Thứ Hai, 15 tháng 8, 2011

VAI TRÒ CỦA V.I.LÊNIN TRONG CUỘC CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI NGA

Cách đây vừa đúng 90 năm, cách mạng Tháng Mười Nga đã nổ ra và thắng lợi, là một sự kiện lớn nhất trong thế kỷ XX, đánh dấu sự khởi đầu một thời đại mới trong lịch sử nhân loại - thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội - đây là cuộc cách mạng gắn liền với tên tuổi của Lênin - nhà tư tưởng kiệt xuất, nhà tổ chức thiên tài của cách mạng vô sản. Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa cộng sản từ chỗ chỉ là "bóng ma đang ám ảnh châu Âu" trong thế kỷ XIX đã trở thành hiện thực ngay từ những thập niên đầu thế kỷ XX.
 
Như một tất yếu lịch sử, Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại đã chứng minh vai trò to lớn, quyết định của Ðảng Cộng sản Nga dưới sự lãnh đạo thiên tài của Lênin, Người đã vận dụng sáng tạo và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện thực tiễn cụ thể của nước Nga, biến chủ nghĩa xã hội từ lý tưởng, niềm tin, học thuyết lý luận thành hiện thực.
Năm 1917 tình hình chính trị ở Nga lúc đó là quần chúng ngày càng được cách mạng hoá. Chính phủ lâm thời tư sản không thể và không muốn giải quyết một vấn đề nào trong số những vấn đề mà cách mạng đề ra, nó không thể mang lại hoà bình, bánh mì cũng như ruộng đất cho nhân dân, không thể khắc phục nổi sự phá sản về kinh tế đang ngày càng trầm trọng thêm. Nét tiêu biểu của thời kỳ này là cuộc đất tranh căng thẳng để tranh thủ quần chúng giữa một bên là những người bôn - sê - vích và một bên là các đảng tư sản và tiểu tư sản. Vấn đề chính quyền là nội dung cơ bản của cuộc đấu tranh này. Bởi vậy, khẩu hiệu và các phong trào đấu tranh là nhằm chuyển hướng làm cho cách mạng dân chủ tư sản dần dần chuyển biến một cách hoà bình thành cách mạng xã hội chủ nghĩa và thiết lập chuyên chính vô sản.
Để chuẩn bị cho cuộc cách mạng nổ ra và giành thắng lợi, Người đã xác định đường lối sách lược của đảng, trong việc tập hợp quần chúng đứng về phía những người bôn - sê - vích. Người trở thành trung tâm lãnh đạo những hoạt dộng muôn màu, muôn vẻ của đảng và của Ban chấp hành trung ương đảng. Lênin liên hệ mật thiết với các tổ chức đảng ở địa phương, hướng dẫn các đại biểu của các tổ chức đó một cách chu đáo, trò chuyện với công nhân, binh sĩ, nông dân. Trong các bài báo mà hầu như hàng ngày viết trên tờ "Sự thật", các bản báo cáo và những lời phát biểu của Người, quần chúng lao động đã tìm được lời giải đáp cho tất cả những câu hỏi đang day dứt họ; Lênin vạch ra ý nghĩa của các sự biến chính trị và mọi mưu mô của kẻ thù giai cấp, chỉ cho công nhân và nông dân con đường chiến thắng chủ nghĩa tư bản. Chính điều đó đã cho thấy một tư tưởng lớn của Lênin là: cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể và nhất định sẽ giành được thắng lợi ở nước Nga.
Để tiếp tục cổ vũ các phong ctrào cách mạng, Lênin đã tiếp tục vạch trần tính chất đế quốc chủ nghĩa của chiến tranh, bản chất phản nhân dân của Chính phủ lâm thời và của các đảng tư sản, những kẻ ra sức kéo dài chiến tranh, cũng như của các đảng tiểu tư sản - bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng và bọn men - sê - vích là những kẻ tiếp tay cho Chính phủ lâm thời và các đảng tư sản trong việc lừa dối quần chúng nhân dân.
Người đã vạch ra rằng lối thoát duy nhất ra khỏi cuộc chiến tranh đế quốc chủ nghĩa là cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân và nông dân nghèo để giành lấy chính quyền thông qua các Xô viết. Lật đổ chính quyền của giai cấp tư sản ở nước Nga, thiết lập nền chuyên chính vô sản và nêu một tấm gương thực tiễn cho công nhân các nước khác - đó chính là thực chất của cuộc đấu tranh của công nhân Nga vì hoà bình. Đấu tranh để thoát khỏi chiến tranh bằng con đường cách mạng, kêu gọi giai cấp công nhân quốc tế ủng hộ sáng kiến cách mạng của công nhân Nga. Ngoài ra, Lênin còn rất coi trọng công tác cổ động trong binh sĩ, công tác tổ chức việc bắt tay thân thiện ngoài mặt trận để đẩy nhanh việc nâng cao tinh thần cách mạng trong tất cả các nước.
Để thúc đẩy phong trào đấu tranh, Lênin xem việc thiết lập liện minh bền vững của công nhân và nông dân nghèo trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội là một đảm bảo vững chắc nhất để giải quyết đúng đắn vấn đề ruộng đất, phát triển có hiệu quả cuộc cách mạng ở nông thôn. Người chỉ ra rằng "không có sự đoàn kết đó thì không thể nào đánh bại bọn tư bản được. Và nếu chúng không bị đánh bại, thì việc đưa lại ruộng đất cho nông dân cũng sẽ không chấm dứt được cảnh nghèo khổ".  Đồng thời, Lênin cũng đã tranh thủ quần chúng nhân dân ở các vùng dân tộc ủng hộ cách mạng, trong việc giáo dục tinh thần quốc tế cho quần chúng lao động tất cả các dân tộc. Và sự liên minh đó phải là một liên minh tự nguyện, người công nhân Nga nhất thiết không được giây phút nào tin tưởng bất kỳ một điều gì ở giai cấp tư sản nước mình cũng như giai cấp tư sản nước ngoài, đồng thời phải ủng hộ quyền phân lập, không được áp đặt quan hệ hữu nghị cho các dân tộc, mà phải tranh thủ mối quan hệ hữu nghị đó bằng cách coi họ là những người bình đẳng, những bạn đồng minh và những anh em trong cuộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội.
Sau khi định ra được đường lối tiến tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, đảng bôn - sê - vích tập trung chú ý vào công tác giáo dục chính trị và tổ chức giai cấp công nhân Nga nhằm chuẩn bị cho họ tiến tới thực hiện sứ mạng lịch sử trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản, giành lấy chính quyền. Để thực hiện điều đó, Lênin đã kêu gọi giai cấp công nhân hãy tích cực tham gia một cách thực tế vào cuộc đấu tranh chống sự suy sụp về kinh tế và nạn đối đang đến gần, củng cố các vị trí kinh tế và chính trị của mình. Lênin vạch ra rằng những biện pháp để đưa công nhân tiến gần đến chủ nghĩa xã hội phải là: thiết lập sự kiểm soát của công nhân đối với sản xuất và phân phối, đối với các ngân hàng... và coi điều kiện hết sức quan trọng để tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa là sự thống nhất hành động cách mạng của công nhân tất cả các nước là cuộc đấu tranh kiên quyết chống chủ nghĩa cơ hội.
Lênin đã thể hiện rõ sự tỉnh táo trong phán đoán và tầm nhìn xa về chính trị của mình, việc Người nổi tiếng là một nhà hoạt động chính trị biết dự kiến sự phát triển sau này của các sự biến, điều đó hoàn toàn không phải do một trực giác thần bí hay linh cảm nào, mà do khả năng của Người biết xem xét tinh tường và phân tích sâu sắc, lựa chọn và sử dụng các sự kiện, vững vàng chỉ đạo cuộc đấu tranh của đảng bôn - sê - vích, không để nó đi sau các sự biến và cũng không để nó đi trước các sự biến. Lênin đã nhóm lên ngọn lửa nhiệt tình, kiên định và sáng tạo trong nhân dân Nga. Đương thời, khi phân tích cụ thể sự phát triển của phong trào cách mạng ở nước Nga, Lênin đã chỉ rõ rằng tình hình trong nước và bối cảnh quốc tế diễn ra khi đó đã quyết định đặc trưng của cuộc cách mạng ở Nga, mà một trong những nhân tố quan trọng nhất chính là việc Nga bị lôi cuốn vào vòng xoáy của cuộc chiến tranh đế quốc - một cuộc chiến mà mỗi ngày đã ngốn hết khoảng 70 triệu rúp, đã làm cho gánh nợ trong nước và nợ nước ngoài của Nga lên đến con số 100 tỉ rúp, đã cướp đi sinh mạng của hơn 3 triệu người Nga, khiến cho cuộc sống của đông đảo các tầng lớp nhân dân lao động Nga bị rơi vào tình trạng cùng cực và quẫn bách hơn mức bình thường... Tóm lại, cuộc chiến tranh này đã đẩy đến đỉnh điểm những mâu thuẫn xã hội căng thẳng giữa giai cấp thống trị và quần chúng lao động. Lênin còn khuyên phải tích luỹ lực lượng, không nên hấp tấp lao vào một trận chiến đấu cuối cùng, phải tỏ ra hết sức cương nghị và kiên định và đừng để bị khiêu khích mà mở ra một trận đánh quá sớm và vì thế không có lợi. Người cũng đã nhận định khả năng giai cấp vô sản có thể giành chính quyền bằng con đường hoà bình thông qua các Xô viết không còn nữa. Vận mệnh của cách mạng, vận mệnh của nền chuyên chính vô sản sẽ được quyết định bởi cuộc khởi nghĩa vũ trang tất thắng mà Người đã từng kêu gọi đảng bôn - sê - vích chuẩn bị.
Dưới sự lãnh đạo của Người, đảng bôn - sê - vích đã biết hoà cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân vì chủ nghĩa xã hội, phong trào toàn dân vì hoà bình, cuộc đấu tranh của nông dân vì ruộng đất, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của những dân tộc bị áp bức ở Nga vào cùng một dòng thác cách mạng và đảng đã biết hướng toàn bộ những lực lượng ấy vào việc đánh đổ chủ nghĩa tư bản. Thắng lời của Cách mạng tháng Mười là một tấm gương sáng ngời của việc áp dụng trong thực tiễn học thuyết Lênin về cách mạng xã hội chủ nghĩa, là sự xác nhận tính chất đúng đắn của kết luận: chủ nghĩa xã hội có thể thắng lợi trước tiên trong một nước tư bản chủ nghĩa riêng biệt.
Là một người luôn chống lại những người bôn - sê - vích, A.N. Bec-đi-a-ép cũng không thể phủ nhận một thực tế rằng: "Năm 1917, nước Nga đã đứng trước tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ và sự đổ vỡ. Chính Lênin và những người bôn - sê - vích đã cứu nước Nga. Họ đã ngăn chặn tình trạng này và có thể tổ chức một xã hội mới, tuyên bố hoà bình, xoá bỏ chế độ phong kiến, mang lại ruộng đất cho nông dân...Tất cả những điều đạt được đó, không có gì phải bàn cãi, là công lao của Lênin và những người bôn - sê - vích trước nhân dân Nga".
Với Cách mạng Tháng Mười, giai cấp công nhân và nhân dân lao động Nga dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản và Lênin đã cống hiến cho nhân loại một mẫu mực về khởi nghĩa vũ trang, giành chính quyền; về khoa học và nghệ thuật nắm bắt tình thế và thời cơ cách mạng, hành động mau lẹ và kiên quyết, kết hợp nhiệt tình cách mạng, lòng dũng cảm và sức sáng tạo của quần chúng với tính tổ chức và kỷ luật của đội tiên phong cách mạng để giành chiến thắng.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười và những cống hiến của Lênin trong hoạt động lý luận và thực tiễn đã giải quyết một loạt vấn đề lý luận mới của cách mạng vô sản trong thời đại mới. Đó là các vấn đề về cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa, phải lấy công nông làm nòng cốt, do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo; vấn đề về xây dựng Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân; vấn đề lực lượng và phương pháp tiến hành cách mạng vô sản; vấn đề xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân; vấn đề phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trong xây dựng, bảo vệ chính quyền và chế độ xã hội mới... Ngọn đuốc soi đường của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi tỏa sáng
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định nhân cách, phẩm chất, đạo đức của Lênin: "Không phải chỉ thiên tài của Người, mà chính là tính coi khinh sự xa hoa, tinh thần yêu lao động, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị, tóm lại là đạo đức vĩ đại và cao đẹp của người thầy đã có ảnh hưởng lớn lao với các dân tộc châu Á và đã khiến cho con tim của họ hướng về Người, không gì ngăn cản nổi"; và "người dũng cảm nhất là Lênin. Chỉ có Lênin vậy thôi cũng đủ để làm cho họ ngưỡng mộ sâu sắc và đầy nhiệt tình nói với nước đó và lãnh tụ nước đó... Khi còn sống, Người là người cha, thầy học, đồng chí và cố vấn của chúng ta. Ngày nay, Người là ngôi sao sáng chỉ đường cho chúng ta đi tới cuộc cách mạng xã hội".
Đi đôi với việc Lênin trở thành một con người vĩ đại gắn với thành công của cách mạng Tháng Mười Nga, được cả thế giới loài người tôn vinh thì vẫn còn không ít kẻ đã tìm mọi cách bôi nhọ tên tuổi, hình ảnh và đòi phủ nhận những gì mà ông và nhân dân Nga đã làm.
Đối với giai cấp tư sản, họ đã coi sự xuất hiện của Lênin là tiếng sét đánh giữa lúc trời yêu biển lặng, là một tai hoạ trời giáng, là bệnh dịch hạch tàn phá thế giới.
Đối với những người đầu óc mê tín dị đoan, thì Lênin là con người "Mông cổ - Xlavơ", đã được nói đến trong câu sấm khá kỳ lạ, đã được tương truyền ngay từ hồi trước chiến tranh. "Ta trông thấy - lời câu sấm - cả Châu Âu kiệt máu và đỏ rực các đám cháy. Ta nghe thấy tiếng rên la của hàng triệu người trong những chiến trận khủng khiếp. Song tới gần năm 1915, ở phương Bắc sẽ xuất hiện một nhân vật chưa được ai biết tới, mà về sau sẽ nổi tiếng toàn thế giới. Đó là một người không phải con nhà võ, một nhà văn hào hay nhà báo, nhưng đến năm 1925 thì phần lớn Châu Âu sẽ ở trong tay ông".
Đối với giáo hội phản động, thì Lênin là một người chống lại ý Chúa Jêxu. Các cha cố tụ tập nông dân lại dưới lá cờ thánh và tượng thánh rồi đẩy họ đi chống lại Hồng Quân. Song nông dân bảo: "Cũng có thể Lênin là một người chống Chúa Jêxu thật, nhưng ông ta đã cho chúng tôi ruộng đất và tự do. Vậy vì cớ gì chúng tôi lại phải đánh lại ông ta cơ chứ".
Những luận điệu trên hoàn toàn không chỉ vô căn cứ, chủ quan, phiến diện, xa rời thực tế nước Nga khi đó mà còn là sự vu khống, xuyên tạc, phủ định lịch sử một cách sạch trơn và về thực chất, đó cũng chẳng phải là những "lý sự" mới mẻ gì cả. Những "lý sự" đó chỉ là lối theo đuôi, lặp lại với những gì mà những "tiền bối" của họ đã từng công kích cuộc đời Người lãnh tụ vĩ đại này. Những sự công kích hằn học như thế chỉ nhằm phủ nhận ý nghĩa và giá trị lịch sử lớn lao của Cách mạng Tháng Mười, hạ thấp vai trò to lớn của Lênin trong cuộc cách mạng này.
Đối với những người dân Nga bình thường, thì tên tuổi của Lênin có một ý nghĩa hầu như siêu nhân. Ông là người làm ra cuộc cách mạng Nga, là người sáng lập ra chính quyền Xô viết, tất cả mọi thứ nước Nga ngày nay có, đều gắn liền với tên tuổi của ông.
Suy luận như vậy có nghĩa là coi lịch sử là kết quả hoạt động của các vĩ nhân, tựa hồ như các biến cố vĩ đại và các thời đại vĩ đại nhất là do các lãnh tụ vĩ đại định ra. Tất nhiên, cả một thời đại và một phong trào quần chúng rộng lớn có thể được biểu hiện ở một con người duy nhất. Song, hiển nhiên, mọi sự giải thích lịch sử, đem cuộc cách mạng Nga chỉ quy vào một con người hay một nhóm người, đều sai lầm. Lênin là người đầu tiên sẽ cười chế nhạo cái ý kiến cho rằng số phận của Cách mạng Nga là ở trong tay ông hay ở trong tay các chiến hữu của ông.
Số phận của cách mạng Nga là ở trong tay những ai đã làm nên nó, ở trong tay và trong lòng của quần chúng nhân dân. Số phận của cuộc cách mạng đó nằm ở trong các lực lượng kinh tế đã thúc đẩy quần chúng nhân dân bước lên đường tranh đấu. Nhân dân lao động Nga đã phải đau khổ, chịu đựng hàng bao thế kỷ. Trên những vùng đất đai mênh mông của nước Nga, ở đồng bằng quanh Matxcơva, trên những đồng cỏ Ucren, dọc bờ những con sông Xibêri lớn, bị cái rét cào cấu, bị nạn mê tín chằng chói, người ta đã phải làm việc không có giờ nghỉ, ngày nghỉ, vậy mà cuộc đời của họ cũng không hơn kiếp ngựa trâu là mấy. Song mọi việc đều có tận cùng, cả sự chịu đựng của người nghèo cũng vậy.
Tháng hai năm 1917, với khí thế cách mạng trào dâng làm cả thế giới giật mình, giai cấp công nhân Nga đã vứt bỏ những xiềng xích trói buộc mình. Binh lính đã theo gương họ nổi dậy. Tiếp đó, cách mạng đã lan tràn về nông thôn, càng ngày càng đi sâu vào các hang cùng ngõ hẻm, nhen lên ngọn lửa cách mạng trong các tầng lớp lạc hậu nhất trong nhân dân, cho đến tận khi cả một dân tộc gồn 160 triệu người - tức là đông hơn gấp 7 lần so với cách mạng Pháp - tất cả đều bị lôi cuốn vào dòng thác cách mạng.
Được tư tưởng vĩ đại cổ vũ, cả dân tộc bắt tay vào xây dựng chế độ mới. Đó là một phong trào xã hội vĩ đại nhất trong lịch sử. Lấy lợi ích kinh tế của nhân dân làm nền tảng, phong trào ấy là một cuộc đấu tranh kiên quyết nhất cho lẽ công bằng. Một dân tộc vĩ đại mở đường cho lịch sử và trung thành với tư tưởng về thế giới mới, xông pha tiến lên, bất chấp nạn đói rét, chiến tranh, bao vây và chết chóc.
Số phận cả cuộc cách mạng Nga là ở trong tay quần chúng, ở chính ngay trong quần chúng Nga - ở trong kỷ luật và lòng trung thành của họ với sự nghiệp chung. Người cầm lái sáng suốt và thể hiện tâm tư của họ là một con người với trí tuệ sáng suốt và ý chí thép, là một con người có hiểu biết rộng rãi và cả quyết trong hành động, là một con người với lý tưởng cao cả nhất và đầu óc tỉnh táo nhất, thực tiễn nhất. Con người đó là Lênin.
Thời gian đã lùi xa, nhưng vai trò của Lênin và Cách mạng Tháng Mười không vì thế mà giảm đi. Thế giới đổi thay nhanh chóng, lịch sử đã có thêm nhiều sự kiện, các tình huống biến cố thăng trầm, nhưng Lênin và Cách mạng Tháng Mười mãi mãi còn được nhắc tới bởi đã mở đầu và tạo dựng nên một diện mạo mới của lịch sử, một tầm vóc có một không hai của thời đại mới. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga, cũng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự cuồng nhiệt của ý chí và không tưởng mà những kẻ thù của cách mạng, những kẻ cơ hội và phản bội lý tưởng từng xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ ảnh hưởng, tầm vóc của cuộc cách mạng này trong đời sống ý thức xã hội.
Đánh giá vai trò to lớn có ý nghĩa thời đại sâu sắc của Cách mạng Tháng Mười, ngay từ những năm đầu cách mạng, Lênin đã dự đoán: "Cuộc cách mạng của ta không chỉ có ý nghĩa địa phương, ý nghĩa đặc biệt dân tộc, ý nghĩa riêng cho nước Nga, mà có ý nghĩa quốc tế, nó đã vạch ra cho toàn thế giới những con đường dẫn tới chủ nghĩa xã hội và chỉ cho giai cấp tư sản biết rằng chúng sắp hết rồi", "Cách mạng Nga là một trong những sự kiện lớn của lịch sử nhân loại và có tầm quan trọng đối với toàn thế giới". Lênin còn khẳng định: "không thể có bức tường ngăn cách giữa những chiến thắng của Cách mạng Tháng Mười và những chiến thắng của cách mạng xã hội chủ nghĩa quốc tế". Khẳng định đó của Lênin đã được thực tiễn lịch sử minh chứng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười, một thời đại mới mở ra, nó tạo cơ hội cho nhân loại thực hiện bước quá độ lịch sử từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới.
Ôn lại lịch sử và những kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và tư tưởng vĩ đại của Lênin, chúng ta càng có thêm sức mạnh tinh thần, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng ta, đưa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá vì mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh", đưa đất nước ta vững theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, sánh vai với các cường quốc trong khu vực và thế giới. Đó cũng là cách thiết thực kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười, nhớ đến Lênin con người vĩ đại của nhân dân thế giới./.

3 nhận xét: