích cực xã hội của chính lực lượng thanh niên trong thực hiện phương châm tự giáo dục. Cả lý luận và thực tiễn đã khẳng định, mọi quá trình giáo dục chỉ có thể được thực hiện hiệu quả khi người được giáo dục tự giác tiếp thụ. Tất cả các biện pháp tăng cường giáo dục chính trị cho thanh niên sẽ không hiệu quả nếu bản thân thanh niên không thấy được giá trị của nó nhằm biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục. Song, để thực hiện điều đó, một tiền đề không thể thiếu là phải thực hành bằng được các quy chế dân chủ và nâng cao mặt bằng văn hoá dân chủ trong thanh niên, nhất là dân chủ trực tiếp. Một khi quyền dân chủ chính trị của thanh niên được phát huy trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội thì sẽ tạo nên động lực mạnh mẽ để họ phát huy trí tuệ và trách nhiệm trong học tập chính trị, thực sự coi trí tuệ chính trị là một thành tố không thể thiếu trong hành trang trí tuệ của mình./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét