Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

TĂNG CƯỜNG ĐẦU TƯ VÀO TRẺ VỊ THÀNH NIÊN VÀ THANH THIẾU NIÊN-GIẢI PHÁP CHO PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

Đầu tư vào trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên (Liên Hiệp Quốc định nghĩa “trẻ vị thành niên” là người tuổi từ 10 đến 19; và “thanh thiếu niên” là người ở độ tuổi 14-20) có thể giúp đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống đói nghèo, HIV/AIDS, giảm chênh lệch về kinh tế, xã hội và phân biệt về giới. Khi vị thành niên và thanh thiếu niên không được thực hiện các quyền về giáo dục có chất lượng, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ, tham gia và có việc làm tốt, sẽ kéo dài thêm vòng luẩn quẩn của đói nghèo và bị loại trừ, điều này sẽ tước đi của họ những cơ hội để có thể phát triển đầy đủ năng lực của mình, được khỏe mạnh và trở thành thành viên hữu ích cho xã hội.
Theo đại diện UNICEF tại Việt Nam, khoảng 503.400 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 15 tuổi tại VN phải tham gia vào các hoạt động kinh tế yêu cầu sức làm việc cao. (Ảnh minh họa)
Một số thách thức chính đối với vị thành niên và thanh niên Việt Nam
Việt Nam là một quốc gia “trẻ” về mặt dân số, với khoảng 26.7 triệu thanh thiếu niên tuổi từ 10 đến 24, chiếm khoảng 1/3 dân số, và hiện tại, 43% dân số Việt Nam ở độ tuổi dưới 24, với 18% ở độ tuổi từ 15-24[1], lực lượng này đang phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm kinh tế không đảm bảo, HIV/AIDS, biến đổi khí hậu, suy thoái môi trường, di cư và đô thị hóa nhanh. Các thách thức này sẽ lớn hơn trong thập kỷ tới, do đó họ cần phải được trang bị các kỹ năng và kiến thức để vượt qua thách thức này. Cụ thể:
Đối với vấn đề việc làm và đào tạo: ở Việt Nam, dân số trẻ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong lực lượng lao động vào thời điểm hiện tại cũng như trong tương lai, hiện tỷ lệ nam nữ trong độ tuổi từ 15 đến 19 tham gia vào lực lượng lao động tăng từ 37,1% năm 2007 lên 43,8% năm 2009 cho thấy con số thanh thiếu niên bỏ học tương đối sớm để tìm việc làm ngày càng cao[2]. Dường như ngày càng nhiều thanh niên trong độ tuổi từ 15 đến 24 làm các công việc không phù hợp với chuyên môn của họ do hai nguyên nhân chính: hoặc là không có việc làm phù hợp với trình độ học vấn của họ hoặc là họ ít kinh nghiệm làm việc mà công việc đòi hỏi những người lớn tuổi. Năm 2009, với tỷ lệ thất nghiệp 6,2% và tỷ lệ thiếu việc làm 6,8%, nam nữ thanh niên Việt Nam chiếm gần 56% tỷ lệ người thất nghiệp[3].
Tuy nhiên vẫn tồn tại một nghịch lý là tỷ lệ thanh niên Việt Nam có việc làm vẫn nghèo cao hơn tỷ lệ người lớn tuổi có việc làm vẫn nghèo là trên 50%. Điều này chứng tỏ thanh niên rơi vào tình cảnh bất lợi hơn những người trưởng thành, không những thể hiện ở tỷ lệ thất nghiệp cao hơn mà còn thể hiện ở nguy cơ rơi vào nhóm những người có việc làm vần nghèo cao hơn.  Số liệu về việc làm thu được từ Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 cho thấy tỷ lệ thanh niên tham gia vào lực lượng lao động biến động rất lớn  theo khu vực địa lý, trong khi tỷ lệ thanh niên có việc làm ở các khu vực Miền núi và phía bắc là gần 80% thì tỷ lệ thanh niên có việc làm ở vùng châu thổ Sông Hồng sụt giảm xuống mức chỉ khoảng 50%.
Đối với công tác bảo vệ: ước tính 5,8% phụ nữ trẻ đã hoặc đang có gia đình ở độ tuổi 15-24 ở Việt Nam từng bị chồng đánh đập[4] và trong số những trẻ em bỏ nhà đi, hầu hết là do muốn tránh khỏi bạo lực gia đình[5]. Theo Bộ LĐ-TB&XH, vài năm trở lại đây, số trẻ em bị xâm phạm tình dục (XPTD) liên tục gia tăng, từ 200 em năm 2005 tăng lên 833 em năm 2009 và ước tính năm 2010 là 900 em. Đây là số trẻ em bị XPTD được trình báo. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn do công tác quản lý, nắm tình hình chưa chặt chẽ; nhiều vụ XPTD trẻ em bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc không tố giác do có sự thỏa thuận bồi thường giữa hai bên...
Địa bàn xảy ra nhiều vụ XPTD trẻ em là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, rồi đến Đông Nam bộ. Địa phương xảy ra nhiều trẻ em bị XPTD là Hà Nội, Quảng Ninh, Gia Lai, Đắc Lắc, Đồng Nai, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang. Đối tượng phạm tội phần lớn là người gần gũi với nạn nhân (chiếm 56,1%). Một số vụ XPTD trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng loạn luân (bố đẻ XPTD với con gái chiếm 0,6%, bố dượng XPTD với con riêng của vợ chiếm 1%) tuy tỷ lệ thấp nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến truyền thống đạo đức gia đình và an toàn xã hội[6].  Nạn buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và các sản phẩm khiêu dâm trẻ em hiện đang lan rộng. Các báo cáo chính thức tại Hà Nội, Tiền Giang, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh cho thấy hiện tượng phụ nữ hành nghề mại dâm ở nhóm trẻ tuổi ngày một gia tăng, và 2% lao động tình dục là người chưa thành niên.
Hiện có khoảng 503.400 trẻ em và thanh thiếu niên dưới 15 tuổi tại Việt Nam phải tham gia vào các hoạt động kinh tế yêu cầu sức làm việc cao và 633.400 trẻ em phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày[7]. Trong đó, trẻ em ở khu vực nông thôn, trẻ em ở lứa tuổi lớn hơn, trẻ em dân tộc thiểu số và trẻ em không được đến trường là những nhóm có nhiều nguy cơ phải lao động hơn so với các nhóm trẻ em khác. Và hiện còn thiếu nghiêm trọng số lượng cán bộ công tác xã hội chuyên nghiệp để thực hiện chăm sóc và hỗ trợ thanh thiếu niên đang phải gánh chịu hoặc có nguy cơ bị xâm hại, lạm dụng và bóc lột, cũng như những thanh thiếu niên cần được chăm sóc bảo vệ đặc biệt.
Tình hình người chưa thành niên vi phạm pháp luật và phạm tội ở nước ta hiện nay vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp. Đặc biệt có một bộ phận thanh thiếu niên đã tham gia vào các băng nhóm tội phạm có tổ chức, phạm tội có sử dụng bạo lực với tính chất côn đồ hung hãn; thực hiện các hành vi giết người, cướp của, chống người thi hành công vụ, bảo kê, đâm thuê, chém mướn gây ra hậu quả hết sức nghiêm trọng. Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an) thì trong 6 tháng đầu năm 2008 đã xảy ra 5.746 vụ, với khoảng 9.000 người người chưa thành niên vi phạm pháp luật hình sự, tăng 2% số vụ so với cùng kỳ năm 2007[8]. Năm 2009, Bộ Tư pháp cho biết có 15.589 trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật. Về độ tuổi, theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội thì tình hình tội phạm do người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thực hiện có chiều hướng gia tăng và chiếm tỷ lệ cao nhất, khoảng 60%; từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chiếm khoảng 32% và dưới 14 tuổi chiếm khoảng 8% trong tổng số các vụ phạm tội do người chưa thành niên và trẻ em thực hiện.
Khoảng 283.700 trẻ em và trẻ vị thành niên từ 0-15 tuổi bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nhiều trong số này đối mặt với nguy cơ lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, theo điều tra quốc gia lần thứ 2 về thanh niên và vị thành niên việt Nam (SAVY II)[9], chỉ có 42,5% thanh niên trong độ tuổi 15-24 có hiểu biết toàn diện về đường lây truyền HIV so với mục tiêu quốc gia là 95% trong năm 2010. Bên cạnh đó, cũng theo SAVY II, thanh thiếu niên ở độ tuổi 15-24 chiếm đa số lượng người di cư ở Việt Nam, chủ yếu là di cư đến các khu vực thành thị và phần lớn trong số này là nữ. Điều này đã góp một phần quan trọng thúc đẩy sự gia tăng dân số đô thị trong những năm gần đây.
Đối với vấn đề giáo dục: Tỷ lệ biết chữ ở người từ 15 tuổi trở lên tăng từ 90% năm 1999 lên 93,5% năm 2009. Khoảng cách biết chữ giữa nam và nữ cũng đã được thu hẹp. Năm 2009 có 95,8% nam từ 15 tuổi trở lên có thể đọc thông viết thạo và hiểu tiếng Việt hoặc một thứ tiếng nước ngoài hoặc một tiếng dân tộc thiểu số khác[10] so với 91,3% nữ ở cùng độ tuổi. Năm 2009, tỷ lệ biết chữ ở thanh niên là 97,1% và sự chênh lệch giữa nam và nữ là 0,6%. Vùng Đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ thanh niên biết chữ cao nhất, 99, 2% và chênh lệch giữa nam, nữ biết chữ là rất nhỏ. Ngược lại, vùng trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ biết chữ thấp nhất, 91,2% và chênh lệch giữa nam, nữ biết chữ ở khu vực này là cao nhất[11].
Về vấn đề di cư: Hiện tượng di cư ở thanh niên là một phần quan trọng của quá trình đô thị hóa đang diễn ra ngày một nhanh chóng ở Việt Nam, trên 1/3 (38%) thanh niên tham gia trả lời khảo sát của SAVY II đã từng sống xa gia đình liên tục trong 1 tháng hoặc lâu hơn, hầu hết những người  này sống xa gia đình để “kiếm sống” hoặc “đi học’. Nam thanh niên di cư đến địa phương khác để kiếm sống nhiều hơn nữ thanh thiếu niên, và thanh niên khu vực nông thôn di cư nhiều hơn so với thanh thiếu niên ở thành thị. Thanh thiếu niên ở độ tuổi 15-24 chiếm đa số trong lượng người di cư ở Việt Nam, và phần lớn trong các em này là nữ. Hiện tượng di cư này ở thanh thiếu niên không chỉ ảnh hưởng đến cấu trúc tuổi và giới của dân số ở các cấp khu vực và cấp tỉnh, mà còn góp phần đáng kể vào quá trình đô thị hóa đang tiếp diễn hiện nay. Lực lượng dân di cư này cũng đóng một vai trò quan trọng đối với sự gia tăng của đô thị trong thập kỷ qua.
  Vấn đề sức khỏe: Theo kết quả điều tra của SAVY II, các vấn đề sức khỏe hiện tại/mãn tính phổ biến nhất đối với thanh niên là bệnh tim mạch (21,8%), các bệnh về tiêu hóa (20,4%), hen suyễn (3,4%), các vấn đề về thị lực (3,3%), các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác (0,7%); Tỷ lệ nạo phá thai ở vị thành niên là 2,2% trong tổng số các ca nạo phá thai năm 2010 (theo Báo cáo về sức khỏe sinh sản của Bộ Y tế năm 2010). Trong khi đó, khoảng 1/3 thanh niên và vị thành niên Việt Nam còn gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản. Theo thống kê của Hội Kế hoạch hóa gia đình thì Việt Nam là một trong ba nước có tỷ lệ phá thai cao nhất thế giới (1,2-1,6 triệu ca mỗi năm), trong đó 20% thuộc lứa tuổi vị thành niên, thậm chí có em mới... 12 tuổi và 7,6% trong độ tuổi này có quan hệ tình dục trước hôn nhân. Đó là chưa kể tới rất nhiều ca nạo phá thai tại những cơ sở y tế tư nhân nhưng không thể kiểm soát và thống kê được[12].
Đầu tư vào trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên là cấp thiết
Trước hết, đầu tư vào trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên là một việc làm phù hợp với nguyên tắc của Công ước Liên Hiệp Quốc về Quyền trẻ em, áp dụng cho mọi đối tượng trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi, và Công ước về xóa bỏ mọi hình thức Bạo lực đối với Phụ nữ, áp dụng cho mọi trẻ em gái vị thành niên. Để thực hiện cam kết đối với trẻ em và thanh thiếu niên theo các công ước này và để nghiêm túc thực hiện cam kết của Việt Nam đối với Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn 2015, chúng ta cần phải đưa vấn đề an sinh và quyền của trẻ vị thành niên trở thành một phần không thể thiếu của các chương trình nghị sự.
Thứ hai, đây là cách hiệu quả nhất nhằm củng cố những kết quả đã đạt được có tính lịch sử cho trẻ em ở Việt Nam trong những năm đầu đời (từ 0 đến 4 tuổi) kể từ năm 1990, với tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 5 tuổi giảm một nửa từ năm 1990 và 2006, gần như xóa bỏ hoàn toàn chênh lệch về giới trong tỷ lệ nhập học cấp tiểu học ở một số tỉnh, và những cải thiện đáng kể trong khả năng tiếp cận giáo dục tiểu học, nước sạch, tiêm chủng định kỳ và những loại thuốc thiết yếu như ARV trong điều trị HIV.
 Thứ ba, đầu tư vào trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên có thể giúp đẩy nhanh cuộc đấu tranh chống đói nghèo, HIV/AIDS, bất bình đẳng về kinh tế-xã hội và phân biệt đối xử giới. Bất bình đẳng thường bộc lộ rất rõ ràng ở tuổi vị thành niên: trẻ em nghèo hoặc sống bên lề xã hội ít có khả năng được học lên cấp trung học và nhiều khả năng phải trải qua những sự lạm dụng như: tảo hôn, tình dục sớm, bạo lực và lao động giúp việc gia đình-đặc biệt là đối với các em gái. Việc chối bỏ quyền của trẻ vị thành niên được giáo dục và được chăm sóc sức khỏe một cách có chất lượng, được bảo vệ và được tham gia sẽ kéo dài mãi cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói và tình trạng bị gạt ra ngoài lề đã tước đi của họ cơ hội được phát triển tối đa tiềm năng của mình.
Thứ tư, đầu tư vào vị thành niên và thanh thiếu niên sẽ giúp tăng cường các nỗ lực của chúng ta nhằm giải quyết các thách thức lớn của thời đại: biến đổi khí hậu, bất ổn định kinh tế, đô thị hóa và di cư bùng nổ. Để có thể giải quyết hiệu quả các hậu quả qua nhiều thế hệ của những thách thức này, trẻ vị thành niên và thanh thiếu niên cần phải được đối xử như những đối tác bình đẳng và cần được trang bị những kỹ năng, năng lực và hiểu biết phù hợp.
Thứ năm, mặc dù trẻ vị thành niên thường được gọi là “thế hệ tương lai”, nhưng chúng ta không nên quên rằng đây cũng là một phần đáng kể của thế hệ các công dân toàn cầu hiện đại-đang sống, lao động và đóng góp cho các gia đình, cộng đồng, xã hội và nền kinh tế. Do đó, lực lượng này xứng đáng được công nhận, được bảo vệ và chăm sóc, được sử dụng các hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, được tạo cơ hội, được giúp đỡ.
Thứ sáu, thanh thiếu niên đang đi tiên phong trong một số lĩnh vực quan trọng như phòng chống HIV và bảo vệ môi trường, trong việc ứng dụng các công nghệ mới-để kết nối, sáng tạo và lên tiếng kêu gọi thay đổi. Thanh thiếu niên cũng thách thức các chuẩn mực truyền thống có tính lạc hậu…
  Một số khuyến nghị
Một là, cần có những thay đối cấp tiến trong mối quan hệ giữa người lớn và trẻ em, thanh thiếu niên. Chính phủ cần có những đối thoại nhằm đạt được những hiểu biết chung để chung sức giải quyết các thách thức phía trước, đồng thời cần đầu tư hơn nữa vào việc phát triển các trung tâm văn hóa, thể thao, câu lạc bộ thanh thiếu niên và cho các chương trình tình nguyện viên, nhằm cải thiện sự phát triển về mặt xã hội của thanh thiếu niên.
Hai là, tăng cường củng cố các hệ thống bảo trợ xã hội, đồng thời cần trang bị năng lực cho các dịch vụ xã hội và dịch vụ bảo trợ chuyên nghiệp để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên dễ bị tổn thương, thiết lập một “hệ thống liên tục các dịch vụ” nhằm đảm bảo công tác bảo vệ và phúc lợi cho trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi thời điểm và ở tất cả các cấp. Xây dựng cơ chế rõ ràng cho việc ngăn chặn, phát hiện sớm và xác định các đối tượng trẻ em dễ bị tổn thương cũng như gia đình có nguy cơ. Nhanh chóng thiết lập một cơ quan chuyên trách hoặc có quy trình riêng biệt cho công tác điều tra các khiếu kiện về lạm dụng trẻ em và thanh thiến niên.
 Ba là, cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc xóa nạn mù chữ ở các tỉnh khó khăn thuộc khu vực Trung du, miền núi phía Bắc, chú trong hơn nữa nhằm giảm chênh lệch về giới trong tỷ lệ người biết chữ. Tăng cường đầu tư của xã hội vào giáo dục, đào tạo và sức khỏe của thanh thiếu niên. Nhà trường cần tăng cường hơn nữa giáo dục kỹ năng sống, kiến thức về giới tính, gia đình, phòng chống HIV/AIDS… một cách có hệ thống thông qua chương trình chính khóa và ngoại khóa, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để họ phát biểu ý kiến và tham gia vào quá trình học tập cũng như quản lý nhà trường. Việc dạy nghề cần phải được cải thiện để giúp trang bị cho thanh niên các kỹ năng chuyên nghiệp nhằm giúp họ có thể cạnh tranh hiệu quả trên thị trường lao động.
Bốn là, tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi về HIV, tư vấn, xét nghiệm tự nguyện, trợ giúp pháp lý, chăm sóc sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản và HIV; tạo ra môi trường an toàn và thân thiện cho thanh thiếu niên có nguy cơ lây nhiễm HIV cao để giúp giảm bớt sự kỳ thị đang ngăn thanh thiếu niên không tiếp cận được tới các dịch vụ về phòng chống HIV; cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn về những nhóm thanh thiếu niên có nguy cơ lây nhiễm HIV cao để cung cấp các số liệu và bằng chứng có chất lượng nhằm xây dựng các chương trình can thiệp có hiệu quả cao hơn.
Năm là, cần nhận thức đúng đắn hơn về tầm quan trọng của việc tạo khả năng tiếp cận đầy đủ cho mọi người di cư với các dịch vụ xã hội, đặc biệt là các dịch vụ sinh sản. Các chính sách phát triển đô thị cần khuyến khích cung cấp các dịch vụ xã hội có chất lượng và cơ hội việc làm cho người di cư, đặc biệt, do nữ giới chiếm một tỷ lệ lớn trong số thanh thiếu niên di cư, cho nên cần cung cấp cho đối tượng này các dịch vụ sức khỏe sinh sản nhằm giúp bảo vệ họ trước nguy cơ không cần thiết đối với sức khỏe.  
Sáu là, cần thực hiện sự phối hợp tốt giữa các ngành, các bộ về những vấn đề chung đối với thanh thiếu niên. Tăng cường số lượng và nâng cao năng lực của cán bộ y tế địa phương (đặc biệt là vùng sâu vùng xa) trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản vị thành niên. Việc cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản cần thân thiện với thanh niên hơn, đặc biệt đối với HIV và các bệnh lây lan qua đường tình dục. Ngoài ra, cần sự hỗ trợ của của các phương tiện thông tin đại chúng để người lớn có cái nhìn toàn diện hơn về thanh thiếu niên, tổ chức cho thanh niên tham gia những hoạt động của cộng đồng nhằm xóa bỏ khoảng cách giữa thanh niên và người lớn, giáo dục cộng đồng hiểu về các nhu cầu của thanh niên, những đóng góp tích cực của thanh niên với cộng đồng, và các phương pháp giúp đỡ vị thành niên tốt hơn, qua đó cung cấp cho vị thanh niên các kỹ năng cần thiết để có thể có đủ bản lãnh vững  bước vào đời.
          Tuổi vị thành niên và thanh thiếu niên là một trong những giai đoạn sôi nổi và có lẽ phức tạp nhất của cuộc đời con người, thời điểm mà giới trẻ đảm nhận trách nhiệm mới và tự mình học hỏi, thử nghiệm và khám phá. Họ đi tìm bản sắc riêng của mình, áp dụng những giá trị đã được lĩnh hội từ thời thơ ấu, và phát triển thêm các kỹ năng mới để trở thành những người lớn có trách nhiệm và biết quan tâm đến người khác. Khi được giúp đỡ và động viên, họ sẽ phát triển tích cực và trở thành những thành viên có năng lực với nhiều đóng góp cho gia đình và cộng đồng. Tràn trề khí thế, được thôi thúc bởi lòng hiếu kỳ không dễ bị dập tắt, giới trẻ có khẳ năng thay đổi những hành vi tiêu cực trong xã hội, bức phá vòng luẩn quẩn của sự xung đột và phân biệt đối xử vốn đã ăn sâu từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với sự sáng tạo và lòng nhiệt tình của mình, giới trẻ có thể tạo ra nhiều thay đổi tích cực, đem lại một xã hội tốt đẹp hơn cho bản thân và mọi người.


[1] Điều tra biến động dân số năm 2007: Phát hiện chính, GSO (Tổng Cục Thống Kê), 2008.
[2] Báo cáo các xu hướng Việc làm tại Việt Nam, ILO (2010)
[3] Báo cáo các xu hướng Việc làm tại Việt Nam, ILO năm 2010.
[4] Giang LM, Nguy cơ nhiễm HIV ở nam thanh thiếu niên di cư sử dụng ma túy ở Hà Nội, 2006.
[5] Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các đơn vị khác (2008). Kết quả Điều tra gia đình Việt Nam năm 2006.
[6] Quỳnh Anh. Trẻ em bị xâm phạm tình dục gia tăng: Trách nhiệm của gia đình - nhà trường - xã hội, http://hanoimoi.com.vn, 01/03/2011.
[7] UNICEF. Phân tích tình hình trẻ em Việt Nam năm 2010.

[8] TS. Đinh Xuân Nam. Thực trạng và giải pháp phòng, chống vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 20 (136), tháng 12/2008.

[9] Tổng số có 10.044 thanh thiếu niên ở độ tuổi 14-25 sống tại 63 tỉnh/thành phố ở Việt Nam tham gia trả lời khảo sát trong Điều tra SAVY II.
[10] Định nghĩa về biết chữ trong bộ câu hỏi của Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009.
[11] Thanh niên Việt Nam-các số liệu điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009. Tài liệu dự thảo của UNFPA (Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc).
[12] Mạnh Hùng, Nạo phá thai ở tuổi vị thành niên: Chuyện đau lòng!,   www.suckhoedoisong.vn, ngày 13/5/2009.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét