Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

NÂNG CAO VỊ THẾ VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA THANH NIÊN


Thanh niên hiện nay là lực lượng chính trị - xã hội có trình độ cao, có nhiều ý tưởng táo bạo, biết nắm bắt cơ hội, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, quyết tâm vượt khó, quyết chí làm giàu. Chính những đức tính tốt và những việc thanh niên đã làm để phát triển đất nước đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao vị trí, vai trò và trách nhiệm của thanh niên. 
 Sinh viên Hà Nội với phong trào Giao Thông Xanh
Đối với mỗi thời kỳ, quốc gia, để bảo tồn và phát triển đất nước, thì không thể không có thanh niên tham gia, họ là sức sống hiện tại và hình ảnh tương lai của dân tộc, là lực lượng xung kích trong các cuộc đấu tranh sinh tồn, đấu tranh cách mạng, góp phần thúc đẩy sự phát triển lịch sử của xã hội, của đất nước và đây còn là lực lượng có khả năng thích ứng nhanh nhạy trước những biến động của xã hội, phản ánh sinh lực một xã hội đang phát triển, có khả năng tiếp thu cái mới, cái tiến bộ, cải tạo thiên nhiên, cải tạo xã hội với sức sáng tạo không ngừng. Tuy nhiên, việc phát huy vai trò của thanh niên đến đâu điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng điều quan trọng là phải thấy được vị thế và xác định trách nhiệm của thanh niên trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Thực tế đã chứng minh, thanh niên Việt Nam dù bất kể hoàn cảnh nào vẫn luôn là người phản ánh và thể hiện rõ nét nhất hình ảnh của dân tộc Việt Nam với những đức tính yêu quê hương đất nước; gắn bó với thiên nhiên, với công đồng; đoàn kết, thuỷ chung, nhân ái, quý trọng nghĩa tình; cần cù, yêu lao động; dũng cảm, kiên cường; hiếu học, thông minh, sáng tạo, luôn có được vị thế quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như các phong trào thanh niên trong khu vực và trên thế giới: mở rộng quan hệ, hợp tác với hơn 300 tổ chức thanh niên, sinh viên thế giới. Đề xuất và tổ chức thành công các hoạt động giao lưu với thanh niên các nước có đường biên giới chung với Việt Nam, tiếp tục củng cố mối quan hệ truyền thống với Đoàn thanh niên Trung Quốc, Lào, Cu Ba, Liên bang Nga...; đã tích cực tham gia các hoạt động tại Festival thanh niên...Vị thế và ảnh hưởng của thanh niên Việt Nam còn được thể hiện ở nhiều cuộc thi thế giới và khu vực về toán học, vật lý, âm nhạc, tin học, thể thao…Ngoài ra, hiện nay có hàng chục vạn lao động Việt Nam ở nước ngoài mà chủ yếu là thanh niên đang đóng góp không nhỏ cho các nền kinh tế thế giới với sự thông minh sáng tạo, đức tính cần cù chăm chỉ trong lao động và nghiên cứu khoa học...Có thể nói ít có thời kỳ nào mà tuổi trẻ Việt Nam lại có cơ hội và vai trò to lớn đến thế trong tiến trình đổi mới và hội nhập.
Các mùa hè tình nguyện đã làm xanh nhiều góc phố bộn bề lối sống thị trường và làm tươi mới những bản làng xa xôi. Hàng chục ngàn trí thức trẻ tình nguyện lên đường về nông thôn, miền núi… Bên cạnh đội hình Thanh niên xung phong lập nghiệp và hoạt động chủ yếu ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, còn có hàng ngàn doanh nghiệp trẻ đang hăng hái, trăn trở góp phần tạo dựng nên “Thương hiệu Việt” và nhiều bạn trẻ khác đang “khởi nghiệp” bằng chính bàn tay, khối óc dám nghĩ, dám làm và biết làm của mình.
Là quốc gia có dân số khá trẻ, có khoảng 30 triệu người trong độ tuổi thanh niên (15 - 34 tuổi), chiếm 38% dân số, đây vừa là một lợi thế về nguồn nhân lực, nhưng đồng thời cũng tạo nhiều sức ép về giáo dục, y tế, việc làm và các vấn đề xã hội khác liên quan đến thanh niên. Trong hàng loạt vấn đề đặt ra đối với thanh niên hiện nay thì vấn đề nghề nghiệp và việc làm được nhiều thanh niên quan tâm nhất. Kết quả những cuộc điều tra khảo sát cho thấy gần 40% thanh niên (trong đó chiếm 50% là đối tượng sinh viên) lựa chọn các nghề như kỹ sư, bác sĩ, giáo viên; 16% muốn trở thành nhà kinh doanh; 12% chọn nghề quản lý xã hội và công tác chính trị…Hiện vẫn còn hàng triệu thanh niên chưa có việc làm hoặc việc làm không ổn định, trong đó một bộ phận lớn chưa được đào tạo nghề nghiệp hoặc đào tạo mang tính hình thức, chưa đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế thị trường đang đòi hỏi chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao. Điểm yếu căn bản của thanh niên Việt Nam hiện nay là năng lực hội nhập, bản lĩnh vượt qua mọi cám dỗ và ý thức kỷ luật trong một xã hội pháp quyền. Bên cạnh những doanh nhân 7X, 8X thành đạt đáng tự hào vẫn còn không ít bạn trẻ nghèo về hành trang nhưng lại “giàu” về lối sống thực dụng và luôn muốn đốt cháy giai đoạn bằng cách “bỏ qua” giai đoạn tích luỹ kiến thức để “đi thẳng” lên chủ nghĩa hưởng thụ. Chính điều đó đã đưa đến việc xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội: buông thả, trộm cắp, cờ bạc, ma tuý, mại dâm… Phải chăng đó là hệ quả tất yếu của sự buông lỏng giáo dục nhân cách và của thuyết “hy sinh đời bố, củng cố đời con” mà trách nhiệm lại không chỉ thuộc về những người đang lớn lên.
Để hướng thanh niên vào việc nhận thức và hành động nhằm nâng cao vị thế cũng như xác định tốt trách nhiệm của mình, khắc phục những điểm yếu, giúp thanh niên không chỉ giữ vững lòng tin vào tương lai của đất nước mà còn có đủ bản lĩnh và năng lực hội nhập trước một thế giới mở như đại dương bao la chào đón con tàu Việt Nam xuất bến, thì cần hướng vào việc thực hiện tốt các vấn đề cơ bản sau:

Một là, chăm lo lợi ích chính đáng và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế, xã hội

Trước những băn khoăn của nhiều đoàn viên thanh niên về việc đào tạo nghề và nhu cầu vui chơi giải trí, điều này đặt ra một vấn đề trong việc thực hiện các chương trình hành động, các chính sách đòi hỏi cần dựa vào Luật Thanh niên với việc thực thi tốt quyền và nghĩa vụ của thanh niên, để làm được điều đó thì phải: chăm lo lợi ích chính đáng của thanh niên và phát huy tinh thần xung kích của thanh niên trong nhiệm vụ xây dựng kinh tế, xã hội.
Nhưng những vấn đề thiết thực của thanh niên như: học hành, việc làm, vui chơi giải trí và những kỹ năng trong cuộc sống cần được quan tâm đúng mức. Như vậy, để chăm lo cho thanh niên tốt đòi hỏi bản thân mỗi thanh niên cần phải giải quyết lợi ích chính đáng của mình, còn tổ chức Đoàn chỉ góp sức đồng hành, khơi gợi và tạo điều kiện để các bạn trẻ có cơ hội giải quyết nhu cầu chính đáng đó.
Ngoài ra, cần có cơ chế chính sách để thanh niên được vay vốn học nghề, để các cơ sở được vay đào tạo nghề cho thanh niên, vay đi xuất khẩu lao động; Tư vấn hướng nghiệp, nâng cao năng lực, giải quyết việc làm cho thanh niên.
Hai là, xây dựng lối sống đẹp, tác phong công nghiệp cho thanh niên, đồng thời quan tâm hơn và cân bằng đời sống tinh thần cho thanh niên
Nước ta đã gia nhập WTO, các nhà đầu tư nước nước sẽ không ngừng đầu tư vào thị trường đầy tiềm năng như nước ta, nhưng để tranh thủ được cơ hội lớn đó thì mỗi thanh niên và các cơ quan có chức năng cần phải xây dựng cho thanh niên lối sống đẹp, tác phong công nghiệp, có ý thức tiết kiệm, chống lãng phí, tham nhũng. Nâng cao trình độ chuyên môn, thành lập Câu lạc bộ nghiên cứu khoa học để tập hợp các bạn trẻ.
Thanh niên là lực lượng tri thức lớn, đóng vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế của đất nước, nhất là trong thời kỳ hội nhập hiện nay. Họ là những người có nhiều sáng kiến, ý tưởng mới lạ.
Để làm tốt điều đó tổ chức Đoàn cần chăm lo hơn nữa đến đời sống tinh thần cho giới trẻ. Bởi, chăm lo đời sống tinh thần giới trẻ (đặc biệt trong điều kiện sức ép từ việc học hành, thi cử, việc làm... như hiện nay, một bộ phận nhỏ giới trẻ thường bị căng thẳng, trầm cảm...) không những là biện pháp tốt nhất để lôi cuốn và tập hợp thanh niên mà còn xây dựng “vốn cộng đồng” cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thanh niên tham gia.
Thông qua những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao giúp thanh niên cân bằng đời sống tinh thần. Giúp họ có cơ hội kết nối bạn bè, giao lưu học hỏi. Khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng. Những hoạt động đó phải được cụ thể hoá bằng những chương trình phù hợp với tâm tư nguyện vọng của giới trẻ như: Các hội thi văn nghệ, các giải bóng đá, các chương trình lễ hội... Phải luôn thay đổi các mô hình hoạt động, tạo sự mới lạ để thu hút đông đảo giới trẻ tham gia. Bên cạnh đó, cần lồng ghép các hoạt động văn hóa văn nghệ, nhằm tạo điều kiện để phát triển “góc thiện” trong mỗi thanh niên... giúp họ biết sống vì cộng đồng. Cần nâng cao hơn nữa vai trò của tổ chức Đoàn trong đời sống xã hội, làm sao để mọi người nhìn nhận đúng vai trò, vị trí của tổ chức Đoàn. Từ đó xây dựng lối sống vì cộng đồng cho thanh niên. Vì vậy, khi tổ chức Đoàn chăm lo tốt đời sống tinh thần cho thanh niên cũng đồng nghĩa với việc xây dựng và nâng cao vị thế của thanh niên.
Hơn nữa, hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể thao, giải trí còn giúp thanh niên gìn giữ và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống và tạo điều kiện giao lưu, kết nối bạn bè. Để làm tốt điều này, mỗi cơ sở Đoàn cần có một thủ lĩnh thanh niên có tâm huyết với Đoàn, đặc biệt là uy tín đối với đoàn viên. Bên cạnh đó, cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo các cấp, các đơn vị có lực lượng thanh niên tham gia.   
Ba là, nói không với chủ nghĩa thành tích và xóa bỏ sự "rập khuôn" máy móc theo phong trào
Trong suốt thời gian qua, nhiều cơ sở Đoàn mang "bệnh" thành tích, nặng về văn bản, giấy tờ, hội họp, chưa tìm ra được các giải pháp thiết thực gắn với hoạt động cụ thể của tổ chức đoàn mình, chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ trung tâm của cơ quan, đơn vị mình, do đó chưa thực sự thu hút thanh niên.
Qua thực tế hoạt động của đoàn viên thanh niên nhận thấy: Hoạt động của Đoàn hiện nay chủ yếu rập khuôn theo phong trào tiền lệ nhiều hơn là một hoạt động có tính định hướng. Phần nhiều các đoàn viên thanh niên hiện nay đều chấp hành Điều lệ của Đoàn một cách thụ động, cảm tính nhiều hơn là mang tính chất xây dựng và phát triển. Trong các buổi sinh hoạt hay Đại hội cơ sở của tổ chức Đoàn hiện chỉ là những hình thức, "hữu danh"; trên chỉ đạo sao thì dưới cứ thế mà hành động, còn đoàn viên cơ sở chỉ biết "nghe" mà chẳng mấy khi họ có ý kiến đóng góp gì. Như vậy, tổ chức Đoàn đã vô tình mất đi tính sôi động của mình và chỉ còn là những hoạt động mang tính hình thức mà thôi.
Chính từ thực tế đó, đòi hỏi công tác đoàn và phong trào thanh niên ở các cơ sở cần đi sâu, đi sát thực tế, nắm bắt được nhu cầu và nguyện vọng của đoàn viên thanh niên để tổ chức các hoạt động sao cho phù hợp để thu hút đoàn viên thanh niên tham gia, từ đó nâng cao nhận thức và hành động của mỗi cá nhân.
Bốn là, phải biết cách và thường xuyên đối thoại để phát huy tối đa tính sáng tạo của thanh niên
Đối thoại để đoàn viên thanh niên được lắng nghe, chia sẻ ý kiến; được người khác tiếp thu, giải đáp thắc mắc của mình. Cũng qua đó, những người lãnh đạo có thể nắm bắt thực tế những mong muốn, nguyện vọng ở cấp dưới… xác định trọng tâm phong trào, xây dựng mục tiêu, phát triển đơn vị, cơ sở của mình.
Để đối thoại hiệu quả, chủ đề chính phải được chuẩn bị kỹ. Vấn đề đưa ra đối thoại phải sát thực, được đông đảo đoàn viên thanh niên quan tâm và nên chia theo mảng như: Hướng nghiệp và việc làm cho đoàn viên thanh niên thời hội nhập; Chính sách của Đảng, Nhà nước với đoàn viên thanh niên; Thu hút lực lượng trí thức trẻ về làm việc ở các vùng khó khăn...Đối thoại không chỉ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Trung ương Đoàn mà có thể đối thoại với lãnh đạo chính quyền, Đoàn địa phương.
Ngoài đối thoại trực tiếp, Đoàn có thể thực hiện thông tin qua đường dây nóng, hộp thư góp ý, qua diễn đàn website… mở trưng cầu ý kiến, thiết lập các box câu hỏi. Lượng câu hỏi có thể nhiều việc cụ thể nhưng tập hợp, khái quát chia theo chủ đề không phải công việc quá khó. Các lãnh đạo có thể trả lời hàng tuần, tháng, hoặc quý...
Phải thực sự đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Đoàn trong giai đoạn hiện nay, nhất là phương thức chỉ đạo của các cơ quan lãnh đạo của Đoàn đối với công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Thực hiện cuộc vận động “Thanh niên học tập và làm theo lời Bác”, cần phát huy tối đa tính sáng tạo của thanh niên. Làm sao để thanh niên tự tìm tòi, nghiên cứu cách thức vận dụng lời dạy của Bác vào thực tiễn cuộc sống. Đề cao phê bình và tự phê bình, xây dựng những phẩm chất tốt nhưng đồng thời phải đẩy lùi những cái xấu… 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét