Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

THANH NIÊN VỚI SỰ NGHIỆP CNH, HĐH ĐẤT NƯỚC



C
NH, HĐH là con đường tất yếu dẫn tới sự phát triển chung cho các nền kinh tế tiến lên sản xuất lớn. Sự phát triển hay tụt hậu về kinh tế - xã hội của mỗi nước đều phụ thuộc vào thành tựu đạt được trong tiến hành CNH, HĐH ở nước đó. Đặc biệt trong thời đại hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của KH-CN đối với các hoạt động kinh tế-xã hội thì CNH, HĐH càng trở lên quan trọng.
Nhận thức đúng đắn về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của CNH, HĐH trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết của Đảng ta đã đề ra việc phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp, có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng an ninh vững chắc, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để góp phần hoàn thành được mục tiêu đó đòi hỏi phải có sự kết hợp của nhiều yếu tố, nhiều lực lượng, trong đó chúng ta không thể không nhắc đến vai trò to lớn của thanh niên, bởi "thanh niên là rường cột nước nhà", là lực lượng xã hội hùng hậu, có sức khoẻ, có trình độ học vấn, có tiềm năng sáng tạo, có khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại. Đặc biệt, trong giai đoạn cách mạng mới, với bối cảnh thế giới biến động phức tạp, trước những thách thức to lớn của xu thế toàn cầu hoá về kinh tế, sự phát triển của kinh tế tri thức…Chính vì thế, Đảng ta chỉ rõ: "Sự nghiệp đổi mới có thành công hay không, đất nước bước vào thế kỷ 21 có vị trí xứng đáng trên cộng đồng thế giới hay không, phần lớn tuỳ thuộc vào lực lượng thanh niên; vào việc bồi dưỡng, rèn luyện thế hệ thanh niên; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng".
Theo thống kê năm 2006 tổng số lực lượng lao động của cả nước là 43.255.000 người; trong đó số lao động trong độ tuổi thanh niên (15 – 34 tuổi) là 20.231.000 người (chiếm 47%), với 4.443.000 người ở thành thị, 15.788.000 người ở nông thôn; Số thanh niên tham gia lực lượng lao động tăng bình quân 206.000 người/năm, chiếm khoảng trên 62%. Tỷ trọng lao động thanh niên năm 2000 là 28.51%, năm 2003 là 29.15% trong tổng dân số. Khoảng 50% thanh niên có trình độ hết THCS, THPT. Tỷ lệ lao động thanh niên không có trình độ chuyên môn kỹ thuật (năm 2002) chiếm 81.3%, cao hơn mức chung của cả nước (80.3%). Cơ cấu đào tạo trình độ đại học, cao đẳng – trung cấp – công nhân kỹ thuật có hệ số tương ứng là 1 – 0.9 – 2.8, trong khi hệ số này ở các nước đang phát triển là 1 – 4 – 10. Công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp cho thanh niên thông qua tổ chức Đoàn, hội trong nhà trường: Tổ chức Đoàn thanh niên phối hợp ngành giáo dục, lãnh đạo các trường, các cơ quan báo chí đẩy mạnh việc hướng nghiệp trong các trường phổ thông qua việc tổ chức các buổi toạ đàm, trao đổi, giao lưu trực tiếp với học sinh cuối cấp, qua đó giúp học sinh có điều kiện tìm hiểu về các ngành nghề, khối học của các trường đại học, cao đẳng cũng như xác định lực học của bản thân để có thể tự định hướng nghề nghiệp cho mình. Đoàn thanh niên đã cổ vũ, hỗ trợ, hướng nghiệp, tư vấn nghề cho sinh viên giúp sinh viên tự đánh giá về nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn và chọn được nghề phù hợp với năng lực của bản thân.
Thông qua các phong trào “Thi đua học tập”, các hội thi, với sự trợ giúp của Đoàn thanh niên, nhiều văn phòng, trung tâm tư vấn, giới thiệu việc làm của sinh viên được thành lập và hoạt động có hiệu quả. Nhiều sinh viên đã chủ động tìm kiếm, tự tạo việc làm ngay khi còn đang học tập. Nhiều hình thức hợp tác làm ăn của sinh viên được hình thành ngay sau khi ra trường như: trung tâm dịch vụ, tổ hợp sản xuất, công ty... Công tác hướng nghiệp, tư vấn nghề nghiệp thông qua các chương trình dự án do Đoàn thanh niên đảm nhận, tận dụng được nguồn vốn, nguồn nguyên liệu tại chỗ, giải quyết việc làm tại chỗ, điều này giúp thanh niên nhận thức, hiểu rõ hơn về vấn đề lựa chọn nghề và hạn chế vấn đề thanh niên đi làm ăn xa. Nhiều đơn vị còn tổ chức các hoạt động để khuyến khích thanh niên tự tạo việc làm như chương trình “Khởi sự doanh nghiệp”, tổ chức các diễn đàn giữa người lao động với các nhà doanh nghiệp, tư vấn cho thanh niên lập các dự án phát triển kinh tế tự tạo việc làm…các trung tâm dạy nghề, dịch vụ việc làm thanh niên đã giúp cho nhiều lao động trẻ hiểu rõ hơn về chính sách, chế độ, tiêu chuẩn về lao động, việc làm của Việt Nam và pháp luật lao động, phong tục, tập quán của một số nước; hướng nghiệp cho lao động trẻ các thức tìm việc làm phù hợp trình độ, khả năng, chuyên môn, kỹ năng trả lời phỏng vấn, cách giao tiếp…nhằm giúp cho lao động trẻ kiến thức ban đầu trên con đường lập thân, lập nghiệp. Thông qua các hoạt động tư vấn, nhiều lao động trẻ đã tự tìm cho mình một nghề, công việc phù hợp với nguyện vọng, sở trường của bản thân, giảm dần tình trạng trái ngành nghề. Kết quả trong thời gian qua các trung tâm dạy nghề, dịch vụ việc làm thanh niên đã đã tư vấn nghề và việc làm cho gần 500.000 lao động.
Sự nghiệp CNH, HĐH, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng xã hội thông tin đặt ra những yêu cầu và đòi hỏi cao nhất là về nguồn nhân lực có chất lượng, có kiến thức, có các kỹ năng phù hợp, trong đó kỹ năng sử dụng máy tính, ngoại ngữ và khai thác internet là điều không thể thiếu. Sự phát triển của công nghệ thông tin, đặc biệt là internet đang mở ra các cơ hội mới cho mỗi người trong tiếp cận thông tin, tri thức nhân loại, tạo cơ sở cho bước phát triển nhảy vọt mới của loài người trong thế kỷ 21. Đây là thách thức đối với mỗi quốc gia, mỗi dân tộc để có thể bứt phá vươn lên và không bị tụt hậu trong phát triển kinh tế - xã hội, đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Thời gian qua, nhằm thực hiện những nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của đất nước, hai phong trào lớn "Thanh niên lập nghiệp" và "Tuổi trẻ giữ nước" do BCH Trung ương Đoàn phát động đã cổ vũ hàng triệu thanh niên vào các hoạt động "rèn đức, luyện tài, lập nghiệp, giữ nước". Hai phong trào đã được cụ thể hóa phù hợp với từng đối tượng, từng vùng miền: Thanh niên học sinh, sinh viên với chương trình "Học tập rèn luyện vì ngày mai lập nghiệp" thông qua các hình thức học tập kết hợp với nghiên cứu khoa học, được hỗ trợ bởi những giải thưởng, các quĩ khuyến học, khuyến tài... Thanh niên công nhân với "Chương trình tham gia phát triển công nghiệp, dịch vụ" thông qua việc đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào CKT (chất lượng, kiểu dáng, tiết kiệm), các hoạt động sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, thi thợ giỏi... Thanh niên nông thôn với chương trình "Tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn" được triển khai với nhiều nội dung thiết thực như tập huấn kỹ thuật nghề nông, phòng chống dịch hại tổng hợp, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Thanh niên lực lượng vũ trang với phong trào "Xứng danh bộ đội Cụ Hồ" trong thanh niên quân đội và "Thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" trong thanh niên công an... Đặc biệt, phong trào thanh niên tình nguyện trên mọi lĩnh vực hoạt động, tiêu biểu là phong trào trí thức trẻ tình nguyện xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa cầu khỉ xây dựng hàng nghìn cầu kiên cố ở đồng bằng sông Cửu Long cùng nhiều công trình trọng điểm Nhà nước trong đó có xây dựng đường Trường Sơn huyền thoại - xa lộ Hồ Chí Minh, xây dựng các "Làng thanh niên lập nghiệp" trên toàn tuyến, dự kiến sẽ có hàng chục triệu ngày công thanh niên đóng góp, với những chi phí của Nhà nước hàng ngàn tỷ đồng…
Cùng với đó việc phát triển giáo dục, dạy nghề, nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, các chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển kinh tế nhiều thành phần… là cơ hội để thanh niên vươn lên xoá đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp, xây dựng, khai thác và các khu công nghệ cao là cơ hội để cho hàng vạn thanh niên trở thành người lao động có chuyên môn, đứng vào hàng ngũ của giai cấp công nhân. Sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức là cơ hội để tuổi trẻ thể hiện tài năng, cống hiến trí tuệ cho đất nước. Việc mở rộng hợp tác và giao lưu quốc tế tạo điều kiện cho tuổi trẻ tiếp cận nhiều và nhanh hơn kinh nghiệm, tri thức quốc tế, tinh hoa văn hoá nhân loại. Bước trưởng thành của thanh niên và tổ chức Đoàn, sự phát triển mạnh mẽ của phong trào "Thanh niên tình nguyện", cùng với tính tích cực chính trị - xã hội của đông đảo thanh niên được khơi dậy và phát huy là thời cơ để đẩy mạnh công tác đoàn kết, tập hợp thanh niên vào tổ chức.
Bên cạnh những thời cơ, thuận lợi thì hiện nay thanh niên nước ta đang đứng trước những khó khăn lớn: Tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, mau lẹ, khó lường, những nguy cơ chung của đất nước mà Đảng ta chỉ ra là những thách thức lớn đối với tuổi trẻ. Đất nước ta còn nghèo, chưa đủ khả năng, điều kiện để đáp ứng tốt các nhu cầu học tập, việc làm, nhà ở, lập nghiệp... của nhân dân nói chung, thanh niên nói riêng. Tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường, những hiện tượng tiêu cực trong xã hội tác động mạnh mẽ vào giới trẻ, là những thách thức lớn đến giá trị đạo đức và lối sống của thanh niên nước ta.
Yêu cầu, đòi hỏi của sự nghiệp CNH, HĐH và quá trình hội nhập quốc tế là những thách thức đối với số đông thanh niên có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức kinh tế, quản lý, kiến thức pháp luật và ý thức chấp hành luật pháp của thanh niên nhìn chung còn thấp; xu hướng chạy theo bằng cấp, nhận thức lệch lạc về học nghề, chọn nghề, định hướng nghề nghiệp còn khá phổ biến trong thanh niên và thiếu năng lực sáng tạo. Lao động chưa qua đào tạo, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định và thu nhập thấp vẫn là vấn đề bức xúc của thanh niên; không ít thanh niên thụ động, ỷ lại, chưa tích cực vươn lên tự tạo việc làm, còn ngại khó, ngại khổ, ngại về nông thôn, miền núi công tác. Sức khỏe thể chất của thanh niên còn thấp so với khu vực và thế giới; tệ nạn xã hội, đặc biệt là tệ nạn ma tuý và tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS trong thanh niên đang diễn ra phức tạp. Một bộ phận thanh niên thiếu ý thức rèn luyện, nhận thức chính trị kém, chưa xác định được lý tưởng sống đúng đắn, sống thực dụng, thụ động, thờ ơ, ngại tham gia vào các hoạt động chính trị - xã hội, vi phạm pháp luật, tin vào những điều mê tín dị đoan. Cùng với đó, thị trường lao động hiện phát triển không đồng đều giữa các vùng, địa phương; hệ thống thông tin thị trường lao động chưa hoàn thiện; các trung tâm giới thiệu việc làm chưa đáp ứng được yêu cầu; chất lượng lao động qua đào tạo còn thấp, chưa gắn kết giữa đào tạo và sử dụng lao động... đã tác động trực tiếp đến vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên. Theo dự báo từ nay đến 2010, mỗi năm sẽ có khoảng 1,4-1,5 triệu thanh niên bước vào tuổi lao động.
Chính vì vậy, để thanh niên góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước, đòi hỏi công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi trong thời gian cần phải hướng tới việc: Tăng cường bồi dưỡng lòng yêu nước và ý thức công dân, lý tưởng và đạo đức cách mạng, bản lĩnh chính trị và văn hoá cho thanh thiếu nhi; xây dựng Đoàn vững mạnh; tích cực chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên; phát huy tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam xung kích "Sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển", phấn đấu cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi CNH, HĐH đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; Phải không ngừng đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động của Đoàn, tìm ra nội dung và phương thức thích hợp trong điều kiện mới, làm cho vai trò của Đoàn Thanh niên thực sự trở thành hạt nhân chính trị trong quần chúng thanh niên. Thực chất là xây dựng lớp thanh niên: giàu lòng yêu nước, có lối sống đẹp, có lý tưởng cách mạng, có bản lĩnh văn hóa con người Việt Nam, biết xử lý hài hoà lợi ích của bản thân trong lợi ích chung của tập thể, cộng đồng và đất nước; có tri thức, chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng lao động giỏi; có văn hóa và sống tình nghĩa; có sức khỏe thể chất và tinh thần lành mạnh; giàu nhiệt huyết sáng tạo và tinh thần tình nguyện, biết giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa biết làm giàu văn hóa dân tộc bằng những giá trị, những tinh hoa văn hóa nhân loại, là hiện thân của các giá trị văn hóa Việt Nam, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, trung thành với chế độ xã hội chủ nghĩa. Với khẩu hiệu hành động “Tuổi trẻ Việt Nam xây hoài bão lớn, đoàn kết, xung kích, sáng tạo, tình nguyện xây dựng và  bảo vệ Tổ quốc”, Đoàn triển khai tổ chức rộng khắp trong các đối tượng thanh thiếu nhi phong trào "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ Tổ quốc" "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".
Để cụ thể hóa những vấn đề đó, đòi hỏi thanh niên và các tổ chức có liên quan cần phải hướng đến thực hiện tốt các giải pháp sau: Tăng cường công tác giáo dục nâng cao nhận thức về sự nghiệp CNH, HĐH đất nước và những yêu cầu của Đảng đối với tuổi trẻ nước ta, từ đó mà xác định trách nhiệm to lớn và nhiệm vụ nặng nề của mình trong việc chuẩn bị những hành trang cần thiết trong thời gian tới. Không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, học tập để nâng cao trình độ về mọi mặt cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, cương vị công tác của mình; Tạo môi trường bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực trẻ, góp phần hình thành một lớp thanh niên mới có kiến thức, tay nghề và năng lực quản lý kinh tế, thích nghi với kinh tế thị trường đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH đất nước; Thường xuyên, liên tục trau dồi về lý tưởng, rèn luyện đạo đức. Sống có văn hoá, chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng, luật pháp của Nhà nước. Gương mẫu trong cộng đồng, làm tròn bổn phận của người công dân. Chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập, nâng cao trình độ về chính trị, học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ. Ra sức nâng cao tay nghề, kỹ năng lao động, trình độ ngoại ngữ, tin học. Vươn lên nắm vững khoa học, kỹ thuật, công nghệ; Nhiệt tình, hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện, ngày thứ bảy tình nguyện; tham gia các đội hình thanh niên tình nguyện, sẵn sàng đảm nhận việc khó, việc mới, chủ động tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn quốc phòng, an ninh ở mỗi địa phương, đơn vị. Không ngừng phấn đấu nâng cao số lượng, chất lượng của người đoàn viên; tích cực tham gia các hoạt động của Đoàn, Hội, Đội; mỗi đoàn viên phải biết gắn hoạt động của mình với hoạt động của tập thể thanh niên nơi mình sinh sống hoặc công tác.
Chúng ta tin tưởng rằng, đoàn viên và thanh niên cả nước sẽ vượt lên mọi khó khǎn, thách thức, tranh thủ thời gian học tập, lao động sáng tạo vượt bậc, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, hình thành nguồn nhân lực trẻ, khỏe, đủ sức, đủ tài hiến dâng cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước.

1 nhận xét: