Thứ Tư, 20 tháng 7, 2011

XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN "THÂN DÂN" THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

Tiếp nhận dòng chảy văn hóa truyền thống của dân tộc và thời đại, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thức được vai trò to lớn của nhân dân. Không chỉ dừng lại ở đó, Người còn luôn luôn tôn trọng, tin tưởng và đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, trước hết. Chính vì vậy, cả cuộc đời của Hồ Chí Minh chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Về thực chất, đây cũng chính là tư tưởng thân dân. Người cán bộ giữ được cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, là người có ý thức phục vụ nhân dân, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc, của Đảng lên trên hết, là thân dân.
134.jpg
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu. Ảnh: Tuấn Anh

         Vậy thì vì sao ta phải xây dựng chính quyền “Thân dân”? Hồ Chí Minh giải thích: dân là gốc của nước. Dân là người đã không tiếc máu xương để xây dựng và bảo vệ đất nước. Nước không có dân thì không thành nước. Nước do dân xây dựng nên, do dân đem xương máu ra bảo vệ, do vậy dân là chủ của nước. Nhân dân đã cung cấp cho Đảng những người con ưu tú nhất. Lực lượng của Đảng có lớn mạnh được hay không là do dân. Nhân dân là người xây dựng, đồng thời cũng là người bảo vệ Đảng, bảo vệ cán bộ của Đảng. Dân như nước, cán bộ như cá. Cá không thể sinh tồn và phát triển được nếu như không có nước. Nhân dân là lực lượng biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực. Do vậy, nếu không có dân, sự tồn tại của Đảng cũng chẳng có ý nghĩa gì. Đối với Chính phủ và các tổ chức quần chúng cũng vậy.
          Chính quyền “Thân dân”, phải là chính quyền hiểu dân, nghe được dân nói, nói được cho dân nghe, làm được cho dân tin, là nhận biết được những nhu cầu của họ, biết được họ đang suy nghĩ gì, trăn trở cái gì? Họ mong muốn những gì? Và họ đang mong đợi gì ở chính quyền, nhất là ở người lãnh đạo, quản lý; phải biết phát hiện và đáp ứng kịp thời những nhu cầu và lợi ích thiết thực của dân; là nhìn thấy cả cái thực tại và vạch ra được viễn cảnh (tương lai) đúng đắn cho dân phát triển; là biết chia sẻ, đồng cảm và gần gũi với cuộc sống của dân, mọi quyết sách đều xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của dân, phản ánh đúng tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của dân. Tháng 10-1945, trong thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “...Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì... Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”(1) . Người yêu cầu cán bộ từ Chủ tịch nước trở xuống đều phải là đày tớ trung thành của nhân dân. Theo Người: “Dân làm chủ thì Chủ tịch, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”(2) .

420.jpg
Theo Hồ Chí Minh thì cán bộ là công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân. Ảnh: Tuấn Anh

          Từ thực tế, Hồ Chí Minh đã thẳng thắn phê phán nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, khi xuống cấp dưới triển khai công việc thì khệnh khạng như “ông quan” và nội dung truyền đạt thì rất đại khái, hình thức, vì vậy mà quần chúng không hiểu và rất sợ đi họp. Đó là bệnh xa quần chúng, bệnh hình thức, không phải vì lợi ích của quần chúng. Việc đặt ra chương trình làm việc, kế hoạch hành động, tuyên truyền, nhiều cán bộ cũng không hỏi xem quần chúng cần cái gì, muốn nghe, muốn biết cái gì, “chỉ mấy ông cán bộ đóng cửa lại mà làm, ngồi ỳ trong phòng giấy mà viết, cứ tưởng những cái mình làm ra là đúng, mình viết là hay. Nào có biết, cách làm chủ quan đó, kết quả là “đem râu ông nọ chắp cằm bà kia”, không ăn thua, không thấm thía, không lợi ích gì cả”.
Là người phục vụ nhân dân, cán bộ Đảng, Nhà nước, đoàn thể đồng thời là người lãnh đạo, người hướng dẫn của nhân dân. Theo Người: Nếu không có nhân dân thì Chính phủ không đủ lực lượng, nếu không có Chính phủ, thì nhân dân không ai dẫn đường. Cán bộ, đảng viên phải làm thế nào để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Điều này cho thấy, Hồ Chí Minh không bao giờ đối lập vai trò người lãnh đạo với người đày tớ của nhân dân trong bản thân người cán bộ của Đảng và Nhà nước, mà trái lại Người yêu cầu phải làm thế nào để xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đày tớ thật trung thành của nhân dân. Là lãnh đạo không có nghĩa là đè đầu cưỡi cổ nhân dân. Bởi vì: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ cấp nào và ngành nào đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”(3) .
         Trong Nhà nước của dân thì dân là chủ, người dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nghĩa là có quyền làm bất cứ việc gì mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ tuân theo pháp luật. Nhà nước của dân phải bằng mọi nỗ lực, hình thành được các thiết chế dân chủ để thực thi quyền làm chủ của người dân. Cũng trên ý nghĩa đó, các vị đại diện của dân, do dân cử ra, chỉ là thừa ủy quyền của dân, chỉ là “công bộc” của dân theo ý nghĩa đúng đắn của từ này.
          Chính những tư tưởng của Người về vấn đề thân dân đã chỉ đạo cho hoạt động cách mạng của chúng ta trong việc huy động sức mạnh vật chất và tinh thần phục vụ cho cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng mối quan hệ đoàn kết toàn dân. Hiện nay, đại đa số cán bộ, đảng viên ta đã nhận thức và làm tốt việc coi trọng nhân dân, vì nhân dân phục vụ, làm cho kinh tế, văn hóa và xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt; đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện...
Tuy nhiên, dưới tác động mặt trái của cơ chế thị trường và mở cửa, hội nhập cùng những thiếu sót, khuyết điểm chủ quan của chúng ta trong lãnh đạo, quản lý cũng như trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước nên thời gian qua ở nước ta, các hiện tượng tiêu cực xã hội phát triển, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng, chính trị, phẩm chất, đạo đức, lối sống. Tệ tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, có nguy cơ làm biến chất Đảng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, vào Nhà nước và chế độ, làm giảm sút mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với nhân dân, gây nguy hại cho sự nghiệp cách mạng.
          Trong quan hệ giữa chính quyền với nhân dân, những biểu hiện như quan liêu, cửa quyền, vô cảm với nhân dân, xa dân, sách nhiễu dân đang có nguy cơ phát triển. Sự tha hóa của một bộ phận cán bộ có chiều hướng phát triển, thể hiện ở xa dân, sách nhiễu dân, tệ quan liêu, tham nhũng… Cán bộ lãnh đạo một số nơi còn lúng túng trước nhiệm vụ đặt ra, hội họp nhiều nhưng giải quyết công việc chưa hiệu quả, không sâu sát thực tế...
           Đối thoại giữa chính quyền và người dân chưa thường xuyên. Còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm nên giải quyết khiếu nại, tố cáo chậm. Bệnh che giấu khuyết điểm, nơi này đổ lỗi cho nơi kia còn khá phổ biến... Tình trạng hành dân, khinh dân, thậm chí lợi dụng quyền hành để bắt dân cống nạp, vẫn xảy ra ở nơi này nơi kia trong bộ máy chính quyền các cấp, kể cả cấp cơ sở, ở các vùng nghèo, vùng sâu.
          Nhiều cơ quan công quyền thường có thói quen ra những mệnh lệnh, những quyết định bắt người dân phải thi hành mà không tham khảo ý kiến của nhân dân. Ở nhiều địa phương việc xây dựng Quy chế dân chủ còn hình thức, trên thực tế người dân chưa được thực hiện quyền chính đáng của mình. Chính quyền một số nơi, nhất là ở cơ sở, nơi trực tiếp với nhân dân nhưng lại xa dân, ít quan tâm đến đời sống của nhân dân, không chú ý tìm hiểu những khó khăn, vướng mắc và tâm tư, nguyện vọng của dân, phong cách chỉ đạo, quản lý nặng về quan liêu, mệnh lệnh, vô cảm trước khó khăn, vất vả của dân. Những chủ trương liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi của dân không được đưa ra bàn bạc, thảo luận, lấy ý kiến của nhân dân hoặc giải thích cho nhân dân hiểu rõ để nhân dân tự giác chấp hành. Vì vậy, một số quyết định của chính quyền cấp cơ sở không được nhân dân đồng tình, có nơi khiến nhân dân bất bình, là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Để khắc phục được tình trạng đó, đòi hỏi chính quyền các cấp, những “đày tớ”, “công bộc” của dân, có bổn phận phục vụ nhân dân, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của dân giao, chịu sự kiểm soát của dân và sẽ bị tước quyền nếu đi ngược lại lợi ích của nhân dân. Để phục vụ nhân dân, người cán bộ, đảng viên phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, có giác ngộ sâu sắc về mục đích sống, mục đích hành động và việc làm của mỗi người, để trở thành những người “vừa hồng, vừa chuyên”, thực sự là tấm gương sáng để quần chúng nhân dân noi gương. Tinh thần tận tụy phục vụ nhân dân chỉ có được khi chính quyền các cấp có cán bộ, đảng viên thực sự thân dân.
          Thời đại Hồ Chí Minh, những giá trị văn hóa chính trị yêu nước, thương dân, lấy dân là gốc được soi sáng và phát triển rực rỡ, trở thành chân lý khoa học, kim chỉ nam cho hành động. “Thân dân”, luôn coi dân là gốc, là đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Mỗi cán bộ, đảng viên những người đại diện cho chính quyền, đoàn thể các cấp phải tự đặt mình vào địa vị của người dân mà mình đại diện để hiểu, suy xét, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất , mong muốn của người dân. Có lắng nghe, thấu hiểu nguyện vọng chính đáng của dân thì đại biểu dân cử mới thực hiện tốt việc “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến cho dân ta phải hết sức tránh”. Bởi, ta có yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta.
          Xây dựng chính quyền “Thân dân” biểu hiện ở việc cán bộ, đảng viên thực hiện nghĩa vụ và quyền lợi do pháp luật quy định. Tức là, phải trung thành với mục tiêu lý tưởng, với chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, phải hướng đến một nền hành chính, một tổ chức, một bộ máy phục vụ nhân dân; luôn gương mẫu hoàn thành kế hoạch được giao và nếu có chức vụ phải biết sử dụng quyền lực để giao việc, kiểm tra, theo dõi, đánh giá, phê bình, khen thưởng một cách công minh chính trực; phải lắng nghe và dựa vào quần chúng nơi cơ quan để xây dựng quy chế làm việc, quy chế dân chủ cơ sở, quy chế chi tiêu tài chính, các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, làm cho cơ quan đoàn kết nhất trí; không xu nịnh, không ưa nịnh, không chia bè chia cánh, cục bộ, bản vị; phải luôn đề cao trách nhiệm vì dân để giải quyết nhanh chóng, kịp thời những chế độ, chính sách liên quan đến người dân; phải thận trọng trong việc xem xét, quyết định các vấn đề hệ trọng có ảnh hưởng đến quyền bình đẳng, quyền lợi của các tầng lớp nhân dân. Khi nhân dân có ý kiến, khiếu nại, tố cáo, kể cả tố cáo cá nhân mình, thì phải biết bình tĩnh lắng nghe, phân tích và có thái độ kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, nếu quyết định của mình chưa đúng. Không né tránh, đùn đẩy, gây phiền hà và khó khăn, tốn kém cho dân…
        Nói và thực hành “Thân dân” trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay càng đòi hỏi chính quyền các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải gần dân, sát dân, luôn luôn lắng nghe và thấu hiểu mọi tâm tư, tình cảm và nguyện vọng của dân, nhằm giải quyết kịp thời những nhu cầu và lợi ích chính đáng, thiết thực và cụ thể của quần chúng; phải từ trong dân, từ ý chí và tâm trạng của dân để phục vụ nhân dân.



[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2002, t.4, tr.56-57.
[2] Hồ Chí Minh: Sđd, t.8, tr.375.
[1] Hồ Chí Minh: Sđd, t.10, tr.323.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét