Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP Ở NƯỚC TA

Tóm tắt: Để góp phần làm rõ tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta, trong bài viết này, tác giả đã đưa ra và luận giải quan niệm của Người về vai trò của nông nghiệp và để phát triển kinh tế nông nghiệp ở nước ta thì cần phải thực hiện tốt các nội dung: 1/ phát triển một nền nông nghiệp toàn diện; 2/ tiến hành hợp tác hoá và xã hội hóa nông nghiệp và 3/ gắn nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Đồng thời, tác giả đã phân tích quá trình hiện thực hóa những tư tưởng của Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp trong hơn 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới ở Việt Nam, làm rõ những thành tựu to lớn đã đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp cũng như những vấn đề đặt ra mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta cần tiếp tục phấn đấu thực hiện trong thời gian tới.  
Phát triển kinh tế nông nghiệp là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tư tưởng kinh tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là phát triển một nền sản xuất nông nghiệp toàn diện; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện công nghiệp hoá; phát triển kinh tế tập thể, xã hội hoá nông nghiệp, xây dựng quan hệ sản xuất trong nông nghiệp. Đây là mẫu mực của sự vận dụng sáng tạo những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin và những quy luật kinh tế khách quan vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể của Việt Nam, không những có ý nghĩa thực tiễn to lớn, mà còn là cơ sở lý luận vô cùng quan trọng đã và đang được các cấp bộ Đảng và chính quyền vận dụng để xây dựng, phát triển nền kinh tế nông nghiệp nước ta bền vững theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vì sao, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại khẳng định, đối với nền kinh tế nước ta nông nghiệp lại là gốc, là chính, là quan trọng nhất, là nhân tố đầu tiên, là cội nguồn giải quyết mọi vấn đề xã hội. Trước hết, xuất phát từ mục tiêu hàng đầu của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống của nhân dân và nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực, nguyên liệu cần thiết nhất cho đời sống của nhân dân, đồng thời là một nguồn xuất khẩu và "là bộ phận cực kỳ quan trọng trong kế hoạch kinh tế của Nhà nước"[1]; thứ hai, chúng ta thực hiện quá độ "từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa"; thứ ba, "phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội,... có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có văn hoá và khoa học tiên tiến... cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài"[2]; thứ tư, khí hậu nước ta ấm áp cho phép ta quanh năm trồng trọt, thu hoạch bốn mùa, đất đai màu mỡ, lao động nông nghiệp dồi dào đó là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế; thứ năm, cải tạo và phát triển nông nghiệp là cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác, cung cấp nguyên liệu, vật liệu để khôi phục tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, công nghiệp và cung cấp lâm thổ sản để mở rộng quan hệ buôn bán với các nước ngoài. Chính vì vậy, tập trung phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ quan trọng của toàn Đảng, toàn dân; các ngành kinh tế khác phải lấy việc phục vụ nông nghiệp làm trung tâm; "nhân dân ta phải bám lấy đồng ruộng. Ruộng là chính. Nông nghiệp là chính. Phải thấy xa, đừng chỉ nhìn lợi trước mắt mà quên lợi sau. Đừng có thấy cây mà chẳng thấy rừng"[3]. 
Để phát triển "nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc"[4], theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì chúng ta cần phải:
Trước hết, phát triển một nền nông nghiệp toàn diện
          Để nông nghiệp làm cơ sở cho sự phát triển của công nghiệp và các ngành kinh tế khác, bản thân nó phải là một nền nông nghiệp toàn diện, lấy việc cung cấp lương thực làm trọng tâm để giải quyết trước hết vấn đề ăn của nhân dân.
Nền nông nghiệp toàn diện bao gồm các ngành trồng trọt (trồng cây lương thực đi đôi với trồng cây công nghiệp) gắn với chăn nuôi; hải sản và các ngành kinh tế gắn với biển, làm muối; bảo vệ rừng và trồng cây gây rừng, khai thác lâm, thổ sản và những nguồn lợi kinh tế từ rừng nhưng phải chú ý đến hậu quả của việc khai thác rừng không đúng hoặc lợi dụng việc khai thác để phá rừng; các ngành kinh tế khác ở nông thôn (nghề phụ gia đình ở nông thôn).
Phát triển nông nghiệp toàn diện không dừng lại ở quy mô, ở số lượng, mà phải chú ý đến mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất. Muốn vậy, "phải đẩy mạnh thâm canh", "muốn thâm canh tăng năng suất phải chú ý cả nước, phân, giống"; tiến hành "tổ đổi công, tiến lên hợp tác xã, nông dân ta mới có thêm sức để cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất"; "phải tổ chức tốt các đội thuỷ lợi"; "có quy hoạch của một nền kinh tế hàng hóa phát triển theo quy mô phù hợp với đòi hỏi của quá trình công nghiệp hóa"[5]; động viên khuyến khích nông dân hăng hái "tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm"; công nghiệp phải giúp đỡ nông nghiệp, vì "công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển"; "phải mạnh dạn tiến vào khoa học, kỹ thuật nông nghiệp" để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp..., từng bước tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa ở nông thôn, làm tốt công tác quản lý.
Hai là, tiến hành hợp tác hoá và xã hội hóa nông nghiệp
Xuất phát là một nước nông nghiệp lạc hậu, tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, vì vậy, làm hợp tác xã như quy luật tất yếu. Bởi hợp tác xã nông nghiệp, nông thôn là chiếc cầu nối đưa nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đưa nông dân từ chỗ làm ăn phân tán, manh mún lên chỗ làm ăn tập thể, tập trung thống nhất, hình thành và phát triển hợp tác xã không chỉ là một biện pháp quan trọng để đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống đồng bào nông dân, phát triển nền sản xuất nông nghiệp một cách vững chắc, mà còn là một tất yếu khách quan trên con đường đấu tranh cách mạng, xóa bỏ áp bức bóc lột, xây dựng nông thôn mới xã hội chủ nghĩa.
Mục đích của việc hợp tác hoá là "tập trung lực lượng tiến công vào nghèo nàn và lạc hậu, là đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, vệ sinh tốt, là học hành chăm..."[6] để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh; "là làm cho thu nhập chung của xã và thu nhập riêng của xã viên ngày càng tăng"[7], "đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã"[8]. Nếu đưa nông dân vào hợp tác xã mà sản xuất không phát triển, thu nhập của xã viên lại kém đi, là không đạt mục tiêu, cần phải điều chỉnh lại phương pháp, bước đi và cách làm cải tạo xã hội chủ nghĩa của ta.  
Về bước đi và quy mô của phong trào hợp tác hoá nông nghiệp ở nước ta cần phải từng bước đưa nông dân vào con đường hợp tác hoá nông nghiệp bằng những hình thức, bước đi thích hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, trình độ tổ chức và quản lý của cán bộ cũng như sự nhận thức và giác ngộ của nông dân, phải trải qua hình thức tổ đổi công để giúp đỡ lẫn nhau trong mọi công việc và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Nhưng trước hết phải bắt đầu từ chỗ xây dựng và phát triển rộng khắp tổ đổi công, với các hình thức như tổ đổi công từng vụ, từng việc, tổ đổi công thường xuyên. Sau này tổ đổi công thường xuyên đã rộng khắp và có nền nếp rồi, mới tiến lên xây dựng hợp tác xã nông nghiệp từ thấp đến cao. Không được vội tổ chức hợp tác xã ngay. Phát triển từng bước, vững chắc tổ đổi công và hợp tác xã thì hợp tác hóa nông nghiệp nhất định sẽ thành công. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Phải tổ chức tổ đổi công là hình thức thấp nhất, rồi tiến lên hợp tác xã nông nghiệp, từ hợp tác xã nhỏ phát triển thành hợp tác xã to, dùng máy móc trong nông nghiệp"[9]. Ở đây Người đã quan tâm đến cả lực lượng sản xuất lẫn quan hệ sản xuất chứ không phải chỉ nhằm cải tạo quan hệ sản xuất.
Nguyên tắc xây dựng hợp tác xã là: Tuần tự; Tự nguyện; Bình đẳng, cùng có lợi, thiết thực; Dân chủ; Có sự lãnh đạo - tổ chức hợp tác xã với sự hướng dẫn, giúp đỡ về tài chính của Nhà nước. Nghĩa là, làm từ nhỏ đến lớn; khéo tổ chức, khéo lãnh đạo theo nguyên tắc tự giác, tự nguyện để cho các tổ viên ai cũng hăng hái làm việc, ai cũng được hưởng lợi, được phân phối công bằng, hợp lý; cán bộ lãnh đạo phải chí công vô tư, phải dân chủ, tránh quan liêu mệnh lệnh; phải ra sức thực hiện khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã.
Phương châm tiến hành là: Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tính toán những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Không được đem chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế. Mỗi vấn đề phải có một kế hoạch cụ thể, phải đi thật sâu để giải quyết cho kỳ được… Không được để kế hoạch phình ra, cũng như tình trạng mình lại tự lừa mình; Qui mô không nên quá to, quá to thì khó quản lý. Cũng không nên quá nhỏ, quá nhỏ thì sức người ít, khó phát triển. Nên tùy theo điều kiện của mỗi địa phương; Việc xây dựng hợp tác xã cần chú trọng đến chất lượng, không nên chạy theo số lượng. . Cần phải nêu cao tính chất hơn hẳn của hợp tác xã bằng những kết quả thiết thực là làm cho thu nhập của xã viên được tăng thêm, làm cho xã viên sau khi vào hợp tác xã thu hoạch nhiều hơn hẳn khi còn ở ngoài. Như thế thì xã viên sẽ phấn khởi, sẽ gắn bó chặt chẽ với hợp tác xã của mình. Đó là phương pháp tuyên truyền thuyết phục tốt nhất để khuyến khích nông dân vào hợp tác xã. Nếu xã, huyện nào cũng có hợp tác xã, mà hợp tác xã không hơn gì các tổ đổi công và gia đình làm ăn riêng lẻ, thì có tốn công tuyên truyền bao nhiêu cũng ít người muốn vào hợp tác xã.
          Chìa khoá quan trọng để phát triển mạnh nông nghiệp là: Chỉnh đốn các ban quản trị hợp tác xã cho thật tốt. Ban quản trị tốt thì hợp tác xã tốt. Hợp tác xã tốt thì nông nghiệp nhất định phát triển tốt. Và để tránh tình trạng lương thực gặp khó khăn, các cấp uỷ từ tỉnh đến huyện và xã cần phải cấp tốc đến tận nơi động viên và hướng dẫn đồng bào nông dân và các cơ quan, bộ đội trồng đủ và chăm bón tốt ngô, khoai, sắn, quyết tâm thu một vụ hoa màu thắng lợi.
Phát triển hợp tác hóa phải đi liền với công tác thủy lợi hóa, coi thủy lợi là biện pháp hàng đầu của việc canh nông phát triển tốt nông nghiệp. Bởi khí hậu nước ta không kém phần khắc nghiệt, nắng lắm mưa nhiều hay gây hạn hán, lũ lụt, làm tốt công tác thủy lợi sẽ điều hòa được nước tưới tiêu, góp phần khắc phục thiên tai. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, "giặc LỤT là tiên phong của giặc ĐÓI. Nó là đồng minh của giặc NGOẠI XÂM. Nó mong làm cho dân ta đói kém, để giảm bớt sức kháng chiến của chúng ta"[10]. Do đó, "phòng lụt, chống lụt như là một chiến dịch lớn, trên một mặt trân dài, trong một thời gian khá lâu. Toàn thể đồng bào và cán bộ phải có quyết tâm, vượt mọi khó khăn, làm tròn nhiệm vụ đắp đê và giữ đê, phòng lụt và chống lụt"[11].
Cùng với việc đưa nông dân vào làm ăn tập thể, hình thành và phát triển tổ đổi công, hợp tác xã trong nông nghiệp, chúng ta cần phải đưa những người làm nghề thủ công vào các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp. Nhà nước bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện. Ngoài ra, muốn cho nông nghiệp phát triển đầy đủ, nông dân thật sự ấm no, giàu có, hạnh phúc thì phải làm cho nông nghiệp xã hội hóa, nghĩa là phát triển nông nghiệp hàng hóa, mở rộng thị trường nông sản trong và ngoài nước; tập trung sản xuất, biến nông dân thành công nhân nông nghiệp; nông dân được tự do cư trú; giảm dần tỷ lệ dân cư làm nghề nông, tăng các trung tâm công nghiệp; thay đổi bộ mặt tinh thần của nông thôn và tính chất của người sản xuất nông nghiệp.
Ba là, gắn nông nghiệp với các ngành kinh tế khác
 Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vai trò nòng cốt của nông nghiệp trong việc đảm bảo đời sống của nhân dân, nhưng không tuyệt đối hoá vai trò của nông nghiệp mà luôn đặt nó trong mối quan hệ hữu cơ với các ngành kinh tế khác và rất chú trọng vấn đề cải tạo các thành phần kinh tế đó theo hướng đi lên chủ nghĩa xã hội. Tức là, "phải lấy nông nghiệp làm chính, nhưng phải toàn diện, phải chú ý cả các mặt công nghiệp, thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông, kiến trúc, văn hóa, giáo dục, y tế, v,v.. Các ngành này phải lấy phục vụ nông nghiệp làm trung tâm"[12]. Các ngành kinh tế đó không phát triển riêng rẽ, độc lập mà còn luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, đan xen, nương tựa vào nhau trong nền kinh tế.
Nông nghiệp và công nghiệp có quan hệ khăng khít với nhau "như hai chân của một người. Nông nghiệp và công nghiệp có khoẻ, kế hoạch mới hoàn thành"[13]. Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân; cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè...) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay...) để xuất khẩu đổi lấy máy móc. Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân; cung cấp máy bơm nước, phân hoá học, thuốc trừ sâu... để đẩy mạnh nông nghiệp; và cung cấp dần dần máy cấy, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển, đây là yếu tố quyết định năng suất lao động trong nông nghiệp, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn. Cho nên, "công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công nông để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân"[14].
Việc xây dựng và phát triển các ngành thương nghiệp, tài chính, ngân hàng, giao thông, kiến trúc, văn hoá, y tế, giáo dục… theo hướng xã hội chủ nghĩa, làm sao cho các lĩnh vực này thực sự trở thành một đòn bẩy kinh tế, trong đó ngành thương nghiệp cần làm tốt vai trò giao lưu kinh tế giữa công nghiệp với nông nghiệp, giữa sản xuất với tiêu dùng, giữa địa phương với trung ương, giữa công nhân với nông dân, giữa trong nước với ngoài nước. Tất cả sản phẩm của ngành nông nghiệp và công nghiệp nhờ có thương nghiệp mới có thể cung cấp tới nhân dân và thúc đẩy sản xuất phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh coi nông nghiệp, công nghiệp và thương nghiệp là ba mặt quan trọng trong nền kinh tế, nhưng nếu khâu thương nghiệp bị đứt thì không nối được công nghiệp với nông nghiệp; không gắn được sản xuất với tiêu dùng và như vậy sẽ làm cho nền kinh tế không phát triển, trì trệ.
 Đối với thợ thủ công, người buôn bán nhỏ và những người lao động riêng lẻ khác, Người chủ trương "bảo hộ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự nguyện"[15]. Với các thành phần kinh tế công thương nghiệp tư bản tư doanh và đối với tư sản dân tộc, căn cứ vào sự phân tích khoa học những đặc điểm kinh tế tư bản chủ nghĩa và thái độ chính trị của giai cấp tư sản dân tộc ở nước ta trong điều kiện chính quyền dân chủ nhân dân ngày một củng cố và không ngừng lớn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương dùng phương pháp hoà bình cải tạo: không xoá bỏ quyền sở hữu về tư liệu sản xuất và của cải khác của họ; mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng thời, Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp đã được Đảng ta kế thừa và vận dụng có hiệu quả trong từng giai đoạn cụ thể của đất nước. Đặc biệt, trong hơn 20 năm thực hiện đường đối đổi mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đã đạt được thành tựu khá toàn diện và to lớn. Từ chỗ thiếu ăn triền miên, đến năm 1988 vẫn còn phải nhập khẩu hơn 450.000 tấn gạo, nhưng từ năm 1989, Việt Nam vừa bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước, có dự trữ, vừa xuất khẩu gạo mỗi năm từ 1 đến 1,5 triệu tấn và tiến dần lên tới 4 đến 4,5 triệu tấn như hiện nay. Giai đoạn 2000 - 2008, tốc độ tăng trưởng nông nghiệp bình quân 4,5%/năm; so với năm 2000, giá trị công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản tăng bình quân 14,8%/năm, chiếm 28% cơ cấu giá trị sản xuất và 14% giá trị xuất khẩu toàn ngành công nghiệp cả nước. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp phát triển khá với trên 2 nghìn làng nghề; số hộ chuyển sang công nghiệp, dịch vụ là 3,46 triệu hộ, tăng 62% so với năm 2000. Năm 2009, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn, nhưng nông nghiệp đã duy trì được tốc độ tăng trưởng khá, góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội: giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2009 theo giá so sánh 1994 ước đạt 219.887 tỷ đồng, tăng 3% so với năm 2008; trong đó nông nghiệp đạt 160.081 tỷ đồng, tăng 2,2%, lâm nghiệp đạt 7.008 tỷ đồng, tăng 3,8%, thủy sản đạt 52.799 tỷ đồng, tăng 5,4%. Theo Vụ Kinh tế Nông nghiệp-Bộ Kế hoạch và Đầu tư, kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản 9 tháng đầu năm 2010: sản xuất nông nghiệp đạt trên 108,75 nghìn tỷ đồng tăng 4,41%; lâm nghiệp đạt 5,35 nghìn tỷ đồng tăng 4,09% và thủy sản đạt gần 41,21 nghìn tỷ đồng tăng 5,34%.
Tuy nhiên, những thành tựu đạt được chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và chưa đồng đều giữa các vùng. Nông nghiệp phát triển còn kém bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần, sức cạnh tranh thấp, chưa phát huy tốt nguồn lực cho phát triển sản xuất; nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế... Do đó, Đảng ta xác định trong thời gian tới cần tập trung "xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài"[16]. Cụ thể: Một là, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, đồng thời phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn; Hai là, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn gắn với phát triển các đô thị; Ba là, xâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, nhất là vùng khó khăn; Bốn là, đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn; Năm là, phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hoá nông nghiệp, công nghiệp hoá nông thôn; Sáu là, đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách để huy động cao các nguồn lực, phát triển nhanh kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân; Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sức mạnh của các đoàn thể chính trị - xã hội ở nông thôn, nhất là hội nông dân.
Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nông nghiệp là cần thiết và càng trở nên cấp thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi đất nước ta đã và đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Tư tưởng của Người về phát triển kinh tế nông nghiệp, thực chất là tư tưởng của nhà chính trị bàn về kinh tế, do đó nó có sự thống nhất cao độ giữa kinh tế với chính trị, kinh tế với văn hóa, đạo đức và con người. Nó được hình thành và phát triển cùng với quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Thực tiễn xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng như quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đều khẳng định tầm vóc chiến lược của vấn đề nông nghiệp. Chính vì vậy, Ðảng ta luôn đặt nông nghiệp ở vị trí chiến lược quan trọng, coi đó là cơ sở và lực lượng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, ổn định chính trị, bảo đảm an ninh, quốc phòng; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái của đất nước.


[1] Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.5.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.14.
[3] Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.12.
[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t.11, tr.88.
[5] Nguyễn Khánh Bật (chủ biên). Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề nông dân, Nxb Nông nghiệp, H.2001, tr.164.
[6] Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.474-475.
[7] Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.318.
[8] Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.537.
[9] Hồ Chí Minh. Sđd., t.8, tr.345.
[10] Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.96.
[11] Hồ Chí Minh. Sđd., t.7, tr.559.
[12] Hồ Chí Minh. Sđd., t.11, tr.396.
[13] Hồ Chí Minh. Sđd., t.9, tr.353.
[14] Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.54.
[15] Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.589.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X, Nxb CTQG, H.2008, tr.125-126.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét