Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CHÍNH SÁCH XÃ HỘI

Sau hơn 20 năm tiến hành đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá-xã hội..., đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao và một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Đảng chính là vấn đề hoạch định và thực hiện các chính sách xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đã đạt được thì trên thực tế nhiều chính sách về giáo dục, y tế, văn hóa...chưa được cụ thể hóa, chưa phù hợp với cơ chế kinh tế và chưa theo kịp với yêu cầu của xã hội, còn nhiều lúng túng trong tổ chức thực hiện, do đó việc tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với khả năng; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn kém; kết quả xóa đói, giảm nghèo chưa thật vững chắc; chất lượng giáo dục và đào tạo còn thấp; quản lý nhà nước về một số lĩnh vực như y tế, thể thao...còn yếu kém.
 Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu và làm rõ hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề chính sách xã hội là một trong những việc làm cần thiết cả về mặt lý luận và thực tiễn nhằm giải đáp cho những vấn đề đời sống nhân dân mà thực tiễn đời sống kinh tế, xã hội hiện nay đang đặt ra.
Là người mà cả cuộc đời “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là nước được độc lập, tự do, nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”, được nâng cao mức sống, điều kiện sống, chất lượng sống, là cái ăn ở, cái đi lại, là cuộc sống đời thường của đại đa số người dân trong xã hội. Thật vậy, dân có giàu thì nước mới mạnh, đời sống vật chất có được no đủ dồi dào thì mới có điều kiện để bàn về những việc hệ trọng và lớn lao khác. Mong muốn này đã trở thành một mối quan tâm trăn trở, một nỗi niềm day dứt trong tâm trí của vị lãnh tụ-Hồ Chí Minh. Để rồi từ đó nó trở thành những hành động cụ thể, những việc làm thiết thực và sâu xa hơn nữa là trở thành những chủ trương, chính sách, những đường lối sáng suốt, đúng đắn có sức mạnh và tác dụng thần kỳ đưa sự nghiệp cách mạng cùng toàn thể đất nước vượt qua những thử thách cam go trong những thời điểm hiểm nghèo, vững bước tiến vào kỷ nguyên tươi sáng.
Nhìn lại chặng đường Bác đã đi, việc Bác đã làm, ta thấy rằng ngay từ thời kỳ đầu hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh đã đưa ra những ý tưởng xác lập hệ thống phúc lợi xã hội quốc gia sau này. Ngay khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, Người đã thay mặt nhân dân ta gửi tới Hội nghị Véc-xây bản “Yêu sách của nhân dân An Nam”, nhằm tố cáo chính sách cai trị của thực dân Pháp đòi chính phủ Pháp phải thừa nhận các quyền tự do, dân chủ, quyền bình đẳng và quyền tự quyết, của dân tộc Việt Nam. Đến đầu năm 1930, Người sáng lập ra Đảng Cộng sản Việt Nam và trong “Chánh cương vắn tắt” đã xác định cách mạng Việt Nam là: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”[1]. Trong đó tập trung vào việc dân chúng được tự do tổ chức, nam nữ bình quyền, phổ thông giáo dục theo công nông hoá, đánh đổ đế quốc chủ nghĩa Pháp và bọn phong kiến giành độc lập thành lập chính phủ công nông binh, tổ chức ra quân đội công nông, thủ tiêu hết các thứ quốc trái, thâu hết sản nghiệp lớn (như công nghiệp, vận tải, ngân hàng,...) của tư bản đế quốc chủ nghĩa Pháp để giao cho chính phủ công nông binh quản lý. Thâu hết ruộng đất của đế quốc chủ nghĩa làm của công chia cho dân cày nghèo. Bỏ sưu thuế cho dân cày nghèo. Mở mang công nghiệp và nông nghiệp.Thi hành luật ngày làm 8 giờ...
Đến “Chương trình Viện Minh” do Người soạn thảo, đây là một văn kiện đặc biệt quan trọng, với nội dung rất cụ thể như: Thi hành Luật lao động, bao gồm cả lao động trẻ em. Nam nữ bình quyền, hủy bỏ nền giáo dục nô lệ, gây dựng nền quốc dân giáo dục, cưỡng bức giáo dục từ bậc sơ học... khuyến khích nền giáo dục quốc dân, lập thêm nhà thương, nhà đỡ đẻ, nhà dưỡng lão. Nhà nước chăm nom người già và tàn tật, giúp đỡ gia đình đông con, lập các nhà chiếu bóng, diễn kịch, câu lạc bộ, thư viện để nâng cao trình độ trí dục cho nhân dân.
Là người đã đề xướng các hoạt động cứu trợ xã hội với tính cách là một phong trào phúc lợi khi kêu gọi nhân dân cả nước quyên góp giúp đỡ người nghèo. Người đã chỉ ra rằng: Lúc chúng ta nâng bát cơm ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn ăn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa 1 bơ) để cứu dân nghèo. Như vậy thì những người nghèo sẽ có bữa rau, bữa cháo để chờ mùa lúa năm sau, khỏi đến nỗi chết đói.
Đồng thời, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đối với đời sống nhân dân là “...phải hết sức quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải lãnh đạo tổ chức, giáo dục nhân dân tăng gia sản xuất và tiết kiệm. Dân đủ ăn, đủ mặc thì những chính sách của Đảng và Chính phủ đưa xuống sẽ dễ dàng thực hiện. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”[2]. Cho nên hễ còn một người Việt Nam bị bóc lột, bị nghèo nàn, thì Đảng vẫn chưa làm tròn nhiệm vụ. Đảng phải vừa lo tính công việc lớn như xây dựng một nền kinh tế và văn hóa tiên tiến, đồng thời lại luôn luôn quan tâm đến đời sống hằng ngày của nhân dân. Tức là, Đảng ta phải luôn luôn nhớ rằng: “Điều quan trọng bậc nhất trong kế hoạch kinh tế của chúng ta hiện nay là nhằm cải thiện đời sống của nhân dân...”[3]. Nhưng chủ trương phải gắn liền với thực hành, vì đời sống rất cụ thể, mức sống rất cụ thể. Bằng chính cuộc sống, mức sống của mình, nhân dân cảm nhận trực tiếp và chính xác lời nói và việc làm của Đảng, Nhà nước có thật vì lợi ích của họ hay không.
Không chỉ phát động phong trào cứu trợ xã hội, Hồ Chí Minh còn tạo dựng từng bước cả một hệ thống chính sách cứu trợ xã hội cụ thể, phù hợp đối với các nhóm xã hội. Chẳng hạn đối với người già, người đau ốm, trẻ em, phụ nữ thai sản, Người chỉ thị: “Về xã hội, thiết lập nhà dưỡng lão, nhà trẻ, mở nhiều nhà thương, cứu tế những người thất nghiệp, cấm chỉ bán dâm, lập nhà hộ sinh”. Vậy, để hoạch định đúng và thực hiện có hiệu quả các chính sách xã hội, theo Hồ Chủ tịch, chúng ta cần phải xuất phát từ các vấn đề cơ bản sau:
Thứ nhất, phải lấy con người làm gốc, làm xuất phát điểm và đích hướng tới của mọi chính sách xã hội
Làm cách mạng là để đem lại tự do, hạnh phúc cho dân, tạo dựng sự công bằng cho dân, là để nhân dân trở thành người chủ đất nước. Do đó, mục đích của chính sách xã hội là phải vì con người, lấy con người làm gốc, làm xuất phát điểm và đích hướng tới trong việc hoạch định và thực hiện. Bởi, thực chất “đối tượng của chính sách xã hội là những con người, các nhóm xã hội, cộng đồng xã hội và các quan hệ xã hội của họ”[4]. Hồ Chí Minh cho rằng con người ở đây trước hết là nhân dân lao động nói chung, mà cụ thể là công nhân, nông dân, trí thức, đồng bào dân tộc thiểu số và các tầng lớp dân cư khác trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, chính sách xã hội phải tạo điều kiện cho mọi người được hưởng phúc lợi xã hội và an sinh xã hội, phải tạo ra những điều kiện thuận lợi nhất về kinh tế, chính trị, văn hoá, tư tưởng để phát triển toàn diện từng cá nhân cho đến cả cộng đồng xã hội. Bởi đối với Hồ Chí Minh, vấn đề vì dân, vì con người, vì sự tiến bộ của xã hội không có gì khác hơn là vì nhu cầu và lợi ích chính đáng của nhân dân, cả về vật chất và tinh thần. Làm tốt điều này sẽ là động lực quan trọng để phục vụ cho lợi ích chung.
Thứ hai, phải xuất phát từ cơ cấu xã hội-giai cấp
Để thực hiện mục tiêu công bằng, bình đẳng và tiến bộ xã hội, theo Hồ Chí Minh chính sách xã hội không thể không dựa trên cơ sở của cơ cấu xã hội-giai cấp “vì chính sách xã hội hướng vào những nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của các giai cấp, các tầng lớp, các nhóm xã hội, các cộng đồng dân tộc (lớn hay nhỏ), các tôn giáo và những quan hệ giữa các tổ chức xã hội đó”[5]. Do đó, Người luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của các nhóm xã hội và coi mục tiêu hàng đầu của Đảng, Nhà nước là phải nâng cao dần mức sống của nhân dân, trước hết là công nhân, bộ đội và công chúng, đồng thời giảm nhẹ dần chính sách đóng góp của nông dân.
Xây dựng và thực thi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra sự hài hoà về lợi ích giữa các giai cấp, giai tầng trong xã hội và các nhóm trong cơ cấu nội tại của từng giai tầng xã hội. Xuất phát từ cơ cấu xã hội nói chung, chính sách xã hội sẽ có sự tác động một cách toàn diện, sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội. Nó tạo những điều kiện cần thiết để giảm dần sự mất cân đối giữa thành phố với nông thôn, giữa vùng phát triển nhanh và các vùng phát triển chậm, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. 
Là người khởi xướng việc xây dựng chính sách xã hội phù hợp với từng nhóm xã hội, Người đã chỉ rõ chính sách đối với các tầng lớp nhân dân như: Công nhân, nông dân, binh lính, học sinh, phụ nữ, thương nhân và các nhà kinh doanh, viên chức, người già và kẻ tàn tật, nhi đồng,...và khi đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội thì vai trò của nhân dân không giảm đi mà lại càng trở lên quan trọng, cho nên “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân[6]. Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến cơ cấu xã hội-giai cấp và xây dựng hệ thống chính sách xã hội phù hợp để tác động đến quan hệ giai cấp, điều chỉnh lợi ích các giai cấp và nội bộ từng giai cấp, tạo điều kiện cho xã hội phát triển.
Thứ ba, phải phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, gắn với chính sách kinh tế
Muốn thực thi có hiệu quả chính sách xã hội đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ với chính sách phát triển kinh tế, tức là phải tập trung phát triển kinh tế, đây là một nhiệm vụ trung tâm. Đồng thời, thực hiện tốt các chính sách xã hội không chỉ bảo đảm cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển. Hồ Chí Minh chỉ ra: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ. Chúng ta phải thực hiện ngay: 1. Làm cho dân có ăn. 2. Làm cho dân có mặc. 3. Làm cho dân có chỗ ở.  4. Làm cho dân có học hành. Cái mục đích chúng ta đi đến là 4 điều đó. Đi đến để dân nước ta xứng đáng với tự do độc lập và giúp sức được cho tự do độc lập”[7]. Đó chính là mục tiêu của việc xây dựng và phát triển kinh tế của chúng ta. Để thực hiện mục tiêu trên đòi hỏi phải phát triển một nền kinh tế toàn diện từ nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp tới phát triển dịch vụ, mở rộng giao lưu kinh tế với các nước khác, trước hết là các nước anh em...phải “phát triển kinh tế và văn hoá và các chính sách phát triển và cải tạo kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, các đạo luật về tự do dân chủ,... đó là những vấn đề rất quan trọng về quốc kế dân sinh”[8], phải đẩy mạnh “tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là hai việc then chốt để khôi phục kinh tế, phát triển văn hóa, để cải thiện dần đời sống của nhân dân”, là điều “cần thiết nhất để phát triển chế độ dân chủ nhân dân tiến dần lên chủ nghĩa xã hội” là “làm cho đời sống đồng bào địa phương ngày càng khá hơn, cả về vật chất và tinh thần”...chỉ có như thế, chúng ta mới phát triển một cách chắc chắn, sự nghiệp kháng chiến kiến quốc của chúng ta mới thắng lợi.
Đồng thời, cần phải nhận thức rằng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa trước hết là một nền kinh tế có kế hoạch. Tức là, “khi đặt kế hoạch phải nhìn xa. Có nhìn xa mới quyết định đúng đắn thời kỳ nào phải làm công việc gì là chính. Phải thấy rộng. Có thấy rộng mới sắp đặt các ngành hoạt động một cách cân đối. Khi đi vào thực hiện thì mỗi ngành, mỗi nghề phải rất tỉ mỉ, chu đáo, thật sát với mỗi cơ sở. Đó là "một bộ ba" để hoàn thành tốt kế hoạch”[9].
Thứ hai, “để hoàn thành tốt kế hoạch, điều quan trọng bậc nhất là bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho cán bộ và quần chúng. Phải làm cho mỗi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, ý chí cần kiệm xây dựng nước nhà”. Cùng với đó, “dưới sự lãnh đạo của Đảng, quần chúng và cán bộ ta phải kết hợp tinh thần cách mạng với thái độ khoa học, để hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm nay và chuẩn bị tốt cho kế hoạch những năm sau”[10].
Thứ ba, “có chỉ tiêu kế hoạch rồi chưa đủ mà phải có biện pháp cụ thể, vững chắc, phải có tinh thần cố gắng rất cao để thực hiện bằng được kế hoạch đã đề ra. Chỉ tiêu kế hoạch một phần, biện pháp phải hai phần, cố gắng phải ba phần.”[11]
Như vậy, một trong những đặc điểm cơ bản của chính sách xã hội là sự thống nhất biện chứng của nó với chính sách kinh tế. Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội và ngược lại, sự hợp lý, công bằng và tiến bộ được thực hiện qua chính sách xã hội lại tạo ra những động lực mạnh mẽ để thực hiện các mục tiêu kinh tế nhằm thoả mãn các nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân về đời sống vật chất và văn hoá. Chính sách xã hội đúng là một động lực quan trọng của phát triển sản xuất, tiến bộ xã hội, giúp củng cố và phát triển những giai cấp cơ bản như công nhân, nông dân vừa quan tâm thích đáng đến lợi ích và phát huy tiềm năng tất cả tầng lớp xã hội.
Thứ tư, giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ
Từ sự thâm nhập, tổng kết và khái quát thực tiễn Người khẳng định rằng dưới sự thống trị của thực dân “...Nhân dân chỉ có nghĩa vụ, như nộp sưu đóng thuế, đi lính đi phu mà không có quyền lợi[12], trong khi đó công nhân, nông dân là những người chủ yếu sản xuất ra của cải vật chất cho xã hội, nhờ đó xã hội mới tồn tại và phát triển nhưng lại rất bất công vì họ luôn là những người nghèo khổ, trong khi đó một số người lại “ngồi mát ăn bát vàng”, theo Người thì nguyên nhân của sự bất công đó là “vì một số người đã chiếm làm tư hữu những tư liệu sản xuất của xã hội. Từ đó, khẳng định rằng chỉ có trong xã hội mới-chế độ dân chủ cộng hòa thì “nhân dân có nghĩa vụ đồng thời có quyền lợi. Nhân dân có quyền tự do tư tưởng, tự do tổ chức, tự do tín ngưỡng, v.v. có quyền ứng cử và bầu cử. Đàn bà có mọi quyền lợi như đàn ông. Các dân tộc trong nước đều có quyền lợi như nhau. Nhân dân được hưởng những quyền lợi ấy, cho nên mọi người cần phải hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình trong mọi công việc kháng chiến, cứu nước, xây dựng nước nhà”[13], bởi nhà nước mà chúng ta xây dựng là của tất cả người lao động. Chúng ta có quyền và có đủ điều kiện để tự tay mình xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc cho mình. Nhân dân lao động là những người chủ tập thể của tất cả những của cải vật chất và văn hóa, đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ… tức là, "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân. Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”[14]. Và trên thực tế chỉ có chế độ của chúng ta mới thật sự phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, bảo đảm mọi quyền lợi của nhân dân, mở rộng dân chủ để nhân dân thật sự tham gia quản lý Nhà nước. Vì thế nhân dân ta đã đem hết khả năng làm tròn nhiệm vụ người chủ nước nhà để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta mạnh, dân ta giàu. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh mối quan hệ giữa quyền lợi với nghĩa vụ, là xoá bỏ tình trạng người bóc lột người, bảo đảm cho mọi công dân các quyền dân chủ, tự do, bình đẳng, tính nhân đạo và công bằng xã hội. Đồng thời, yêu cầu mọi công dân chấp hành các quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Đồng thời, để thực hiện đoàn kết các dân tộc cần phải đảm bảo quyền bình đẳng giữa các dân tộc trên nhiều lĩnh vực: kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá, giáo dục...Người viết: Nước ta là nước thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ. Chính sách dân tộc của chúng ta nhằm thực hiện sự bình đẳng, giúp nhau giữa các dân tộc để cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội. Để thực hiện quyền bình đẳng một cách có hiệu quả, các dân tộc cần phấn đấu nâng cao đời sống vật chất và văn hoá, phải giác ngộ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình. Cơ sở vững chắc cho sự bình đẳng là sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế và đồng đều trong khắp các vùng dân tộc, giữa miền núi và miền xuôi.
Giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ, giữa cống hiến và hưởng thụ là vấn đề có tính nguyên tắc trong xã hội - xã hội chủ nghĩa mà chúng ta đang xây dựng. Nhà nước chỉ tạo điều kiện và môi trường để nhân dân bằng lao động của mình không ngừng nâng cao đời sống cho mình và tham gia vào sự phát triển của xã hội. Gắn nghĩa vụ với quyền lợi, cống hiến và hưởng thụ là bảo đảm sự công bằng trong đời sống xã hội, chống ỷ lại, trông chờ...
Thứ năm, phải cắn cứ vào bản sắc văn hoá dân tộc, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại
 Với tinh thần nhân nghĩa, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý, là tinh thần lạc quan, yêu đời; có niềm tin vào chính nghĩa, tin vào sức mạnh của bản thân và dân tộc, có tinh thần cần cù, dũng cảm, thông minh, sáng tạo trong sản xuất và chiến đấu, đồng thời là dân tộc ham học hỏi, cầu tiến bộ và không ngừng mở rộng cánh cửa tiếp nhận tinh hoa văn hoá nhân loại...đã tạo lên cốt cách dân tộc Việt Nam. Hồ Chí Minh khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu  nước. Đó là truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và cướp nước.
Không chỉ dừng lại ở truyền thống văn hoá của dân tộc, Hồ Chí Minh đã chủ trương cần phải biết tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo các giá trị văn hoá của nhân loại, của cả cổ kim Đông Tây là một vấn đề lớn trong tư tưởng văn hóa Hồ Chí Minh. Nhưng đây không phải là sự tiếp thu xô bồ mọi thứ của thiên hạ, mà là chọn lọc những cái hay, cái tốt, cái đẹp để làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc. Đây thật sự là sự thâu hóa những tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho những tinh hoa ấy trở thành những cái hay, cái tốt, cái đẹp mang “tinh thần thuần túy Việt Nam”. Đây thực sự là “Việt Nam hóa” những cái từ ngoài đến, biến chúng thành những cái bên trong, tự nhiên như những yếu tố nội sinh của văn hóa Việt Nam.
Một mặt tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng mặt khác, phải góp phần làm phong phú thêm văn hóa nhân loại. Đó là quan niệm trong lĩnh vực văn hóa mà Hồ Chí Minh thường dặn cán bộ: Mình có thể bắt chước cái hay của bất kỳ nước nào ở Âu – Mỹ, nhưng điều cốt yếu là sáng tác. Mình đã hưởng cái hay của người thì cũng phải có cái hay cho người ta hưởng. “Mình đừng chịu vay mà không trả”. Trong văn hóa, nếu chỉ muốn “viện trợ không hoàn lại”, thì chính điều đó không chỉ là một thái độ rất không văn hóa mà còn không thể phát huy được bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc.
Như vậy, theo Hồ Chí Minh, những căn cứ để hoạch định và thực hiện chính sách xã hội có ý nghĩa rất quan trọng, bởi “chỉ có chính sách trung thành với nguyên mới là chính sách đúng” và chúng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đây là sự cụ thể hoá và thể chế hoá bằng pháp luật những đường lối, chủ trương, những biện pháp để giải quyết các vấn đề xã hội, nó phản ánh lợi ích và trách nhiệm của cộng đồng xã hội nói chung và của từng nhóm xã hội nói riêng, nó bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người, điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp và quan hệ xã hội...
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách xã hội trong trong điều kiện hiện nay, Đảng ta đã xác định: những vấn đề xã hội bao gồm các lĩnh vực liên quan đến sự phát triển của con người và xã hội như: dân số và nguồn nhân lực, lao động và việc làm, thu nhập và mức sống, giáo dục và y tế, đạo đức và văn hoá, những đảm bảo về an ninh và an toàn xã hội của đời sống cá nhân và cộng đồng. Và điều này đã được cụ thể hoá trong nhận thức và hành động của Đảng ta trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua. Từ việc xác định trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện chính sách xã hội, những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế, phải làm tốt việc kết hợp hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế và giải quyết vấn đề xã hội. Cụ thể là: Mục tiêu của chính sách xã hội phải thống nhất với mục tiêu phát triển kinh tế để nhằm phát huy sức mạnh của yếu tố con người và vì con người. Kết hợp hài hoà giữa kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, giữa tăng trưởng kinh tế với tiến bộ xã hội, giữa đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân. Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện chính sách xã hội, thực hiện tốt chính sách xã hội là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế. Tức là, tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển.
Cùng với đó, phải thường xuyên đổi mới chính sách xã hội, có các chính sách thích hợp tạo công bằng về cơ hội và bình đẳng trước pháp luật cho mọi công dân, mọi doanh nghiệp, khuyến khích tôn vinh người làm giàu chính đáng đi đôi với chống làm giàu phi pháp, tham nhũng, cải cách hệ thống tiền lương. Cải cách cơ chế bảo hiểm xã hội và phòng chống tệ nạn xã hội, “tăng trưởng kinh tế đi liền với phát triển văn hoá, từng bước cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường”[15], phải “kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ và bền vững hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc”[16] như: vấn đề dân số, di dân, lao động và việc làm, bảo hiểm xã hội, cứu trợ xã hội, ưu đãi xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.3. Nxb CTQG, Hà Nội, 2000, tr.1.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.572.
[3] Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.157.
[4] Nguyễn Thế Thắng (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh về chính sách xã hội từ góc nhìn xã hội học, Nxb lao động, Hà Nội, 2005, tr.113.
[5] Lê Sỹ Thắng (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh về con người và chính sách xã hội, Nxb CTQG, Hà Nội, 1996, tr.82.
[6] Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.511.
[7] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.4, tr.258.
[8] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.9, tr.600.
[9] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.11, tr.369.
[10] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.11, tr.370.
[11] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.10, tr.261.
[12] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.7, tr.219.
[13] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.7, tr.219.
[14] Hồ Chí Minh. Sđd. , t.5, tr.698.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.89.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr.101.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét