Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

ĐỊNH HƯỚNG GIÁ TRỊ ĐẠO ĐỨC CHO THANH NIÊN TRONG THỜI KỲ CNH, HĐH VÀ HỘI NHẬP KINH TẾ QUỐC TẾ

Trong Di chúc, Bác Hồ đã căn dặn Đảng ta phải coi việc: "Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết". Bởi, thanh niên là tương lai của đất nước, là lực lượng xã hội hùng hậu, có tiềm năng to lớn, xung kích trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, phát huy vai trò to lớn của thanh niên tới đâu, điều đó tuỳ thuộc vào công tác giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo, sử dụng thanh niên, đặc biệt là phải định hướng giá trị đạo đức cho thanh niên trước những yêu cầu mới của sự nghiệp CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo UNESCO, thì giá trị đạo đức được thể hiện ở các khía cạnh cơ bản như sau: Nhân phẩm, bình đẳng xã hội, tự do và tinh thần nhân đạo, khoan dung, mà cụ thể là lý tưởng nhân đạo, chính sách nhân đạo, lối sống nhân đạo, vẻ đẹp tâm hồn, hòa bình - hòa hợp, bình đẳng - công lý, nhân quyền, dân quyền; là lòng vị tha, thương người trong ứng xử giữa con người với con người, yêu thiên nhiên, thận trọng, sáng tạo, công bằng, tự giác, tự trọng…
Do đó, giá trị đạo đức là hệ thống các giá trị tinh thần của đời sống xã hội, là những chuẩn mực, những khuôn mẫu lý tưởng, những quy tắc ứng xử nhằm điều chỉnh và chuẩn hoá hành vi con người.
Lợi ích xã hội là tiêu chuẩn khách quan của các giá trị đạo đức, do đó chỉ khi nào những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức điều chỉnh hành vi phù hợp với lợi ích xã hội, được dư luận đồng tình ủng hộ thì mới có giá trị. Như vậy, giá trị đạo đức được xác định bởi mức độ phù hợp của chúng đối với yêu cầu của tiến bộ xã hội. Bên cạnh đó, giá trị đạo đức được hình thành ở mỗi cá nhân luôn phụ thuộc vào việc các cá nhân ấy được giáo dục và tiếp nhận những tư tưởng và các chuẩn mực đạo đức đúng đắn của xã hội.
Bởi vậy, định hướng giá trị đạo đức thanh niên bao hàm sự chỉ đạo, lãnh đạo, giáo dục, hướng dẫn về đạo đức cho mỗi thanh niên và sự nhận thức, lựa chọn, cân nhắc và hành động theo những giá trị đạo đức nhất định.
Hiện nay, trước sự tác động mạnh mẽ của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế, đã đem lại nhiều thuận lợi mới để phát triển đất nước. Tuy nhiên, nước ta cũng đang đứng trước những khó khăn, thử thách tác động không nhỏ đến niềm tin, lý tưởng, giá trị đạo đức của thanh niên như: hệ thống CNXH trên thế giới lâm vào thoái trào, CNTB có bước điều chỉnh, có những mặt phát triển và chiếm ưu thế… tình trạng thấp kém của nền kinh tế, khoảng cách về trình độ công nghệ giữa nước ta và nhiều nước trên thế giới còn rất xa, sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng các thủ đoạn, biện pháp trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, tư tưởng, sự tác động của các tệ nạn xã hội nhất là quan liêu, tham ô, tham nhũng và sự thoái hoá, biến chất về phẩm chất, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên, lối sống vụ lợi, thực dụng…những điều đó là đi ngược lại với bản chất nhân đạo và những giá trị nhân văn của một xã hội có truyền thống lịch sử văn hoá lâu đời...trong khi đó, việc định hướng giá trị đạo đức cho thanh niên ở các nhà trường, cơ quan, địa phương  và gia đình chưa được quan tâm đúng mức; việc kết hợp giáo dục, quản lý thanh niên giữa gia đình, nhà trường và xã hội chưa được chặt chẽ, thậm chí có không ít những gia đình chú trọng vào phát triển kinh tế, không chăm lo quản lý, giáo dục con… Điều đó đưa đến tình trạng một bộ phận thanh niên sống không có hoài bão, ước mơ lớn, thiếu ý chí phấn đấu, thờ ơ với các hoạt động chính trị – xã hội; số ít thanh niên bị sự tác động phản tuyên truyền, kích động của các thế lực thù địch; có lối sống hưởng thụ, lười lao động, ngại khó khăn, sùng ngoại, coi thường giá trị văn hoá dân tộc. Tình trạng vi phạm pháp luật, mắc các tệ nạn xã hội trong thanh niên diễn ra phức tạp và có xu hướng gia tăng với khoảng 70% số tội phạm hình sự, gần 80% số người nghiện ma tuý, mại dâm là thanh niên, trong đó số lượng vị thành niên ngày càng gia tăng…
Trong điều kiện mới, thanh niên nước ta sẽ có biến đổi sâu sắc về mọi mặt, đặc biệt là cơ cấu xã hội, nghề nghiệp, địa vị kinh tế, vị trí xã hội của thanh niên tăng lên. Điều này đưa đến sự phân hoá mạnh trong quá trình phát triển của lớp trẻ hiện nay, trong đó nổi bật là mức thu nhập, biến đổi về định hướng giá trị lối sống và nhân cách, hệ thống các nhu cầu của thanh niên sẽ tiếp tục biến đổi và phát triển đa dạng, phong phú hơn, đó là những nhu cầu về: việc làm, thu nhập, học tập, nâng cao trình độ văn hoá, nghề nghiệp, nhu cầu về hoạt động văn hoá tinh thần, thể thao, giải trí; nhu cầu về giao lưu, tình bạn, tình yêu, hôn nhân và gia đình. Trong đó, đáng chú ý là nhu cầu về đời sống tâm linh có xu hướng gia tăng…
Do vậy, việc định hướng giá trị nói chung, định hướng giá trị đạo đức nói riêng cho thanh niên để trên cơ sở đó có sự nhận thức sâu sắc và định hướng đúng đắn việc xây dựng một hệ chuẩn đạo đức mới cho thanh niên là điều hết sức cần thiết và cấp bách để giúp thanh niên sống có hoài bão, ước mơ, đủ sức vượt qua những tác động tiêu cực của đời sống xã hội, để thực sự là lực lượng chính trị – xã hội, xung kích trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để thực hiện được việc đó theo tôi thì cần phải hướng vào thực hiện các nội dung cơ bản sau đây:
Một là. Giáo dục, bồi dưỡng, đào tạo thanh niên Việt Nam phát triển cao về trí tuệ, cường tráng về thể chất, phong phú về tinh thần, trong sáng về đạo đức, trở thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao và phát huy vai trò xung kích, sáng tạo của thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.
Giá trị nhân cách này không thể tách rời thế giới quan Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đây là gốc rễ và cốt lõi của đạo lý làm người mang đậm bản sắc dân tộc. Do đó, đây là định hướng phát triển toàn diện các phẩm chất nhân cách phù hợp với sự phát triển của đất nước và yêu cầu của thời đại, là tiền đề cho sự định hướng phát triển các giá trị đạo đức của thanh niên, đặc biệt là việc phải kết hợp chặt chẽ giữa lời nói với việc làm, phải biến lý luận trở thành hiện thực cuộc sống, phải mang lại ý nghĩa đích thực và giá trị nhân văn đối với mỗi người, cộng đồng xã hội…tạo động lực trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Hai là. Nâng cao nhận thức chính trị, tinh thần yêu n­ước, yêu chủ nghĩa xã hội và tinh thần quốc tế trong sáng. Tự lực, tự cường, nâng cao ý thức trách nhiệm công dân, xây dựng phẩm chất tốt đẹp và đạo đức cách mạng cho thanh niên. 
Điều này đòi hỏi phải nâng cao nhận thức về Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giác ngộ lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng cho thanh niên. Thanh niên phải được phổ biến, tuyên truyền về tình hình, nhiệm vụ cách mạng của đất nước; thanh niên là học sinh, sinh viên trong nhà trường thực hiện tốt chương trình học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, thanh niên ngoài nhà trường được học tập lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh theo chương trình phổ cập phù hợp với từng đối tượng thanh niên. Nâng cao tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự lực, tự cường, quyết tâm chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Rèn luyện đạo đức cách mạng, phát huy truyền thống đoàn kết, nâng cao tinh thần tập thể và ý thức cộng đồng cho thanh niên; thu hút thanh niên tham gia vào các hình thức sinh hoạt giáo dục đạo đức, truyền thống cách mạng, truyền thống dân tộc. Nâng cao tinh thần tự hào, ý thức tự tôn dân tộc, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại, làm cho nền văn hoá của dân tộc ngày càng phong phú, đa dạng và trở thành động lực thúc đẩy đất nước phát triển.
Nâng cao nhận thức về pháp luật, ý thức trách nhiệm công dân, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của thanh niên đối với đất nước và dân tộc trong giai đoạn mới. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực giao lưu, hợp tác quốc tế của thanh niên như: khả năng giao tiếp, tính chủ động, tự tin và vị thế của thanh niên Việt Nam trong hoạt động giao lưu quốc tế thanh niên, tăng cường tình hữu nghị và đoàn kết với thanh niên các nước. Sự hiểu biết của thanh niên về tình hình thế giới và khu vực; hình thành bản lĩnh chính trị vững vàng cho thanh niên trong quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng nhận thức đúng đắn của thanh niên về công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế theo tinh thần độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, góp phần bảo vệ hoà bình, tiến bộ xã hội và tạo các điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, CNH, HĐH đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 Ba là. Nâng cao sức khoẻ, đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hoá và đẩy lùi tệ nạn xã hội, tình trạng phạm pháp trong thanh niên.
Sức khoẻ có vai trò quan trọng trong các hoạt động của thanh niên, “có sức khoẻ là có tất cả”. Do đó, chúng ta cần phải cải thiện tình trạng sức khoẻ của thanh niên, nâng cao các chỉ số thể lực cơ bản của nam, nữ thanh niên. Phấn đấu đến năm 2010, so với hiện nay, chiều cao trung bình của thanh niên tăng 3 cm, cân nặng trung bình tăng 3 - 4 kg.
Để làm được điều đó thì việc nâng cao số lượng và tỷ lệ thanh niên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể là một giải pháp quan trọng. Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ thanh niên thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, rèn luyện thân thể đạt 25 - 30%. Phấn đấu tỷ lệ đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định trong thanh niên học sinh đạt 80%, trong sinh viên đạt 90 - 95%. Đến năm 2010, đảm bảo 90% số trường học các cấp có sân bãi, dụng cụ thể dục thể thao tối thiểu cho học sinh và thanh niên.
Giảm tỷ lệ bệnh tật trong thanh niên, trước hết là các bệnh do điều kiện môi trường sống và làm việc, dinh dưỡng, các bệnh truyền nhiễm, bệnh nghề nghiệp. 100% thanh niên khu vực đô thị, 80% thanh niên khu vực nông thôn có hiểu biết cần thiết về HIV/AIDS và có thái độ chủ động, tích cực đối với công tác phòng, chống AIDS. Ngăn chặn và từng bước đẩy lùi sự lây nhiễm HIV/AIDS trong thanh niên.
Tuy nhiên, để thanh niên phát triển thì không chỉ quan tâm đến vấn đề thể lực mà còn phải quan tâm đến việc nâng cao trình độ thưởng thức, sáng tạo của thanh niên trong các hoạt động văn hoá tinh thần, đặc biệt là đối với các loại hình văn hoá dân tộc. Bảo đảm bảo quyền hưởng thụ đời sống văn hoá tinh thần của thanh niên, ưu tiên các vùng khó khăn, vùng xa xôi, miền núi, hải đảo. Đến năm 2010, đảm bảo 100% các huyện, thị có nhà văn hoá thanh thiếu nhi, 100% cơ sở xã, phường vùng đồng bằng, 80% cơ sở xã vùng cao, xa xôi có tụ điểm sinh hoạt, hoạt động thanh niên. Hình thành định hướng giá trị đúng đắn, xây dựng nếp sống văn hoá cho thanh niên. Bài trừ các hành vi mê tín trong thanh niên.
Cần phải đẩy lùi tệ nạn xã hội trong thanh niên, đặc biệt là tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc. Giảm tỷ lệ thanh niên phạm pháp, giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự công cộng, an toàn giao thông, đến năm 2010 phấn đấu tổ chức cai nghiên tập trung cho 90% thanh niên mắc nghiện.
Bốn là. Làm tốt công tác giáo dục và tự giáo dục về thái độ và trách nhiệm của thanh niên đối với lao động, xây dựng phong cách làm việc văn minh, khoa học.       
Tiến hành giáo dục và tự giáo dục để hình thành nhận thức đúng đắn của thanh niên về nghề nghiệp, việc làm, nâng cao tính tích cực, chủ động của thanh niên trong việc nâng cao trình độ nghề nghiệp và giải quyết việc làm. 100% thanh niên học sinh trung học phổ thông và 60% thanh niên khu vực đô thị đang tìm kiếm việc làm được tư vấn nghề nghiệp.
Cơ bản xoá đói, giảm nghèo trong thanh niên và gia đình trẻ khu vực nông thôn, miền núi, vùng xa và cải thiện đời sống thanh niên khu vực đô thị, khu công nghiệp tập trung. Bởi vì, lao động vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của thanh niên. Thanh niên cần lao động để lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, góp phần xây dựng đất nước; chủ động tiếp cận thông tin thị trường lao động; lực chọn việc làm và nơi làm việc phù hợp với khả năng của bản thân và nhu cầu của xã hội; rèn luyện tác phong công nghiệp, năng lực quản lý, kinh doanh, tuân thủ kỷ luật lao động; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nâng cao trình độ nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học và công nghệ; xung kích thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Do đó, động cơ, trách nhiệm và hiệu quả của lao động là phẩm chất đạo đức, là một giá trị trong chuẩn mực giá trị đạo đức của thanh niên. Cho nên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, tính sáng tạo, trình độ học vấn và tay nghề cao để tạo ra năng suất, hiệu quả trong các hình thức lao động là một biện pháp quan trọng trong phát triển đạo đức cho thanh niên hiện nay.
Năm là. Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá - tinh thần cho thanh niên, quan tâm đến các đối tượng thanh niên ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và các vùng đặc biệt khó khăn. Chủ động, tích cực đấu tranh để gạt bỏ, để loại trừ tận gốc những hiện tượng tiêu cực trong gia đình, nhà trường và xã hội nhằm làm trong sạch, lành mạnh hoá đời sống đạo đức xã hội, tạo tiền đề cho thanh niên phát triển.
Năm nội dung trên có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại với nhau, mỗi nội dung chỉ phát huy được vai trò của mình trên cơ sở các nội dung khác. Bởi vậy, vấn đề định hướng giá trị trong phát triển đạo đức của thanh niên thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập kinh tế quốc tế là một yêu cầu cấp thiết, phức tạp, nên các nội dung đề cập trên chỉ mới là những vấn đề bước đầu của sự nghiên cứu về việc định hướng giá trị đạo đức cho thanh niên trong giai đoạn hiện nay.     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét