Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ


 Cán bộ và công tác cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Thường xuyên chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, đổi mới công tác cán bộ gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng theo tư tưởng Hồ Chí Minh là góp phần thực hiện thắng lợi Kết luận số 37-KL/TW ngày 2-2-2009 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vấn đề cán bộ là một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng. Người cho rằng: “cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng. Vì vậy, cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[1]. Cũng như, “muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Vì vậy, Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”[2]. Nếu có cán bộ tốt, cán bộ ngang tầm thì việc xây dựng đường lối sẽ đúng đắn và là điều kiện tiên quyết để đưa sự nghiệp cách mạng đi đến thắng lợi. Không có đội ngũ cán bộ tốt thì dù có đường lối chính sách đúng cũng khó có thể biến thành hiện thực được. Muốn biến đường lối thành hiện thực, cần phải có con người sử dụng lực lượng thực tiễn - đó là đội ngũ cán bộ cách mạng và cùng với quần chúng cách mạng, bằng sự mẫn cảm của mình để đưa cách mạng đến thành công.
Trong công tác cán bộ, theo Hồ Chủ tịch, chúng ta cần chú ý trước hết đến việc đánh giá, tuyển chọn cán bộ,  đây là khâu đầu tiên và được coi là khâu quan trọng trong công tác cán bộ. Để đánh, tuyển chọn cán bộ cho đúng thì việc quan tâm trước hết ở người cán bộ cách mạng là vấn đề đạo đức, vì “làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh phức tạp, lâu dài và gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng, đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”, “Người cán bộ cách mạng phải có đạo đức cách mạng. Phải giữ vững đạo đức cách mạng mới là người cán bộ cách mạng chân chính. Mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không”, “có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn, gian khổ, thất bại cũng không sợ sệt, rụt rè lùi bước…”, “khi gặp thuận lợi và thành công nhưng vẫn giữ vững tinh thần gian khổ, chất phát, khiêm tốn”, “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”, “lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa”…
Hồ Chí Minh thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên rằng: Đảng ta là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời đại biểu cho quyền lợi của dân tộc. Vì vậy, người cán bộ cách mạng phải luôn lấy đạo đức làm gốc, Người chỉ rõ: “một người cán bộ tốt phải có đạo đức cách mạng”[3], bởi “cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”[4], mọi việc thành hay bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng hay không.
Chính vì thế, Người đã chỉ rõ tư cách của người cách mệnh là: “Tự mình phải: Cần kiệm. Hòa mà không tư. Cả quyết sửa lỗi mình. Cẩn thận mà không nhút nhát. Hay hỏi. Nhẫn nại. Chịu khó. Hay nghiên cứu, xem xét. Vị công vong tư. Không hiếu danh, không kiêu ngạo. Nói thì phải làm. Giữ chủ nghĩa cho vững. Hy sinh. Ít lòng ham muốn về vật chất. Bí mật”[5]… là hệ tiêu chuẩn thuộc về tư cách đạo đức cách mạng mà người cán bộ, đảng viên nhất định phải có.  Những phẩm chất này là đòi hỏi nghiêm khắc đối với người cán bộ cách mạng, giúp họ có sức hấp dẫn, quy tụ, lôi cuốn được quần chúng, nhằm hoàn thành những nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.    
Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, Người cũng bắt tay ngay vào việc chấn chỉnh bộ máy chính quyền các cấp, làm cho nó thể hiện được bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội mới. Người viết Thư gửi Uỷ ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng, nhắc nhở rằng: “các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chungcho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật. Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân  thì dân mới yêu ta, kính ta”[6]. Người đã thẳng thắn vạch ra "những lầm lỗi rất nặng nề" trong một số cán bộ, đó là các căn bệnh như trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo. Cuối cùng, Người đã tỏ thái độ rất nghiêm khắc: “Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”[7]. Dưới bút danh Chiến thắng, Người tiếp tục viết một loạt bài đăng trên báo Cứu quốc, thường xuyên phê bình, nhắc nhở cán bộ phải nhớ rằng mình là đày tớ dân chứ không phải những ông “quan cách mạng”. Phải thật thận trọng, phải giữ gìn trước những cám dỗ của quyền lực, trước những thói hư tật xấu của chế độ cũ, của lớp quan lại cũ...
Ở mỗi giai đoạn nhất định của tiến trình cách mạng, quan niệm về phẩm chất đạo đức, tư cách của người cán bộ, đảng viên lại có những yêu cầu cụ thể. Song nhất quán và xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì, đó phải là những con người nhân, nghĩa, trí, dũng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, dám xả thân cho cách mạng, đi tiên phong trong phong trào quần chúng, phải biết “làm việc”, biết “sửa đổi lối làm việc” và luôn luôn phải rèn luyện đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, kiên quyết đấu tranh loại các căn bệnh như: bệnh địa phương chủ nghĩa, óc bè phái, óc hẹp hòi, lối làm việc bàn giấy, tính vô kỷ luật, ích kỷ, hủ hóa, bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh…Đạo đức cách mạng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là đạo đức hành động vì nhân dân, thể hiện bản lĩnh chính trị, phẩm chất cách mạng vững vàng, tự tin và dám chịu trách nhiệm trước bất kỳ khó khăn nào.
Hồ Chí Minh nhấn mạnh yếu tố đạo đức - yếu tố gốc để tuyển dụng, lựa chọn cán bộ, song không bao giờ Người coi nhẹ tài năng, năng lực. Vị trí cuả cán bộ, là “cầu nối” giữa Đảng, Chính phủ với quần chúng, nhưng không phải là “vật mang”, là “dây dẫn”, là chuyển tải cơ học mà chính là con người có đủ tư chất, tài năng và đạo đức để làm việc đó. Bởi lẽ để có thể đem chính sách của Đảng và Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành, đòi hỏi người cán bộ, công chức phải có một trình độ, trí tuệ nhất định. Nếu không, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, người cán bộ sẽ làm sai lệch tinh thần, nội dung của đường lối, chính sách và khi đó thì thật là nguy hiểm.
Trong kiến quốc và xây dựng CNXH, Người thường nhắc nhở: Muốn xây dựng CNXH thì nhất định phải có học thức; cách mạng XHCN gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, vì nó đảm bảo cho CNXH thắng lợi. Người nhấn mạnh: Dốt nát cũng là kẻ địch, một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Do đó, cần phải nâng cao trình độ dân trí để mọi người có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà. Cán bộ phải có văn hoá làm gốc, phải có nghề, thạo nghề. Cán bộ lãnh đạo ngành nào phải biết ngành đó, xây dựng CNXH không thể lãnh đạo chung chung được. Người nói: “Ngày nay, Đảng yêu cầu cán bộ và đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi về chuyên môn; không thể lãnh đạo chung chung. Lại phải biết đoàn kết với những người ngoài Đảng, phải biết dựa vào quần chúng, phát huy sức sáng tạo của quần chúng lao động, phải tạo mọi điều kiện cho nhân dân lao động để có thể nắm được những hiểu biết khoa học kỹ thuật; ra sức đào tạo thật nhiều cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý cần thiết cho sản xuất phát triển, chỉ có như thế chúng ta mới xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội”[8].
Việc truyền đạt, giải thích và triển khai thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước là một việc khó khăn; nhưng khó khăn và phức tạp hơn nhiều là nắm chắc được tình hình, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, cũng như phản ánh được đúng thực chất của tình hình để làm căn cứ cho việc tham mưu, hoạch định chính sách. Công việc này đòi hỏi người cán bộ phải đạt tiêu chuẩn ở mức cao hơn để có thể tổng kết thực tiễn, khái quát, nâng lên thành lý luận. Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt cán bộ ở vị trí có tính chất quyết định. Chính sách đúng đắn có thể không thu được kết quả nếu cán bộ làm sai, cán bộ yếu kém. Về vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn, sâu hơn, chỉ ra cội rễ của vấn đề một cách vừa cụ thể, vừa có tính chất tổng quát. Người nói: “Khi đã có chính sách đúng, thì sự thành công hoặc thất bại của chính sách đó là nơi cách tổ chức công việc, nơi lựa chọn cán bộ và do nơi kiểm tra. Nếu ba điểm ấy sơ sài, thì chính sách đúng mấy cũng vô ích”[9]. Muốn tổ chức công việc tốt, phải có người cán bộ đạt tiêu chuẩn vừa có tài, vừa có đức.
Hồ Chí Minh coi đạo đức là gốc, là cái quan trọng nhất quyết định tính cách, tức là nhân cách. Đức phải gắn với tài và tài phải có đức đảm bảo. Theo Người, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, còn có tài mà không có đức sẽ không làm được điều ích lợi cho đời, thậm chí còn có hại, sinh ra những thói xấu như kiêu căng, tự mãn, ích kỷ rồi thành hư hỏng, có khi phạm tội. Bởi thế, Người đòi hỏi có đức phải có tài và có tài phải có đức. Người thường gọi đức và tài là “hồng” và “chuyên”, là chính trị và chuyên môn. Trước hết phải có chính trị rồi có chuyên môn, do nhờ bền bỉ rèn luyện, khiêm tốn học hỏi, nhất là tự học tập suốt đời, học tập đi liền với lao động và tranh đấu. Chính trị là hồn, chuyên môn là xác. Cán bộ phải thạo chính trị, giỏi chuyên môn. Lãnh đạo việc gì, ngành nào phải am hiểu kỹ chuyên môn việc ấy, ngành ấy, có như vậy lãnh đạo mới có kết quả, mới tạo được nhất trí, đồng thuận.
Sau khi tuyển chọn được cán bộ rồi thì phải đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng tốt cán bộ để họ không ngừng trưởng thành và tiến bộ.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là việc làm không thể thiếu, trong đó phải đặc biệt coi trọng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ một cách toàn diện cả về nhận thức lý luận, chính trị, công tác xây dựng đảng, quản lý Nhà nước, cả về rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong, lề lối làm việc, phương pháp công tác đối với cán bộ...theo yêu cầu của thực tiễn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Điều cốt yếu trong công tác đào tạo cán bộ công chức là phải xuất phát từ nhu cầu thực tế và phải đáp ứng nhu cầu đó”. Và chỉ ra rằng: Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ. Chỉ thực hành mà không có lý luận cũng như có một mắt sáng, một mắt mù; Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta; phải tích cực đào tạo và sử dụng tốt cán bộ chuyên môn trong tất cả các ngành, các cấp. Cán bộ chính trị phải chú trọng học tập kinh tế, kỹ thuật để lãnh đạo sản xuất được tốt. Cán bộ chính trị phải biết kỹ thuật, không biết, chỉ chính trị suông, không lãnh đạo được. Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng. Phải tích cực đào tạo, huấn luyện cán bộ, giúp đỡ cho cán bộ đi học. Đảng đã giúp, cán bộ phải chịu khó học...
Trong tất cả các khâu của công tác cán bộ, việc bố trí, sử dụng cán bộ là khâu có ý nghĩa quyết định vì sử dụng cán bộ đúng sẽ phát huy được tài năng, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ. Hồ Chủ tịch đã chỉ ra rằng chúng ta “Phải khéo dùng cán bộ - Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tuỳ tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”[10]. Tức là, ở đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở, như năm ngón tay trên một bàn tay cũng có ngắn ngắn, ngón dài, ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to gỗ nhỏ, thẳng, cong đều tùy từng chỗ mà dùng được.
Vậy, thế nào là dùng cán bộ đúng? Theo Hồ Chí Minh thì “việc dùng nhân tài, ta không nên căn cứ vào những điều kiện quá khắt khe (...). Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy. Biết dùng người như vậy, ta sẽ không lo gì thiếu cán bộ”[11]. Mỗi người phải có độ lượng vĩ đại thì mới có thể đối với cán bộ một cách chí công vô tư, không có thành kiến, khiến cho cán bộ khỏi bị bỏ rơi; Phải có tinh thần rộng rãi, mới có thể gần gũi những người mình không ưa; Phải có tính chịu khó dạy bảo, mới có thể nâng đỡ những đồng chí còn kém, giúp cho họ tiến bộ; Phải sáng suốt, mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây, mà cách xa cán bộ tốt; Phải có thái độ vui vẻ, thân mật, các đồng chí mới vui lòng gần gụi mình. Mục đích khéo dùng cán bộ, cốt để thực hành đầy đủ chính sách của Đảng và Chính Phủ. Nếu cán bộ có ý hoang mang, sợ hãi, buồn rầu, uất ức hoặc công tác không hợp, chắc không thành công được. Do đó, “Khi cất nhắc cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gũi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không. Lại phải xem người ấy hợp với việc gì. Nếu người ấy có tài mà không dùng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la chỉ nói mà không biết làm vào địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại"[12].  Người còn chỉ ra rằng: Phải có gan cất nhắc cán bộ, Bất kỳ ai, có khả năng, đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng”[13].
Khi sử dụng cán bộ, Hồ Chí Minh đã cảnh báo việc “ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, cho họ là chắc chắn hơn người ngoài; ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình, mà chán ghét những người chính trực; ham dùng những người tính hợp với mình, mà tránh những người tính tình không hợp với mình”; “Ai hẩu với mình thì dù có nói không đúng cũng nghe, tài không có cũng dùng. Ai không thân với mình thì dù họ có tài cũng tìm cách dìm họ xuống, họ nói phải mấy cũng không nghe”. Sẽ đưa đến thực tế là một số cơ quan, đơn vị khi cán bộ có sai phạm khuyết điểm, “làm bậy”, cũng cứ bao dung, che chở, khiến cho cán bộ ngày càng hư hỏng. Đối với những người tốt, người chính trực lẽ ra phải được cất nhắc, nhưng do không ưng ý với mình thì bới lông tìm vết để trả thù, hạ uy tín, tìm cách cô lập, dèm pha nói xấu...
Ngoài ra, trong công tác cán bộ phải biết khéo léo kết hợp các lứa tuổi không coi thường cán bộ trẻ, đồng thời biết phát huy và sử dụng kinh nghiệm của những cán bộ đi trước. Tức là, “Đảng ta phải khéo kết hợp cán bộ già với cán bộ trẻ. Không nên coi thường cán bộ trẻ. Một số ít cán bộ già mắc bệnh công thần, cho mình là người có công lao, hay có thái độ “cha chú” với cán bộ trẻ, đảng viên trẻ nói gì cũng gạt đi, cho là “trứng khôn hơn vịt”, “măng mọc quá tre”. Thời đại của ta hiện nay rất oanh liệt. Xã hội, thế giới phát triển rất nhanh. Thế mà các đồng chí lớn tuổi lại coi thường cán bộ trẻ là không đúng. Còn cán bộ trẻ không được kiêu ngạo, phải khiêm tốn học hỏi các đồng chí già có kinh nghiệm”[14]. Cùng với đó, trong hoạt động thực tiễn luôn nảy nở rất nhiều nhân tài ngoài Đảng. Chúng ta không được bỏ rơi họ, xa cách họ. Chúng ta phải thật thà đoàn kết với họ, nâng đỡ họ. Phải thân thiết với họ, gần gũi họ, đem tài năng của họ giúp ích vào công cuộc kháng chiến cứu nước…phải luôn tùy theo hoàn cảnh mà vẽ cho họ về phương hướng công tác, để cho họ phát huy năng lực và sáng kiến của họ, phải cho họ điều kiện sinh sống đầy đủ mà làm việc... 
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ và công tác cán bộ luôn giữ vai trò, vị trí trọng yếu, cấp thiết, là “cái gốc” và ‘công việc gốc” của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3, khoá VIII "Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước", đội ngũ cán bộ nước ta có bước trưởng thành và tiến bộ về nhiều mặt như: Đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và chủ động hội nhập kinh tế quốc tế; là lực lượng nòng cốt cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Số đông cán bộ giữ vững được bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống lành mạnh gắn bó với nhân dân...Cùng với đó, Đảng và Nhà nước đã thể chế hóa, cụ thể hóa nhiều chủ trương, quan điểm, giải pháp lớn về công tác cán bộ đề ra trong Chiến lược cán bộ. Thường xuyên bám sát nhiệm vụ chính trị và yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới; triển khai tương đối đồng bộ các khâu, trong đó công tác quy hoạch và luân chuyển cán bộ có những chuyển biến tích cực. Nội dung, phương pháp, cách làm có đổi mới, tiến bộ. Dân chủ, công khai trong công tác cán bộ được mở rộng. Nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đồng thời phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ được giữ vững...
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thì công tác cán bộ và đội ngũ cán bộ hiện nay vẫn còn bộc lộ một số mặt yếu kém như: Việc quán triệt, triển khai Nghị quyết chưa đồng đều; sự chỉ đạo và tổ chức thực hiện còn chậm và lúng túng. Nhiều khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ chậm được khắc phục, việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, tổ chức đảng chưa quán triệt đầy đủ và sâu sắc quan điểm công tác cán bộ là khâu then chốt trong công tác xây dựng đảng. Chính sách, môi trường làm việc của cán bộ chưa tạo động lực để khuyến khích, thu hút, phát huy năng lực, sự cống hiến của cán bộ. Nhìn chung, việc đổi mới công tác cán bộ chưa toàn diện và còn chậm so với đổi mới kinh tế - xã hội. Chất lượng đội ngũ cán bộ còn những mặt yếu như: Cơ cấu đội ngũ cán bộ vẫn mất cân đối, thiếu đồng bộ, chưa hợp lý. Thiếu cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, cán bộ đầu ngành, cán bộ có trình độ cao, có khả năng dự báo, xử lý tốt những vấn đề phức tạp nảy sinh... Việc thực hiện Chiến lược cán bộ mới tập trung nhiều vào đối tượng cán bộ lãnh đạo, quản lý, chưa chú ý đúng mức, toàn diện đến các đối tượng cán bộ khác. Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, thiếu trách nhiệm, thiếu tự giác rèn luyện, phấn đấu, thiếu tinh thần đồng chí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ diễn ra nghiêm trọng, kéo dài, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, với chế độ…     
Chính vì vậy, đòi hỏi Đảng phải thường xuyên tiến hành đổi mới công tác cán bộ, trong đó tập trung vào các khâu đánh giá, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, đây là một đòi hỏi bức xúc, mang tính khách quan. Lựa chọn cho được một đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt và năng lực quản lý, lãnh đạo thực sự phù hợp với tình hình mới. Đảng đã chỉ ra rằng: “Đánh giá cán bộ phải công khai, minh bạch, khách quan, toàn diện và công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ. Đánh giá cán bộ lãnh đạo phải căn cứ vào hiệu quả công tác, khả năng đoàn kết, quy tụ, phát huy sức mạnh của tập thể, tạo ra sự tiến bộ và kết quả cụ thể trong ngành, lĩnh vực, địa phương, đơn vị mình phụ trách; không tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Không đề bạt, bổ nhiệm những người không đủ phẩm chất và năng lực; khoan dung những người thành thật nhận và sửa chữa sai lầm, khuyết điểm. Tiếp tục cải cách chế độ tiền lương, thực hiện tốt chính sách đối với cán bộ lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, cán bộ hưu trí”[15]. Và Hội nghị trung ương 9, Khoá X tiếp tục xác định mục tiêu thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020 là:Xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất và năng lực tốt, có cơ cấu phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới”.[16]
Điều này thể hiện quyết tâm đổi mới của Đảng ta trong công tác cán bộ. Đặc biệt, trong điều kiện hiện nay khi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang hưởng ứng, đẩy mạnh Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, một sự kiện lớn trong đời sống chính trị của đất nước. Và để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đó của Đảng, đòi hỏi chúng ta phải không ngừng nghiên cứu học tập và vận dụng sáng tạo quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề cán bộ và công tác cán bộ, đây là kho tàng lý luận vô cùng quý báu đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm thời đại, đáp ứng nhiệm vụ cách mạng hiện nay./.


[1] Hồ Chí Minh. Toàn tập, t.5. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.269.
[2] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.240.
[3]  Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.223.
[4] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.252-253.
[5] Hồ Chí Minh. Sđd., t.2, tr.260.
[6] Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.56-57.
[7] Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.58.
[8] Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.313.
[9] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.520.
[10] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.274.
[11] Hồ Chí Minh. Sđd., t.4, tr.39.
[12] Hồ Chí Minh. Sđd., t.5, tr.274.
[13] Hồ Chí Minh. Sđd., t.10, tr.466-467.
[14] Hồ Chí Minh. Sđd., t.12, tr.211.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.295-296.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Khoá X, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.241.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét