Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

THANH NIÊN VỚI VẤN ĐỀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI


Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân ta đang đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH để hướng đến mục tiêu: Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đại hội X của Đảng đã chủ trương: “Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển: tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người. Thực hiện chế độ phân phối chủ yếu theo kết quả lao động, hiệu quả kinh tế, đồng thời theo mức đóng góp vốn cùng các nguồn lực khác và thông qua phúc lợi xã hội”. Trong đó vấn đề công bằng xã hội không chỉ là tiêu chí, động lực quan trọng của sự phát triển mà còn là một nhân tố nhằm hướng tới ổn định xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng mọi mặt của đời sống nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. Vậy, công bằng xã hội là gì? Những vấn đề gì đang đặt ra trong quá trình thực hiện công bằng xã hội ở Việt Nam hiện nay? Cũng như nhận thức và hành động của thanh niên với công bằng xã hội như thế nào? Để trả lời được những câu hỏi này cần làm rõ hàng loạt vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách xoay quanh vấn đề công bằng xã hội.
Hiện nay đã và đang có rất nhiều những quan niệm khác nhau về vấn đề này, nhưng đứng trên quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin, thì dưới chủ nghĩa xã hội, công bằng xã hội là sự ngang bằng nhau giữa người và người trong xã hội chủ yếu về phương diện phân phối sản phẩm xã hội theo nguyên tắc: cống hiến lao động ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau. Khi đề cập đến nguyên tắc phân phối dưới chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chủ nghĩa xã hội là công bằng hợp lý: Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm thì không hưởng. Những người già yếu hoặc tàn tật sẽ được Nhà nước giúp đỡ chăm nom”. Ngày nay, công bằng xã hội được hiểu không chỉ giới hạn ở công bằng về kinh tế - mặc dù đây vẫn là yếu tố nền tảng - mà còn là công bằng trong các lĩnh vực chính trị, pháp lý, văn hóa, xã hội… Công bằng xã hội là một giá trị cơ bản định hướng cho việc giải quyết mối quan hệ giữa người với người trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội theo nguyên tắc: cống hiến về vật chất và tinh thần ngang nhau cho sự phát triển xã hội thì được hưởng thụ ngang nhau những giá trị vật chất và tinh thần do xã hội tạo ra, phù hợp với khả năng hiện thực của đất nước. Song, vì hoàn cảnh cụ thể của mỗi người khác nhau, cho nên việc tạo điều kiện cho mọi người, nhất là những người trong hoàn cảnh khó khăn, đều có cơ hội tiếp cận công bằng các cơ hội phát triển, các nguồn lực phát triển, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về giáo dục, y tế, việc làm, thông tin,… mang tính an sinh xã hội luôn giữ một vai trò rất quan trọng trong thực hiện công bằng xã hội ở nước ta hiện nay.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý khái niệm công bằng xã hội rất gần gũi với khái niệm bình đẳng xã hội. Do đó, chúng rất dễ bị và thường bị đồng nhất với nhau. Trên thực tế thì hai khái niệm công bằng xã hội và bình đẳng xã hội tuy gần nhau nhưng chúng vẫn là hai khái niệm khác nhau. Khi nói tới bình đẳng xã hội người ta muốn nói tới sự ngang bằng nhau giữa người với người về một phương diện xã hội nào đấy, chẳng hạn, về kinh tế, chính trị, văn hóa, v.v. Còn khi nói tới sự ngang bằng nhau giữa người với người về mọi phuơng diện tức là ta đã nói tới một sự bình đẳng xã hội hoàn toàn. Trong khi đó, công bằng xã hội cũng là một dạng (và chỉ là một dạng mà thôi) của bình đẳng xã hội, nhưng đó là sự bình đẳng, tức là sự ngang bằng nhau, giữa người với người không phải về mọi phương diện, cũng không phải về một phương diện bất kỳ, mà chỉ về một phương diện hoàn toàn xác định: phương diện quan hệ giữa cống hiến và hưởng thụ theo nguyên tắc cống hiến ngang nhau thì hưởng thụ ngang nhau.
Công bằng xã hội là các giá trị định hướng để con người sinh sống và phát triển trong các quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng về vật chất cũng như về tinh thần. Đó là những giá trị cơ bản trong các quan hệ xã hội như: quan hệ giữa mức độ lao động và mức độ thu nhập; quan hệ giữa quyền sở hữu tư liệu sản xuất và quyền định đoạt việc sản xuất và phân phối; quan hệ giữa mức độ phạm tội và mức độ bị trừng phạt; quan hệ giữa các thành viên của xã hội với hoàn cảnh kinh tế, mức độ phát triển trí lực khác nhau và cơ hội tham gia vào quá trình giáo dục, khám chữa bệnh, hưởng thụ các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao...công bằng xã hội dùng để chỉ sự khao khát của con người trong quan hệ giữa cá thể với cộng đồng, giữa lực lượng lao động này với lực lượng lao động khác, giữa thế hệ này với thế hệ khác…trong đó tiêu chí hàng đầu là sự tương xứng giữa lao động và hưởng thụ cá nhân trong quan hệ với đóng góp xã hội với các thành viên khác.
Do đó, bản chất của công bằng xã hội theo chúng tôi đó chính là sự tương xứng (sự phù hợp) giữa một loạt các khía cạnh khác nhau trong quan hệ giữa cái mà cá nhân, nhóm xã hội làm cho tập thể, cho xã hội hoặc cho cá nhân, nhóm xã hội khác với cái mà họ được hưởng từ tập thể, xã hội hay từ cá nhân làm có thể là điều tốt lành cho xã hội (lao động, cống hiến, nghĩa vụ, công lao…) hoặc có thể là điều xấu, điều có hại cho xã hội (tội phạm,..). Còn cái mà cá nhân được hưởng có thể là tiền công, phần thưởng, quyền lợi, quyền lợi, địa vị xã hội, sự đánh giá, ghi công của xã hội…và cũng có thể là sự trừng phạt bằng những hình thức từ thấp đến cao. công bằng xã hội thường được xem xét ở nhiều phương diện; kinh tế, chính trị, pháp quyền, đạo đức…trong đó phương diện kinh tế, tức là sự phù hợp, tương xứng giữa lao động, đóng góp (của cá nhân, nhóm xã hội) vào quá trình sản xuất là phương diện cơ bản nhất. Khía cạnh chính trị, pháp quyền của công bằng xã hội là sự tương xứng. Để đánh giá công bằng xã hội đòi hỏi phải so sánh phần hưởng thụ của các cá nhân, các nhóm xã hội với phần đóng góp, cống hiến của họ. Xác định thế nào là công bằng, thế nào là bất công bằng không chỉ là vấn đề lý luận mà còn là vấn đề thực tiễn.
Công bằng xã hội là một động lực phát triển kinh tế - xã hội, bởi vì đây là yếu tố có tác động trực tiếp đến lợi ích của chủ thể hoạt động, do nó kích thích tính năng động, sáng tạo của mọi thành viên trong xã hội, huy động các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực trong và ngoài nước vào việc phát triển kinh tế. Có công bằng xã hội người lao động mới phát huy hết nhiệt tình và khả năng lao động không ngừng nâng cao năng suất lao động để tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm có chất lượng cao.
Công bằng xã hội là tiêu chuẩn đạo đức, là thước đo về mặt xã hội của tiến bộ xã hội, là một trong những động lực mạnh mẽ nhất của sự tăng trưởng kinh tế - xã hội và quyết định sự ổn định xã hội. Ngoài ra, đây là tiêu chuẩn đánh giá chung nhất mối tương quan giữa các con người trong xã hội trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực: địa vị, quyền lợi hay sự phân phối về của cải xã hội, về nghĩa vụ, trách nhiệm và về cả cách đánh giá hành vi con người và sự thừa nhận đối với những hành vi, công sức của họ…Tiêu chí của sự công bằng xã hội: hiện nay có hai quan điểm khác nhau về tiêu chí của công bằng. Theo quan điểm thứ nhất, phân phối theo lao động là công bằng, không phân phối theo lao động là bất công. Theo quan niệm thứ hai phân phối theo cống hiến là công bằng, phân phối không theo cống hiến là bất công. Nếu theo quan điểm thứ nhất thì xóa bỏ chế độ lao động làm thuê là điều kiện để thiết lập sự công bằng. Theo quan điểm thứ hai thì trong điều kiện của chế độ lao động làm thuê vẫn có thể thiết lập được sự công bằng. Theo quan niệm thứ hai là đúng đắn, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế thị trường. Tình trạng bất công hiện nay trên hế giới không phải là do thực hiện chế độ lao động làm thuê, mà là chưa xóa bỏ được nạn tham nhũng và sự bất hợp lý trong phân phối của cải.
Công bằng xã hội không có nghĩa là "cào bằng" thực hiện chủ nghĩa bình quân, chia đều cho mọi người các nguồn lực và của cải do xã hội làm ra, bất chấp chất lượng, hiệu quả của sản xuất kinh doanh và sự đóng góp của mỗi người cho sự phát triển chung của cộng đồng. Công bằng xã hội là sự ngang nhau giữa người với người, những yếu tố đó nhất quyết không phải là sự chia đều mọi của cải của xã hội cho mọi người một cách vô diều kiện. Công bằng xã hội hoàn toàn khác so với chủ nghĩa bình quân ở nước ta trong thời kỳ bao cấp. Sự ngang nhau giữa người và người trong xã hội tuân thủ theo những nguyên tắc và điều kiện nhất định. Do đó, trên bình diện chung nhất có thể hiểu Công bằng xã hội là sự ngang nhau trong mối quan hệ giữa người và người. Sự ngang bằng nhau đó, một mặt phải tuân thủ theo nguyên tắc về sự phù hợp một cách hợp lý giữa cống nhiến và hưởng thụ, giữa nghĩa vụ và quyền lợi được thực hiện thông quá các hình thức phân phối khác nhau (theo lao động, hiệu quả kinh tế, vốn và các nguồn lực khác nhau); mặt khác trong điều kiện mọi người đều được bình đẳng trước pháp luật và đặc biệt là được bình đẳng về cơ hội sống, làm việc cống hiến tài năng và sức lực của mình để có được sự hưởng thụ tương xứng, cũng như cơ hội tiếp cận với hạ tầng cơ sở: điện, nước sạch, trường học, cơ sở y tế…và các dịch vụ xã hội như: giáo dục, đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe và tuổi thọ, thị trường…Đối với nước ta hiện nay việc thực hiện công bằng xã hội đang nảy sinh một số mâu thuẫn nảy sinh cần phải giải quyết thỏa đáng để thực hiện trong điều kiện cơ chế thị trường đó là: mẫu thuẫn giữa lợi ích cá nhân và xã hội; chính sách kinh tế và xã hội của nhà nước; mâu thuẫn giữa lợi ích nhà đầu tư và lợi ích người lao động; mâu thuẫn trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, giữa cống hiến và hưởng thụ… Những mâu thuẫn này nếu không được giải quyết tốt sẽ dẫn đến bất công, tiêu cực trong xã hội.
Hiện nay, việc cụ thể hóa chủ trương về công bằng xã hội được thể hiện trên các mặt như: cấp sổ bảo hiểm y tế cho hàng chục triệu người nghèo; đầu tư mỗi năm hàng ngàn tỉ đồng cho xóa đói giảm nghèo; cấp đất cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên không có hoặc thiếu đất ở và canh tác; quỹ cho vay xóa đói giảm nghèo lên đến hàng chục ngàn tỉ đồng/năm... Nhờ vậy, mà Việt Nam được Liên Hiệp Quốc đánh giá là nước về trước hàng thập kỷ trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Số hộ nghèo theo tiêu chí mới năm 2006 giảm từ 26% xuống 19% (vượt mức kế hoạch 3%). Tuy vậy, hiện nay việc thực hiện vấn đề công bằng xã hội cũng đang gặp nhiều khó khăn đó là, khoảng cách giàu – nghèo ngày càng dãn ra: Năm 1996: 10,6 lần; 1999: 12 lần; 2001-2002: 12,5 lần; 2005: 13,5 lần. Thu nhập bình quân đầu người năm 2006 là 729 USD; nhưng số người nghèo là đại bộ phận chỉ 200 USD/năm. Ngay trong công nhân lao động, thì trong hầu hết doanh nghiệp tư nhân, thu nhập tháng chỉ 700.000 đồng – 800.000 đồng, thậm chí 400.000 đồng – 500.000 đồng. Tiền thưởng Tết có người được hàng chục, hàng trăm triệu, có người chỉ 100.000 đồng – 200.000 đồng, thậm chí không đồng nào. Ngoài ra, hàng loạt doanh nghiệp và khu công nghiệp không đi đôi với xử lý chất thải độc hại, xử lý môi trường. Những nơi này đã và đang gây ra hậu quả tệ hại, nặng nề cho người dân với những bệnh tật như; ung thư, bệnh đường hô hấp...và những di chứng nặng nề về sau, đồng thời gây thiệt hại rất lớn về trồng trọt, chăn nuôi của nông dân, đang là bất công lớn không thể chấp nhận được. Cùng với đó, thực hiện công bằng xã hội trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế vẫn còn là vấn đề gây nhiều bức xúc đặc biệt là đối với nhân dân các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn bởi vì nó đang có khoảng cách khá xa với các khu trung tâm, những đô thị, thành phố lớn… Do đó, để thực hiện được công bằng xã hội, chúng ta cần phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, chấp nhận và tìm ra phương án, biện pháp hữu hiệu nhất để giải quyết chúng.
Thực hiện công bằng xã hội lửctách nhiệm, là quyền lợi đối với mọi lực lượng, mọi tổ chức trong xã hội, trong đó thanh niên là một lực lượng rất quan trọng, bởi vì đây là người chủ tương lai của nước nhà, là nguồn nhân lực vô cùng quan trọng của quốc gia. Theo thống kê, năm 2006 số người trong độ tuổi lao động của cả nước là 43,44 triệu, trong đó số lao động trong độ tuổi thanh niên chiếm khoảng 47%. Nhận thức được điều đó, Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng công tác thanh niên, coi thanh niên là một lực lượng chính trị quan trọng và đi cùng với đó là những chủ trương, chính sách, chiến lược để phát huy tiềm năng to lớn của thanh niên để lực lượng này cống hiến cho sự phát triển, tiến bộ xã hội.
Thực hiện công bằng xã hội là vấn đề nhức nhối nhất hiện nay của xã hội và là sự đòi hỏi bức bách nhất của thanh niên. Đó cũng là giá trị cơ bản của tuổi trẻ đang có nhu cầu, nguyện vọng được thỏa mãn, thanh niên hiện nay do trình độ nhận thức được nâng cao, sự hiểu biết về cuộc sống đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, chính vì thế họ sẵn sàng chấp nhận một sự thật đó là việc những người có năng lực, trí tuệ, có lao động thực sự có cuộc sống khá giả, những người kém cỏi, yếu hèm sống khó khăn hơn, nhưng họ không chấp nhận những kẻ buôn gian, bán lậu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, sống cuộc sống xa hoa, phè phỡn, nhởn nhơ trong xã hội mà không hoặc chưa bị loại bỏ, trừng phạt, họ không thể chấp nhận được tình trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có những biểu hiện suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống.  Trong khi đó có những người lao động trung thực, cần mẫn, chấp hành nghiêm pháp luật lại có cuộc sống khó khăn, ngày đêm phải chật vật với “miếng cơm, manh áo”.
Có thể nói, công bằng và bình đẳng thực sự đã và đang trở thành một vấn đề được nhiều thành phần, lực lượng quan tâm, và đây cũng là trung tâm điểm của nhiều “bức xúc” trong xã hội, của thanh niên và giải quyết được nó lúc này sẽ có tác động tích cực đến tâm trạng của nhân dân và tuổi trẻ, là động lực làm cho thanh niên phấn khởi tin tưởng vào chế độ xã hội tốt đẹp mà Đảng, nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng, từ đó phát huy tinh thần xung kích trong học tập, rèn luyện, ứng dụng khoa học, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh, tiến vào những lĩnh vực mới đòi hỏi tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ…và từ đó cống hiến cho CNH, HĐH. Thực hiện đúng các nguyên tắc “cống hiến ngang nhau, hưởng thụ như nhau”, tức là đảm bảo sự công bằng xã hội và bình đẳng với mọi người nhất là với thanh niên hiện nay chẳng những tạo ra động lực mới mà còn khẳng định những giá trị văn hóa cốt lõi của con người mới cho thanh niên tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn và phát triển. Song nhất định nguyên tắc này phải được thực hiện với quan điểm: cống hiến trước hưởng thụ sau, công bằng trên mọi phương diện và bình đẳng thực sự cho mọi người trên mọi lĩnh vực với các lứa tuổi, giới tính, tôn giáo.
Để thanh niên tham gia vào việc duy trì và thực hiện có hiệu quả công bằng xã hội, cần hướng đến thực hiện tốt các vấn đề cơ bản sau: Cần làm cho thanh niên nhận thức đúng đắn về công bằng xã hội, khắc phục sự nhầm lẫn giữa công bằng xã hội và bình đẳng xã hội, phê phán tư tưởng “cào bằng”, chủ nghĩa bình quân, ỷ lại, khuyến khích tính năng động, sáng tạo, tự lực, tự cường của thanh niên trong sự nghiệp CNH, HĐH; Tích cực, chủ động trong phát triển kinh tế góp phần làm giảm dần sự phát triển mất cân đối giữa đô thị và nông thôn, đặc biệt là nông thôn vùng xa, vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số; Phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước; Huy động các nguồn lực, các phong trào, các tổ chức tham gia hoạt động đền ơn đáp nghĩa với những người, gia đình có công với đất nước và những người, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, khắc phục khoảng cách chênh lệch quá xa về kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng trong cả nước; Tích cực tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển giáo dục, y tế ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây, vùng bị chiến tranh tàn phá và bất lợi về kinh tế; Tham gia phát triển kinh tế phải gắn liền với việc phát triển văn hóa - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Góp phần khắc phục và hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường về phân tầng xã hội và phân hóa giàu nghèo, tạo điều kiện cho những người thiệt thòi có điều kiện vươn lên hòa nhập với cộng đồng. Tạo lập nếp sống văn minh, duy trì và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước…Công bằng xã hội và bình đẳng xã hội được thể hiện trên các mặt; kinh tế, chính trị, văn hóa, pháp luật…và đối với thanh niên đây là giá trị văn hóa cao đẹp, là động lực giúp cho tuổi trẻ cống hiến và trưởng thành, là hành trang để bước vào và thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, vì tương lai của đất nước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét