Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

ĐẤU TRANH CHỐNG CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh kịch liệt lên án và kiên quyết đấu tranh để loại trừ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi chế độ xã hội chủ nghĩa. Trong Bài nói chuyện tại Đại hội lần thứ III của Đoàn thanh niên lao động Việt Nam, ngày 24-3-1961 Hồ Chủ tịch đã chỉ rõ “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô...Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng chủ nghĩa xã hội”[1]; “Chủ nghĩa cá nhân, đặt lợi ích riêng của mình, của gia đình mình lên trên, lên trước lợi ích chung của dân tộc”[2].
Khi trình bày quan điểm của mình về chủ nghĩa cá nhân, Hồ Chí Minh xuất phát từ thái độ, mối quan hệ giữa cá nhân với Tổ quốc, với chế độ, với nhân dân, với công việc, với các truyền thống tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực đạo đức cách mạng. Chủ nghĩa cá nhân được biểu hiện cụ thể là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích riêng của mình, không thấy lợi ích chung của tập thể. Về vật chất thì chỉ muốn hưởng thụ, công việc làm thì không dám xung phong, tham ô, hủ hoá, lãng phí, xa hoa, tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cao tự đại, sợ khó sợ khổ, không yên tâm công tác, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, độc quyền, quan liêu, mệnh lệnh, lười biếng, ham địa vị, danh tiếng, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, óc lãnh tụ, hữu danh vô thực, kéo bè, kéo cánh, cận thị, công thần, kèn cựa, địa vị, đòi hưởng thụ, đãi ngộ, tranh công đổ lỗi. Khi làm thì làm cho qua chuyện, ham chuộng hình thức…Điều này cho thấy chủ nghĩa cá nhân "là một thứ rất gian giảo, xảo quyệt; nó khéo dỗ dành người ta đi xuống dốc. Mà ai cũng biết rằng xuống dốc thì dễ hơn lên dốc. Vì thế mà càng nguy hiểm"[3], nó “như một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm"[4]. 
Và hệ quả tất yếu là, “Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”, họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ, mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”.[5]
Điều này cho thấy, “muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải có con người xã hội chủ nghĩa, muốn có con người xã hội chủ nghĩa thì phải có tư tưởng xã hội chủ nghĩa, muốn có tư tưởng xã hội chủ nghĩa phải gột rửa tư tưởng cá nhân chủ nghĩa”[6]; “chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”[7]. Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội, là giặc nội xâm, kẻ địch ở bên trong. Người so sánh: “Địch bên ngoài không đáng sợ. Địch bên trong đáng sợ hơn, vì nó phá hoại từ trong phá ra”. Vì vậy, tư tưởng nhất quán của Hồ Chí Minh là kiên quyết chống mọi kẻ thù, đồng thời với đấu tranh đến cùng chống ngoại xâm theo tinh thần “hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta thì ta còn phải chiến đấu quét sạch nó đi”, phải kiên quyết “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”. Người thường căn dặn, cách mạng và những người cách mạng phải chiến thắng ba kẻ thù: Chủ nghĩa tư sản và bọn đế quốc; Thói quen và truyền thống lạc hậu; Chủ nghĩa cá nhân.
Từ chỗ xác định “do chủ nghĩa cá nhân mà phạm nhiều sai lầm” của cán bộ, đảng viên, Bác chỉ rõ việc cần phải làm: “Chúng ta phải lập tức sửa đổi ngay. Chúng ta không sợ có khuyết điểm. Chúng ta chỉ sợ không có quyết tâm sửa đổi”, theo V.I.Lênin thì: Chỉ có hai hạng người không mắc khuyết điểm, sai lầm, đó là đứa bé còn ở trong bụng mẹ, và người chết đã bỏ vào quan tài. Có hoạt động thì khó tránh khỏi có khuyết điểm, sai lầm. Và “Người thông minh không phải là người không phạm sai lầm. Không có và không thể có những người không phạm sai lầm. Người nào phạm sai lầm mà không nặng lắm, và biết sửa chữa một cách dễ dàng và nhanh chóng thì người đó là người thông minh”[8] . V.I.Lênin còn khẳng định: “Chỉ có kẻ nào không làm một công việc thực tiễn nào thì mới không bị sai lầm”[9].
Hồ Chí Minh khẳng định, đối lập với đạo đức cách mạng là chủ nghĩa cá nhân, do đó, nâng cao đạo đức cách mạng không thể tách rời với chống chủ nghĩa cá nhân, luôn luôn gắn xây với chống. Xây là để nâng cao đạo đức cách mạng, chống là hướng tới mục tiêu quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh chủ trương, “Phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng” và nâng cao đạo đức cách mạng để tăng sức mạnh chống chủ nghĩa cá nhân.
Để đấu tranh loại bỏ chủ nghĩa cá nhân ra khỏi mỗi người, khỏi tập thể và xã hội thì theo Hồ Chủ tịch chúng ta cần:
Trước hết, dùng cách phê bình và tự phê bình để rửa sạch đầu óc ngôi thứ, địa vị, và chủ nghĩa cá nhân. Thực hiện chế độ sinh hoạt và kỷ luật đảng phải nghiêm minh.
Tự phê bình và phê bình là quy luật phát triển của Đảng, là vũ khí sắc bén trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đó là phương thuốc hay nhất, giúp cho toàn Đảng và mỗi đảng viên sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, tiến bộ không ngừng, ngày một mạnh thêm. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chủ nghĩa cá nhân thì ngược lại, không dám tự phê bình và không muốn người khác phê bình mình, không kiên quyết sửa chữa.
Chế độ sinh hoạt chi bộ phải nghiêm túc. Kỷ luật của Đảng phải nghiêm minh. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Trong Di chúc trước lúc đi xa, Bác căn dặn: Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đồng thời, “Thực hành tự phê bình và phê bình đồng sự mình. Phê bình một cách thiết thực mà thân ái”[10]. Phê bình từ cấp trên xuống và từ cấp dưới lên. Phê bình nhau và giúp nhau sửa chữa. Phải vào sâu dân chúng, vào sâu bộ đội. Hỏi ý kiến và hỏi sáng kiến của quần chúng. Gom góp kinh nghiệm của quần chúng để giải quyết các vấn đề, và trao đổi những kinh nghiệm mới cho cơ quan khác, địa phương khác.  
Chống chủ nghĩa cá nhân không phải chống lại một lần mà hết được, ví như rửa mặt thì phải rửa hàng ngày. Vì vậy, phải tiếp tục luôn luôn phê bình, tự phê bình, kiểm tra trong mọi việc. Cùng với việc mở mở rộng dân chủ: thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình. Đòi hỏi chúng ta phải chống lại thái độ rụt rè, nể nả giữa cấp dưới và cấp trên, giữa công nông và trí thức, giữa cán bộ ngoài Đảng và trong Đảng.
Thứ hai, tăng cường giáo dục trong toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên.
Thực chất đây là giải pháp nhằm thiết lập nền tảng tư tưởng, lý luận, kim chỉ nan cho hành động, tạo dựng cái nền, cái gốc của toàn Đảng và với mỗi cán bộ, đảng viên. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để làm tròn sứ mệnh của mình, mỗi đảng viên phải ra sức học tập chủ nghĩa Mác – Lênin, củng cố lập trường giai cấp vô sản, cố gắng nắm vững những quy luật của cách mạng Việt Nam, phải luôn luôn nâng cao đạo đức cách mạng, kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân; bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể của giai cấp vô sản, cần kiệm xây dựng nước nhà; một lòng, một dạ phấn đấu vì lợi ích tối cao của cách mạng và Tổ quốc. Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: "Ra sức học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ"[11].
Thứ ba, bồi dưỡng chủ nghĩa tập thể, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết.
          Xét mối quan hệ giữa cá nhân với tập thể, chúng ta cần nhận thức thống nhất giữa lợi ích chung và lợi riêng. Cần phân biệt đúng đắn giữa chủ nghĩa cá nhân và lợi ích cá nhân. Hồ Chí Minh khẳng định: Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết. Nếu khi lợi ích của Đảng và lợi ích của cá nhân mâu thuẫn với nhau, thì lợi ích cá nhân phải tuyệt đối phục tùng lợi ích của Đảng. Nhưng đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân không phải là gây xéo lên lợi ích cá nhân. Vì mỗi người đều có đời sống, tính cách, sở trường riêng. Mỗi người đều có quyền làm giàu cho bản thân và gia đình mình; nhưng những lợi ích đó không trái với lợi ích của tập thể, lợi ích của Đảng, của tổ quốc, dân tộc.
Tóm lại, mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết. Phải nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ.
          Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy được vai trò gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, rèn luyện đạo đức, lối sống, năng động, sáng tạo, dám chịu trách nhiệm; có phong cách làm việc, dân chủ, nói đi đôi với làm, có bước trưởng thành, đóng vai trò nồng cốt trong công cuộc đổi mới, góp phần xứng đáng vào thành quả chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc…Cùng với đó, quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế không chỉ tạo ra cho chúng ta cơ hội để phát triển, mà cả những tác động tiêu cực vào đạo đức, lối sống. Biểu hiện cụ thể là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã trở nên nghiêm trọng hơn, xuất hiện trong tất cả các bộ phận cấu thành của bộ phận chính trị, trên tất cả các lĩnh vực, từ trung ương đến địa phương và cơ sở. Nghị quyết Đại hội X của Đảng đánh giá: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng"[12]. Ngoài ra, họ còn tự cho mình làm gì cũng giỏi, nên xa rời nhân dân, không muốn học hỏi nhân dân mà chỉ muốn là “thầy” nhân dân.
Thực trạng này đã được Hồ Chí Minh cảnh báo từ rất sớm mà nguyên nhân, như Bác đã chỉ rõ, là do một bộ phận cán bộ, đảng viên “đang mang một balô chủ nghĩa cá nhân”.Vì vậy, học tập và làm theo những lời dạy của Hồ Chí Minh để nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân lúc này càng trở nên rất quan trọng và cần thiết.
          Để trở thành một cán bộ, đảng viên tốt, chúng ta cần học tập tấm gương đạo đức của Bác. Những lời dạy và việc làm của Bác như nhắc nhở chúng ta luôn soi rọi lại mình, phải tự rèn luyện tu dưỡng, dám đấu tranh với chính mình để làm cho “phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất đi, đó là thái độ của người cách mạng”. Phải thực hiện tốt việc thường xuyên tự phê bình và phê bình, lời nói phải đi đôi với việc làm, không tự phô trương đề cao mình, làm giảm lòng tin của dân.
          Phải rèn luyện, tu dưỡng và thấm nhuần sâu sắc đạo đức cách mạng. Có đạo đức cách mạng thì khi gặp khó khăn gian khổ, thất bại, cũng không sợ sệt, rụt rè, lùi bước... Có đạo đức cách mạng thì khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phác, khiêm tốn, "lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ". Không được tham ô, quan liêu, lãng phí. Đó là tội ác, là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, là thứ “giặc nội xâm, giặc ở trong lòng”./.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.306.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.92.
[3] Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.284.
[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t 5, tr.255.
[5] Hồ Chí Minh. Sđd., t 12, tr.438-439.
[6] Hồ Chí Minh. Sđd., t 9, tr. 303.
[7] Hồ Chí Minh. Sđd., t 9, tr. 292.
[8] V.I.Lênin. Toàn tập, t.41, Nxb Tiến Bộ Mát-xcơ-va, 1977, tr.22-23.
[9] V.I.Lênin. Sđd, t.36, tr.621.
[10] Hồ Chí Minh. Sđd., t 5, tr. 509.
[11] Hồ Chí Minh. Sđd., t 9, tr. 285.
[12] Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 65.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét