Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

TÌM HIỂU NHẬN THỨC MỚI CỦA ĐẢNG TA VỀ CÔNG TÁC TÔN GIÁO TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY


Nhận thức mới của Đảng ta về công tác tôn giáo, xét trong tiến trình nhận thức của chủ thể, là quá trình phản ánh một cách khách quan, toàn diện, ngày càng sâu sắc và đúng đắn hơn đối với công tác tôn giáo, được thể hiện ở hệ thống quan điểm, lý luận trong cương lĩnh, đường lối của Đảng. Điều này xuất phát từ những biến đổi, thích ứng của các tôn giáo, mặt khác được bắt nguồn từ đường lối đổi mới toàn diện, trước hết là đổi mới tư duy lý luận của Đảng ta. Nó là kết quả của việc khắc phục những thiếu sót trước đây trong nhận thức và tổ chức thực hiện xung quanh vấn đề công tác tôn giáo; của quá trình nghiên cứu, vận dụng sâu sắc hơn, đầy đủ hơn chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Nó còn là kết quả của những tổng kết lý luận và những bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn chỉ đạo, lãnh đạo công tác tôn giáo của Đảng ta trong sự nghiệp đổi mới. Điều đó được thể hiện trên những vấn đề cơ bản sau:
Một là, nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng.
Điểm mới trong nhận thức của Đảng ta về công tác tôn giáo hiện nay chính là việc khẳng định vai trò “cốt lõi” của công tác vận động quần chúng trong công các tôn giáo. Đây là nội dung rất quan trọng của giai đoạn cách mạng mới, chuyển từ nhiệm vụ đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước sang nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong hòa bình. Điều này đánh dấu một bước chuyển quan trọng của Đảng ta về công tác tôn giáo. Bởi vì, công tác tôn giáo bao gồm nhiều hoạt động, thuộc nhiều lĩnh vực, song nổi lên 3 hoạt động chính là: quản lý nhà nước về tôn giáo, đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo và công tác vận động quần chúng. Ba mặt hoạt động này có quan hệ ảnh hưởng, bổ sung, hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó, công tác vận động quần chúng phải là nội dung cốt lõi, xuyên suốt, nền tảng chi phối các mặt công tác khác. Các mặt công tác khác chỉ thành công khi biết dựa vào và làm tốt công tác vận động quần chúng, cả quần chúng có đạo và không có đạo.
Khẳng định nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng, không có nghĩa là đồng nhất công tác tôn giáo với công tác vận động quần chúng. Ngược lại, trong điều kiện mới, khi các thế lực thù địch đang tăng cường lợi dụng tôn giáo để chống phá cách mạng, thì công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và công tác đấu tranh chống địch lợi dụng tôn giáo để chống phá chế độ cần được đặc biệt quan tâm, coi trọng, nhằm làm thất bại các âm mưu, hành động xuyên tạc và lợi dụng các vấn đề “tôn giáo” hòng can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.
Hai là, công tác tôn giáo là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị do Đảng lãnh đạo.
Tôn giáo là một hiện tượng xã hội phức tạp, có liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, do đó, công tác tôn giáo không chỉ là trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan chức năng mà còn là trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của toàn bộ hệ thống chính trị.
Trong Điều 7, “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” của Quốc hội, xác định: 1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:
a) Tập hợp đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo và đồng bào không có tín ngưỡng, tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
b) Phản ảnh kịp thời ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân về các vấn đề có liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Tham gia tuyên truyền, vận động chức sắc, nhà tu hành, tín đồ, người có tín ngưỡng, các tổ chức tôn giáo và nhân dân thực hiện pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo;
d) Tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các cơ quan nhà nước chủ động phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong việc tuyên truyền, vận động và thực hiện các chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo”[1].
Như vậy, công tác tôn giáo là công tác của các cấp ủy Đảng, các cấp chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân. Mỗi bộ phận trong hệ thống chính trị có vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ khác nhau. Trong tiến hành công tác tôn giáo, Đảng và Nhà nước ta chủ trương phân định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận từ các cơ quan trung ương đến các địa phương, cơ sở. Sự phân định rõ chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận để tránh sự chồng chéo chức năng, nhiệm vụ hoặc bao biện làm thay, “lấn sân” nhau giữa các bộ phận, đồng thời phát huy được sự sáng tạo, sức mạnh của các bộ phận cũng như sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị đối với công tác hệ trọng, nhạy cảm và phức tạp này.
Ba là, thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của đồng bào các tôn giáo.
Thực hiện có hiệu quả, chủ trương, chính sách và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội, động viên mọi nguồn lực xã hội phấn đấu để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào có đạo là mục tiêu kinh tế-xã hội quan trọng của Đảng ta. Đây cũng là nhiệm vụ của công tác tôn giáo, để giúp đồng bào các tôn giáo, bên cạnh niềm tin tôn giáo là niềm tin có cơ sở thực tế vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Vì vậy, công tác tôn giáo không những phải đáp ứng nhu cầu vật chất, tinh thần chung của quần chúng nhân dân, mà còn phải đáp ứng nhu cầu của một bộ phận quần chúng gắn bó với các sinh hoạt tôn giáo và tổ chức tôn giáo; và suy cho cùng nó phải xuất phát từ lợi ích, mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào các tôn giáo.
Cần đầu tư và thực hiện có hiệu quả các dự án, chương trình, mục tiêu quốc gia, đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội, xóa đói giảm nghèo, cho nhân dân các vùng khó khăn, đặc biệt quan tâm các vùng đồng bào có đạo và vùng dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều khó khăn. Quan tâm giải quyết hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng; tôn trọng tín ngưỡng truyền thống của đồng bào các dân tộc và đồng bào có đạo, thông qua đó tăng cường sự đồng thuận giữa những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; đồng thời, tạo cơ sở để đấu tranh chống những tà đạo, những hoạt động mê tín, dị đoan, lợi dụng tôn giáo là hại đến lợi ích của quốc gia, dân tộc và nhân dân; đoàn kết, gắn bó đồng bào các tôn giáo cùng toàn dân phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Thực hiện chính sách nhất quán về tôn giáo của Đảng, Nhà nước là cơ sở để đồng bào các tôn giáo không chỉ quan tâm đến “việc đạo” mà còn quan tâm đến cả “việc đời”, quan tâm đến cuộc sống hiện thực của cá nhân và cả cộng đồng, nhất là thấy được quyền và nghĩa vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong thời kỳ đổi mới, nhất là từ khi có Nghị quyết số 25/NQ-TW và Chương trình hành động của Chính phủ, Đảng, Nhà nước ta đã xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của công tác tôn giáo là thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách và chương trình phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa của nhân dân, trong đó có đồng bào các tôn giáo. Từ nhiệm vụ tổng thể trên, các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, được nhiều địa phương xác định khá cụ thể trong việc phát triển kinh tế, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào trên nguyên tắc tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.
Các bộ, ngành Trung ương trong quá trình hướng dẫn địa phương xây dựng định hướng quy hoạch, kế hoạch và cơ chế chính sách phát triển kinh tế-xã hội của các vùng, các địa phương đều đã gắn với kế hoạch chung của cả nước về chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất và về công tác định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số; về phát triển văn hóa, y tế, giáo dục trong các vùng đồng bào các tôn giáo khó khăn, các xã, bản nghèo… trên cơ sở đó tham mưu cho Chính phủ cân đối nguồn lực bảo đảm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia như: Chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển giáo dục, văn hóa thông tin… các chương trình này được chú trọng và ưu tiên đã tạo điều kiện tốt cho việc bố trí nguồn lực ở các xã, thôn, bản có đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo. Điều này sẽ góp phần tạo lập được niềm tin của đại đa số đồng bào dân tộc nói chung, đồng bào có đạo nói riêng đối với Đảng và Nhà nước, giữ vững ổn định tình hình xã hội, an ninh chính trị ở các vùng; đồng thời, tín ngưỡng, tôn giáo được bảo đảm, đoàn kết dân tộc được củng cố.
Vấn đề tôn giáo và công tác tôn giáo đã được ghi nhận và cân đối trong các kế hoạch, cơ chế, chính sách của các bộ, ngành liên quan và của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đây là cơ sở để cân đối và bảo đảm nguồn lực phát triển hài hòa của hệ thống chính sách Nhà nước.
Một bộ phận lớn đồng bào dân tộc, tôn giáo được giao đất ở, đất sản xuất; được hướng dẫn kỹ thuật, được vay vốn, nhận các điều kiện hỗ trợ cần thiết để sản xuất, tăng thu nhập, tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần giữ vững ổn định tình hình xã hội vùng đồng bào tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc. Kết quả thực hiện các chương trình kinh tế-xã hội thời gian qua đã tác động tích cực đến đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào nói chung, đồng bào các tôn giáo nói riêng góp phần ổn định và phát triển, làm cho đồng bào an tâm, đoàn kết xây dựng đời sống “tốt đời đẹp đạo”.
Bốn là, bảo hộ các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật.
Tự do tín ngưỡng, tôn giáo là một quyền nhân thân cơ bản của công dân, nó được đề cập trong Bộ luật Dân sự, được bảo vệ bằng pháp luật và được cụ thể hóa trong các văn bản quy phạm pháp luật ngày càng ở mức độ cao hơn, hoàn thiện hơn. Sự ra đời của “Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo” là một minh chứng, một bước tiến và một lần nữa tiếp tục khẳng định nguyên tắc nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta là tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Thực tế cho thấy, những chủ trương, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo không phải chỉ được khẳng định ở Hiến pháp, pháp luật hay trong các chỉ thị, nghị quyết của Đảng mà được thể hiện sống động trong cuộc sống hàng ngày.
Năm 2003, ở Việt Nam có khoảng 15.244 đền chùa Phật giáo, trong đó có 405 tự viện được công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia; 5.456 nhà thờ, nhà nguyện Công giáo; 275 nhà thờ Tin Lành; 1.205 thánh thất Cao đài; 35 cơ sở thờ tự của đạo Hoà Hảo; 77 thánh đường Hồi giáo và hàng chục ngàn đình miếu, điện thờ. Năm 2003 đã có 425 cơ sở thờ tự được xây lại hoặc xây mới (217 của Phật giáo, 177 của Công giáo, 8 của Tin Lành và 23 của Cao Đài) và 294 cơ sở được sửa chữa, tu bổ. Trong năm 2004, có 165 cơ sở thờ tự được xây mới hoặc sửa chữa tu bổ. Năm 2005 có 242 cơ sở thờ tự được xây mới, 330 cơ sở thờ tự được nâng cấp sửa chữa.
Năm 2009, có 190 cơ sở thờ tự được xây mới, cải tạo, nâng cấp, nhiều cơ sở được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiếp tục triển khai xây dựng thực hiện giai đoạn 2 Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội (diện tích 10ha), xây mới Học viện Phật giáo Nam tông Khmer tại thành phố Cần Thơ (11,3ha), giáo xứ La Vang - Quảng Trị... đồng thời, Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân cho Hội thánh Mennonite Việt Nam, cấp đăng ký hoạt động cho Hội thánh Phúc âm Ngũ tuần. Hiện nay, Hội Thánh Tin lành Liên hữu Cơ đốc tổ chức Đại hội đồng đang hoàn chỉnh thủ tục xin công nhận tư cách pháp nhân... Việc phong chức, phong phẩm, thuyên chuyển và bổ nhiệm các vị chức sắc, thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo chức sắc tôn giáo được giải quyết nhanh chóng thuận tiện phù hợp Hiến chương, Điều lệ tôn giáo và quy định của pháp luật.
Rõ ràng chỉ có trên cơ sở bảo hệ các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật, các chế tài pháp luật, các biện pháp quản lý nhà nước về đất đai, xuất bản, đối ngoại, giáo dục-đào tạo… và các quy định của chính quyền các cấp liên quan đến tôn giáo mới có tính khả thi, mang lại hiệu quả; công tác tuyên truyền mê tín, dị đoan, trục lợi cá nhân, lợi dụng tôn giáo vào mục đích chống đối Đảng, Nhà nước và chế độ, phòng chống các tệ nạn xã hội và những biểu hiện không lành mạnh trong đời sống văn hóa xã hội mới được sự hỗ trợ và sự tham gia tích cực, tự giác của đồng bào có đạo, các biện pháp chống phản động trong tôn giáo mới thiết thực.
Năm là, quan tâm hợp lý nhu cầu tín ngưỡng của quần chúng, kịp thời đấu tranh ngăn chặn các hoạt động mê tín, dị đoan, các hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo làm phương hại đến lợi ích chung của đất nước, vi phạm tự do tôn giáo của công dân.
Công tác tôn giáo không đơn thuần là công tác tư tưởng, mà cốt lõi là công tác vận động quần chúng, tổ chức thuyết phục giáo dục quần chúng quán triệt, thực hiện thắng lợi đường lối, chính sách của Đảng. Đó là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt và phức tạp làm thất bại âm mưu thủ đoạn của các thế lực thù địch hòng lợi dụng tôn giáo để lôi kéo, mua chuộc quần chúng chống phá cách mạng. Công tác tôn giáo có tác động rất lớn đến xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng của quần chúng, có ảnh hưởng lớn đến quá trình tồn tại, phát triển của dân tộc, của đất nước và sự sống còn của toàn bộ sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.
Do đó, ngoài việc phải tăng cường đầu tư và đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho nhân dân các vùng khó khăn, đặc biệt quan tâm các vùng có nhiều tín đồ tôn giáo và đổi mới nội dung, phương thức công tác vận động đồng bào có đạo, đó là một nhiệm vụ rất quan trọng cần phải tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, “Tạo điều kiện cho các tôn giáo hoạt động bình thường theo đúng chính sách và pháp luật của Nhà nước”[2] nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo của nhân dân. Mặt khác, thực hiện tốt sự bảo hộ của Nhà nước về các hoạt động tôn giáo hợp pháp, đúng pháp luật có vai trò rất quan trọng bảo đảm cho các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của tín đồ, chức sắc được diễn ra bình thường, ổn định; kiên quyết ngăn chặn có hiệu quả hoạt động lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo để thực hiện các hoạt động vi phạm pháp luật, chống lại sự quản lý của Nhà nước, chống chế độ.
Như vậy, nhận thức của Đảng ta về tôn giáo và công tác tôn giáo đến nay đã có sự đổi mới một cách hệ thống, đồng bộ, trên tất cả các mặt từ tư duy đến hành động, từ tư tưởng đến tổ chức. Nhận thức mới ấy bắt nguồn từ những nguyên lý chung của chủ nghĩa xã hội khoa học và thực tiễn cách mạng Việt Nam, nhằm bảo đảm quyền tự do tôn giáo và bình đẳng giữa các tôn giáo. Tôn giáo phải đi cùng dân tộc. Mọi tín đồ tôn giáo phải là những công dân bình đẳng của đất nước, phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước ta. Điều đó đã góp phần to lớn làm “hạ nhiệt” các “điểm nóng” tôn giáo, ổn định tình hình chính trị trong nước.


[1] Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo, số 21/2004/PL-UBTVQH11.
[2] Đảng Cọng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb CTQG, H.2003, tr.51.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét