Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

GIẢI QUYẾT HÀI HOÀ MỐI QUAN HỆ LỢI ÍCH CÁ NHÂN, TẬP THỂ VÀ XÃ HỘI - ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI Ở VIỆT NAM

Hiện nay, chúng ta đang hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam “hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, phấn đấu đến năm 2020 về cơ bản là một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đảng ta khẳng định: "Động lực chủ yếu để phát triển đất nước là đại đoàn kết toàn dân trên cơ sở liên minh giữa công nhân với nông dân và trí thức do Đảng lãnh đạo, kết hợp hài hoà các lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực của các thành phần kinh tế, của toàn xã hội"[1], “chấp nhận những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc” và “Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hoà quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội”[2]. Đây là quan điểm và phương hướng chỉ đạo lớn của Đảng, đòi hỏi phải được thực hiện đồng bộ trong hệ thống chính sách kinh tế - xã hội (KT-XH) ở cả tầm vĩ mô và vi mô, đồng thời mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức đúng đắn và thực hiện tốt theo từng vương vị, chức trách đảm nhiệm. Để thực hiện được điều đó, chúng ta phải giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội
Về thực chất, quan hệ lợi ích là mối quan hệ giữa người với người nảy sinh và phát triển tất yếu do chính các quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế chuyển hoá thành nhu cầu đời sống xã hội và mỗi thành viên. Quan hệ kinh tế, quan hệ lợi ích có thể xem là "cốt lõi vật chất" của các mối quan hệ xã hội. Bởi lẽ, lợi ích là khâu trực tiếp hơn cả trong việc tạo nên động cơ tư tưởng thúc đẩy con người hành động nhằm thoả mãn nhu cầu. Nhu cầu ngày càng lớn thì sự hấp dẫn của lợi ích đối với chủ thể càng lớn và do đó động cơ tư tưởng nảy sinh trên cơ sở của lợi ích này cũng càng cuốn hút con người, thúc đẩy con người lao vào hành động. Như vậy, tất cả những gì thúc đấy con người hành động đều gắn liền với nhu cầu và lợi ích của họ. Điềm khác nhau chỉ là ở chỗ có hành vi chịu sự chi phối của lợi ích vật chất, có hành vi bị chi phố bởi lơi ích tinh thần, có hành vi chịu sự thúc đẩy của lợi ích cá nhân, có hành vi chịu sự thúc đẩy của lợi ích tập thể, xã hội. Không có hành vi nào của con người hoàn toàn thoát khỏi sự thúc đẩy của lợi ích. Song, trong xã hội, các lợi ích khác nhau đó, đặc biệt là giữa lợi ích riêng và lợi ích chung lợi ích tập thế và lợi ích xã hội), có thể phù hợp với nhau, cũng có thể không phù hợp, thậm chí còn trái ngược nhau. Điều đó còn xảy ra đối với cả những lợi ích chung của các cộng đồng khác nhau, cũng như đối với các lợi ích riêng khác nhau. Để những hành vi và những hoạt động của từng người cụ thể đang theo đuổi các lợi ích khác nhau không triệt tiêu nhau và làm rối loạn xã hội, xã hội cần đến những phương thức điều tiết hành vi của con người mang ý nghĩa phổ biến. Giải quyết hài hoà lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội là một trong những phương thức cần được sử dụng.
Lợi ích là sự phản ánh nhu cầu của cá nhân, của nhóm xã hội, giai cấp có nguồn gốc từ trong quan hệ sản xuất, quan hệ kinh tế được con người nhận thức và trở thành động cơ mục đích hoạt động của họ. Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) có ba loại lợi ích bao trùm nhất là lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội. Chúng có mối liên hệ biện chứng thống nhất, gắn bó hữu cơ, chế ước lẫn nhau nhưng có tính độc lập tương đối không thể đồng nhất, không thể thay thế nhau. Vì vậy, kết hợp hài hoà và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các lợi ích đó sẽ tạo ra động lực của sự phát triển KT-XH. Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh, khi nào chúng ta kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội sẽ tạo ra được trạng thái lành mạnh trong từng đơn vị tập thể và xã hội, do vậy mà tính tích cực xã hội và tinh thần sáng tạo được phát huy, kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định; nếu ngược lại sẽ kìm hãm, cản trở sự phát triển KT-XH, thậm chí tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội gia tăng.
Trong hai cuộc kháng chiến, do chúng ta phải huy động sức người, sức của "tất cả để chiến thắng", để giành cho được tự do, độc lập, thống nhất đất nước cho nên việc đề cao các lợi ích chung của xã hội, của dân tộc, đề cao chủ nghĩa tập thể, giá trị tập thể là hoàn toàn cần thiết và phù hợp. Đó chính là lúc mà sự hy sinh cống hiến người và của cho cách mạng, tất cả vì cái chung, vì quyền lợi của dân tộc là xu hướng chủ đạo trong đời sống xã hội, được mọi người chấp nhận hiển nhiên.
Giai đoạn 1975 -1985, với sự tồn tại của cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp kéo dài, đáng chú ý là tình trạng có những chủ trương chính sách của Đảng còn biểu hiện chỉ nặng về đề cao cái chung, tập thể và chủ nghĩa tập thể mà đi đến xem nhẹ cá nhân (con người cụ thể); chưa thực sự quan tâm đến lợi ích cá nhân, hậu quả là đã không phát huy được động lực, tính tích cực, sáng tạo của cá nhân trong đời sống và phát triển kinh tế. Sau chiến tranh, bao nhiêu nhu cầu chính đáng của con người về ăn, mặc, ở, sinh hoạt... (trước kia tạm gác lại) đòi hỏi phải được thoả mãn mà không được đáp ứng, cơ chế quản lý hành chính quan liêu bao cấp vẫn còn tồn tại dai dẳng, tư tưởng bình quân chủ nghĩa cùng với hậu quả chiến tranh đã làm cho con người ít sáng tạo, thụ động, dựa dẫm, ỷ lại, vì đã quen có tập thể và nhà nước bao cấp.
Từ năm 1986 đến nay, do có đường lối đổi mới đúng đắn, sáng tạo, Đảng đã chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, mở cửa giao lưu và tham gia hội nhập, toàn cầu hoá với quan điểm phát huy nhân tố con người, phát huy mọi nguồn lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, kết hợp hài hoà cả ba lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội. Chủ trương đó đã được thể hiện trong chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, tạo điều kiện cho mọi đối tượng, đơn vị, cộng đồng có thể làm giàu chính đáng; Nhà nước tôn trọng phát huy tính tích cực của từng cá nhân, coi trọng sức mạnh tập thể, đồng thời tính đến các yêu cầu rộng lớn của xã hội. Chính sách xoá đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp và nông thôn, đầu tư cho vùng sâu vùng xa, giảm sự phân hoá giàu nghèo; chính sách đền ơn đáp nghĩa với người có công với nước (thương binh, gia đình liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng...); chính sách xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá... đã đi vào cuộc sống, thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về kết hợp hài hoà các lợi ích. Song, trong thực tiễn lại xuất hiện những khuynh hướng quá đề cao lợi ích cá nhân hoặc chỉ coi trọng lợi ích tập thể nhỏ, nhất là đối với lớp trẻ và những đơn vị trực tiếp sản xuất kinh doanh, làm kinh tế. Còn có hiện tượng nhân danh tập thể, nhân danh lợi ích tập thể nhưng thực ra chỉ vì cá nhân, vì lợi ích của một nhóm người cụ thể nào đó hay "nhân danh xã hội", vì cái chung, vì nhân dân, nhưng thực ra chỉ vì "tập thể nhỏ", vì lợi ích cục bộ của đơn vị, địa phương. Các vụ án tham nhũng, tham ô, hối lộ trong những năm vừa qua là biểu hiện của sự vi phạm mối quan hệ lợi ích, là ví dụ điển hình của xu thế chạy theo và tuyệt đối hoá quan hệ. Vì lợi ích cá nhân mà người ta sẵn sàng làm điều phi pháp bất chấp cả đạo lý và pháp luật.
Trong bối cảnh tình hình mới, do yêu cầu đổi mới và hoàn thiện chính sách KT-XH của Đảng và Nhà nước, Đảng ta tiếp tục khẳng định quan điểm, chủ trương trước đây về kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội  trong mối quan hệ với nền tảng liên minh công nhân, nông dân và đội ngũ trí, thực hiện đại đoàn kết toàn dân. Để giải quyết đúng đắn mối quan hệ lợi ích trên, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức rõ và quán triệt tốt những vấn đề cơ bản sau:
- Kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể, lợi ích xã hội, xuất phát từ luận điểm có tính nguyên tắc của Đảng ta là tất cả vì con người, coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển KT-XH. Kết hợp hài hoà ba lợi ích, giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích là nhằm phát huy nhân tố con người, nguồn lực con người, tiềm năng con người cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh và nguồn lực quốc gia của sự phát triển bao gồm cả nhân lực, vật lực, cả nội lực và ngoại lực, cả nguồn lực vật chất và nguồn lực tinh thần, truyền thống và hiện đại, trong đó nguồn lực con người là trung tâm và quan trọng nhất. Sức mạnh của nguồn lực con người được cấu thành và tạo nên bởi nguồn lực của cá nhân, tập thể và xã hội mối quan hệ hữu cơ thống nhất mà lợi ích là cốt lõi vật chất. Các chính sách đều phải xuất phát từ nhu cầu của đại đa số quần chúng nhân dân, chứ không thể xuất phát từ lợi ích cá nhân của người hoạch định chính sách, của một nhóm, một tập đoàn nào đó. Do đó, cần xem đây là phương châm chỉ đạo cách mạng, cơ sở cho việc hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước mà mỗi cán bộ, đảng viên phải nhận thức rõ ràng và quán triệt đầy đủ trong thực hiện chức trách và nhiệm vụ của mình.
- Trong mọi lĩnh vực, mọi hoạt động đều coi trọng giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích, kết hợp hài hoà các lợi ích; nghĩa là vừa chú ý đúng mức đến lợi ích cá nhân, vừa phải quan tâm thích đáng đến lợi ích tập thể, quyền lợi của cơ quan, đơn vị; đồng thời tính đến và đảm bảo lợi ích chung của xã hội, dân tộc, quốc gia, thực hiện tốt quan điểm mà Đảng ta xác định: “Mục tiêu và động lực chính của sự phát triển là vì con người, do con người. Chiến lược kinh tế - xã hội đặt con người vào vị trí trung tâm... Lợi ích của mỗi người, của từng tập thể và của toàn xã hội gắn bó hữu cơ với nhau, trong đó lợi ích cá nhân là động lực trực tiếp”[3]. Giải quyết đúng đắn các mối quan hệ lợi ích, kết hợp hài hoà ba lợi ích cần phải dựa vững chắc trên cơ sở của chuẩn mực XHCN, pháp luật của Nhà nước và truyền thống của dân tộc ta theo nguyên tắc chung là lợi ích cá nhân phải phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích tập thể phải phục tùng lợi ích xã hội; khi có xung đột lợi ích thì phải đặt lợi ích chung lên trên, lên trước.
Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "...mỗi người trong Đảng phải hiểu rằng: lợi ích cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích của toàn thể. Lợi ích tạm thời nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài"[4]. Và khi "lợi ích chung của Đảng mâu thuẫn với lợi ích riêng của cá nhân, thì phải kiên quyết hy sinh lợi ích của cá nhân cho lợi ích của Đảng. Khi cần đến tính mệnh của mình cũng phải vui lòng hy sinh cho Đảng"[5]. Điều này cho thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới lợi ích cá nhân và coi đó là động lực trực tiếp để kích thích tính tích cực, sáng tạo của mỗi cá nhân. Bởi, trong cuộc sống, mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và gia đình mình. Nếu lợi ích cá nhân đó không trái với lợi ích tập thể thì không phải là cái xấu... đối với cán bộ, đảng viên, thì phải xác định rõ lợi ích của cá nhân nhất định phải phục tùng lợi ích của Đảng. Lợi ích của mỗi bộ phận nhất định phải phục tùng lợi ích lâu dài. Để giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích theo tinh thần của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi chúng ta phải có  ý thức và tinh thần tập thể, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân, tính ích kỷ hẹp hòi, tính vụ lợi là cội nguồn của những thói hư tật xấu, của những vi phạm trong mối quan hệ lợi ích hiện nay.
- Cần tiếp tục đổi mới hoàn thiện chính sách KT-XH của Nhà nước theo tinh thần kết hợp hài hoà ba lợi ích cá nhân, tập thể và xã hội. Quan điểm kết hợp hoà ba lợi ích của Đảng đã được thực hiện trong thực tiễn, thể hiện tính đúng đắn của đường lối, tạo ra sự ổn định kinh tế xã hội, tạo ra động lực mạnh mẽ cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Tuy nhiên, do tổ chức thực hiện còn có hạn chế, do nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa  đầy  đủ,  do  sự  thoái hoá biến chất của một số cán bộ có chức, có quyền... cho nên vấn đề kết hợp và giải quyết hài hoà các quan hệ lợi ích vẫn còn bất cập, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng hiện nay. Cần thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô để khuyến khích lợi ích, đảm bảo tốt lợi ích của người lao động, các đơn vị, địa phương cũng như toàn xã hội bằng việc thừa nhận sự đãi ngộ về vật chất và tinh thần dưới hình thức luật pháp hoá, thể chế hoá các quyền của cá nhân, các quy định của các đơn vị và địa phương... để định hướng điều chỉnh các mối quan hệ, định hướng giá trị nhân cách con người theo các chuẩn mực tiến bộ, hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc văn hoá dân tộc. Đây là cơ sở để cá nhân hiểu và thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm với tập thể; tập thể đơn vị luôn quan tâm tìm cách đáp ứng nhu cầu, quyền lợi chính đáng của mỗi cá nhân, đồng thời phải thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm đối với xã hội, phải tính đến lợi ích chung của quốc gia, dân tộc trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình. Trong tình hình hiện nay, một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất năng lực của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, yêu cầu phải là người biết vận dụng đúng đường lối, chính sách của Đảng, có khả năng kết hợp và giải quyết hài hoà ba lợi ích theo đúng đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ, tình hình của đơn vị, ngành và địa phương.
Như vậy, thực hiện “kết hợp hài hoà lợi ích” của cá nhân, tập thể và xã hội trên cơ sở đảm bảo độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và mục tiêu hoà bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Trong đó, Đảng ta đặc biệt chú trọng lợi ích kinh tế, giải quyết thoả đáng các yêu cầu và nguyện vọng chính đáng của người dân, gắn lợi ích với trách nhiệm, quyền lợi và nghĩa vụ công dân, tăng cường sự đồng thuận xã hội, xây dựng quan hệ hợp tác, cởi mở, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai; tôn trọng những ý kiến khác nhau nhưng không trái với lợi ích chung của dân tộc;..., nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa trên nền tảng của liên minh công – nông - trí vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa đã trở thành động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội ở nước ta. Thực tiễn “kết hợp các lợi ích” những năm vừa qua đã tạo ra một “cơ chế” tích cực, trở thành động lực thúc đẩy các chủ thể hoạt động hiệu quả, năng động, sáng tạo, mang lại những thành tựu to lớn về kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr. 86.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (Dự thảo), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010, tr. 66.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, Nxb Sự thật, 1991, tr. 8.
[4] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 250.
[5] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr. 251.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét