Thứ Ba, 26 tháng 7, 2011

XÂY DỰNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM VỀ CHÍNH TRỊ TRÊN CƠ SỞ KẾT HỢP TRUYỀN THỐNG VÀ YÊU CẦU HIỆN TẠI


Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, chiến thắng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên những chiến công hiển hách, xây đắp nên các giá trị truyền thống tốt đẹp của một đội quân cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, trung thành vô hạn với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân. Đó là kết quả của sự phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, tổ chức của quân đội, nhờ có sự chăm lo về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân, trong đó coi trọng xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp và sức chiến đấu của quân đội là tư tưởng xuyên suốt.
Đối với Việt Nam hiện nay, âm mưu cơ bản, lâu dài của các thế lực thù địch là xoá bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xoá chế độ xã hội chủ nghĩa và buộc đất nước ta phải đi theo quĩ đạo của chủ nghĩa tư bản. Âm mưu đó trước mắt được thực hiện bằng “diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ, chuyển hoá kinh tế, văn hoá, lối sống. Chúng tìm cách “bôi đen” đội ngũ cán bộ cũng như thế hệ thanh thiếu niên của ta, biến họ thành “công cụ tự giác” cho chúng. Các thế lực thù địch mưu đồ chuyển hoá kinh tế nước ta thành kinh tế tư bản chủ nghĩa, từ đó buộc thượng tầng kiến trúc dù không muốn cũng không thể cưỡng nổi, phải chuyển hoá theo. Chúng ta cần nhìn nhận và đánh giá một cách toàn diện những biến đổi to lớn, sâu sắc, cũng như chiều hướng vận động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, làm cơ sở không chỉ cho hoạch định chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, mà còn cho việc xác định những nhiệm vụ chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ tổ quốc.
Tình hình thực tế nêu trên đòi hỏi chúng ta phải đẩy mạnh xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; không ngừng nâng cao sức chiến đấu, đáp ứng yêu cầu đánh thắng chiến tranh xâm lược, kể cả chiến tranh công nghệ cao; bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong đó, xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng. Quá trình xây dựng quân đội nhân dân về chính trị có thể rút ra một số nội dung chủ yếu sau đây:
1. Nhận thức đúng những vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng quân đội kiểu mới của giai cấp vô sản, các giá trị truyền thống dân tộc và đòi hỏi của thực tiễn cách mạng để làm tốt nhiệm vụ xây dựng quân đội về chính trị.
Cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị là chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam và nhu cầu thực tiễn đấu tranh cách mạng ở nước ta. Khi Đảng ta ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mục tiêu cách mạng Việt Nam được xác định rõ: giành độc lập dân tộc và tiến lên chủ nghĩa xã hội. Sự ra đời của quân đội ta và cuộc chiến đấu lâu dài của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội cũng vì mục tiêu đó. Đó là lợi ích và là khát vọng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. Lợi ích, khát vọng của dân tộc cũng hết sức phù hợp với xu thế của thời đại sau thắng lợi của Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại.
Chính mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự nuôi dưỡng, đùm bọc của nhân dân là các nhân tố trực tiếp quyết định nội dung xây dựng quân đội ta về chính trị. Trong suốt chiều dài lịch sử, quân đội ta đã đúc rút được những kinh nghiệm quý báu, mang tính quy luật trong xây dựng quân đội về chính trị và các giá trị của nó vẫn có ý nghĩa hiện nay.
Trước hết, nước ta là nước nông nghiệp kém phát triển, nhân dân vừa phải chịu sự thống trị của phong kiến, vừa chịu sự nô dịch của thực dân cũ và thực dân mới, nên phải chăm lo nâng cao nhận thức chính trị, xây dựng bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của Đảng cho cán bộ, chiến sĩ quân đội.
Từ khi thành lập đến nay, quân đội ta thường xuyên lấy chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng làm nền tảng tư tưởng - tinh thần quân đội, là cơ sở lý luận - tư tưởng để thống nhất nhận thức, hành động chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Trong từng giai đoạn, nhận thức đó có thể đạt được trình độ khác nhau, nhưng nguyên tắc thống nhất về tư tưởng thì không khi nào buông lỏng. Nhờ vậy, trong các bước ngoặt của lịch sử: lúc quân đội ta mới thành lập; sự thử thách trong kháng chiến chống thực dân Pháp; cuộc đụng đầu lịch sử giữa Việt Nam và đế quốc Mỹ; trước sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội và sự thoái trào của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế…, cán bộ, chiến sĩ quân đội một lòng, một dạ trung thành với chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, giữ gìn trọn vẹn chữ trung với nước, hiếu với dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"[1].
Thứ hai, củng cố, tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, mà trực tiếp là Đảng ủy Quân sự Trung ương đối với quân đội và thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng, hiệu quả xây dựng quân đội về chính trị.
Sự lãnh đạo của Đảng quyết định định hướng cơ bản nhất để xây dựng  quân đội về mọi mặt, trong đó lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở. Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố cơ bản hàng đầu để cán bộ, chiến sĩ quân đội giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc, bản chất cách mạng của Đảng. Chính sự đúng đắn của đường lối, nghị quyết cùng với tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã tạo ra một phong trào tu dưỡng, rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, phát triển phong trào thi đua trong chiến đấu, trong xây dựng. Từ lịch sử cũng như lôgíc hiện tại, có thể khẳng định rằng: sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam là vấn đề cốt lõi trong xây dựng quân đội về chính trị. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Chính ủy và đoàn trưởng phải phục tùng sự lãnh đạo của cấp ủy, chính ủy phải chịu trách nhiệm trước cấp ủy về công tác đảng, công tác chính trị; đoàn trưởng chịu trách nhiệm trước cấp ủy về công tác quân sự, hai bên phải phối hợp mật thiết với nhau"[2].
Thứ ba, qua 66 năm xây dựng và chiến đấu, quân đội đã thường xuyên coi trọng việc nâng cao vai trò đội ngũ cán bộ chính trị, cơ quan chính trị và chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong lực lượng vũ trang.
Chỉ có nâng cao vai trò trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chính trị, cơ quan chính trị, thường xuyên củng cố và tăng cường hiệu lực công tác đảng, công tác chính trị trong quân đội thì tinh thần - tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ mới được nâng cao, mới có mạch sống lâu dài và bền vững. V.I. Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ rõ: ở đâu có chính trị viên tốt thì ở đó không có bộ đội xấu; ở đâu làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, chỉ rõ mục tiêu lý tưởng chiến đấu và không ngừng xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ thì ở đó chiến đấu thắng lợi. Vì như V.I.Lênin đã viết: "Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường, lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của anh em, là yếu tố nâng cao tinh thần của binh sĩ và làm cho họ chịu đựng những khó khăn chưa từng thấy"[3].
Thứ tư, thường xuyên nâng cao vai trò của đội ngũ cán bộ, kết hợp chặt chẽ với việc không ngừng mở rộng dân chủ nhằm tạo nên sức mạnh tổng hợp giữa lãnh đạo, chỉ huy và phong trào quần chúng trong các đơn vị.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, giáo dục, rèn luyện quân đội đã hết sức quan tâm đến xây dựng đội ngũ cán bộ và coi đó là vấn đề cốt lõi trong xây dựng quân đội nói chung, xây dựng quân đội về chính trị nói riêng. Người dạy: "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”[4], “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “Có cán bộ tốt thì việc gì cũng xong”. Thực hiện di huấn của Người, Đảng, Nhà nước, quân đội đã thường xuyên quan tâm đến đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ dựa trên đạo đức và tài năng. Nhờ vậy, qua các thời kỳ, trong các nhiệm vụ, quân đội ta luôn luôn có đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài làm đầu tầu trong chiến đấu, công tác và sản xuất.
Đồng thời, quân đội ta cũng đã phát huy cao nhất vai trò của quần chúng, hạ sĩ quan, binh sĩ, viên chức quốc phòng và các tổ chức quần chúng trong thực hiện mọi nhiệm vụ của quân đội thông qua thực hiện chế độ dân chủ về quân sự, chính trị, kinh tế, văn hoá - tinh thần. Thường xuyên động viên, khích lệ đông đảo quần chúng đóng góp sức lực, trí tuệ vào thực hiện thắng lợi nghị quyết của cấp ủy đảng, kế hoạch của người chỉ huy. Nhờ có phong trào đó, mà trong chiến đấu đã có nhiều cách đánh hay, nhiều tập thể, cá nhân lập được chiến công xuất sắc, trong công tác, lao động sản xuất đạt được hiệu quả cao.
Thứ năm, thường xuyên coi trọng xây dựng mối quan hệ máu thịt với nhân dân, tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội địa phương trong xây dựng quân đội, xây dựng đơn vị về chính trị.
Lịch sử hơn 60 năm của quân đội đã kiểm nghiệm sự tác động nhân - quả giữa quân đội và nhân dân nói chung, từng đơn vị quân đội và từng địa phương nói riêng. Đó thực sự là một nhân tố quan trọng bảo đảm cho quân đội ta hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
2. Phát triển kinh nghiệm truyền thống để xây dựng quân đội về chính trị trong thời kỳ mới.
Xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị là một quá trình liên tục. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ đó chúng ta phải vừa kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống; vừa phải nhận thức đúng đắn các yêu cầu mới, các vấn đề then chốt trong xây dựng quân đội về chính trị.
Trước hết, phải nhận thức những biến đổi sâu sắc của tình hình thế giới, sự phát triển phức tạp của thời cơ, thách thức đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sau khi Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chủ nghĩa xã hội lâm vào thoái trào, chủ nghĩa Mác-Lênin, chủ nghĩa xã hội hiện thực bị tấn công từ nhiều hướng. Đó là một thử thách lớn đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội nhân dân về chính trị, nhất là về công tác tư tưởng, công tác tổ chức. Mặt khác, trên thế giới đang diễn ra cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại; sự xuất hiện kinh tế tri thức cùng với vai trò ngày càng tăng của nó; sự gia tăng của toàn cầu hoá... Tất cả các nhân tố đó vừa tạo ra những thuận lợi, vừa đặt ra những thách thức không chỉ đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, mà còn đối với nhiệm vụ xây dựng quân đội về chính trị.
ở nước ta, sau hơn 20 năm đổi mới, dân tộc ta đã có thế mới, lực mới để tiếp tục tiến lên, song vẫn còn không ít những vấn đề bức xúc như: mặt trái của kinh tế thị trường đang tác động sâu sắc đến lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hoá, đạo đức; tệ quan liêu, tham nhũng, thoái hoá về chính trị, đạo đức của một bộ phận cán bộ, đảng viên; các thế lực thù địch đang tìm mọi cách để phủ định chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng, chống lại sự phát triển đất nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, đòi "phi chính trị hoá" quân đội… Tất cả các vấn đề đó đều tác động trực tiếp, thường xuyên đến quá trình xây dựng quân đội về chính trị.
Thứ hai, cần có giải pháp đồng bộ, sát thực để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội nói chung và tổ chức đảng ở các cấp.
Triển khai toàn diện các yêu cầu về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng trong quân đội nhằm tạo ra phong trào cách mạng sâu rộng, thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao. Vì chỉ có nghị quyết lãnh đạo đúng đắn của các cấp ủy, vai trò tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên thì nhiệm vụ xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, xây dựng quân đội về chính trị mới có hiệu quả. Cần hết sức coi trọng việc đấu tranh chống sự thoái hoá về chính trị, suy thoái về đạo đức và các tiêu cực khác ở một số cán bộ, đảng viên trong quân đội nhằm làm cho bộ máy cấp ủy, chỉ huy và cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh. Xây dựng cho từng cấp ủy, chi bộ có tính chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh chống lại mọi sự vi phạm nguyên tắc của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh kỷ luật quân đội và mọi sự suy thoái khác của cán bộ, đảng viên. Cần phát động một phong trào rộng rãi trong quần chúng tham gia xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện.
Thứ ba, tập trung mọi cố gắng nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu lý luận xây dựng quân đội về chính trị trong thời kỳ mới; thực hiện có hiệu quả  công tác giáo dục chính trị - tư tưởng; đấu tranh không khoan nhượng với các quan điểm tư tưởng thù địch, sai trái về chính trị - tư tưởng, đặc biệt là luận điểm đòi "phi chính trị hoá" quân đội.
Thực tế lịch sử đang minh chứng rằng: chưa bao giờ cuộc đấu tranh giữa hai hệ tư tưởng diễn ra quyết liệt như hiện nay và tất nhiên sự tác động của mặt đối lập đến cán bộ, đảng viên, chiến sĩ quân đội là điều khó tránh khỏi. Do vậy, về mặt lý luận, tư tưởng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng quân đội về chính trị, trước hết chúng ta phải bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng luôn luôn là kim chỉ nam cho mọi suy nghĩ và hành động của toàn quân. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải xem lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân là lẽ sống của mình; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện bản chất giai cấp công nhân, bản chất cách mạng của Đảng, nuôi dưỡng giữ gìn và phát triển các giá trị văn hoá, đạo đức của dân tộc. Để đạt được điều đó, chúng ta phải làm nhiều việc, nhưng trước hết phải thật sự đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục chính trị - tư tưởng, giáo dục đạo đức - văn hoá trong quân đội. Khi lịch sử đã có những chuyển biến sâu sắc, đối tượng giáo dục đã phát triển nhiều mặt, nếu chúng ta không có tư duy mới về nội dung và phương pháp thì chất lượng, hiệu quả giáo dục khó có thể đạt được như mong muốn.
Thứ tư, để góp phần thiết thực vào xây dựng quân đội về chính trị cần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ nhà giáo quân đội, thông qua việc nâng cao chất lượng đào tạo tại các học viện, nhà trường quân đội và tự học tập vươn lên của từng cán bộ.
Các định hướng, nội dung, giải pháp xây dựng quân đội về chính trị đều do phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ quyết định. Sự nghiệp xây dựng quân đội nói chung và xây dựng quân đội về chính trị nói riêng đòi hỏi rất cao về bản lĩnh chính trị, năng lực sáng tạo, người cán bộ quân đội vừa phải có nguyên tắc tính đảng cao, vừa phải có tư duy năng động, sáng tạo trong xây dựng đơn vị, trong xây dựng quân đội. Do vậy, việc đào tạo tại trường, học tập tại chức và tự học tập của cán bộ phải bám sát yêu cầu xây dựng quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ và từng bước hiện đại.
Thứ năm, kết hợp chặt chẽ việc xây dựng quân đội về chính trị với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm môi trường hoà bình, ổn định để phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và mở rộng hợp tác quốc tế và khu vực.
Kết hợp chặt chẽ kinh tế - xã hội với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế theo phương châm phát triển kinh tế - xã hội là nền tảng để bảo vệ Tổ quốc; ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh vững mạnh là điều kiện để phát triển kinh tế - xã hội là định hướng cơ bản của Đảng cho nhiệm vụ xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng quân đội nhân dân nói chung và xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị nói riêng.
Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là cơ sở bảo đảm cho quân đội có sức mạnh chiến đấu cao, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, là nguyên tắc cao nhất trong xây dựng quân đội cách mạng. Đó cũng là kinh nghiệm lịch sử, một giá trị truyền thống của Đảng, quân đội cần được vận dụng và phát triển trong điều kiện lịch sử mới.


[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.350.
[2] Tổng cục Chính trị, Tổ chức sự lãnh đạo của Đảng trong Quân đội nhân dân Việt Nam, tập 1, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1974, tr.178.
[3] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1977, tr.147.
[4] Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.269.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét