Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

QUÁ TRÌNH NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH XÃ HỘI CỦA ĐẢNG TA TỪ ĐỔI MỚI ĐẾN NAY

Hơn 20 năm đổi mới vừa qua, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta đã không ngừng nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện ngày càng có hiệu quả các hệ thống chính sách, trong đó có chính sách xã hội (CSXH), điều này đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tại Đại hội VI (1986) Đảng ta đã chỉ rõ: “Cần thể hiện đầy đủ trong thực tế quan điểm của Đảng và Nhà nước về sự thống nhất giữa chính sách kinh tế và CSXH, khắc phục thái độ coi nhẹ CSXH tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Trên cơ sở khẳng định quan điểm lấy việc phục vụ con người là mục đích cao nhất trong mọi hoạt động của Đảng và Nhà nước, Đảng ta khẳng định: “CSXH bao trùm mọi mặt của cuộc sống con người: điều kiện lao động và sinh hoạt, giáo dục và văn hoá, quan hệ gia đình, quan hệ giai cấp, quan hệ dân tộc... coi nhẹ CSXH tức là coi nhẹ yếu tố con người trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”. Đây là lần đầu tiên khái niệm CSXH được đề cập trong văn kiện với tư cách là một hệ thống nằm trong tổ hợp chính sách kinh tế - xã hội của quốc gia. CSXH không tồn tại độc lập mà nó luôn gắn liền với chính sách kinh tế, Đảng xác định: “Trình độ phát triển kinh tế là điều kiện vật chất để thực hiện CSXH, nhưng những mục tiêu xã hội lại là mục đích của các hoạt động kinh tế”. Sau 05 năm đổi mới, thực hiện CSXH đã đạt được những tiến bộ nhất định, đời sống của một bộ phận nhân dân so với 05 năm trước ổn định hơn và nhiều mặt được cải thiện. Tuy nhiên, CSXH vẫn chưa được quan tâm đúng với tầm quan trọng của nó và còn nhiều thiếu sót nên đại bộ phận nhân dân, nhất là cán bộ công chức nhà nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Kế thừa và phát triển quan điểm của Đại hội VI, Đại hội Đảng lần thứ VII tiếp tục khẳng định vai trò của CSXH đối với phát triển kinh tế: “Coi phát triển kinh tế là cơ sở và tiền đề để thực hiện các CSXH, thực hiện tốt CSXH là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế”. Chính vì thế, “Cần huy động mọi khả năng của Nhà nước và của nhân dân, Trung ương và địa phương để cùng nhau giải quyết những vấn đề của CSXH. Xây dựng các quỹ BHXH của nhân dân trong tất cả các thành phần kinh tế; phát triển các hiệp hội từ thiện nhân đạo để phát huy truyền thống nhân ái tương trợ lẫn nhau của dân tộc ta, đồng thời hỗ trợ Nhà nước trong việc giải quyết những vấn đề xã hội”. CSXH bảo đảm và không ngừng nâng cao đời sống vật chất của mọi thành viên trong xã hội về ăn, ở, đi lại, học tập, nghỉ ngơi, chữa bệnh và nâng cao thể chất… CSXH cũng nhằm xây dựng nền văn hoá mới, tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp, phong phú và đa dạng, có nội dung nhân đạo, dân chủ, tiến bộ. Trên cơ sở những nhận thức mới về phát triển xã hội được hình thành từ thực tiễn phát triển đất nước sau 10 năm đổi mới, Đại hội Đảng lần thứ VIII đề ra một hệ thống quan điểm: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong suốt quá trình phát triển… Các vấn đề CSXH đều giải quyết theo tinh thần xã hội hoá. Nhà nước giữ vai trò nòng cốt đồng thời động viên mỗi người dân, các doanh nghiệp, các tổ chức trong xã hội, các cá nhân và tổ chức nước ngoài cùng tham gia giải quyết những vấn đề xã hội”. Các quan điểm cơ bản nêu trên đã định hình tổng thể tư duy lý luận của Đảng về giải quyết các vấn đề xã hội trong thời kỳ đổi mới. Nó vừa thích ứng với nhu cầu tạo động lực cho sự phát triển bền vững, vừa hướng tới giá trị công bằng và tiến bộ xã hội. Thực hiện quan điểm chỉ đạo của Đại hội VIII, các CSXH có sự đổi mới. Chính sách lao động và việc làm đã gắn kết với quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế, phát triển sản xuất. Chính sách xoá đói giảm nghèo được đặc biệt coi trọng với việc hình thành Chương trình quốc gia theo Quyết định 133 của Thủ tướng Chính phủ (23 - 07 - 1998). Ưu đãi người có công được luật hoá bằng Pháp lệnh do Quốc hội ban lệnh với những chế độ trợ cấp ưu đãi đặc biệt. Bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân được đảm bảo bằng mở rộng mạng lưới y tế đến cộng đồng dân cư, thực hiện chế độ bảo hiểm y tế. Phòng và chống tệ nạn xã hội được đảm bảo bằng luật pháp; Mở rộng các hoạt động đền ơn đáp nghĩa những người có công với nước, đảm bảo cho người có công và gia đình có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của xã, phường nơi cư trú. Đại hội Đảng lần thứ IX và các Hội nghị Trung ương Khoá IX đã cụ thể hoá và bổ sung các quan điểm về CSXH của Đại hội VIII, với những nội dung cơ bản: Giải quyết CSXH phải gắn liền với quá trình xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt là “phát triển thị trường lao động; người lao động được tìm và tạo việc làm ở mọi nơi trong nước; đẩy mạnh xuất khẩu lao động với sự tham gia của các thành phần kinh tế”. Trong giải quyết các CSXH, Nhà nước vừa là người điều tiết, vừa là nhà đầu tư. Coi trọng công bằng trong hưởng thụ các dịch vụ xã hội, đặc biệt là công bằng trong thụ hưởng dịch vụ giáo dục và chăm sóc y tế, với việc tạo cơ hội cho những đối trọng, những vùng còn khó khăn có cơ hội được chăm sóc tốt hơn. Xã hội hoá việc giải quyết các vấn đề xã hội, động viên toàn xã hội tham gia giải quyết các vấn đề xã hội. Đồng thời, “thực hiện các chính sách xã hội hướng vào phát triển và lành mạnh hoá xã hội, thực hiện công bằng trong phân phối, tạo động lực mạnh mẽ phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động xã hội, thực hiện bình đẳng trong các quan hệ xã hội, khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp”. Đại hội Đảng lần thứ X của Đảng, trong khi khẳng định những thành tựu đạt được là cơ bản, đồng thời cũng chỉ rõ những hạn chế trong việc tổ chức thực hiện một số CSXH như: Kết quả xoá đói giảm nghèo chưa thật vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn lớn; khoảng cách chênh lệch về thu nhập, mức sống giữa các tầng lớp nhân dân, giữa các vùng có xu hướng doãng ra; nhu cầu về việc làm ở thành thị và nông thôn chưa được đáp ứng tốt; tội phạm và tệ nạn xã hội có chiều hướng tăng... Để khắc phục tình trạng trên, Đại hội X đề ra chủ trương: “Kết hợp các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội trong phạm vi cả nước, ở từng lĩnh vực, địa phương; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển, thực hiện tốt các chính sách xã hội trên cơ sở phát triển kinh tế, gắn quyền lợi và nghĩa vụ, cống hiến và hưởng thụ, tạo động lực mạnh mẽ và bền vững hơn cho phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung giải quyết những vấn đề xã hội bức xúc”. Đồng thời xác định rõ trách nhiệm: “Xây dựng hệ thống an sinh xã hội đa dạng; phát triển mạnh hệ thống BHXH, tiến tới BHYT toàn dân. Đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, tạo cơ hội cho mọi người dân được bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ. Xây dựng chiến lược quốc gia về nâng cao sức khoẻ, tầm vóc con người Việt Nam, tăng tuổi thọ và cải thiện chất lượng giống nòi. Thực hiện tốt các chính sách dân số và kế hoạch hoá gia đình, các chính sách ưu đãi xã hội”. Những vấn đề xã hội đã được Đại hội Đảng lần thứ X nhận thức và giải quyết toàn diện cả ở góc độ mục tiêu và hệ thống giải pháp trong tổng thể các chính sách phát triển, mà ở đó con người thực sự là trung tâm, là động lực và mục tiêu của phát triển xã hội bền vững. Trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: Phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là trong tình hình kinh tế khó khăn, suy giảm; gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, đổi mới quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; khắc phục tình trạng bất hợp lý và tác động tiêu cực của quan hệ phân phối, chính sách tiền lương, thu nhập hiện nay. Đặc biệt, trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã tiếp tục khẳng định việc xây dựng và thực hiện một CSXH đúng đắn, công bằng vì con người là động lực mạnh mẽ phát huy mọi năng lực sáng tạo của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm công bằng, bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ công dân; kết hợp chặt chẽ, hợp lý phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách;... Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách đối với người và gia đình có công với nước. Chú trọng cải thiện điều kiện sống, lao động và học tập của thanh, thiếu niên, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Chăm lo đời sống những người già cả, neo đơn, tàn tật, mất sức lao động và trẻ mồ côi. Hạn chế, tiến tới đẩy lùi và giảm tác hại của tệ nạn xã hội. Bảo đảm quy mô hợp lý và chất lượng dân số. Trong những năm qua, công tác giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo, thực hiện chính sách với người và gia đình có công, chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tích cực: Từ năm 2000-2005, đã tạo việc làm cho 7,5 triệu lao động và trong 05 năm (2006-2011), đã giải quyết được việc làm cho trên 08 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm còn dưới 4,5%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,5%. Công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ đạt được một số kết quả quan trọng; mức hưởng thụ các dịch vụ y tế của nhân dân tăng lên, đặc biệt với trẻ em, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Chỉ số phát triển con người không ngừng tăng lên; Việt Nam đã hoàn thành phần lớn các Mục tiêu Thiên niên kỷ: Chỉ số phát triển con người tăng từ mức 0,683 (năm 2000) lên 0,733 (năm 2008), xếp thứ 100/177 nước, thuộc nhóm trung bình cao; hoàn thành 6/8 nhóm Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG) do Liên hợp quốc đặt ra cho các nước đang phát triển đến năm 2015. Tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhìn chung, không ngừng được nâng cao: GDP bình quân năm tăng, giai đoạn 1986-1990, GDP tăng 4,4%/năm; Giai đoạn 1991-1995, GDP tăng 8,2%/năm; Giai đoạn 1996-2000, GDP tăng 7%/năm; Giai đoạn 2000-2005, GDP tăng 7,5%/năm; Giai đoạn 2006-2011, GDP đạt 7%/năm, tổng vốn đầu tư toàn xã hội gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005, đạt 42,9% GDP. Quy mô tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2010 tính theo giá thực tế đạt 101,6 tỷ USD, gấp 3,26 lần so với năm 2000; GDP bình quân đầu người đạt 1.168 USD. Cùng với đó, công tác giáo dục, đào tạo đã đạt một số kết quả bước đầu. Trong vòng 12 năm qua (từ 1998 - 2010), Nhà nước tăng dần đầu tư giáo dục, đào tạo từ mức hơn 13% lên 20% tổng chi ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, Nhà nước thực hiện chế độ miễn giảm học phí (đã có 53% số học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí), chế độ cấp học bổng chính sách; chế độ chính sách tín dụng sinh viên (đến nay đã có khoảng 1,6 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để học tập với số tiền 18.000 tỷ đồng). Việc huy động các nguồn lực xã hội cho giáo dục, đào tạo, phát triển giáo dục, đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Quy mô giáo dục tiếp tục được phát triển. Đến năm 2010, tất cả các tỉnh, thành phố đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng, năm 2010 đạt 40% tổng số lao động đang làm việc. Đối với công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức, thái độ, hành vi của người dân về dân số - kế hoạch hóa gia đình. Quy mô gia đình ít con ngày càng được chấp nhận rộng rãi; hiểu biết và thực hành về kế hoạch hóa gia đình được nâng lên rõ rệt. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp trách thai của các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng, từ 73,9% (năm 2000) tăng lên 76,8% (năm 2005) và 80,3% (năm 2010). Bên cạnh đó, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được mở rộng từ trung ương đến địa phương. Ngoài hệ thống y tế công lập còn có hàng chục nghìn cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình. Quy mô trung bình của một gia đình Việt Nam đã giảm từ 4,6 người (năm 1999) xuống còn 3,8 người (năm 2009), gia đình hạt nhân chiếm tới 2/3 tổng số gia đình. Quy mô gia đình nhỏ đã góp phần đáng kể vào việc phát triển kinh tế gia đình, tạo điều kiện xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước về ưu đãi xã hội, hệ thống chính sách ưu đãi người có công được xây dựng ngày càng phù hợp hơn với các đối tượng và dần được hoàn thiện. Phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa” với năm chương trình hành động cụ thể đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta. Quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa” được sử dụng hiệu quả trong việc xây dựng cải tạo nhà tình nghĩa, chăm sóc bố mẹ liệt sỹ, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thăm hỏi tặng quà và giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình người có công với cách mạng... Mỗi năm, cả nước xây dựng, sửa chữa hơn 15.000 nhà tình nghĩa trị giá hơn 292 tỷ đồng. Quỹ đền ơn đáp nghĩa huy động được 232,4 tỷ đồng. Xây dựng 2.147 công trình và sửa chữa 818 công trình tưởng nhớ liệt sĩ trị giá hơn 220 tỷ đồng. Sự nỗ lực của toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta và bản thân người có công đã thu được những kết quả khả quan. 85% số xã, phường đạt tiêu chuẩn xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sỹ và người có công, 90% số gia đình chính sách có mức sống trung bình trở lên so với dân cư cùng địa bàn cư trú, nhiều tấm gương người có công điển hình về đạo đức lối sống. Đối với công tác BHXH cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng: Năm 1996 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là 2,85 triệu người, thì đến tháng 07/2011 số người tham gia BHXH, BHYT trên 53 triệu người, trong đó có trên 9,6 triệu người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc (trong đó có trên 7,4 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp). Diện bao phủ BHYT đã tăng vượt bậc, từ 45% dân số trước khi thực hiện Luật BHYT lên trên 60% dân số (50,7 triệu người tham gia và gần 2 triệu trẻ em dưới 6 tuổi không có thẻ BHYT nhưng vẫn được đảm bảo quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT). Năm 2010 có trên 106 triệu lượt người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh và được quỹ BHYT chi trả trên 19.000 tỷ đồng. Số người tham gia BHYT tăng nhanh đã góp phần củng cố và tạo nguồn tài chính ổn định, vững chắc cho công tác khám, chữa bệnh  BHYT và tạo tiền đề để xây dựng và triển khai thực hiện lộ trình BHYT toàn dân. Năm 2010, BHXH các tỉnh, thành phố, Bộ Quốc phòng, CAND, Ban Cơ yếu Chính phủ đã giải quyết chế độ cho 140.200 người hưởng BHXH hàng tháng; 590.100 người hưởng BHXH một lần; trên 4,7 triệu lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức - phục hồi sức khỏe. Chi BHXH bắt buộc ước thực hiện là 65.844 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2009, do tăng số người hưởng chế độ và do điều chỉnh mức lương tối thiểu chung lên 730.000 đồng vào tháng 05/2010. Đây cũng là năm đầu tiên thực hiện chi trả trợ cấp thất nghiệp. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 156.765 (chiếm 96% số người nộp hồ sơ); số người được tư vấn giới thiệu việc làm là 125.562 (chiếm 80% số người hưởng trợ cấp thất nghiệp). Tính cả giai đoạn 2007-2010, Chính phủ đã 04 lần điều chỉnh lương hưu với mức điều chỉnh tăng thêm 62,7% so với lương hưu của tháng 12/2006. Đến năm 2010, tổng số đối tượng hưởng lương hưu hàng tháng là 1.796.734 người,  với mức lương hưu bình quân là 2.197.199 đồng/người/tháng. Thực tiễn thực hiện mục tiêu phát triển xã hội trong hơn 20 năm qua, với những nỗ lực, cố gắng không ngừng, tư duy lý luận của Đảng về CSXH đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện: Từ chỗ không đặt đúng tầm quan trọng của CSXH trong mối quan hệ tương tác với chính sách kinh tế đã đi đến thống nhất chính sách kinh tế với CSXH; Tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước phát hiện. Từ chỗ Nhà nước bao cấp toàn bộ trong việc giải quyết việc làm đã dần dần chuyển trọng tâm sang thiết lập cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế và người lao động đều tham gia tạo việc làm. Từ chỗ không chấp nhận có sự phân hoá giàu - nghèo đã đi đến khuyến khích mọi người làm giàu hợp pháp đi đôi với tích cực xoá đói, giảm nghèo, coi việc một bộ phận dân cư giàu trước là cần thiết cho sự phát triển. Việc gắn kết giữa phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội có chuyển biến tích cực, đảm bảo quá trình tăng trưởng kinh tế vững chắc, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của đất nước.  

Tài liệu tham khảo: 1. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, X, XI 
2. Phạm Ngọc Quang, Vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 8 (178) năm 2009. 
3. Dương Minh Đỗ, Thực hiện tốt hơn nữa chính sách ưu đãi người có công, Tạp chí Cộng sản điện tử, số 14 (182) năm 2009 
4. Nguồn. Báo nhân dân điện tử: Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" năm 2010, http://www.nhandan.com.vn, Thứ bảy, ngày 17/07/2010. 
5. Báo Sức khỏe - Đời sống: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế góp phần bảo đảm an sinh xã hội, http:suckhoedoisong.vn, thứ tư 14/04/2010. 
6. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Hơn 61.000 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, http://www.molisa.gov.vn, ngày 25/03/2011.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét