Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

TRIẾT LÝ “HIỂU DÂN, TIN DÂN, DỰA VÀO DÂN” TRONG CHIẾN LƯỢC ĐẠI ĐOÀN KẾT CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH


Đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn dân để tạo ra sức mạnh là vấn đề cơ bản của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc, là sự nghiệp của quần chúng, do quần chúng, vì quần chúng. Cách mạng muốn thành công cần phải tiến hành đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đảng có sứ mệnh thức tỉnh, tập hợp, đoàn kết quần chúng tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho con người. Thành công của Đảng và Nhà nước là ở chỗ tổ chức và phát huy được lực lượng vô tận của dân. Điều đó cho thấy, triết lý trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Người chính là việc “hiểu dân, tin dân, dựa vào dân”. Đây là nguyên tắc tối cao, xuyên suốt trong tư duy lý luận và hoạt động thực tiễn của Hồ Chí Minh.
Một là, Dân là gốc rễ, là nền tảng của đại đoàn kết
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, quần chúng nhân dân là bộ phận gồm đông đảo những người thuộc nhiều giai cấp, tầng lớp khác nhau trong xã hội. Tức là, mọi “con dân nước Việt”, “mỗi một người con rồng cháu Tiên”, không phân biệt “già, trẻ, gái, trai, giàu, nghèo, quý, tiện” trong đó công-nông chiếm tuyệt đại đa số. Đó là lực lượng chủ yếu làm ra sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội và sức mạnh của nhân dân không phải là sự cộng lại giản đơn của số đông dân chúng mà đó là sức mạnh tổng hợp do được tổ chức lại, dựa trên một cơ sở thống nhất về lợi ích, ý chí và hành động. Đánh giá về vai trò của Dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “dân là gốc của nước, nước lấy dân làm gốc”, “Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của toàn dân”, “dân chúng công nông là gốc cách mệnh” và khi “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”[1]. Đây là một tư tưởng tổng quát có triết lý sâu xa, thể hiện một thế giới quan khoa học, một quan niệm nhân sinh đúng đắn, với ý nghĩa nhân văn cao cả.
“Dân là gốc của nước” nên phải chăm sóc đến gốc, vì “gốc có vững cây mới bền”, dân có giàu nước mới mạnh. Nhưng Dân thường không hiểu tình thế trên thế giới, không biết so sánh, không có mưu chước, chưa nên làm đã làm, khi nên làm lại không làm… Dân thường thường chia rẽ phái này, bọn kia… nên nỗi yếu sức đi, như đũa mỗi chiếc một nơi… Vậy nên cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có Đảng cách mệnh. Cách mạng có trong lòng dân, cách mạng có dân là có lực lượng, có hậu phương. Dựa vào dân, có dân là có tất cả, trong đó công - nông là nòng cốt, bởi lẽ: “1- Là vì công nông bị áp bức nặng nề hơn. 2- Là vì công nông là đông nhất cho nên sức mạnh hơn hết. 3- Là vì công nông là tay không chân rồi, nếu thua thì chỉ mất một cái kiếp khổ, nếu được thì được cả thế giới, cho nên họ gan góc”[2].
          Hai là, Dân là chủ thể của đại đoàn kết
          Dân không những có lực lượng đông mà còn cần cù, thông minh, khéo léo, có nhiều kinh nghiệm quý báu, biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ mà “những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra”. Sức mạnh của nhân dân được thể hiện trong mọi hoàn cảnh, điều kiện, công việc nhưng đặc biệt thể hiện rõ rệt khi quần chúng tự giác tham gia giải quyết những công việc hết sức khó khăn, phức tạp. Những nơi cách mạng còn yếu kém là do không cùng dân bàn bạc. Chỉ nơi nào biết cùng bàn bạc đến nơi đến chốn, dựa vào dân chúng nơi đó công việc cách mạng mới tiến triển khá. Đại đoàn kết toàn dân không là tự phát mà là tự giác. Dân giác ngộ cách mạng, tự nguyện đoàn kết theo Đảng làm cách mạng để giải phóng mình, giải phóng Tổ quốc. Cách mạng là do dân, dân tự làm lấy, Đảng chỉ là người lãnh đạo.
          Ở trong xã hội muốn thành công phải có ba điều kiện đó là: Thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Ba điều kiện ấy đều quan trọng cả, nhưng “thiên thời không quan trọng bằng địa lợi, mà địa lợi không quan trọng bằng nhân hòa… Nhân hòa là tất cả mọi người đều nhất trí. Nhân hòa là quan trọng hơn hết”[3]. Bởi thực tiễn lịch sử cho thấy, nếu dân chúng đồng lòng việc gì cũng làm được, dân chúng không ủng hộ việc gì làm cũng không nên. Dân là chủ thể của đại đoàn kết, dân phải làm chủ quá trình đó. Dân vừa là chủ của quá trình đại đoàn kết, đồng thời dân phải có nghĩa vụ, bổn phận đối với quá trình ấy. Cán bộ, đảng viên phải giải thích cho dân hiểu, giúp dân thực hiện quyền và nghĩa vụ làm chủ. Người dạy: “Nhân dân được hưởng những quyền lợi ấy, cho nên mọi người cần phải hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình trong mọi công việc kháng chiến, cứu nước, xây dựng nước nhà… Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước. Đó là nền tảng của quốc dân”[4]. Do đó, ai nấy hãy làm tròn nghĩa vụ của người công dân, người chủ nước nhà.
          Dân là chủ thể của sức mạnh đại đoàn kết, nên trong mọi việc đều phải biết dựa vào quần chúng… phải động viên, tổ chức, đoàn kết quần chúng. Lấy sức quần chúng để vượt qua khó khăn, nhưng cũng phải để quần chúng tự giác giúp nhau, tổ chức nhau lại là chính, dân “phải tự lực cánh sinh” và phải mạnh dạn tác động đến quần chúng làm cho mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể. Quần chúng thật sự có quyền dân chủ và cán bộ, đảng viên, đoàn viên phải xung phong gương mẫu, thì chắc chắn ngăn ngừa được tệ quan liêu, mệnh lệnh, lãng phí, tham ô…
Ba là, Dân là nguồn gốc sức mạnh vô tận và vô địch khối đại đoàn kết
          Trong chiến lược đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: ý chí của dân là ý chí đã được hun đúc trong nghèo đói và khổ cực, ý chí đó mạnh hơn và dẻo dai hơn sóng cả, nó đánh đổ mọi sức mạnh của sự áp bức bóc lột. Xác định dân là nguồn gốc, là sức mạnh vô tận và vô địch của đại đoàn kết là Người đã nhìn thấy lực lượng đông đảo của dân, trí tuệ của dân, khả năng và kinh nghiệm giải quyết mọi công việc lớn nhỏ của dân. Người luôn khẳng định: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong” và “Phải dựa vào quần chúng mà phát động mọi phong trào sản xuất, chiến đấu. Phải làm cho quần chúng luôn luôn phấn khởi, tin tưởng. Làm việc gì cũng phải có quần chúng. Không có quần chúng thì không thể làm được”[5].
          Trong chiến lược đại đoàn kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định: “phải làm sao cho dân yêu mến. Phải nhớ rằng dân là chủ. Dân như nước, mình như cá. Lực lượng bao nhiêu là nhờ ở dân hết. Phải làm cho dân mến, khi sắp tới dân mong, khi đi dân tiếc, chớ vác mặt làm quan cách mạng cho dân ghét, dân khinh, dân không ủng hộ”[6]. Công cuộc kháng chiến kiến quốc, lực lượng chính là ở dân. Cách mạng chỉ có thể thành công khi được nhân dân ủng hộ, tham gia. Và “Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể xây dựng được với sự giác ngộ đầy đủ và lao động sáng tạo của hàng chục triệu người”[7]. Dân có vai trò quan trọng, nhưng dân cũng có những nhược điểm cố hữu, Vì thế, Người luôn nhắc nhở cán bộ, đảng viên, mọi tổ chức đoàn thể các cấp từ địa phương đến trung ương phải tất cả vì lợi ích của dân, phải thương dân, phải quan tâm đến đời sống của dân và thường xuyên liên hệ, bàn bạc; giáo dục, giác ngộ để giúp dân thực hiện sứ mệnh của họ; mỗi cán bộ, đảng viên phải thật thà tự phê bình trước nhân dân và hoan nghênh nhân dân phê bình mình, sẵn sàng học hỏi ở nhân dân, tự mình phải làm gương mẫu cần, kiệm, liêm, chính, để nhân dân noi theo. Cán bộ, đảng viên từ địa phương đến trung ương thực hiện được điều đó sẽ đoàn kết được nhân dân. Sự đoàn kết của nhân dân chính là nguồn gốc sức mạnh vô tận, vô địch của cách mạng, là chỗ dựa vững chắc của Đảng, của hệ thống chính trị cách mạng.  
Bốn là, Dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng, của hệ thống chính trị cách mạng
Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm phát hiện ra nguồn gốc sức mạnh vô địch của đại đoàn kết mỗi khi nó được khơi dậy và là chỗ dựa vững chắc của Đảng, của hệ thống chính trị cách mạng. Đảng không bao giờ hy sinh quyền lợi của giai cấp công nhân và nông dân cho một giai cấp nào khác. Không những thế, Đảng còn phải “liên kết với những dân tộc bị áp bức và quần chúng vô sản trên thế giới”; thực hiện liên minh công-nông, trong đó nông dân là một lực lượng quan trọng. Người khẳng định: “Nông dân là một lực lượng rất to lớn của dân tộc, một đồng minh rất trung thành của giai cấp công nhân. Muốn kháng chiến kiến quốc thành công, muốn độc lập thống nhất thực sự ắt phải dựa vào lực lượng của nông dân. Đồng bào nông dân sẵn có lực lượng to lớn, sẵn có lòng nồng nàn yêu nước, sẵn có chí khí kiên quyết đấu tranh và hy sinh[8]. Khẳng định vai trò to lớn của giai cấp nông dân để từ đó không ngừng chăm lo cho cuộc sống của họ, một lực lượng chiếm phần đông dân số Việt Nam.
          Nông dân nói riêng, nhân dân nói chung tự thân họ không có sự đoàn kết bền vững, chỉ có những mối quan hệ gần gũi tự nhiên, đoàn kết theo thời vụ, theo sự việc cụ thể. Sự đoàn kết như thế không phải là chỗ dựa của Đảng, của hệ thống chính trị cách mạng. Chỉ những người dân được giác ngộ, được tổ chức và do Đảng Cộng sản lãnh đạo mới là sức mạnh, mới là chỗ dựa của Đảng và của hệ thống chính trị cách mạng. Người dạy: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”[9]. Muốn vậy, Đảng phải đi sát quần chúng, khéo tổ chức, huấn luyện, giác ngộ là cho họ hiểu rõ quyền lợi của dân tộc, của giới mình và lãnh đạo quần chúng, chính sách và nghị quyết của Đảng đều vì lợi ích của nhân dân, không được mưu cầu lợi ích riêng của một nhóm người nào, của một cá nhân nào; tất cả các cơ quan Nhà nước là phải dựa vào nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm soát của nhân dân; mọi cán bộ, đảng viên phải luôn xác định và thực hiện đúng bổn phận là công bộc của dân, cần phải quyết tâm suốt đời phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân, có như vậy cách mạng mới thành công.
          Ở Hồ Chí Minh, việc xác định dân là chỗ dựa của Đảng, của hệ thống chính trị cách mạng, với việc để dân thực hiện vai trò đó của mình, cũng như việc rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên để dân mến, dân tin, dân đoàn kết theo Đảng là những vấn đề có quan hệ chặt chẽ với nhau. Muốn khơi dậy được sức mạnh nơi dân thì phải dân vận khéo. Dân vận khéo không có nghĩa là dùng mánh khóe, thủ đoạn để lôi kéo dân, mà phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, phải rèn luyện và hành động vì dân để có dân. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân và “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân[10].
Triết lý “Hiểu dân, tin dân, dựa vào dân” trong chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc nhận thức đúng khả năng, kinh nghiệm, trí tuệ của dân, đánh giá cao vai trò của dân, coi dân là nguồn gốc, là sức mạnh vô địch, là gốc rễ của đại đoàn kết. Trong chiến lược đại đoàn kết và nghệ thuật sử dụng chiến lược đó, Hồ Chí Minh luôn luôn đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa Mác-Lênin, nắm vững tinh thần ý nghĩa của mối quan hệ biện chứng giữa quần chúng nhân dân với vĩ nhân-lãnh tụ, luôn giữ vững nguyên tắc tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân, vì sự phát triển toàn diện và hoàn thiện của con người mà khẳng định: Dân là gốc rễ, dân là nền tảng, dân là chủ thể, dân là nguồn gốc sức mạnh vô tận vô địch của đại đoàn kết.
Dân là chỗ dựa vững chắc của Đảng và của hệ thống chính trị cách mạng. Do đó, toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới. Nhưng để tập hợp, tổ chức, thống nhất được sức mạnh của toàn dân thì “phải làm cho dân mến, dân tin để dân theo mình, mình mới có sức mạnh”; dù ở bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đày tớ của nhân dân, phải chăm lo cho lợi ích của dân, biết ơn dân và đền bù xứng đáng cho dân. Vì “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”[11].
          Ngày nay trong sự nghiệp đổi mới của toàn Đảng, toàn dân ta vì nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, việc tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước hết sức phức tạp, sự tác động từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, sự chống phá của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tình trạng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra hết sức phức tạp, sự suy thoái về phẩm chất đạo đức, chính trị của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã tác động, ảnh hưởng xấu tới uy tín, niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng,… việc nhận thức và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong những năm qua còn có nhiều hạn chế, chưa huy động hết nhân tài, vật lực trong nhân dân vào công cuộc xây dựng nước nhà. Điều đó đang đặt ra nhiều vấn đề khác nhau đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta cần nâng tầm nhận thức, đánh giá đúng và sử dụng có hiệu quả sức mạnh của nhân dân để xây dựng đất nước. Một trong những vấn đề có tính cấp thiết là chúng ta cần nhận thức đúng và vận dụng sáng tạo triết lý “hiểu dân, tin dân, dựa vào dân” trong chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nội dung này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là kim chỉ nam để con đường cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến bước.
Bảo đảm thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện hiện nay, chính là phải bảo đảm công bằng xã hội, chăm lo lợi ích thiết thực, chính đáng của các giai cấp, các tầng lớp nhân dân, kết hợp hài hoà lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích xã hội. Cùng với việc giải quyết đúng đắn, hợp lý quan hệ lợi ích, phát huy chủ nghĩa yêu nước, thực hiện dân chủ là những yếu tố quan trọng để củng cố và phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Chủ nghĩa yêu nước luôn luôn là động lực lớn nhất của dân tộc ta trong quá trình lịch sử. Dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Nhân dân ta rất coi trọng dân chủ. Muốn đoàn kết thì phải dân chủ; dân chủ là tăng cường đoàn kết.
Đại đoàn kết là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị bao gồm Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, trong đó nhấn mạnh vai trò hạt nhân lãnh đạo là tổ chức đảng. Tổ chức đảng nằm trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc và là hạt nhân lãnh đạo của khối đại đoàn kết. Hạt nhân ấy có vững mạnh mới có “sức hút”, bảo đảm khối đại đoàn kết toàn dân tộc vững mạnh. Kinh nghiệm thực tế vừa qua chỉ ra rằng, ở những nơi có tình hình bất ổn, mất đoàn kết chính là vì nơi đó tổ chức đảng yếu kém. Để thực sự là hạt nhân lãnh đạo khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta phải tự đổi mới, tự chỉnh đốn; đặc biệt là cần xây dựng những cơ chế cụ thể để Mặt trận và các đoàn thể động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng; Đảng phải chăm lo lãnh đạo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, tập 2. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.274.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t.2, tr.266.
[3] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.479.  
[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.219.
[5] Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.212.
[6] Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.101.
[7] Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.495.
[8] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.710.
[9] Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.290.      
[10] Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.498.
[11] Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.392.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét