Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

CỦNG CỐ VÀ MỞ RỘNG DÂN CHỦ Ở CƠ SỞ-NHÂN TỐ QUAN TRỌNG TRONG XÂY DỰNG, HOÀN THIỆN NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang nỗ lực “tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, bảo đảm Nhà nước ta thực sự là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, do Đảng lãnh đạo; thực hiện tốt chức năng quản lý kinh tế, quản lý xã hội; giải quyết đúng mối quan hệ giữa Nhà nước với các tổ chức khác trong hệ thống chính trị, với nhân dân, với thị trường...” , nhằm đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Để thực hiện được chủ trương trên, đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó thực hiện tốt việc đẩy mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở có một vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng tạo điều kiện thuận lợi và động lực to lớn để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

  Chi bộ Đài PT-TH Ninh Bình duy trì nền nếp sinh hoạt vào ngày 3 hàng tháng
Cơ sở là nơi trực tiếp thực hiện mọi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước. Thực hiện dân chủ ở cơ sở là thực hiện các quá trình dân chủ về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội một cách trực tiếp, rộng rãi và liên tục đối với mọi người, mọi giới và mọi lứa tuổi. Dân chủ ở cơ sở được thực hiện thông qua các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở và sự hiểu biết cùng khả năng thực hiện của mỗi người. Dân chủ ở cơ sở được thực hiện dưới hai hình thức: Dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện, trong đó dân chủ trực tiếp có ý nghĩa thiết thực nhất. Phương châm thực hiện dân chủ ở cơ sở là “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Đây cũng chính là quy trình thực thi dân chủ từ nhận thức đến hành động, qua kiểm tra đánh giá lại hành động, rồi tiếp tục nhận thức và hành động với hiệu quả cao hơn. Thực hiện dân chủ ở cơ sở phải dựa trên những quy định của Hiến pháp, pháp luật cũng như điều lệ của các tổ chức chính trị-xã hội, bảo đảm đúng đường lối của Đảng, tăng cường khối đoàn kết cộng đồng, phát huy tính tích cực, sáng tạo của mọi thành viên đóng góp vào sự nghiệp chung. Quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở, đảng bộ, chi bộ luôn là nhân tố đóng vai trò chính, lãnh đạo toàn bộ các hoạt động của quá trình đó.
Trong những năm qua, việc thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có những chuyển biến tích cực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở cơ sở, với việc xuất hiện ngày càng nhiều điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi, số hộ khá, giàu ngày càng tăng. Các tệ nạn xã hội giảm dần, nhiều vụ, việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân được giải quyết ổn thỏa. Cùng với đó là đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đảng viên. Việc các cấp ủy, chính quyền tổ chức đối thoại trực tiếp với dân, lấy ý kiến nhân dân tham gia về công tác đảng đã góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cấp ủy và chất lượng đảng viên, từng bước xây dựng tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh. Năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức được nâng lên... Hiện nay, nhiều vấn đề nhân dân bức xúc đều được chính quyền địa phương tiếp nhận, với gần 95 % đơn, thư thuộc thẩm quyền được giải quyết. Kết quả cuộc khảo sát lấy ý kiến về việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, có hơn 83% cán bộ cấp xã và gần 70% nhân dân đánh giá việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở thực sự có hiệu quả .
Tuy nhiên, cùng với các mặt tích cực đạt được nêu trên, trong quá trình củng cố và mở rộng dân chủ ở nước ta gặp phải một số khó khăn, trở ngại nhất định sau đây:
Thứ nhất, dân số nước ta tập trung chủ yếu ở nông thôn, cho nên mang nặng tính chất quần cư làng xã và sự điều chỉnh bằng phong tục tập quán, ngoài những mặt tích cực ra không phải bao giờ cũng tương hợp với việc xây dựng một nền dân chủ kiểu mới chủ yếu dựa trên các quy định của pháp luật. Xã hội ta chưa đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện dân chủ trực tiếp một cách rộng rãi vì trình độ dân trí, năng lực của cán bộ, phương tiện, vật chất, thông tin còn thấp kém.
Thứ hai, cở sở kinh tế-xã hội còn nghèo nàn, lạc hậu không đồng đều và cân đối giữa các vùng, ngành. Đặc biệt trong nền kinh tế thị trường hiện nay sự phân hóa xã hội đã ở một khoảng cách lớn. Hệ thống các văn bản pháp luật về lĩnh vực dân chủ và xã hội công dân còn chưa được hoàn chỉnh, đồng bộ, quản lý các cấp chính quyền cơ sở trên các lĩnh vực còn yếu và bất cập.
Thứ ba, mặt bằng dân trí nói chung, dân trí pháp lý nói riêng còn thấp, tình trạng vi phạm quyền tự do dân chủ của công dân ở các cơ sở còn phổ biến. Điều này gây khó khăn cho quá trình tiếp thu và thực hiện nội dung, yêu cầu của dân chủ, làm hạn chế quá trình dân chủ hóa cơ sở. Thực tế cho thấy hiện nay quan niệm “Phép vua thua lệ làng” vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của người dân nông thôn do sự hiểu biết hạn chế của họ. Vì vậy, chính sách của Đảng và Nhà nước cho dù có hoàn thiện đến đâu thì đến khi triển khai thực hiện đến người dân cũng vẫn gặp khó khăn, đây cũng là một trong những hạn chế ảnh hưởng tới việc thực hiện pháp luật dân chủ ở cơ sở.
Thứ tư, cách tổ chức, triển khai Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn còn đơn điệu, chưa thực sự thu hút được sự quan tâm và hình thành một thái độ, niềm tin cho mọi người trong xã hội. Cùng với đó là trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cơ sở còn nhiều hạn chế, phong cách lãnh đạo, quản lý chưa được đổi mới, một bộ phận cán bộ chưa thực sự gần gũi nhân dân, ngại kiểm điểm trước dân, chưa đi sâu, đi sát, chưa tạo điều kiện cho nhân dân kiểm tra công việc hàng ngày ở cấp xã.
Chính vì thế, trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở vẫn bộc lộ những hạn chế như tính dân chủ hóa, công khai hóa trong việc cung cấp những thông tin có liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của nhân dân ở cơ sở còn hạn chế. Việc thực hiện chế độ lấy ý kiến nhân dân trước khi ban hành chủ trương chính sách của chính quyền còn mang tính hình thức, kém hiệu quả, chưa quy định rõ ràng trách nhiệm của chính quyền trong việc thực hiện quy chế dân chủ. Nhiều địa phương và người dân còn xem nhẹ nghĩa vụ phải thực hiện các nội dung của Quy chế thực hiện dân chủ ở cơ sở; chưa có những chế tài cụ thể đối với những hành vi cản trở hoặc không thực hiện các nội dung của quy chế. Sự phối hợp giữa cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết và nhận diện các điển hình có nơi thiếu chặt chẽ, chưa đồng bộ; thiếu kiên quyết trong việc xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy trình thực hiện công khai, dân chủ. Không ít cán bộ chính quyền ở cơ sở có hiện tượng dễ làm, khó bỏ, thiếu công tâm, chưa thực sự vì dân, còn thiên lệch, nể nang, bênh vực, bao che cho những việc làm sai của người cùng cánh...
Những hạn chế, yếu kém trên đây đang gây nên những lực cản không nhỏ trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động... Trước thực tế đó, để củng cố và mở rộng dân chủ ở cơ sở trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải làm tốt những nội dung sau:
Một là, tiếp tục thực hiện mở rộng dân chủ trên lĩnh vực kinh tế
Để thực hiện dân chủ trên lĩnh vực kinh tế, phải tôn trọng và đảm bảo các lợi ích chính đáng của người lao động thông qua các chính sách kinh tế và chính sách xã hội đối với các thành phần kinh tế trong cơ cấu kinh tế nhiều thành phần trên tinh thần bình đẳng, công khai, phải tạo lập các điều kiện kinh tế - xã hội cho người lao động có cơ hội như nhau trong việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ kinh tế; phải thể chế hóa về mặt pháp lý những quyền công dân cơ bản trên lĩnh vực kinh tế. Mở rộng dân chủ trên lĩnh vực kinh tế tạo cơ sở để phát huy dân chủ trên lĩnh vực chính trị. Tiếp tục khẳng định quyền tự chủ của kinh tế tư nhân, phát triển ngành nghề và các hình thức kinh tế hợp tác để giải phóng mọi năng lực sản xuất của các tầng lớp dân cư đặc biệt ở nông thôn. Thông qua CNH, HĐH để nâng cao trình độ thực hiện dân chủ trên các lĩnh vực khác và thực hiện dân chủ trong quản lý kinh tế - xã hội ở cơ sở. Thực tiễn công cuộc đổi mới kinh tế - xã hội những năm qua đã chứng minh rằng việc thực hiện dân chủ trên lĩnh vực kinh tế ở cơ sở đặc biệt khi đã được quy định thành quy chế, tức được pháp chế hóa là giải pháp hữu hiệu giữ vững ổn định chính trị, giải quyết được những bức xúc trong nhân dân, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, trên cơ sở đó trình độ dân chủ ở cơ sở cũng được nâng lên.
Hai là, đối mới tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở
Hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, trong sạch sẽ thực thi dân chủ có hiệu quả, và ngược lại. Do đó, cần phải tiếp tục xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và mô hình tổ chức của các tổ chức trong hệ thống chính trị và “tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, tạo chuyển biến rõ rệt về chất lượng hoạt động của các loại hình cơ sở đảng, nhất là tổ chức đảng trong các đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Kiện toàn tổ chức của hệ thống chính trị, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ở cơ sở. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng và xây dựng đội ngũ cấp uỷ viên, trước hết là bí thư cấp uỷ. Thực hiện trẻ hoá, tiêu chuẩn hoá, tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ theo chức danh cán bộ cơ sở” .
Tiếp tục “đổi mới tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương. Nâng cao chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân các cấp, bảo đảm quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc quyết định và tổ chức thực hiện những chính sách trong phạm vi được phân cấp” . Xây dựng quy chế làm việc nghiêm túc của các cơ quan chính quyền các cấp, tạo lập mối quan hệ mật thiết giữa chính quyền và nhân dân, tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp tham gia xây dựng chính quyền cơ sở, công tác kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của bộ máy chính quyền. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; giảm mạnh và bãi bỏ các loại thủ tục hành chính gây phiền hà cho tổ chức và công dân... Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị, xã hội ở cơ sở “tiếp tục tăng cường tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, khắc phục tình trạng hành chính hoá, phát huy vai trò nòng cốt tập hợp, đoàn kết nhân dân xây dựng cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân; thực hiện dân chủ, giám sát và phản biện xã hội...” .
Ba là, từng bước hoàn thiện hình thức dân chủ đại diện và phát triển hình thức dân chủ trực tiếp ở cơ sở
Hoàn thiện cơ chế thực hiện dân chủ đại diện nhằm khắc phục dân chủ hình thức trong các hoạt động của cơ quan dân cử và đoàn thể chính trị - xã hội ở cơ sở. Nâng cao chất lượng hoạt động của các hình thức dân chủ đại diện thực chất là quá trình hiện thực hóa quyền làm chủ của cộng đồng dân cư ở cơ sở, mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, làm cho mọi hoạt động quản lý và điều hành của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương dựa theo nguyên tắc và phương pháp dân chủ, tạo điều kiện cho việc tiếp tục “thực hiện tốt hơn Quy chế dân chủ ở cơ sở và Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” góp phần hoàn thiện hình thức dân chủ trực tiếp ở cơ sở và ngược lại, làm tốt dân chủ trực tiếp sẽ làm cho dân chủ đại diện được thực hiện tốt hơn.
Để mở rộng dân chủ trực tiếp, phát huy dân chủ của nhân dân đòi hỏi: xác định rõ những vấn đề cần có sự tham gia trực tiếp của nhân dân ở cơ sở tương ứng trước khi cấp có thẩm quyền quyết định, nâng cao chất lượng đóng góp của dân vào việc hình thành các quyết định đó. Những vấn đề cơ quan lãnh đạo, người lãnh đạo phải báo cáo trước dân, phải được xác định rõ, chuẩn bị đầy đủ và báo cáo nghiêm túc; tránh cắt xén, báo cáo qua loa hình thức. Xây dựng những thiết chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với lĩnh vực và trình độ của đối tượng tương ứng. Có cơ chế kiểm soát việc thực hiện các thiết chế dân chủ đã được quy định, tránh hiện tượng các thiết chế dân chủ trực tiếp trở thành khẩu hiệu mị dân, nằm trên giấy, cần xây dựng chế tài xử lý cụ thể đối với các vi phạm, tránh tình trạng quy định chung chung, ai vi phạm sẽ bị xử lý theo pháp luật.
Bốn là, tăng cường cung cấp thông tin, nâng cao dân trí, bảo đảm định hướng đúng cho thực hiện dân chủ ở cơ sở
Trong thời đại khoa học - công nghệ phát triển và bùng nổ thông tin, việc cung cấp, định hướng thông tin cho nhân dân là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Thiếu thông tin chính xác sẽ làm cho nhân dân khó có thể phát huy quyền làm chủ của mình. Nhân dân có quyền được thông tin về pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhất là những vấn đề liên quan tới đời sống, lợi ích hàng ngày của nhân dân ở cơ sở; hình thành chế độ báo cáo công khai trước dân công việc chính quyền, cơ quan, đơn vị về sản xuất và phân phối;... Cung cấp thông tin, cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là những kiến thức về pháp luật, để nhân dân có thể hiểu, biết về quyền và nghĩa vụ của mình, có ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để nhân dân có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của người làm chủ và có đủ năng lực để tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Khả năng tiếp nhận, xử lý thông tin một cách chủ động là yêu cầu của quá trình thực hiện quyền làm chủ của nhân dân.
Những thông tin cung cấp cho nhân dân cần được chọn lọc, định hướng đúng đắn vừa phù hợp trước mắt, vừa có tính chiến lược lâu dài. Để khai thác và tiếp nhận thông tin có hiệu quả, Đảng ta chủ trương: “Chú trọng nâng cao tính tư tưởng, phát huy mạnh mẽ chức năng thông tin, giáo dục, tổ chức và phản biện xã hội của các phương tiện thông tin đại chúng vì lợi ích của nhân dân và đất nước;... Rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới báo chí, xuất bản trong cả nước theo hướng tăng cường hiệu quả hoạt động, đồng thời đổi mới mô hình, cơ cấu tổ chức, cơ sở vật chất - kỹ thuật theo hướng hiện đại. Phát triển và mở rộng việc sử dụng internet, đồng thời có biện pháp quản lý, hạn chế mặt tiêu cực, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động lợi dụng internet để truyền bá tư tưởng phản động, lối sống không lành mạnh” .
Năm là, tăng cường xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở
Trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đổi mới, việc xây dựng, củng cố đội ngũ cán bộ cơ sở xã, phường, thị trấn đang được đặt ra như một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước. Đảng ta chủ trương trong thời gian tới cần phải “nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cả về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý nhà nước. Có chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ, công chức hoàn thành nhiệm vụ và có cơ chế loại bỏ, bãi miễn những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật, mất uy tín với nhân dân...” .
Từ đó, xác định rõ các chức danh cụ thể trên cơ sở quy mô, đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình cơ sở, trong đó yếu tố quyết định khi xác định số lượng cán bộ, công chức là quy mô dân số. Cũng như từng vị trí, quy mô, khối lượng tính chất phức tạp và yêu cầu chất lượng của từng nhiệm vụ ở từng vị trí công việc chuyên môn của cán bộ, công chức; căn cứ vào đặc điểm của đơn vị hành chính (phường, thị trấn) ở các đô thị trong việc xác định các chức danh cán bộ chuyên trách, công chức chuyên môn khác với các đơn vị hành chính xã ở vùng nông thôn. Xây dựng tiêu chuẩn cụ thể, hợp lý. Tích cực và chủ động tạo nguồn một cách cơ bản, vững chắc. Đồng thời với việc tiêu chuẩn hóa vấn đề tạo nguồn cán bộ, công chức cơ sở cũng đang là đòi hỏi cấp bách, cần triển khai một cách tích cực, khẩn trương. Gắn đào tạo, bồi dưỡng với quy họach từng loại cán bộ, công chức cơ sở. Thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ, công chức cấp xã...
Thực hiện dân chủ ở cơ sở luôn luôn là vấn đề mới và phát triển không ngừng, đầy tính sáng tạo. Nó đòi hỏi chúng ta một mặt phải đi sâu nghiên cứu nhận thức đúng đắn về lý luận; mặt khác, thường xuyên đổi mới hình thức, biện pháp tổ chức thực hiện để đưa Quy chế dân chủ ở cơ sở vào cuộc sống một cách vững chắc và những yêu cầu của thực tiễn sẽ là nguồn bổ sung quan trọng góp phần củng cố và mở rộng dân chủ ở cơ sở.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét