Thứ Năm, 11 tháng 8, 2011

MỘT SỐ GIẢI PHÁP BẢO ĐẢM QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC THUỘC VỀ NHÂN DÂN


Bảo đảm nguyên tắc “tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân” là nội dung cơ bản nhất của dân chủ xã hội chủ nghĩa, thừa nhận quyền tự do, bình đẳng của công dân, thừa nhận nhân dân là chủ thể của quyền lực và được thể chế hóa thành các quy định mang tính pháp quyền, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước. Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách đổi mới về kinh tế, chính trị, xã hội, từng bước phát huy quyền làm chủ của nhân dân, nhờ đó đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. 
 Tại khu vực bỏ phiếu số 3 xã Xuân Phương, Từ Liêm, Hà Nội
Tuy nhiên, nhìn chung, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm ở nhiều nơi, trên nhiều lĩnh vực; tệ quan liêu, mệnh lệnh, cửa quyền, tham nhũng, sách nhiễu, gây phiền hà cho dân vẫn đang diễn ra mà chúng ta chưa đẩy lùi, ngăn chặn được; không ít hiện tượng mất dân chủ, dân chủ hình thức, dân chủ không đi liền với kỷ luật và pháp luật, cơ chế và pháp luật bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân chưa được cụ thể hoá đầy đủ. 
Trong điều kiện hiện nay, để phát huy mọi nguồn lực đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; củng cố và tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong nhân dân, xây dựng hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa vững mạnh; giữ vững ổn định chính trị, tạo tiền để đẩy mạnh sự phát triển toàn diện của đất nước đòi hỏi phải đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, và để thực hiện được điều này cần tập trung vào thực hiện tốt các giải pháp sau:
 Một là, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất thật sự là công bộc của dân
Cán bộ là gốc của công việc, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời đại biểu cho quyền lợi của dân tộc, vì thế “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân,... việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”-Hồ Chí Minh. ChÝnh v× vËy, ngay trong lần Tổng tuyển cử lần đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (1946). Những người được Hồ Chủ tịch, Đảng và nhân dân ta đề cử, giới thiệu hầu hết là những người của dân, do dân, vì dân, những người ưu tú, tiên phong, gương mẫu trong phong trào cách mạng của quần chúng và trong suốt tiến trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm là nhà nước của dân, do dân và vì dân.
Hiện nay, trước yêu cầu mới của sự nghiệp cách mạng, đòi hỏi Ðảng cần chăm lo xây dựng bộ máy và đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước có đạo đức cách mạng, phẩm chất, năng lực và phong cách công tác gần dân, hiểu dân, học dân; là người am hiểu chính sách, pháp luật, có liên hệ mật thiết với nhân dân; là người có tinh thần trách nhiệm, bao dung, thật sự là công bộc của dân, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, làm cho nhân dân biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ của mình; là người dám nói, dám làm.
Để đội ngũ cán bộ, công chức đủ năng lực, phẩm chất thật sự là công bộc của dân đòi hỏi phải làm tốt việc gắn giáo dục tinh thần trách nhiệm cho cán bộ, công chức với thực hiện có chiều sâu, hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; đẩy mạnh việc tự phê bình và phê bình trong tất cả các cơ quan hành chính các cấp; xây dựng chế độ trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý cán bộ các cấp; có quy định rõ về chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, công chức được giao thực hiện cơ chế “một cửa”; xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát của nhân dân đối với cán bộ, công chức; thực hiện tốt các khâu quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, sắp xếp, bố trí, điều động cán bộ; mỗi cán bộ, công chức phải gương mẫu đi đầu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; gương mẫu trong đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, trong rèn luyện và nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ xứng đáng là “công bộc” của nhân dân sẽ là động lực, là điều kiện quan trọng để đảm bảo quyền lực thuộc về nhân dân.
Hai là, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, thể hiện đúng ý chí, lợi ích, nguyện vọng và quyền lực của dân, thực sự bảo vệ được các quyền của công dân
Trong Nhà nước pháp quyền tư sản, nhà nước và công dân đều phải thừa nhận tính tối cao của pháp luật, nhưng pháp luật tư sản không phải là pháp luật của toàn dân, không thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng và quyền lợi của toàn dân mà chỉ phản ánh ý chí, nguyện vọng, quyền lợi và quyền lực của một bộ phận nhân dân, đó là những người giàu, là giai cấp tư sản.
Trong khi đó, pháp luật XHCN là pháp luật của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân thể hiện ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực của nhân dân lao động hợp với quy luật, với sự vận động và phát triển của thực tiễn khách quan chứ không phải là ý chí, nguyện vọng, lợi ích và quyền lực chủ quan của từng cá nhân cộng lại. Nhà nước được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đó chính là những giá trị mà xã hội có, xã hội cần, xã hội ủng hộ được thừa nhận chung. Có hệ thống pháp luật và pháp chế hoàn chỉnh, là điều kiện quan trọng để nhân dân kiểm soát quyền lực và đội ngũ công bộc của mình, để tạo điều kiện thuận lợi cho những công bộc thực sự của dân phát huy được vai trò, trách nhiệm trong phục vụ nhân dân và để đào thải những công bộc đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, bảo đảm trật tự kỷ cương xã hội, cuộc sống yên bình, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điều này thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc của hệ thống luật pháp thuộc Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Việc xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật phải tuân thủ việc bảo đảm sự phù hợp giữa ý chí chủ quan với tồn tại khách quan; bảo đảm dân chủ, pháp chế, khoa học; bảo đảm tính cụ thể, khả thi, hiệu quả của các quy định trong văn bản pháp luật; bảo đảm sự phù hợp giữa pháp luật quốc gia với luật pháp quốc tế mà Nhà nước ta đã tham gia ký kết hoặc gia nhập; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện pháp luật.
Ba là, nâng cao vai trò giám sát của nhân dân đối với quyền lực nhà nước
Quyền lực Nhà nước là quyền lực của nhân dân, do nhân dân ủy quyền và nhân dân phải có quyền giám sát nhà nước. Sự giám sát của nhân dân đối với quyền lực Nhà nước là vấn đề đặc biệt quan trọng, là tất yếu trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, bảo đảm nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước. Nó thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ chính trị, dân chủ xã hội chủ nghĩa, là phương thức mở rộng dân chủ và phát huy quyền làm chủ nhân dân ở nước ta hiện nay.
Mục đích của giám sát nhằm bảo vệ các quyền tự do dân chủ của nhân dân trong quá trình tổ chức, hoạt động của Nhà nước, của các cơ quan đại diện quyền lực, của các cơ quan chấp hành và hoạt động của các cơ quan tư pháp, để tìm ra những bất cập nhằm hoàn thiện cơ chế, thể chế, hình thức giám sát hướng tới xây dựng nhà nước trong sạch, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả nhằm phục vụ nhân dân tốt hơn.
Trong những năm qua, sự giám sát của nhân dân đối với quyền lực Nhà nước đã góp phần quan trọng trong tiến trình đổi mới hệ thống chính trị, kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, sự giám sát của nhân dân đối với quyền lực Nhà nước chưa đạt được những kết quả mong muốn, chưa phát huy hết được vai trò to lớn của nhân dân tham gia vào công việc của nhà nước. Trên thực tế còn nhiều bất cập, bức xúc trong nhận thức, tính chủ động, sáng tạo, tính chính trị của nhân dân, phương thức nhân dân thực hiện quyền giám sát còn nhiều lúng túng. Để khắc phục tình trạng đó cần phải thực hiện nhiều giải pháp, cả về hệ thống chính trị nói chung và quyền lực Nhà nước nói riêng, năng lực làm chủ quyền lực nhà nước của nhân dân. Cần xây dựng cơ chế đồng bộ thực hiện quyền lực của dân; cơ chế minh bạch, công khai về quyền lực Nhà nước.
Bốn là, giải quyết tốt vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân
Điều 51 Hiến pháp 1992 quy định: “Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân. Nhà nước bảo đảm các quyền của công dân; công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định”. Như vậy, cầu nối giữa Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và xã hội chính là việc giải quyết vấn đề quyền và nghĩa vụ công dân, là việc thực thi pháp luật, thực hiện quyền dân chủ và công khai trong xã hội. Bởi vì, chỉ khi nào người dân tự ý thức được quyền cũng như nghĩa vụ công dân của mình thì lúc đó dân chủ hóa mới được thực thi trong xã hội và xã hội mới thực sự trở thành xã hội dân sự.
Trong điều kiện xã hội ở nước ta hiện nay, nhiệm vụ giáo dục cho người dân hiểu và thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ công dân của họ chủ yếu thuộc về Nhà nước và các đoàn thể xã hội. Nhà nước phải có trách nhiệm trong việc nâng cao sự hiểu biết, ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật của người dân, giúp và tạo điều kiện cho họ rèn luyện thói quen sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật; đồng thời, giúp họ tự ý thức được các quyền cá nhân nói riêng, dân chủ nói chung, làm cho họ tự giác và chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội, đặc biệt là đời sống chính trị của đất nước; gắn với thực hiện dân chủ hóa đời sống xã hội cần phải tiến hành công khai hóa hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, đặc biệt là về mặt tài chính và cơ chế hoạt động. Nhà nước cần tổ chức một hệ thống truyền thông đại chúng đa dạng, chính xác, rộng rãi, cập nhật và có định hướng để giúp cho người dân nắm bắt được một cách đúng đắn và kịp thời những thông tin cần thiết. Có như vậy, người dân mới có cơ sở để thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình đối với Nhà nước, đối với xã hội.
Năm là, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đối với Nhà nước
Trong hệ thống chính trị ở nước ta, Đảng là hạt nhân lãnh đạo, Nhà nước là tổ chức cốt yếu để thực thi quyền lực của nhân dân. Đảng có vai trò lãnh đạo Nhà nước và Nhà nước phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng. Công tác lãnh đạo bao gồm nhiều nội dung, trong đó có vấn đề xây dựng bản thân đảng chính trị. Ở tất cả các công đoạn của quá trình lãnh đạo, Đảng đều phải kiểm tra, giám sát. Đó là nhân tố cực kỳ quan trọng bảo đảm thắng lợi cho công tác lãnh đạo nó thuộc về chức năng lãnh đạo của Đảng, là thành tố quan trọng của công tác xây dựng Đảng, Hồ Chí Minh chỉ rõ: Không kiểm tra là không lãnh đạo.
Đảng lãnh đạo bằng công tác kiểm tra, giám sát, kể cả kiểm tra, giám sát cơ quan nhà nước ở cấp vĩ mô, thông qua hoạt động này để nắm tình hình, để đôn đốc, thúc đẩy việc thực hiện có kết quả cao các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách của Nhà nước; phát hiện những thiếu sót, lệch lạc trong hoạt động của Nhà nước để kịp thời uốn nắn những lệch lạc để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện đường lối, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước; phòng ngừa, ngăn chặn sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, phòng chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí.
Đảng kiểm tra, giám sát hoạt động của bộ máy nhà nước phải thông qua tổ chức đảng, đảng viên; thường xuyên làm tốt công tác lãnh đạo tổ chức, động viên quần chúng kiểm tra, giám sát các công việc và hoạt động của Nhà nước; phát huy mặt tốt, khắc phục mặt yếu kém, đẩy lùi tiêu cực; tăng cường giám sát, quản lý cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước trên tinh thần kỷ luật và đạo đức cộng sản. Chỉ có như vậy thì các cán bộ, công chức trong bộ máy Đảng và Nhà nước mới “tự giác” đặt mọi hoạt động của mình trong tổ chức để tự điều chỉnh trong lĩnh vực đạo đức, để không ngừng “nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”.
Sáu là, nâng cao dân trí
Muốn thực hiện quyền làm chủ của nhân dân thì phải nâng cao dân trí để giúp cho nhân dân hiểu biết đúng đắn về chính sách, pháp luật để thực hiện quyền làm chủ, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của mình, đồng thời hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ và tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, đảng viên; dân trí được nâng lên thì nhân dân mới có khả năng, sáng kiến tham gia xây dựng nhà nước, sáng suốt chọn lựa đại biểu, bổ sung chính sách, luật pháp. Chính vì vậy, cùng với quá trình phát triển kinh tế phải chú trọng nâng cao dân trí.
Để nâng cao dân trí, Nhà nước cần có chiến lược phát triển giáo dục một cách toàn diện, vừa bảo đảm trang bị những kiến thức cơ bản cần thiết cho con người, vừa chú trọng phát triển giáo dục ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; chấm dứt tình trạng thất học, mù chữ; giáo dục ý thức, quan điểm, tư tưởng, xác định lập trường vững vàng cho công dân, tránh tình trạng dễ bị lôi kéo, mua chuộc, nhận thức sai lầm dẫn đến tự do vô chính phủ; thường xuyên tuyên truyền giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống để nâng cao trình độ nhận thức và xây dựng văn hoá chính trị, văn hoá pháp luật và văn hoá về quyền con người trong các tầng lớp nhân dân và cả cho những người thực thi quyền lực nhà nước nhằm tạo tiền đề tốt cho việc thực hành, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chính vì thế, thực hiện có hệ thống các giải pháp này sẽ góp phần bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể của quyền lực. Là người chủ xã hội, cho nên nhân dân không chỉ có quyền, mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định, thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Quyền làm chủ của người dân ngày càng được phát huy, sẽ tạo động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng, củng cố hệ thống chính trị.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét