Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUỐC TẾ THANH NIÊN TRONG HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ


Trong những năm qua, thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở đa phương hoá, đa dạng hoá của Đảng và Nhà nước, Thanh niên Việt Nam có nhiều cơ hội tiếp cận với thế giới, được học tập và tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ, những tinh hoa văn hoá của nhân loại, đồng thời tích cực tham gia quảng bá đất nước, con người, lịch sử, văn hoá Việt Nam, giới thiệu đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, công cuộc đổi mới của Việt Nam và giải quyết các vấn đề toàn cầu. Qua đó, công tác quốc tế thanh niên của Đoàn đã được triển khai toàn diện và đạt được nhiều hiệu quả thiết thực. Quan hệ chính trị đối ngoại tiếp tục được duy trì và đẩy mạnh. Các chương trình giao lưu hữu nghị tiếp tục được tăng cường và đảm bảo chất lượng, công tác thanh niên ngoài nước được đầu tư... Do đó, đã góp phần tích cực trong việc chuẩn bị, định hướng và tổ chức cho thanh niên tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, thúc đẩy công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Tiếp tục nâng cao uy tín và vị thế quốc tế của thanh niên Việt Nam; đóng góp vào phong trào chung của thanh niên thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Hiện nay, Đoàn ta thường xuyên duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với hơn 300 tổ chức thanh niên, sinh viên, tổ chức thuộc chính phủ, tổ chức phi chính phủ cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, đặc biệt là các hoạt động giao lưu hữu nghị, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các nước láng giềng, trong khu vực, các tổ chức thanh niên cánh tả, tiến bộ; tham gia có hiệu quả vào các hoạt động của Liên đoàn thanh niên Dân chủ thế giới. Công tác tuyên truyền đối ngoại tiếp tục được tăng cường, góp phần tuyên truyền về đường lối, chủ trương đối ngoại của Đảng, về đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời thông tin về tình hình quốc tế cho thanh niên trong nước. Công tác thanh niên ngoài nước bước đầu được quan tâm, củng cố, góp phần tập hợp, đoàn kết thanh niên ngoài nước hướng về Tổ quốc. Việc huy động các dự án được triển khai rộng rãi hơn góp phần tạo nguồn lực cho công tác Đoàn và phong trào TTN.  
 Anh Võ Văn Thưởng cùng các bạn thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Ba Lan
Tuy nhiên, công tác quốc tế thanh niên của Đoàn còn có những khó khăn, bất cập: Nhận thức của các cấp bộ Đoàn, của cán bộ, đoàn viên, thanh niên về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, công tác quốc tế thanh niên nói riêng còn chưa đầy đủ, coi công tác quốc tế thanh niên chủ yếu là các hoạt động của thanh niên ở ngoài nước, chưa thấy hết sự tác động toàn diện và nhiều mặt của tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhận thức chính trị và cuộc sống hàng ngày của đoàn viên, thanh niên. Không ít thanh niên tiếp thu một cách thiếu chọn lọc các giá trị từ bên ngoài (trong cách ăn, mặc, ứng xử, trong thưởng thức văn hoá, nghệ thuật, âm nhạc…), dễ ngộ nhận, tôn thờ sự "vượt trội" về cuộc sống vật chất hay về tự do, dân chủ ở các nước khác. Trình độ ngoại ngữ, tin học, trình độ chuyên môn của thanh niên Việt Nam nhìn chung còn thấp, nặng về lý thuyết so với chương trình đào tạo và trình độ tương tự của thanh niên các nước trong khu vực và trên thế giới. Sự hiểu biết của thanh niên Việt Nam về các quá trình quốc tế, các tổ chức quốc tế, về đất nước, con người, văn hoá của các nước trong khu vực và trên thế giới, việc tham gia của thanh niên Việt Nam trong giải quyết các vấn đề toàn cầu còn hạn chế.
Các cấp bộ Đoàn thiếu sự chỉ đạo, định hướng, hướng dẫn cụ thể các nội dung về hội nhập kinh tế quốc tế cho đoàn viên, thanh niên; chưa tham gia tích cực chuẩn bị cho thanh niên về chính trị, tư tưởng, văn hoá, về ngoại ngữ, tin học và bản lĩnh chuyên môn phục vụ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác quốc tế thanh niên chưa được quan tâm đào tạo, bố trí và sử dụng hợp lý. Một số hoạt động quốc tế của Đoàn hiệu quả chưa cao, chưa xử lý hài hoà giữa giải quyết chính sách cán bộ với việc cử cán bộ đi học tập, trao đổi kinh nghiệm để trực tiếp phục vụ công tác tại địa phương, đơn vị.
Việc phối hợp của Đoàn với các cấp, các ngành, nhất là các cơ quan thông tin đại chúng trong việc định hướng, hướng dẫn cho thanh niên tham gia hội nhập kinh tế quốc tế còn hạn chế, chưa tập trung phát huy vai trò và khả năng của báo chí trong việc tuyên truyền, hỗ trợ thanh niên trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bước vào thời kỳ phát triển mới của đất nước, chủ động chuẩn bị cho thanh niên tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế của đất nước, mà còn góp phần nâng cao chất lượng thanh niên, thúc đẩy và đổi mới công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Để góp phần định hướng, hướng dẫn và tổ chức có hiệu quả việc hỗ trợ cho thanh niên trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới, để các cấp bộ Đoàn chỉ đạo và tổ chức tốt công tác quốc tế thanh niên có hiệu quả cần hướng vào các giải pháp cơ bản sau:
Một là, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và bản lĩnh chính trị cho đoàn viên thanh niên trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tích cực tổ chức các hoạt động giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức và hiểu biết của đoàn viên thanh niên về chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối Đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về thể chế chính trị của nước ta, góp phần bồi dưỡng bản lĩnh chính trị cho thanh niên.
Tăng cường giáo dục về tình hình quốc tế, về chủ trương chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, giúp thanh niên hiểu rõ bản chất của các sự kiện, các quá trình quốc tế, thấy rõ được thời cơ và thách thức của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, hiểu rõ được bản chất của "Diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch. Tổ chức giới thiệu sâu rộng trong đoàn viên thanh niên về các tổ chức quốc tế, các tổ chức thanh niên các nước, về đất nước, con người, văn hoá của các nước đối tác, các nước bạn bè truyền thống… giúp thanh niên có kiến thức và hiểu biết về các nước và các đối tác khi tham gia quan hệ, hợp tác.
Tích cực tham gia định hướng lối sống, nếp sống của thanh niên trên cơ sở kết hợp hài hoà giữa phát huy bản sắc dân tộc với tiếp thu có chọn lọc các giá trị của các nền văn hoá trên thế giới; định hướng dư luận và tổ chức các diễn đàn thích hợp cho thanh niên trao đổi về lối sống, nếp sống trước ảnh hưởng của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, giúp cho thanh niên nhận thức được các giá trị phù hợp và đấu tranh chống lại lối sống sùng ngoại, lai căng trong thanh niên.
Phát huy vai trò của hệ thống báo, chí, các loại tờ thông tin thanh niên của Đoàn trong công tác tuyên truyền, giáo dục về tình hình quốc tế. Định kỳ trên các báo, chí của Đoàn có các chuyên trang, chuyên mục thanh niên Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, chú ý tuyên truyền kịp thời, có định hướng các sự kiện quốc tế. Biên soạn và phát hành các loại tài liệu, tờ rơi, sách tuyên truyền về các quá trình quốc tế; xây dựng các trang chủ trên mạng Internet tuyên truyền về tình hình quốc tế và trong nước cho đoàn viên, thanh niên. Trước mắt, tập trung xây dựng trang chủ thống nhất của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ở cấp Trung ương và cấp tỉnh. Phát huy vai trò của các đội tuyên truyền ca khúc cách mạng, các đội tuyên truyền thanh niên và các thiết chế văn hoá do Đoàn quản lý trong việc chuẩn bị cho thanh niên chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
Hai là, vận động, cổ vũ và tổ chức cho thanh niên tham gia hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.
Tăng cường tổ chức các hoạt động thông tin kinh tế quốc tế; chủ động tìm hiểu và tham gia các các quá trình kinh tế quốc tế theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước; triển khai có hiệu quả dự án "Phổ cập tin học, nối mạng tri thức cho thanh niên Việt Nam", tạo cơ hội cho thanh niên cập nhật các thông tin quốc tế, triển khai sâu rộng cuộc vận động hội nhập kinh tế quốc tế và các giải thưởng Sao đỏ, Sao vàng đất Việt, phát triển doanh nghiệp trẻ...
Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn nghề, đào tạo nghề và chuẩn bị lực lượng lao động phục vụ nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trong nước, các liên doanh với nước ngoài và hợp tác xuất khẩu lao động; phát triển mạnh mẽ lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân trẻ, làm cầu nối cho hội nhập kinh tế quốc tế của thanh niên Việt Nam. Phát triển các loại hình học tập ngoại ngữ và phổ cập kiến thức công nghệ thông tin trong thanh niên, trong đó tập trung tổ chức sâu rộng trong đoàn viên, thanh niên phong trào học tập ngoại ngữ, tin học, sử dụng có hiệu quả các cơ sở vật chất hiện có của Đoàn và các đội hình "Thanh niên tình nguyện" phục vụ cho phong trào rộng lớn này.
Ba là, tăng cường các hoạt động đa phương và song phương, nâng cao năng lực tổ chức cho thanh niên tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu.
Trên cơ sở củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác với các tổ chức thanh niên các nước láng giềng, bạn bè truyền thống; thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức thanh niên các nước Châu Á - Thái Bình Dương và các khu vực khác trên thế giới; tích cực tham gia các hoạt động của thanh niên ASEAN...đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động quốc tế, các hoạt động giao lưu hữu nghị, các hoạt động giáo dục nâng cao nhận thức và năng lực của các cấp bộ Đoàn trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế thanh niên. Đặc biệt, quan tâm nâng cao trình độ ngoại ngữ và kiến thức đối ngoại cho cán bộ, đoàn viên, thanh niên.
Tăng cường các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về các vấn đề toàn cầu, trong đó chú trọng khai thác và phát huy hiệu quả các dự án trong nước và quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống ma tuý, sức khoẻ sinh sản… góp phần giáo dục nâng cao nhận thức, từng bước làm chuyển biến thái độ, hành vi và hành động của thanh niên trong việc tham gia giải quyết các vấn đề ấy, đồng thời tạo thêm nguồn lực phục vụ công tác Đoàn và phong trào TTN trong nước. Hướng dẫn và tổ chức cho thanh niên Việt Nam bày tỏ thái độ và hành động vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và phát triển trên toàn thế giới.
Bốn là, tham mưu cho Đảng và Nhà nước ban hành các chính sách thích hợp nhằm hỗ trợ thanh niên chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế. Đồng thời, khai thác và nâng cao hiệu quả các dự án quốc tế.
Tham mưu xây dựng và triển khai các chính sách tăng cường năng lực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế cho thanh niên, nhất là chính sách khuyến khích học tập ngoại ngữ, tin học và các điều kiện đảm bảo cho giao lưu, hợp tác quốc tế của thanh niên Việt Nam. Tham gia đề xuất với Đảng và Nhà nước ban hành các chủ trương về quản lý văn hoá, định hướng lối sống cho thanh niên, quản lý các công nghệ hiện đại, mạng Internet phục vụ quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế của thanh niên Việt Nam...Tham mưu với Đảng và Nhà nước xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ của Đoàn, Hội và cơ chế phối hợp với các ngành, đoàn thể khác trong chăm lo công tác thanh niên Việt Nam ở ngoài nước. Chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, nhất là các phương tiện thông tin đại chúng, các đoàn thể nhân dân trong việc định hướng, hướng dẫn và hỗ trợ thanh niên trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Khai thác và nâng cao hiệu quả các dự án quốc tế phục vụ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trên cơ sở duy trì, phát triển các chương trình, dự án đã có, chủ động quan hệ với tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam để khai thác các chương trình, dự án mới. Đẩy mạnh công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên Việt Nam đang học tập, lao động tại nước ngoài thông qua các hình thức tổ chức và hoạt động phù hợp; tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước thanh lập Ban Cán sự Đoàn tại một số địa bàn trọng điểm có nhiều thanh niên Việt Nam lao động, học tập và công tác.  

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét