Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

VIỆC LÀM CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN THỜI HỘI NHẬP: THÁCH THỨC VÀ GIẢI PHÁP

Việt Nam là một nước có nền kinh tế nông nghiệp, lực lượng lao động tập trung chủ yếu ở nông thôn. Theo số liệu tổng điều tra dân số năm 2009, 70% dân số nước ta đang sống ở khu vực nông thôn, lao động nông thôn hiện chiếm 75% tổng lực lượng lao động cả nước và chủ yếu tập trung sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đây là nguồn lao động dồi dào và tiềm năng, là nơi cung cấp, hậu thuẫn đắc lực cho các khu đô thị và khu công nghiệp. Giai đoạn 2000-2007, tốc độ tăng trưởng lao động của cả nước đạt 2,79%, trong đó tốc độ tăng trưởng của lao động nông thôn là 2,18%. Lao động nông thôn vùng đồng bằng sông Hồng chiếm 22,3%, vùng đồng bằng sông Cửu Long chiếm 21,5%, Tây Bắc chiếm 3,18% và Tây Nguyên chiếm 5,59%... (1)    
Thế nhưng, tồn tại một thực tế đối với lao động nông thôn hiện nay là thị trường lao động tại khu vực này chưa thực sự phát triển, nó còn phân mảng, phân tán và sơ khai, việc áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất đưa đến lao động truyền thống trong nông nghiệp bị dôi dư. Thêm vào đó, hầu hết các thị trường lao động vẫn chỉ tập trung chủ yếu ở các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất và ở ba vùng kinh tế trọng điểm. Ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, thị trường lao động lại chưa phát triển nên dẫn đến thực trạng là nơi thừa, nơi thiếu lao động. Đây cũng chính là hạn chế lớn của lao động nông thôn làm cho việc khai thác nguồn nhân lực ở đây vẫn còn yếu kém. Ngoài ra, lề lối làm ăn trong ngành nông nghiệp truyền thống và tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay đã hạn chế tính chủ động sáng tạo của người nông dân trong sản xuất, kinh doanh cũng như khả năng tiếp cận thị trường của người lao động. Có thể thấy, cung lao động nông thôn dồi dào nhưng chất lượng chưa cao cả về văn hoá, kỹ năng chuyên môn cũng như hiểu biết về pháp luật và kỹ năng sống.
Thứ hai, tốc độ gia tăng nguồn lao động lớn. Mặc dù trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp thiết thực nhằm giảm tốc độ tăng dân số nhưng do nhiều nguyên nhân như: tốc độ tăng dân số trong quá khứ cao, sự ảnh hưởng của tập tục phương Đông trọng nam, khinh nữ… nên tốc độ gia tăng nguồn lao động hàng năm của Việt Nam vào loại cao trên thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có từ 1,2-1,5 triệu người đến tuổi lao động. Bên cạnh đó, trong nền kinh tế hiện đại, xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng. Để thu hút đầu tư nước ngoài, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, Nhà nước phải thực hiện việc thu hồi đất canh tác nông nghiệp, chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị mới và các yếu tố thuộc hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội khác như: đường sá, cầu cống, sân bay, bến cảng… Đây là yêu cầu khách quan và cấp thiết đối với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.
Tuy nhiên, quá trình thu hồi đất canh tác nông nghiệp đã làm nảy sinh nhiều vấn đề bức xúc trong đó có vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Hiện cả nước có 12 triệu hộ gia đình nhưng chỉ có 9,4 triệu hécta đất sản xuất nông nghiệp, bình quân mỗi hộ chỉ có 0,7- 0,8 hécta và mỗi lao động là 0,3 hécta, mỗi nhân khẩu là 0,15 hécta (2). Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1,5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm, và mỗi hécta đất nông nghiệp bị thu hồi sẽ lấy đi cơ hội làm việc của 13 lao động ở nông thôn. Việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003 - 2008) đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ gia đình với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu nhân khẩu nông nghiệp (3). Có tới 67% số lao động nông nghiệp bị thu hồi đất vẫn giữ nguyên nghề sản xuất nông nghiệp; 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định (4). Việc làm và thu nhập của các hộ sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp (chiếm tới 60%) là đối tượng bị tác động lớn nhất sau khi thu hồi đất và gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm việc làm mới. 53% số hộ có thu nhập giảm so với trước khi bị thu hồi đất, chỉ có 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước (5).
Thách thức thứ ba là sức cạnh tranh thấp, mức độ cạnh tranh gia tăng, nhiều lao động đang đứng trước nguy cơ mất việc làm. Với đặc điểm của nền nông nghiệp Việt Nam là sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu mang tính truyền thống của nền văn minh trồng lúa nước, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn không được đào tạo sâu về nghề nghiệp và trình độ kinh tế, trình độ chuyên môn kỹ thuật. Theo báo cáo mới đây của Bộ LĐ-TB&XH: Tỉ lệ lao động nông thôn qua đào tạo nghề đến nay mới đạt 18,7%, còn rất thấp so với bình quân chung của cả nước (25%). Lao động nông thôn qua đào tạo nghề có sự chênh lệch lớn giữa các vùng kinh tế: Đồng bằng sông Hồng: 19,4%; Đồng bằng sông Cửu Long 17,9%; trong khi đó, vùng Tây Bắc chỉ có 8,3%. Mạng lưới cơ sở dạy nghề ở khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa còn mỏng, quy mô đào tạo nhỏ. Qua thống kê từ cơ sở, đến nay còn 253 huyện chưa có trung tâm dạy nghề và còn khoảng 31% phòng học, 20,7% nhà xưởng thực hành của các cơ sở dạy nghề là nhà tạm, nhà cấp 4…(6)
Do vậy, họ khó có thể thích ứng được với một môi trường cạnh tranh mang tính toàn cầu. Việt Nam gia nhập WTO, điều này cũng có nghĩa mọi tầng lớp nhân dân lao động, mọi thành phần kinh tế đều phải chấp nhận sự cạnh tranh trong một môi trường đầy thử thách khắc nghiệt. Hình ảnh của một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, mang tính truyền thống sẽ dần thu hẹp để nhường lại cho mô hình sản xuất lớn-sản xuất hàng hóa đại trà. Lực lượng lao động nói chung tất yếu bị dôi dư, trong đó, lực lượng lao động trong nông nghiệp sẽ là chủ yếu. Điều đặc biệt là, lao động dôi dư trong nông nghiệp thường ở độ tuổi trên 30, khó khăn trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật và công nghệ để chuyển đổi cơ cấu ngành nghề. 
Trước những thách thức đó, việc tìm ra hướng đi để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn là một vấn đề có tính cấp thiết đòi hỏi chúng ta phải thực hiện đồng bộ, có hệ thống nhiều giải pháp khác nhau, nhưng trong đó theo chúng tôi thì cần tập trung vào thực hiện có hiệu quả một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, đẩy mạnh xuất khẩu lao động, đây một hướng quan trọng để giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn hiện nay. Theo số liệu thống kê, hiện nay chúng ta có khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc trên 50 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới (7). Riêng năm 2009 chúng ta đã đưa đi làm việc ở nước ngoài được gần 75.000 lao động, đạt 83% kế hoạch năm. Năm 2010, nhu cầu tuyển dụng ở tất cả các thị trường đều tăng, song chỉ tiêu đưa 85.000 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một áp lực không nhỏ. Thị trường chủ lực của Việt Nam như: Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan vốn giảm từ 30% - 80% số lượng trong năm 2009 sẽ là một thách thức. Trong số 170 doanh nghiệp XKLĐ, đã có khoảng 60 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoặc trả lại chức năng XKLĐ do hoạt động không hiệu quả. Đây cũng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp mạnh duy trì năng lực, mở rộng thị trường, chuẩn hóa từ khâu đào tạo đến môi giới, quản lý, không bị “đóng băng” trong thị trường hỗn loạn về phí dịch vụ (8). Cùng với đó, người lao động ở nông thôn thường ít vốn, thiếu thông tin và kém hiểu biết. Đó là những thách thức lớn cho vấn đề xuất khẩu lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay.
Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần tập trung vào thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền về hoạt động xuất khẩu lao động đến người lao động ở nông thôn, giúp họ nhận thức và định hướng đúng về cơ hội cũng như những khó khăn, thách thức trong xuất khẩu lao động; Thành lập và phát huy vai trò của quỹ tín dụng để giúp đỡ lao động nông thôn tham gia xuất khẩu lao động. Bằng hình thức này, người lao động ở nông thôn mà đặc biệt là người nghèo mới có cơ hội tham gia xuất khẩu lao động. Các quỹ tín dụng có thể là ngân sách của Chính phủ, ngân sách của các địa phương hoặc do những người đã đi xuất khẩu lao động lập ra nhằm giúp đỡ người lao động tham gia xuất khẩu lao động; Phát huy tinh thần tương thân, tương ái hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau giữa những người lao động ở nông thôn trong hoạt động xuất khẩu lao động; Thành lập các cơ quan tư vấn miễn phí giúp đỡ người lao động ở nông thôn về thủ tục hành chính và thủ tục tài chính khi tham gia hoạt động xuất khẩu lao động, khắc phục tình trạng bị lừa bịp và phải chi phí quá cao để tham gia xuất khẩu lao động.
Hai là, mở rộng các hình thức, cơ sở để đào tạo nghề cho lao đông nông thôn.
Trước yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động, Đảng, Nhà nước ta có kế hoạch trong giai đoạn 2011-2015, sẽ đào tạo nghề cho 5,2 triệu lao động nông thôn, trong đó dạy nghề cho khoảng 4,7 triệu nông dân và đảm bảo khoảng 70% học viên sau khi học nghề được tạo việc làm, còn lại là 500.000 lượt cán bộ, công chức xã. Sang giai đoạn 2016-2020, đào tạo nghề cho 6 triệu lao động nông thôn, trong đó 5,5 triệu người là nông dân (đảm bảo khoảng 80% sau học nghề có việc làm) và 500.000 lượt người là cán bộ, công chức xã (9).
Lao động nông thôn không chỉ cần có trình độ chuyên môn và cập nhật kiên thức, ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp nông thôn để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của đất nước mà còn phải có cả kiến thức xã hội, giao tiếp cộng đồng, phát triển bản thân để có được tác phong làm việc nghiêm túc, tuân thủ kỷ luật lao động và có tinh thần đồng đội khi làm việc ở bất cứ môi trường nào. Do vậy cần đẩy mạnh xã hội hóa và đào tạo nghề cho nông dân; ưu tiên đào tạo nghề cho những người nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp để chuyển sang đất công nghiệp, đô thị.
Ba là, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Xác định chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nền nông nghiệp hàng hoá lớn.
Để thực hiện tốt vấn đề này cần tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quy hoạch, tổ chức lại sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của từng vùng, địa phương; bố trí cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng ổn định diện tích lúa vừa bảo đảm an ninh lượng thực vừa phục vụ xuất khẩu; hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh lúa chất lượng cao, vùng chuyên canh cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản, hình thành các trang trại chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề ở nông thôn gắn với sử dụng nguyên liệu và thu hút nhiều lao động tại chỗ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.
Tiếp tục đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn. Khuyến khích, tạo điều kiện cho người dân tham gia phát triển các loại hình hợp tác sản xuất kinh doanh; xây dựng mô hình doanh nghiệp nông nghiệp thích hợp gắn với liên kết hoặc tích tụ ruộng đất để hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn, tạo điều kiện đưa công nghiệp vào phục vụ nông nghiệp. Tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn và tiêu thụ nông sản; khuyến khích mở rộng các hình thức liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa; tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế phát triển, nhất là các hợp tác xã, tổ hợp, trang trại. Tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, đầu tư nâng cao chất lượng công tác khuyến nông, khuyến ngư... nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hóa, góp phần nâng cao thu nhập của người dân.
Bốn là, cải tiến và đổi mới cơ chế huy động vốn, sử dụng và quản lý vốn đầu tư. Một mặt tăng tỷ lệ đầu tư từ ngân sách nhưng chủ yếu cho kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp nông thôn. Có cơ chế và chính sách phù hợp như chính sách miễn giảm thuế, chính sách tín dụng..., để kêu gọi khuyến khích đầu tư từ nhiều nguồn vốn khác nhau vào nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là nguồn vốn FDI vẫn là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy sự phát triển và chuyển giao công nghệ trong ngành nông -lâm- thuỷ sản. Đồng thời, thúc đẩy sự hoạt động của hệ thống tài chính ngân hàng vào khu vực thị trường nông thôn, nơi tỷ lệ rủi ro cao. Tạo ra những thuận lợi nhất để nông dân có thể tiếp cận với các nguồn tài chính. Đẩy nhanh việc cổ phần hoá, hình thành thị trường vốn và vận hành tốt loại thị trường này nhằm nhanh chóng huy động vốn và di chuyển vốn dễ dàng giữa các khu vực, các ngành kinh tế từ đó tạo vốn cho khu vực nông thôn. Tăng nguồn vốn trung hạn và dài hạn hỗ trợ cho nhân dân, đặc biệt với nông dân trong quá trình tạo việc làm và chuyển đổi cơ cấu kinh tế ở nông thôn.
Ngoài ra, cần đầu tư nhiều hơn cả về cán bộ kỹ thuật lẫn đầu tư vật chất để công tác chuyển giao kỹ thuật tới người nông dân đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh  đó, cần có chính sách quy hoạch hợp lý về cây, con giống và tạo được các thị trường nông sản hàng hóa có giá trị trên khắp khu vực nông thôn. Đối với vùng sâu, vùng xa Nhà nước nên có chính sách thu mua hợp lý, tránh tình trạng thay đổi cây trồng, vật nuôi một cách tự phát, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người lao động. Đặc biệt, đối với thị trường cây công nghiệp và cây ăn quả thất thường như cà phê, hồ tiêu, vải,… Ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng cơ sở ở nông thôn như: giao thông nông thôn, thủy lợi với mục tiêu tạo việc làm và thu nhập tại chỗ cho người dân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1). Phương Lan, Dạy nghề cho lao động nông thôn: Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam, số ra ngày 4/9/2009.
(2), (4). Mai Thành, Về chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn sau thu hồi đất, Tạp chí cộng sản, Số 15 (183) năm 2009.
(3). Đắc Kiên, Thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008), Giadinh.net.vn - Báo điện tử của Báo Gia đình và Xã hội, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, số ra ngày 19/5/2009.
(5). Huyền Ngân, Hàng triệu lao động bị ảnh hưởng bởi thu hồi đất, Báo điện tử - Thời báo Kinh tế Việt Nam, số ra ngày 15/6/2009.
(6). N.Lan, Lao động nông thôn qua đào tạo nghề mới đạt 18,7%, Báo Lao Động,  số 69, ra ngày 30/03/2009.
(7). Hà Phong, Lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài: Cần được tăng quyền năng, Hànộimới Online, số ra ngày 15/03/2010.
(9). Phúc Hậu, Dạy nghề cho lao động nông thôn: Chưa định được nghề cụ thể, Báo Sài Gòn giải phóng Online, số ra ngày 04/02/2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét