Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2011

VAI TRÒ CỦA QUÂN ĐỘI TRONG XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ NHÀ NƯỚC PHÁP QUYỀN XHCN VIỆT NAM

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam chính là xây dựng một nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, tất cả các cơ quan Nhà nước, các tổ chức, kể cả tổ chức Đảng đều phải hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật, chịu trách nhiệm trước nhân dân về các hoạt động của mình. Và mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành Hiến pháp, pháp luật, phải sống và làm việc theo pháp luật... Để xây dựng một nhà nước như thế là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị-xã hội và toàn thể nhân dân, trong đó Quân đội là một lực lượng đóng vai trò quan trọng trong xây dựng và bảo vệ Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Điều đó được khẳng định ở các nội dung sau:
Thứ nhất, Quân đội luôn nhận thức rõ trách nhiệm của mình với việc xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là của dân, do dân, vì dân, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH.
Bất cứ quân đội nào cũng đều phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhà nước đã tổ chức ra và nuôi dưỡng nó. Đối với quân đội ta, chiến đấu để giải phóng dân tộc, chống xâm lược, giành độc lập tự do cho Tổ quốc, hoà bình và hạnh phúc cho nhân dân; bảo vệ chế độ, bảo vệ Đảng, Nhà nước của dân, do dân, vì dân… là những nội dung cụ thể thể hiện chức năng chiến đấu. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: "Đội quân cách mạng thực hiện nhiệm vụ đánh đổ đế quốc, làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập"[1], "bảo vệ đồng bào, giữ gìn Tổ quốc", "sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội"[2]. Tuy nhiên, Quân đội không phải là lực lượng trực tiếp, quyết định xây dựng Nhà nước, mà chỉ là lực lượng tham gia. Điều đó nói lên phạm vi, mức độ có giới hạn và tính chất của việc quân đội xây dựng Nhà nước. Tham gia xây dựng Nhà nước là phải theo chức năng, nhiệm vụ của quân đội, chứ tuyệt nhiên không phải là theo tư tưởng "súng đẻ ra chính quyền".
Ngoài ra, Quân đội còn tham gia xây dựng Nhà nước, đó là việc tham gia giữ vững môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quan hệ đối ngoại; tham gia tích cực vào xây dựng địa bàn, xây dựng cơ sở chính trị - xã hội, xây dựng "thế trận lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc; góp phần giải quyết những vụ việc phức tạp nảy sinh, đấu tranh chống tham nhũng; tham gia vận động quần chúng thực hiện tốt dân chủ, xoá đói giảm nghèo, thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của Nhà nước, của chính quyền địa phương, xây dựng hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở trên phạm vi cả nước cũng như trên từng địa bàn… Thực hiện các nhiệm vụ đó là quân đội góp phần hiện thực hoá chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên tất cả các lĩnh vực trong cuộc sống; góp phần nâng cao hiệu lực tổ chức xây dựng và quản lý của Nhà nước; góp phần làm cho Nhà nước trong sạch, vững mạnh. Đương nhiên, trong từng nhiệm vụ cụ thể đó, vai trò của quân đội không như nhau; trong xây dựng, củng cố quốc phòng, quân đội là lực lượng nòng cốt.
Hai là, Quân đội luôn tích cực tham gia đấu tranh trên mặt trận chính trị-xã hội.
Trước yêu cầu ngày càng cao của việc phát triển kinh tế, thực hiện CNH, HĐH, xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh. Với ý nghĩa đó, Quân đội phải cùng với Đảng, Nhà nước và nhân dân, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của địch, thực hiện thắng lợi mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không được lơ là, mất cảnh giác trước sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch và buông lỏng trận địa quốc phòng-an ninh. Bằng bất cứ giá nào, quân đội cũng phải bảo vệ được Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, công tác vận động quần chúng phải làm cho mọi người hiểu quân đội ta là quân đội của nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, phục vụ. Bởi chính sự chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi của nhân dân là điều kiện quan trọng để quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Không dừng lại ở đó, Quân đội còn phải giúp nhân dân làm tốt hơn nữa việc phát hiện và đấu tranh, loại trừ "giặc nội xâm", đó là các tệ nạn xã hội, nhất là nạn tham nhũng, buôn lậu, làm trong sạch bộ máy nhà nước, ổn định đời sống kinh tế, chính trị, kỷ cương, trật tự, an toàn xã hội. Trong các công việc nêu trên, Quân đội phải là lực lượng xung kích đi đầu thực hiện nghiêm pháp luật của Nhà nước, cùng Nhà nước tổ chức, triển khai, phổ biến pháp luật sâu rộng trong quần chúng nhân dân, giúp nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Có như vậy, sức mạnh của Nhà nước mới được củng cố và phát triển.
Ba là, Quân đội tích cực tham gia xây dựng kinh tế, lao động sản xuất, nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ tài sản và tính mạng cho nhà nước và nhân dân.
Tham gia lao động sản xuất, làm kinh tế, cứu hộ, cứu nạn là môt tất yếu khách quan, một nhiệm vụ chính trị mang tính chiến lược lâu dài, được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho Quân đội nhằm củng cố quốc phòng-an ninh, nâng cao sức mạnh và khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc góp phần cải thiện và nâng cao đời sống bộ đội, giải quyết các vấn đề xã hội, giảm một phần ngân sách quốc phòng của Nhà nước để Nhà nước có thêm nguồn vốn đầu tư và tăng thêm năng lực sản xuất cho nền kinh tế quốc dân.
Trong những năm qua, Quân đội đã chủ động, tích cực trong nghiên cứu khoa học, chế tạo, sản xuất, sửa chữa, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực quốc phòng, tham gia phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các ngành công nghiệp, hậu cần, kỹ thuật, dịch vụ của quân đội cũng từng bước được đổi mới và phát triển. Quân đội đã sản xuất được nhiều vũ khí, trang bị kỹ thuật, đồ dùng thiết yếu phục vụ cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của mình; sản xuất nhiều mặt hàng dân dụng phục vụ đời sống xã hội.
Thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo với phương thức chủ yếu là xây dựng khu kinh tế mới, các khu kinh tế kết hợp với quốc phòng dọc biên giới; xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ địa cách mạng, trước hết là các xã, các huyện biên giới, hải đảo, làm nòng cốt cùng toàn dân bảo vệ biên giới và khẳng định chủ quyền của Nhà nước ta; tham gia cứu hộ, cứu nạn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách còn nhiều khó khăn; tham gia chương trình trồng rừng, bảo vệ rừng, làm đường giao thông, xây dựng trạm xá, trường học, xoá mù chữ, tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, xây dựng củng cố chính quyền cơ sở, củng cố quốc phòng, an ninh ở các địa bàn xung yếu... Đây là những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp nhưng có ý nghĩa, tác dụng rất lớn đối với việc xây dựng và củng cố tiềm lực kinh tế-quốc phòng của Nhà nước.
Bốn là, tham gia tích cực vào quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các bộ luật và Pháp lệnh bảo vệ Tổ quốc.
Trong nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp là nhiệm vụ rất quan trọng. Chính vì thế, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, chất lượng cao, là nhiệm vụ quan trọng nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động tư pháp. Trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, những năm qua, chúng ta đã ban hành được nhiều luật, pháp lệnh như: Luật Quốc phòng, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh dân quân tự vệ, các văn bản chỉ đạo giáo dục quốc phòng và công tác quốc phòng ở các bộ, ngành, địa phương... nhờ đó góp phần ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước đối với lĩnh vực quốc phòng, quân sự. Đặc biệt, trong điều kiện nước ta khi đang hình thành đồng bộ và hoàn thiện các loại thị trường, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và tăng cường quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, giữ vững môi trường hòa bình và ổn định, tạo thuận lợi cho công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc... việc tiếp tục xây dựng hệ thống pháp luật về quốc phòng một cách đồng bộ, chất lượng cao, vừa góp phần xây dựng và bảo vệ Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vừa nâng cao sức mạnh tổng hợp của quân đội ta.
Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, vấn đề triển khai, phổ biến, nâng cao trình độ nhận thức pháp luật có ý nghĩa thiết thực trong toàn quân toàn dân, toàn xã hội. Do đó, quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ. Đây là một nội dung quan trọng của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm từng bước tạo chuyển biến căn bản về ý thức tôn trọng pháp luật và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật của cán bộ, chiến sĩ; mỗi cán bộ, chiến sĩ phải xác định việc tìm hiểu, học tập pháp luật là nhiệm vụ thường xuyên, là một trong những tiêu chuẩn đánh giá cán bộ, đảng viên; quán triệt và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch thực hiện các luật, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự; cấp ủy, chỉ huy các cấp tăng cường công tác kiểm tra, tiến hành tổng kết việc thực hiện các chương trình phổ biến giáo dục pháp luật trong đơn vị đưa công tác này ngày càng thiết thực, năng động và hiệu quả.
Năm là, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính theo yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền.
Cải cách hành chính trong lĩnh vực quốc phòng nói chung và trong Quân đội nói riêng là một bộ phận của cải cách hành chính Nhà nước, nhằm hướng đến xây dựng một nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh; trong đó quyền lực và hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng được tăng cường; nền quốc phòng toàn dân vững mạnh với lực lượng hùng hậu, thế trận vững chắc; tổ chức, biên chế quân đội với số lượng hợp lý, chất lượng tổng hợp cao, lấy xây dựng chính trị làm cơ sở. Do đó, Quân đội phải trở thành lực lượng nòng cốt trong việc đề xuất và thực hiện tốt các nội dung quản lý nhà nước về quốc phòng như: xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, phòng thủ đất nước, động viên quốc phòng; ban hành và thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng; tổ chức, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; thi hành lệnh, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các biện pháp cần thiết để bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quốc phòng; thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo; hợp tác quốc tế về quốc phòng...
Tăng cường quản lý nhà nước về quốc phòng phải xuất phát từ Luật Quốc phòng cùng với sự vận động của thực tiễn quốc phòng, quân sự. Các nội dung quản lý nhà nước về lĩnh vực này sẽ hợp thành động lực mạnh mẽ trong xây dựng lực lượng, thế trận của nền quốc phòng toàn dân, tăng cường sức mạnh quân sự bảo vệ Tổ quốc. Kết quả công tác quản lý nhà nước về quốc phòng phải vừa khẳng định, vừa tăng cường quyền lực của Nhà nước. Do vậy, Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chủ trì thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác quốc phòng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; căn cứ vào nghị quyết của Chính phủ, Bộ Quốc phòng xây dựng kế hoạch về công tác quốc phòng và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện; chủ động đề xuất các nội dung, yêu cầu về công tác quốc phòng, kinh tế kết hợp với quốc phòng và các hoạt động văn hóa-xã hội khác trong xây dựng các quy hoạch, kế hoạch chiến lược khi các bộ, ngành yêu cầu; tích cực đổi mới theo hướng hiệu quả hơn trong xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nghị định và các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh về quốc phòng. Hệ thống văn bản các cấp cần được ban hành đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện; thực hiện giáo dục quốc phòng, tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về quốc phòng. Tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện hệ thống chương trình, giáo dục, tài liệu giáo dục quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng cần đầy đủ, đồng bộ, chất lượng tốt, phù hợp với từng đối tượng, trên cơ sở phát huy tính chủ động, năng lực chủ trì và phối hợp với các bộ ngành liên quan của Bộ Quốc phòng trong quá trình biên soạn và ban hành thực hiện. Mặt khác, nâng cao chất lượng công tác hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện công tác quốc phòng ở bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và địa phương... góp phần tích cực nâng cao chất lượng hiệu quả quản lý nhà nước về quốc phòng.
 Cùng với đó, cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong Quân đội có số lượng và cơ cấu phù hợp, có năng lực và trình độ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được phân công. Mặt khác, thường xuyên đổi mới công tác quản lý cán bộ, xác định cơ cấu cán bộ gắn với chức năng, nhiệm vụ; chuẩn hóa quy trình xem xét, đánh giá, quy hoạch cán bộ các cấp, tiêu chuẩn quy định về bậc quân hàm, nhóm chức vụ, hệ thống chức danh, chức vụ cán bộ. Phát huy tốt tính tích cực, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường; ra sức xây dựng nền khoa học kỹ thuật, khoa học xã hội nhân văn quân sự; đẩy mạnh công tác xây dựng nền công nghiệp quốc phòng, góp phần xây dựng, củng cố và phát triển tiềm lực quân sự của nhà nước, từng bước hiện đại hóa quan đội là một yêu cầu khách quan, một nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa cơ bản lâu dài của Đảng, Nhà nước và Quân đội ta.


[1] Sự nghiệp và tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1989, tr.115.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.350.

1 nhận xét: