Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

KIÊN ĐỊNH MỤC TIÊU ĐỘC LẬP DÂN TỘC VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI TRONG ĐIỀU KIỆN HIỆN NAY

Ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội do Hồ Chí Minh và Đảng ta giương cao hơn tám thập kỷ qua đã đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thống nhất Tổ quốc, thu giang sơn về một mối, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Nội dung cốt lõi, bao trùm nhất của tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội không những thể hiện sự nhất quán, trung thành với con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn, mà còn là sự vận dụng đúng đắn tư tưởng của Hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước trong điều kiện mới.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là trung thành với con đường mà dân tộc ta đã lựa chọn; thể hiện sâu sắc tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Hồ Chí Minh; là sự bảo đảm chắc chắn nhất cho dân tộc Việt Nam phát triển ở thế kỷ XXI. Trong thời đại ngày nay, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, vận mệnh của dân tộc Việt Nam không thể tách rời con đường xã hội chủ nghĩa; độc lập dân tộc phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng đất nước là xây dựng chủ nghĩa xã hội; bảo vệ giang sơn gấm vóc còn là bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bài học được Đảng ta rút ra trong quá trình đổi mới là “phải kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đổi mới không phải từ bỏ mục tiêu chủ nghĩa xã hội mà là làm cho chủ nghĩa xã hội được nhận thức đúng đắn hơn, và được xây dựng có hiệu quả hơn. Đổi mới không phải xa rời mà là nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng của Đảng và kim chỉ nam cho hành động cách mạng”[1]. Độc lập dân tộc là điều kiện tiên quyết để thực hiện chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa xã hội là cơ sở bảo đảm vững chắc cho độc lập dân tộc. Xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược có quan hệ chặt chẽ với nhau. Như vậy, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là mục tiêu chính trị không thay đổi, dù trong bất cứ giai đoạn nào, hoàn cảnh nào của cách mạng Việt Nam. Kiên định con đường xã hội chủ nghĩa là giải pháp tổng quát duy nhất đúng, tối ưu nhất để xây dựng một nước Việt Nam thật sự giàu mạnh, văn minh, nhân dân Việt Nam thật sự tự do, ấm no, hạnh phúc, và dân tộc Việt Nam mới có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Hồ Chí Minh. Sự kiên định đó không phải chỉ là tình cảm cách mạng, không chỉ là sự trung thành với truyền thống lịch sử cách mạng của dân tộc, mà dựa trên sự phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế một cách tỉnh táo và đúng đắn.
Sự phát triển và chấn hưng đất nước sẽ không thể đạt được kết quả; sự an nguy của dân tộc, cuộc sống lao động hoà bình của nhân dân, sự tồn vong của chế độ mà nhiều thế hệ người Việt Nam bông mồ hôi và cả xương máu của mình tạo dựng nên sẽ không được bảo đảm, nếu như chúng ta không tiếp tục gương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Dù cho trong thế kỷ này có diễn ra những biến động phức tạp, với nhiều bất trắc, khó lường, nhưng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội vẫn là giá trị cơ bản của thời đại, vẫn là mục tiêu, lý tưởng và con đường phát triển của dân tộc Việt Nam.
Quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước, quy luật sống còn của dân tộc Việt Nam mà lãnh tụ Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo trên con đường cứu nước, cứu dân, mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, đã chỉ ra rằng xa rời con đường ấy, đi chệch khỏi quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội thì đồng thời với việc xoá bỏ nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên bản đồ chính trị thế giới.
Có người muốn khuyên chúng ta cần phải hướng tới chế độ tư bản chủ nghĩa. Họ lập luận rằng chủ nghĩa xã hội trên thế giới đã đi vào hồi cáo chung từ lâu, việc gì ta còn phải “giữ sĩ diện” cứ kiên định mãi con đường chẳng có điều gì hứa hẹn, một con đường chỉ chuốc lấy sự “cô lập” trên thế giới, một con đường đưa đất nước vào trong vòng luẩn quẩn “không có lối ra”?! Họ cho rằng, chủ nghĩa tư bản mới là “giá trị vĩnh hằng”, mới là chế độ xã hội đại biểu nhất cho sự “tiến bộ” của nhân loại, mà mọi dân tộc đều phải hướng tới.
Cần khẳng định rằng, chủ nghĩa tư bản ngay từ đầu thế kỷ XX cho đến bây giờ vẫn không thể và không phải là sự lựa chọn con đường phát triển của dân tộc ta. Dù cho chủ nghĩa tư bản hiện đại có những điều chỉnh, thích nghi và có những bước phát triển mới, nhưng nó vẫn là chế độ bóc lột, bất công và đầy mâu thuẫn. Bản chất bóc lột của chủ nghĩa tư bản không bao giờ thay đổi. Không những thế, bản chất bóc lột và phản động của nó đang được chủ nghĩa tư bản ra sức mở rộng đến các nước đang phát triển bằng các hình thức nô dịch và chủ nghĩa cường quyền mới về chính trị, kinh tế, văn hóa và cả quân sự. Sự đói khổ của hàng tỷ người trên trái đất, những cảnh chết chóc, chia lìa bởi các cuộc chiến tranh do chúng gây ra ở nhiều nơi trên thế giới như là bản cáo trạng vạch rõ bản chất xấu xa, phản động của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc. Thứ chủ nghĩa ấy không thể là “viễn cảnh” của sự phát triển dân tộc Việt Nam, như một số người ảo tưởng! Nhà sử học và dân số học người Pháp, ông Emmanuel Todd, trong tác phẩm “Siêu cường quốc USA - một cáo phó” tiên đoán sự suy vong của Mỹ, và khi trả lời phỏng vấn tờ Der Spiegel (Tấm Gương) của Đức, ông dự báo “khác với thế kỷ 20, thế kỷ 21 sẽ là một thế kỷ phi Mỹ”; việc Mỹ phớt lờ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tấn công Irắc chứng tỏ Mỹ đang tuyệt vọng, chính vì nó không còn khả năng thực thi ý mình bằng những cách khác[2]. Nhận xét trên đây phải chăng đã nói lên phần nào tính chất phản động và hết thời của cường quốc số một thế giới tư bản chủ nghĩa.
Nhân dân ta đã giành được độc lập dân tộc trong thế kỷ vừa qua, nhưng không có nghĩa là trong thế kỷ này chúng ta không phải bảo vệ độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc không được giữ vững thì cũng chẳng có việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế hiện nay, chúng ta không chỉ bảo vệ độc lập trên lĩnh vực kinh tế, mà cuộc đấu tranh để giữ vững nền độc lập dân tộc tiếp tục diễn ta trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, quân sự... với những nội dung mới, hình thức mới và sắc thái mới. Các hình thức đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp diễn ra quyết liệt, đan xen nhau trên tất cả các lĩnh vực, làm cho việc bảo vệ độc lập dân tộc, an ninh quốc gia và thể chế chính trị đất nước trở nên hết sức phức tạp.
Giữ vững được độc lập dân tộc thì mới xây dựng được chủ nghĩa xã hội; và chỉ có đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội, thực hiện theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” thì nền độc lập mới có cơ sở được bảo đảm vững chắc. Sự gắn bó khăng khít giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là bản chất của sự vận động của cách mạng Việt Nam, là bản chất của quy luật dựng nước đi đôi với giữ nước của dân tộc ta trong thời đại Hồ Chí Minh.
Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trước hết và quyết định nhất là kiên định, trung thành và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình cách mạng Việt Nam.
Từ trước đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn xứng đáng là Đảng Mác - Lênin chân chính. Sự nghiệp đổi mới đất nước hiện nay sở dĩ đạt được những thành tựu to lớn, trước hết và trên hết là do Đảng ta đã đổi mới tư duy lý luận, nhận thức đúng đắn và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, cũng như vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện lịch sử mới. Điều đó có nghĩa là trở về đúng với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của Đảng ta, đồng thời làm tăng thêm sức sống và sự vững chắc cho nền tảng tư tưởng ấy.
Tình hình thế giới “hậu Xô Viết” đặt ra hàng loạt vấn đề mới mẻ và hết sức phức tạp. Đó là những vấn đề chủ nghĩa xã hội và triển vọng phát triển của nó; vấn đề xây dựng chủ nghĩa xã hội với nền kinh tế nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế; vấn đề về phong trào cách mạng thế giới và xu hướng phát triển của phong trào; vấn đề về chủ nghĩa tư bản hiện đại; vấn đề chiến tranh và hoà bình trong điều kiện mới... Bàn về các vấn đề trọng đại ấy, người ta đã thấy không ít các luận thuyết khác nhau: nào là chủ nghĩa xã hội dân chủ, nào là chủ nghĩa xã hội phi mác xít... đòi thay thế và hạ bệ chủ nghĩa Mác - Lênin. Trong bối cảnh ấy, chúng ta cần nhắc lại câu nói của Hồ Chí Minh khi Người còn đang đi tìm đường cứu nước: “Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, chắc chắn nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin”[3].
Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin không có nghĩa là tiếp thu một cách máy móc. Mọi sự tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin một cách giáo điều đều là sự tước bỏ bản chất cách mạng và khoa học của chủ nghĩa ấy. Lênin đã từng dạy chúng ta, phân tích cụ thể tình hình cụ thể là linh hồn sống của chủ nghĩa Mác. Chúng ta cần quán triệt sâu sắc phương pháp luận của Lênin khi Người nghiên cứu chủ nghĩa Mác: không nên coi chủ nghĩa Mác như một cái gì đã xong xuôi hẳn, mà phải đẩy nó lên nếu những người cách mạng không muốn lạc hậu.
Trung thành và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về dựng nước đi đôi với giữ nước trước hết phải kiên định và thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là sự thể hiện tổng quát nhất, bao trùm nhất tư tưởng dựng nước đi đôi với giữ nước của Hồ Chí Minh, đồng thời là sự phản ánh sâu sắc tính chính trị - giai cấp trong tư tưởng của Người. Dựng nước đi đôi với giữ nước là để cứu nước, cứu dân; là để xây dựng đất nước phồn vinh, giang sơn bền vững, trong đó mọi người dân đều được tự do, ấm no, hạnh phúc thực sự. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là nhằm đạt đến mục tiêu đó. Tuy nhiên cần thấy rằng, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đang đi không phải là thẳng tắp, không phải là không có chông gai. Đồ thị phát triển của con đường ấy có thể còn có đoạn gấp khúc, nhưng mũi tên cơ bản của hướng đồ thị là theo chiều tiến lên. Sự nghiệp xây dựng xã hội mới thật sự là sự nghiệp khó khăn, phức tạp và lâu dài, nhưng con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được xác định rõ ràng hơn, có những thuận lợi căn bản và thời cơ lớn. Với thế và lực của đất nước ta hiện nay, với sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta sẽ tận dụng được thuận lợi, tranh thủ được thời cơ, vượt qua khó khăn, khắc phục nguy cơ, thực hiện thắng lợi những mục tiêu theo con đường xã hội chủ nghĩa mà dân tộc ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn.
Thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là sự hiện thực hoá một cách sinh động và cụ thể lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn hiện nay. Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mà Đảng ta đã xác định. Chủ nghĩa xã hội sinh động và cụ thể trong đời sống hiện thực. Quá trình phấn đấu thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là quá trình hiện thực hoá và thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa trong thực tiễn, trong cuộc sống của mọi tầng lớp nhân dân, làm cho nhân dân càng thêm gắn bó với Đảng, với chế độ, ra sức đóng góp sức mình vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Như vậy, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội còn được thể hiện ra bằng hành động thực tiễn của mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, được đo bằng kết quả của việc thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà chúng ta đang phấn đấu.

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, H.2006, tr.70.
[2] Nguồn: Der Spiegel, số 12, 17.03.2003.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb Chính trị quốc gia, H.2000, tr.268.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét