Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

BÀN “VỀ TÁC DỤNG CỦA CHỦ NGHĨA DUY VẬT CHIẾN ĐẤU” LỜI DI CHÚC TRIẾT HỌC CỦA V.I.LÊNIN


V.I.Lênin - là tấm gương mẫu mực trong việc bảo vệ và phát triển triết học Mác lên một giai đoạn mới cao hơn, với tinh thần sáng tạo của tư duy biện chứng, phản ánh yêu cầu của thời đại mới, nhất là sau cách mạng tháng Mười năm 1917, sự phát triển triết học của V.I.Lênin gắn liền với việc nghiên cứu và giải quyết các vấn đề của thực tiễn cách mạng, phong trào công nhân, công cuộc xây dựng cơ sở ban đầu của chủ nghĩa xã hội… nhiều nguyên lý triết học Mác được bổ sung và phát triển sâu sắc hơn thông qua các tác phẩm, bài báo, trong đó bài báo “Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu” - là một công trình quan trọng, được coi như lời di chúc triết học của V.I.Lênin.
Bài báo được viết cho số 3 của tạp chí “Dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác”[1]. Theo lời của N. C. Crúp-xcai-a, V.I.Lênin đã suy nghĩ về bài báo này trong thời gian nghỉ ở làng Coóc-din-ki-nô. Trong thời gian này, Người đọc nhiều sách lớn, nhỏ viết về các đề tài chống tôn giáo, trong đó cuốn sách của A. Đrếp-xơ “Die Christusmythe” (“Huyền thoại về chúa Giê-su”) và cuốn sách của E. Xin-cle “The Profits of religion” (bản dịch tiếng Nga của cuốn sách này đã được xuất bản năm 1925 dưới đầu đề “Tôn giáo và tiền lãi”)... nhận thấy việc tuyên truyền chống tôn giáo ở nước Nga đang diễn ra hời hợt, sự tầm thường hoá việc tuyên truyền đó và không gắn bó với khoa học tự nhiên, gốc rễ xã hội của tôn giáo ít được bóc trần, do đó, nó chưa thỏa mãn được những yêu cầu của công nhân, trong khi đó những yêu cầu này lại tăng lên quá nhiều trong những năm cách mạng.
Ngày 12/03/1922, bài báo được viết xong, song V.I.Lênin vẫn tiếp tục hoàn thiện bài báo đó. Trong bức thư ngắn gửi cho thư ký, Người viết: “Tôi đề nghị ghi một cách kỹ lưỡng hơn vào bản thứ hai (số 2) những sửa đổi và bổ sung mà tôi đã ghi ở bản số 1 và gửi bản số 1 tới tạp chí “Dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác”, có lấy ký nhận”[2]. Và đã ghi thêm vào bài báo đoạn bổ sung về Đrếp-xơ và Víp-pe là những đại biểu đương thời của phái phê phán tôn giáo một cách khoa học (rõ ràng lời ghi của V.I.Lênin “+ Đrếp-xơ + Víp-pe” ở bài “Lời toà soạn” trong một bản của tạp chí “Dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác” số 1-2, là có liên quan đến vấn đề này; tờ báo này được lưu trữ ở Cục lưu trữ trung ương của Đảng thuộc Viện nghiên cứu Chủ nghĩa Mác - Lênin trực thuộc Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên-xô); sau khi đã chỉ ra một cách tổng quát tầm quan trọng của việc sử dụng các loại sách lớn nhỏ... thuộc loại tương tự vào việc tuyên truyền chống tôn giáo, Người đã gạch bỏ phần nhắc tới cuốn sách của E. Xin-cle “The Profits of religion”. Trong bài báo “Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu”, V.I.Lênin đã xác định các phương hướng công tác quan trọng nhất của Đảng Cộng sản trên mặt trận triết học; xác định mục tiêu của công tác đó, vạch ra các biện pháp thực tiễn mà cụ thể là các vấn đề cơ bản sau:
Trước hết, cần phải liên minh giữa những đảng viên cộng sản với những người duy vật chủ nghĩa triệt để không ở trong Đảng Cộng sản, phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa triết học và khoa học tự nhiên, phải liên minh giữa các nhà triết học với các nhà khoa học tự nhiên, phải nghiên cứu toàn diện phép biện chứng trên cơ sở khái quát các hiện tượng và các quá trình trong đời sống xã hội và các thành tựu của khoa học tự nhiên
Theo V.I.Lênin, sự liên minh “giữa những đảng viên cộng sản với những người không phải đảng viên cộng sản là tuyệt đối cần thiết”, đồng thời cũng cảnh báo rằng “một trong những sai lầm lớn nhất và nguy hiểm nhất của những đảng viên cộng sản (cũng như của những người cách mạng nói chung, đã hoàn thành thắng lợi giai đoạn đầu của một cuộc cách mạng vĩ đại), chính là quan niệm cho rằng sự nghiệp cách mạng chỉ có thể hoàn thành được độc bằng bàn tay của những người cách mạng thôi”[3]. Mà trái lại, muốn bảo đảm cho bất cứ hành động cách mạng quan trọng nào đi đến thành công, thì cũng đều phải hiểu và phải biết thực hành cái tư tưởng là: những người cách mạng chỉ có thể đóng vai trò đội tiền phong của cái giai cấp thực sự giàu sức sống và tiên tiến thôi. Đội tiền phong chỉ làm tròn được sứ mệnh của nó khi nó biết gắn bó với quần chúng mà nó lãnh đạo và thực sự dẫn dắt toàn thể quần chúng tiến lên. Nếu không liên minh với những người không phải là đảng viên cộng sản trong các lĩnh vực hoạt động hết sức khác nhau, thì “không thể nói tới một thành công nào trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa cộng sản cả”.
Cho nên, “nhiệm vụ tuyệt đối của chúng ta là phải thu hút tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa duy vật triệt để và chiến đấu, vào công tác đấu tranh chung chống lại triết học phản động và những thiên kiến triết học của cái gọi là “giới có học thức”[4]. Chính những phát minh tiếp sau đó của khoa học tự nhiên như: ra- đi-om, điện tử, sự chuyển hóa của các nguyên tố - đã hoàn toàn xác nhận chủ nghĩa duy vật biện chứng, bất chấp các học thuyết của các nhà triết học tư sản vẫn nhai đi nhai lại những giáo điều của chủ nghĩa duy tâm đã bị bác bỏ từ lâu.
Ngoài ra, còn lưu ý đối với các nhà khoa học rằng, không được để “cái vẻ hào nhoáng bề ngoài của “những thành tựu mới nhất” của khoa học châu Âu làm mê hoặc”, mà phải “có khả năng phân biệt được rằng dưới cái vẻ hào nhoáng ấy, là những loại hình tôi tớ phục vụ giai cấp tư sản, phục vụ những thiên kiến và khuynh hướng phản động của giai cấp ấy”, “những tên đầy tớ có bằng cấp, những tên mà hiện nay đang lừa gạt nhân dân bằng chủ nghĩa duy tâm giả dối giống như bọn linh mục đa thần trước đây đã loè bịp nhân dân bằng những điều hiểu biết đầu tiên về thiên nhiên mà lúc bấy giờ người ta mới thu lượm được”[5]. Do đó, muốn bảo vệ chủ nghĩa duy vật chiến đấu thì phải triệt để vạch mặt và truy kích những “tên đầy tớ có bằng cấp” của bọn thầy tu, dù chúng tự nhận là những đại biểu của giới khoa học quan phương hay là những nghĩa dũng binh, dù chúng tự xưng là những nhà chính luận “dân chủ cánh tả hay có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”, phải tiến hành không biết mệt mỏi việc tuyên truyền vô thần và đấu tranh vô thần. Cần phải chăm chú theo dõi tất cả sách báo tương ứng viết bằng các thứ tiếng, dịch hay ít nhất cũng giới thiệu được tất cả những gì có một giá trị nào đó về phương diện ấy.
Ngoài sự liên minh với những người duy vật chủ nghĩa triệt để, không ở trong Đảng Cộng sản, thì một điều không kém quan trọng, nếu không phải là quan trọng hơn đối với sự nghiệp mà chủ nghĩa duy vật chiến đấu sẽ phải làm tròn, đó là sự liên minh với những đại biểu của các ngành khoa học tự nhiên hiện đại đang ngả về chủ nghĩa duy vật, có can đảm bảo vệ và truyền bá chủ nghĩa này chống những khuynh hướng triết học duy tâm chủ nghĩa và hoài nghi chủ nghĩa là những khuynh hướng đang thịnh hành.
Nhận thức rõ tầm quan trọng của khoa học đối với sự phát triển của xã hội V.I.Lênin đã dành nhiều thời gian quan tâm đến sự phát triển của khoa học, theo sát sự phát triển đó, tự mình đề ra nhiều tư tưởng mới. Với những nhận xét, đánh giá xác đáng về vai trò ngày càng tăng của khoa học trong đời trong xã hội. Đồng thời, qua các tác phẩm lý luận và qua sự chỉ đạo thực tiễn của V.I.Lênin đã nêu lên những nguyên tắc có tính phương pháp luận về sự phát triển của khoa học, về sự lựa chọn phương hướng nghiên cứu, về việc giải quyết các vấn đề kế hoạch hoá, đào tạo, bồi dưỡng, giúp đỡ các nhà khoa học và quản lý hoạt động khoa học, về mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội, giữa triết học và các khoa học cụ thể. Bởi, triết học được khoa học tự nhiên cung cấp cho những tài liệu nhận thức về tự nhiên và “mỗi lần có một phát minh vạch thời đại, ngay cả trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, thì chủ nghĩa duy vật không tránh khỏi thay đổi hình thức của nó...” và trong mối quan hệ đó, triết học đã đi trước khoa học tự nhiên trên nhiều lĩnh vực, bằng những tư tưởng đúng đắn, những dự kiến thiên tài, triết học đã không những vạch đường cho khoa học tự nhiên tiến lên và giúp cho khoa học tự nhiên phương hướng, những công cụ nhận thức để khắc phục những khó khăn trở ngại vấp phải trên đường đi của mình, cho nên các nhà khoa học tự nhiên đã có thái độ thế nào đi nữa họ cũng vẫn bị triết học chi phối. Việc “khinh miệt phép biện chứng không thể không bị trừng phạt”.
Trong hàng loạt tác phẩm của mình, V.I.Lênin đã đề cập đến sự ảnh hưởng của thế giới quan, phương pháp luận triết học và các khoa học xã hội khác đối với khoa học tự nhiên. Khi khoa học có những tiến bộ cực kỳ nhanh chóng và những đảo lộn cách mạng sâu sắc trong mọi lĩnh vực thì nó “không thể không cần đến những kết luận triết học”, bởi vì lịch sử đã chứng tỏ rằng, khi xảy ra những đảo lộn trong khoa học thì đồng thời cũng xảy ra sự lợi dụng chúng, bóp méo và xuyên tạc chúng nhằm chống lại khoa học và thế giới quan khoa học.
Cùng với đó cần phải nhớ rằng chính do sự đảo lộn căn bản của các ngành khoa học tự nhiên mà luôn luôn đẻ ra các trường phái triết học phản động lớn và nhỏ, các xu hướng triết học phản động lớn và nhỏ. Cho nên, theo dõi những vấn đề do cuộc cách mạng về mặt khoa học tự nhiên đặt ra và lôi kéo các nhà khoa học tự nhiên tham gia bảo vệ, phát triển chủ nghĩa duy vật chiến đấu “là một nhiệm vụ mà nếu không giải quyết được thì dù như thế nào, chủ nghĩa duy vật chiến đấu cũng sẽ không thể có tính chất chiến đấu và duy vật được”[6]. Và để có thái độ tự giác trước hiện tượng đó, chúng ta cần hiểu rằng “nếu không có một cơ sở triết học vững vàng thì tuyệt nhiên không có khoa học tự nhiên nào hay chủ nghĩa duy vật nào có thể tiến hành đấu tranh chống được sự lấn bước của những tư tưởng tư sản và sự phục hồi của thế giới quan tư sản. Muốn tiến hành được cuộc đấu tranh ấy và đưa nó đến thành công hoàn toàn, nhà khoa học tự nhiên phải là một nhà duy vật hiện đại, một đồ đệ tự giác của chủ nghĩa duy vật mà Mác là người đại diện, nghĩa là nhà khoa học tự nhiên ấy phải là một nhà duy vật biện chứng”[7].
Thực tiễn sự phát triển hiện nay của khoa học cho thấy những thành tựu của vật lý học, sinh học, vũ trụ học…đang giúp các khoa học xã hội làm chính xác thêm những tri thức đã có. Kỹ thuật thông tin và tính toán điện tử, các lý thuyết mô hình và vận trù, xác suất và thống kê…được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành khoa học xã hội. Ngay cả triết học cũng ngày càng liên hệ chặt hơn với các khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật. Sự phát triển của vật lý học, của cơ học lượng tử, của hoá học, của sinh học phân tử, của điều khiển học… đã và đang đặt ra trước triết học những vấn đề cần được làm sâu sắc thêm như vấn đề nhân quả, quyết định luận, vấn đề sự sống, vấn đề phản ánh, cơ chế và quá trình hình thành ý thức...Triết học sẽ trở nên nghèo nàn, lạc hậu và giáo điều nếu không thấy những cái mới do khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và khoa học kỹ thuật đưa lại, nếu không gắn bó với thực tiễn sinh động của cuộc sống. Chính V.I.Lênin đã căn dặn: Triết học không có quyền gì được tồn tại độc lập và tài liệu của nó đều nằm ở trong các ngành khác nhau của khoa học thực chứng.
Thứ hai, tiếp thu có phê phán và sáng tạo những truyền thống duy vật và biện chứng trước đây đặc biệt là chủ nghĩa vô thần của các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII và phép biện chứng của Hêgen
Tính nhất nguyên của chủ nghĩa duy vật làm cho các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII thể hiện mạnh mẽ chủ nghĩa vô thần. Theo Ph.Ăngghen, “những vĩ nhân ở Pháp… rất cách mạng. Họ không thừa nhận một thứ uy quyền nào cả. Tôn giáo, quan niệm về tự nhiên, xã hội, tổ chức nhà nước, tất cả đều được đem ra phê phán hết sức nghiêm khắc”[8]. Sau này, ông còn thừa nhận rằng, “xét hình thức lý luận của nó thì chủ nghĩa xã hội hiện đại (học thuyết của C.Mác và Ph.Ăngghen về chủ nghĩa xã hội – T.G) lúc đầu xuất hiện như một sự phát triển tiếp tục và dường như triệt để hơn những nguyên lý mà các nhà triết học Khai sáng vĩ đại Pháp hồi thế kỷ XVIII đã nêu lên”[9]. Như vậy, “trong suốt cả lịch sử hiện đại của châu Âu và nhất là vào cuối thế kỷ XVIII, ở nước Pháp, nơi đã diễn ra một cuộc quyết chiến chống tất cả những rác rưởi của thời trung cổ, chống chế độ phong kiến trong các thiết chế và tư tưởng, chỉ có chủ nghĩa duy vật là triết học duy nhất triệt để, trung thành với tất cả mọi học thuyết của khoa học tự nhiên, thù địch với mê tín, với thói đạo đức giả, v.v.”[10].
Do đó, đối với “những người lãnh đạo của giai cấp vô sản đương thời là phải dịch các trước tác chiến đấu vô thần chủ nghĩa cuối thế kỷ XVIII, để truyền bá ra thật nhiều trong nhân dân”[11]. V.I.Lênin đã ví rằng: việc cướp lấy chính quyền trong một thời kỳ cách mạng thì dễ hơn rất nhiều so với việc biết sử dụng đúng đắn chính quyền ấy. Nhưng trong thực tế “đôi lúc người ta bào chữa cho sự nhu nhược, sự tiêu cực, sự vụng về của chúng ta bằng đủ thứ lý do “khoa trương”. Chẳng hạn, người ta thường thích nói rằng sách báo vô thần cũ của thế kỷ XVIII là cổ hủ rồi, là không khoa học, là ấu trĩ, v.v.. Không có gì tệ hơn là lối nguỵ biện giả mạo khoa học ấy, nó che giấu hoặc bộ mặt thông thái rởm, hoặc sự hoàn toàn không hiểu biết chút gì về chủ nghĩa Mác”[12]. Cố nhiên các nhà duy vật Pháp thế kỷ XVIII vẫn chưa thoát khỏi duy tâm trong việc giải quyết những vấn đề xã hội.
Nhưng sai lầm lớn nhất và tệ nhất mà một người mác-xít có thể mắc phải “là tưởng rằng quần chúng nhân dân đông hàng bao nhiêu triệu con người (và nhất là quần chúng nông dân và thợ thủ công), bị cái xã hội hiện đại đẩy vào vòng tối tăm, dốt nát và thiên kiến chỉ có thể thoát ra khỏi vòng tối tăm ấy bằng con đường trực tiếp của một nền giáo dục thuần tuý mác-xít”[13] mà điều cần thiết là phải cung cấp cho những quần chúng ấy đủ các thứ tài liệu tuyên truyền vô thần, giới thiệu cho họ những sự việc lấy trong mọi mặt sinh hoạt thực tế, dùng mọi cách để làm cho họ có hứng thú, kéo họ ra khỏi sự mê muội tôn giáo, thức tỉnh họ từ mọi phía và bằng đủ mọi phương pháp.
Đọc những tác phẩm chính luận sinh động, đầy sức sống, tài tình của những nhà vô thần cũ của thế kỷ XVIII công khai và sắc sảo công kích bọn thầy tu đương thống trị, thì thường là những tác phẩm muôn ngàn lần có khả năng đưa người ta ra khỏi sự mê muội tôn giáo hơn là những lời lặp lại chủ nghĩa Mác một cách nhạt nhẽo, khô khan.
Cùng với đó cần tổ chức việc nghiên cứu một cách có hệ thống phép biện chứng của Hêgen trên tất cả các mặt theo quan điểm duy vật và bình luận những đoạn văn ấy bằng cách đưa những thí dụ của Mác về lối vận dụng phép biện chứng, và cả những thí dụ về phép biện chứng lấy trong địa hạt các quan hệ kinh tế, chính trị. Đương nhiên, công tác nghiên cứu, giải thích và tuyên truyền phép biện chứng của Hêgen như thế là một công tác vô cùng khó khăn, cho nên hẳn là những bước thí nghiệm đầu tiên trong lĩnh vực đó phải có những sai lầm. Nhưng chỉ có ai không làm gì mới không bao giờ sai lầm.
Theo V.I.Lênin, các nhà khoa học tự nhiên hiện đại có thể tìm thấy (nếu họ biết tìm và nếu chúng ta biết cách giúp đỡ họ) trong phép biện chứng của Hêgen được giải thích theo quan điểm duy vật, những câu giải đáp cho những vấn đề triết học do cuộc cách mạng trong các ngành khoa học tự nhiên đề ra, những vấn đề đang làm cho những phần tử trí thức sùng bái cái mốt tư sản, “sa chân” vào con đường phản động... thì chủ nghĩa duy vật không thể là một chủ nghĩa duy vật chiến đấu được và nói theo Sê-đrin, nó sẽ không phải là một chiến sĩ mà chỉ là kẻ chiến bại. Nếu không làm thế, các nhà khoa học tự nhiên lớn cũng lại vẫn sẽ luôn luôn bất lực trong những kết luận và khái quát triết học của họ như trước kia, vì khoa học tự nhiên đang tiến bộ nhanh, đang trải qua một thời kỳ đảo lộn cách mạng sâu sắc trong tất cả mọi lĩnh vực, đến nỗi nó tuyệt đối không thể không cần đến những kết luận triết học.
Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào định hướng khoa học và ý thức hệ mà các nhà triết học sẽ có các cách tiếp cận khác nhau đối với việc nghiên cứu và đánh giá phép biện chứng của Hêgen. Một số nhà triết học cố gắng nghiên cứu các tư tưởng biện chứng thiên tài của Hêgen trên cơ sở các dữ liệu của khoa học hiện đại và kinh nghiệm lịch sử mới của thời đại. Ngược lại, một số nhà triết học khác lại tiến hành nghiên cứu phép biện chứng Hêgen cốt chỉ để bác bỏ nó, chỉ để thuyết phục người khác tin rằng về nguyên tắc phép biện chứng không áp dụng được vào thế giới khách quan mà chỉ có quan hệ với tư duy. Như vậy, trong số những người nghiên cứu phép biện chứng Hêgen thì một số là các nhà biện chứng còn số khác là kẻ thù của phép biện chứng.
Là những người ủng hộ sự phát triển sáng tạo phép biện chứng, chúng ta đánh giá cao công lao vĩ đại của Hêgen đối với phép biện chứng và coi việc tiếp tục tổng kết khái quát những thành tựu mới nhất của khoa học và thực tiễn hiện đại đế làm giàu thêm phép biện chứng duy vật của C. Mác là nhiệm vụ quan trọng và không bao giờ kết thúc.
Thứ ba, tuyên truyền chủ nghĩa vô thần để uốn nắn những sai lầm nghiêm trọng trong công tác tôn giáo
Khi xã hội tư bản chủ nghĩa đã đi vào giai đoạn phát triển thành chủ nghĩa đế quốc - giai đoạn độc quyền của chủ nghĩa tư bản và đẩy xã hội vào tình trạng bị đè nén, nó làm tăng cảm giác bất lực của quần chúng, nhu cầu tìm con đường giải thoát trong tôn giáo tăng lên, theo V.I.Lênin: Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bọn bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào một cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng giống như sự bất lực của con người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép mầu... và “mối liên hệ giữa những lợi ích giai cấp với lập trường giai cấp của giai cấp tư sản, mối liên hệ giữa việc nó ủng hộ tất cả mọi hình thức tôn giáo với nội dung tư tưởng của những trào lưu triết học đang thịnh hành”[14]. Như vậy, thực chất tất cả mọi tôn giáo chẳng qua chỉ là sự phản ảnh hư ảo vào trong đầu óc của con người - của những lực lượng ở bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ; chỉ là sự phản ảnh trong đó những lực lượng ở trần thế đã mang hình thức những lực lượng siêu trần thế.
Nước Nga đầu thế kỷ XX là một thực thể chính trị - kinh tế - xã hội rất phức tạp. Tính chất phức tạp của nước Nga không chỉ về địa lý (đất đai mênh mông, vị trí bản lề giữa châu Âu và châu Á), mà chủ yếu về mặt xã hội. Nơi đây có hơn 100 dân tộc, sắc tộc sinh sống nhưng rất khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng, lối sống, trình độ chính trị, kinh tế, xã hội. Tuy đã bước sang giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nhưng về chính trị, nước Nga vẫn là một nước quân chủ chuyên chế, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay các Sa Hoàng cha truyền con nối của triều đại Rô-ma-nốp. Chính vì vậy, nước Nga Sa Hoàng từ lâu đã là “ngục tù của các dân tộc”. Và trên thực tế, xã hội nước Nga trong chế độ Nga Sa Hoàng, là một xã hội điển hình của sự đàn áp tín ngưỡng với sự cấu kết chặt chẽ giữa nhà nước và nhà thờ của đạo Chính Thống - nhánh Thiên Chúa giáo Hy Lạp. Chính vì thế, “Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Tôn giáo là thứ rượu tinh thần, làm cho những người nô lệ của tư bản mất phẩm cách con người và quên mất hết những điều họ đòi hỏi để được sống một cuộc đời đôi chút xứng đáng với con người”[15].
Đồng thời, trong thực tiễn cách mạng, V.I.Lênin đã tích cực đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc của bọn tư sản và “đòi hỏi rằng đối với nhà nước mà nói, tôn giáo phải là một việc tư nhân, nhưng đối với đảng của chính chúng ta, thì bất luận thế nào, chúng ta không thể coi tôn giáo là một việc tư nhân được. Nhà nước không dính đến tôn giáo, các đoàn thể tôn giáo không được dính đến chính quyền nhà nước. Bất kỳ ai cũng được hoàn toàn tự do theo tôn giáo mình thích, hoặc không thừa nhận một tôn giáo nào, nghĩa là được làm người vô thần… Giáo hội và nhà nước hoàn toàn tách khỏi nhau đó là điều mà giai cấp vô sản xã hội chủ nghĩa đòi nhà nước và giáo hội hiện đại phải thực hiện”[16]. Và cảnh báo: điều trọng yếu nhất - và đó chính là điều mà những người cộng sản ở ta thường hay quên, những người cộng sản tự xưng là mác-xít, nhưng trên thực tế lại chỉ làm sai lệch chủ nghĩa Mác đi - đó là biết lôi cuốn quần chúng hãy còn hoàn toàn lạc hậu bằng một thái độ tự giác đối với các vấn đề tôn giáo và bằng một sự phê bình tự giác của tôn giáo, rằng “giai cấp vô sản cách mạng nhất định sẽ đạt đến mục đích là làm cho tôn giáo thật sự trở thành một việc tư nhân đối với nhà nước. Và dưới chế độ chính trị đã được quét sạch những tàn dư thối nát thời trung cổ ấy, giai cấp vô sản sẽ tiến hành một cuộc đấu tranh rộng rãi và công khai nhằm xóa bỏ tình trạng nô lệ về mặt kinh tế, nguồn gốc thật sự của sự mê hoặc nhân loại bằng tôn giáo”[17].
 Các đảng viên cộng sản và tất cả những người duy vật triệt để, trong khi thực hiện sự liên minh của mình, trên một mức độ nào đó, với những phần tử tiến bộ trong giai cấp tư sản, thì đồng thời vẫn phải kiên trì tố cáo họ khi họ rơi vào khuynh hướng phản động, vì trong cuộc đấu tranh chống sự thống trị của bọn tôn giáo ngu dân, chúng ta phải “liên minh” với những người như Ác-tuya Đrếp-xơ (nhà “bác học” người Đức nổi tiếng, trong cuốn sách nhan đề “Huyền thoại về chúa Giê-su” đã đả phá những chuyện hoang đường và những thiên kiến tôn giáo, ông này chứng minh rằng chẳng hề có chúa Giê-su; song đến cuối sách, ông lại lên tiếng ủng hộ tôn giáo, nhưng là thứ tôn giáo đã được đổi mới, đã được tẩy rửa, đã tinh vi, có khả năng đương đầu với cái “trào lưu tự nhiên chủ nghĩa đang ngày càng mạnh”, và V.I.Lênin gọi ông ta là một tên phản động ra mặt, có ý thức, công khai giúp bọn bóc lột thay thế những thiên kiến tôn giáo cũ đã thối nát bằng những thiên kiến hoàn toàn mới, còn ghê tởm hơn và bỉ ổi hơn), dưới một hình thức nào đó, trong một chừng mực nào đó.
Để giải quyết được việc nhận thức và hành động đúng về tôn giáo, đòi hỏi cần phải tập trung tuyên truyền chủ nghĩa vô thần, để giới thiệu những sách báo nói về vấn đề ấy và để uốn nắn những sai lầm nghiêm trọng trong công tác về mặt này của nhà nước Xô-viết. Đặc biệt, cần sử dụng các loại sách lớn nhỏ mà nội dung có nhiều sự việc cụ thể và những sự so sánh, chứng minh mối liên hệ gắn chặt những lợi ích giai cấp và những tổ chức giai cấp của giai cấp tư sản hiện nay với các tổ chức tôn giáo và các cơ quan tuyên truyền tôn giáo.
Bài viết “Về tác dụng của chủ nghĩa duy vật chiến đấu” đã quán triệt tư tưởng về tác dụng vĩ đại của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử đối với việc cải tạo tự nhiên, cải tạo đời sống xã hội và ý thức của con người. Để phát triển thêm những quan điểm trong tác phẩm “Chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa kinh nghiệm phê phán” và cả trong “Bút ký triết học”, V.I.Lênin đã nhấn mạnh tính tất yếu phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa triết học mác-xít với khoa học tự nhiên, phải nghiên cứu toàn diện phép biện chứng trên cơ sở khái quát các hiện tượng, các quá trình trong đời sống xã hội, các thành tựu của khoa học tự nhiên. Đồng thời, chỉ rõ những người cộng sản cần phải kiên trì bảo vệ triết học của chủ nghĩa Mác, phải đấu tranh liên tục và không khoan nhượng chống mọi trào lưu duy tâm, vạch trần tính chất phản động của các học thuyết triết học hợp thời trang ẩn dưới cái vỏ hào nhoáng bên ngoài là “thành tựu mới nhất” của nền khoa học tư sản...  
Là người kế thừa sự nghiệp của C.Mác và Ph.Ăngghen, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản và trở thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Đây là đỉnh cao của trí tuệ nhân loại bởi tính khoa học và tính cách mạng triệt để của nó. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay, trước những biến đổi của thực tiễn, sự phát triển như vũ bão của khoa học, cũng như sự chống phá quyết liệt chủ nghĩa Mác-Lênin của các thế lực thù địch... đòi hỏi chúng ta phải thực hiện có hệ thống và đồng loạt các giải pháp khác nhau để bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, trong đó việc nghiên cứu và vận dụng sáng tạo những luận điểm có tính nguyên tắc trong tác phẩm này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chính vì thế Đảng ta đã khẳng định: phải nắm vững, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, tri thức mới của thời đại, nâng cao năng lực trí tuệ; phải xuất phát từ thực tiễn của đất nước; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy lý luận, kiên định về nguyên tắc, chiến lược, linh hoạt, sáng tạo về sách lược, phương pháp; chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc đổi mới vô nguyên tắc, chủ quan, nóng vội.


[1] Dưới ngọn cờ chủ nghĩa Mác” là tạp chí triết học và kinh tế - xã hội; tạp chí này được thành lập nhằm mục đích tuyên truyền chủ nghĩa duy vật chiến đấu và chủ nghĩa vô thần để đấu tranh với những “tên đầy tớ có bằng cấp của bọn thày tu”. Tạp chí này ra hàng tháng tại Mát-xcơ-va, từ tháng Giêng 1922 đến tháng Sáu 1944 (trong những năm 1933 - 1935 ─ hai tháng ra một số).
[2] V.I.Lênin. Toàn tập, t.45. Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.575.
[3] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.28.
[4] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr. 29.
[5] I. Đít-xơ-ghen. Tuyển tập triết học, tiếng Nga, 1941, tr. 261.
[6] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.35.
[7] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.35.
[8] C.Mác và Ph.Ăngghen. Toàn tập, t. 19. Nxb CTQG, Hà Nội, 1995, tr. 275.
[9] C.Mác và Ph.Ăngghen. Sđd., t. 19, tr.275.
[10] V.I.Lênin. Toàn tập, t.23. Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.50.
[11] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.31.
[12] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.31.
[13] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.31.
[14] V.I.Lênin. Sđd., t.45, tr.30.
[15] V.I.Lênin. Toàn tập, t.12. Nxb CTQG, Hà Nội, 2005, tr.170.
[16] V.I.Lênin. Sđd., t.12, tr. 170-171.
[17] V.I.Lênin. Sđd., t.12, tr.175.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét